Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nhà báo X.Aphônin:

Các nhà báo TTXVN chiến đấu chống kẻ thù bằng vũ khí riêng là tin tức


(04/11/2010 10:41:00)

Nhân dịp 65 năm thành lập TTXVN, cựu phóng viên thường trú hãng thông tấn Liên Xô TASS tại Việt Nam, nhà báo, nhà Việt Nam học Xécgây Aphônin đã có cuộc trò chuyện với các phóng viên TTXVN thường trú tại Mátxcơva, kể về chính TTXVN.

Ông bắt đầu câu chuyện từ lịch sử và văn hóa Việt Nam, từ vị tướng nổi danh thế kỷ 11 Lý Thường Kiệt mà tên của vị tướng được đặt cho một con phố mà ông nói "rất xanh, sạch, đẹp" ở Hà Nội, đặc biệt, trên con phố đó, có tòa nhà số 5, là trụ sở của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).

Vợ chồng nhà báo Aphonin thăm gia đình PV TTXVN thường trú tại Mát-xcơ-va

Nói về lịch sử hình thành và phát triển của TTXVN, ông Aphônin kể rành rọt:

Ngày 2/9/1945 hoàn toàn chấm dứt thời kỳ thực dân ở Việt Nam. Bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc, sau đó đã được cả thế giới biết đến. Nhiệm vụ công bố về Bản tuyên ngôn được giao cho Nha thông tin - Bộ tuyên truyền vừa được thành lập. Nha thông tin chính là tiền thân của Việt Nam Thông tấn xã.

Ngày 15/9/1945, nhân viên điện đài Vũ Đình Tạ đang trực bên chiếc máy điện tín. Ông thao tác và truyền đi những tín hiệu mã Moóc chứa nội dung bản tuyên ngôn. Những tín hiệu đã mang đến cho thế giới một tin tốt lành về việc có thêm một đất nước được tự do, nhân dân đã vứt bỏ xiềng xích thực dân. Tin tức đó giúp cho bạn bè cũng như kẻ thù biết rằng nhân dân Việt Nam sẽ chiến đấu để bảo vệ quyền tự do đó. Ngày 15/9 - ngày phát sóng đầu tiên - được coi là ngày thành lập TTXVN.

Năm 1947, thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội với xe tăng, pháo binh và súng máy. Những chiến sỹ bảo vệ Hà Nội vẫn bám trụ trong thành phố, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rút vào rừng để tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh. Cán bộ, nhân viên Nha thông tin - Bộ tuyên truyền cũng rút đi, nhưng công việc của họ thì không bị gián đoạn dù chỉ một ngày.

Trong một ngôi chùa cổ ở Hà Đông, có hai người đang trực bên chiếc đài thu thanh là nhân viên điện đài Lê Bá Tâm và đồng chí Trần Kim Xuyến - Phó giám đốc Nha thông tin. Họ đang đảm bảo việc liên lạc với thế giới và thu nhận những thông tin cần thiết. Những cuộc không kích của Pháp bắt đầu, tiếng bom rơi đạn nổ gây khó khăn cho việc nghe và bắt tín hiệu. Tuy nhiên, cả hai người không chịu rời vị trí. Chỉ đến khi công việc đã hoàn tất, đồng chí Tâm và Xuyến mới quyết định rời khỏi khu vực nguy hiểm, không quên mang theo tài sản vô giá là chiếc đài thu thanh. Đạn pháo dồn dập về phía hầm trú ẩn. Đồng chí Trần Kim Xuyến đã hy sinh dưới làn đạn lửa, là sự hy sinh đầu tiên trong vô vàn sự hy sinh khác của cán bộ, nhân viên TTXVN.

 

Trong cuốn nhật ký của tôi vẫn còn lưu giữ những dòng kỷ niệm của năm 1970, khi tôi được gặp đồng chí Đào Tùng - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN. Đồng chí nói: "... Trong cuộc chiến đấu trên mặt trận thông tin, chúng tôi nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình của các đồng nghiệp TASS và các phương tiện thông tin đại chúng Liên Xô cũng như các đồng nghiệp của các nước anh em khác. Về phần mình, chúng tôi giúp đỡ và hợp tác với hãng tin còn non trẻ của Đông Dương là TTX Giải phóng, hãng thông tấn Khaosan Pathet (Lào) và hãng thông tấn Khmer. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo về những chiến thắng to lớn và quan trọng của nhân dân Việt Nam".

 

Trong suốt những năm kháng chiến, chiếc đài thu thanh được giữ gìn như con ngươi của mắt vậy. Chiếc đài như là một mắt xích gắn kết những người yêu nước với thế giới bên ngoài.

