Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Thiết kế - trình bày báo và quy trình xử lý thông tin


(12/01/2011 10:36:39)

Việc áp dụng một hệ thống quy chuẩn trong quá trình thực hiện tờ báo là điều quan trọng và mang ý nghĩa cốt lõi. Một tòa soạn được tổ chức tốt, có sự phối hợp ăn ý giữa các bộ phận, giữa các mắt xích trong dây chuyền sản xuất chắc chắn sẽ cho ra đời một sản phẩm chất lượng, ổn định với ít công sức và thời gian nhất.

            Với vai trò là một công cụ kỹ thuật của quy trình xử lý thông tin, việc thiết kế bộ quy chuẩn và thực hiện trình bày báo không chỉ và không thể là "việc riêng" của bộ phận trình bày báo. Để có được sản phẩm - tờ báo hoàn chỉnh, toàn bộ tòa soạn phải tham gia vào quy trình xử lý thông tin.

            Ngay từ khi tòa soạn tổ chức họp để bắt đầu triển khai từ khâu chuẩn bị nội dung, đến việc thực hiện các chủ đề, từng phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn và cả kỹ thuật viên trình bày đã phải biết trước bài nào chính, bài nào phụ, vị trí dự kiến của mỗi bài trong mỗi trang, độ dài, thể loại dự định sẽ triển khai, ý tưởng chủ đạo của hình minh họa. Những chi tiết thuần túy kỹ thuật kể trên được cụ thể hóa trong một sơ đồ bao gồm tất cả các trang dự kiến của tờ báo cùng tiến độ thực hiện. Sơ đồ này thường xuyên được cập nhật trong quá trình làm báo bằng cách dán trên bảng thông báo tại tòa soạn hoặc gửi cho các thành viên của tòa soạn theo mạng nội bộ.

            Việc tham gia vào cuộc họp triển khai nội dung giúp bộ phận kỹ thuật trình bày chủ động trong quá trình làm việc, đồng thời sớm đưa ra những ý đồ, yêu cầu về hình minh họa trước khi phóng viên đi thu thập thông tin. Trong trường hợp chủ đề được chọn cần những hình ảnh minh họa đặc biệt hoặc thông tin đồ họa bổ xung, việc lên kế hoạch sớm, chứ không chờ đến lúc lên trang mới "nghĩ ra" yêu cầu, sẽ giúp cho bộ phận kỹ thuật trình bày có đủ thời gian hoàn thành tốt công việc.

            Ngược lại, nếu hiểu rõ các quy định về trình bày báo và quy trình xử lý thông tin của tờ báo, kể từ lúc lựa chọn một chủ đề đến khi hoàn thiện trang báo, những người làm nội dung trong tòa soạn cũng sẽ làm việc một cách chuyên nghiệp hơn, với tư cách là những mắt xích đầu tiên trong dây chuyền sản xuất thông tin. Phóng viên sẽ biết phải định lượng thông tin ở mức hợp lý khi biết chủ đề của mình sẽ trở thành bài "đinh" hay chỉ là một tin sâu trong số báo ra vào sáng hôm sau, đồng thời cũng có ý thức hơn trong việc chụp ảnh tại hiện trường (ảnh chân dung, cận cảnh hay toàn cảnh, ảnh ngang hay ảnh dọc tùy theo vị trí của bài và tương quan với các bài khác trong trang báo). Biên tập viên và người phụ trách ban biên tập, người chịu trách nhiệm về số báo, sẽ làm việc hiệu quả hơn khi đã có hình dung chi tiết về "quy hoạch" của mỗi trang báo và cả tờ báo (độ dài và thể loại của mỗi tin bài, minh họa kèm theo, các phương án dự phòng).

            Đối với công đoạn hoàn thiện trang báo, khi tòa soạn đã nhận đủ thông tin (bài và hình ảnh minh họa), công việc của các bộ phận "nội dung" và "trình bày" vẫn không thể tách rời. Biên tập viên và kỹ thuật viên trình bày cũng lựa chọn những thông tin quan trọng và đắt nhất để tạo ra những cấp độ thông tin đầu tiên, tạo ra "giá trị gia tăng" cho thông tin trên trang báo. Biên tập viên tiếp tục việc biên tập kỹ thuật, hoàn thiện các "cửa vào thông tin" (tít, tít phụ, tít xen, sapô, trích dẫn, chú thích ảnh, box), cắt hoặc bổ xung thông tin cho bài báo "lọt" vừa vặn vào trang. Trong khi đó, kỹ thuật viên trình bày sử dụng các công cụ và tình huống đã được quy định trong định dạng mẫu để chăm chút từng milimét vuông trong trang báo.

(Theo tài liệu “Thực hành, Thiết kế và trình bày báo” của HNBVN)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2010