Đồng chí Lê Bá Tâm bỏ ra nhiều thời gian để dò bắt đài Mátxcơva. Và một lần, Tâm nghe được những tín hiệu lẹt xẹt rất yếu. Đúng là Mátxcơva rồi! TASS đã phát đi bằng tiếng Pháp bản tin nói về tình đoàn kết của cộng đồng quốc tế với nhân dân Việt Nam. Năm 1956, đoàn các nhà báo Việt Nam đến Mátxcơva đã tặng lại cho các nhà báo TASS chiếc đài cũ kỹ đó như một kỷ vật.

Trong thời gian Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, VNTTX được tổ chức lại bởi điều kiện chiến tranh đòi hỏi phải xây dựng các hầm trú ẩn cho người và các hầm dành riêng cho máy móc, thiết bị truyền phát tin. Trong trường hợp xảy trục trặc, đã có sẵn một chiếc ô tô cùng với hệ thống điện đài trên xe, đảm bảo "tiếng nói" của VNTTX không bị "yên lặng" dù chỉ một phút.

Hàng nghìn thông tin, hình ảnh do các phóng viên của VNTTX thực hiện trong những năm tháng chiến tranh đã xuất hiện trên các ấn phẩm quốc tế. VNTTX đã góp phần to lớn vào việc vạch trần những hành động dã man, tàn bạo của bọn xâm lược; cho thế giới thấy được lòng dũng cảm của những người bảo vệ đất nước, tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Thông tin của VNTTX chính xác, chặt chẽ và mỗi thông tin như một viên đạn bắn vào kẻ thù. Những tin tức đó góp phần gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức. Lòng dũng cảm của Việt Nam cùng với phong trào ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam ngày càng lớn mạnh trên toàn cầu đã buộc đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán tại Paris.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đứng vững, còn Mỹ chấp nhận thất bại. Cùng với giới công nông binh, các nhà báo TTXVN đã chiến đấu chống kẻ thù bằng vũ khí của riêng mình là tin tức.

Ngày 30/4/1975, nhân dân Việt Nam đã giành được chiến thắng quan trọng nhất, khi chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam khỏi chế độ bù nhìn thân Mỹ kết thúc thắng lợi. Một trong số những người đầu tiên đưa tin, ảnh về chiến thắng lịch sử này là phóng viên trẻ Trần Mai Hưởng, hiện nay là Tổng Giám đốc TTXVN.

Trong quá trình tác nghiệp, TTXVN đã chịu những mất mát to lớn, hơn 260 cán bộ, phóng viên hy sinh và rất nhiều người khác bị thương.

TTXVN ngày nay đã lớn mạnh, trưởng thành với đội ngũ cán bộ trẻ, có chuyên môn, tuyệt đối trung thành với sứ mệnh của mình. Thông tin của TTXVN phản ánh về mọi mặt đời sống đất nước, về những thành công của chính sách đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành, về chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình của Việt Nam và về các vấn đề quốc tế.

Về quan hệ hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và TASS, nhà báo Aphônin cho biết, hai cơ quan đã thiết lập mối quan hệ hợp tác tốt đẹp kể từ khi Hiệp định hợp tác đầu tiên được ký vào ngày 13/10/1958. Hai bên thỏa thuận trao đổi thông tin miễn phí trên cơ sở công bằng, hỗ trợ nhau với quyền sử dụng thông tin để in ấn và phát sóng. Các hiệp định tiếp theo nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác anh em giữa TASS và TTXVN, cùng hướng đến tương lai lâu dài.

Ngày 27/10/2008, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, ITAR-TASS và TTXVN đã ký Hiệp định hợp tác mới. Tổng Giám đốc ITAR-TASS Vitaly Ignatenko cho biết hai bên cùng lạc quan nhìn về tương lai với nền tảng bền vững là quan hệ đã được thử thách qua thời gian. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev coi Hiệp định hợp tác mới là một bước tiến và tin tưởng hai nước Nga - Việt sẽ nhận được nhiều thông tin về nhau hơn và từ các nguồn tin có chất lượng. Trưởng Phân xã TTXVN tại Mátxcơva Nguyễn Đình Lanh cho biết thông tin của ITAR-TASS là một nguồn khách quan về các sự kiện diễn ra tại Nga và trên thế giới.

Nhà báo Aphônin thường xuyên liên lạc với các phóng viên phân xã TTXVN tại Mátxcơva, cảm nhận được sự cởi mở và hiếu khách của họ trong những lần đến thăm gia đình nhau vào những ngày lễ tết của Việt Nam và Nga. 

Hồng Quân (PV TTXVN tại Mátxcơva)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2010