Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Góc độ xử lý thông tin


(12/01/2011 10:31:19)

Góc độ của bài báo, trong đó thể hiện thông điệp chính, là cái mà người ta hay gọi là Chủ đề (trong điện ảnh) hay Đề tài (bài báo). Góc độ là cách ta nhìn và cũng là cách ta xử lý đề tài đã chọn. Tên của góc độ tự nó đã chỉ rõ rằng tổng thể bài báo phải được lái theo một hướng cụ thể và định vị.

Mặt khác, quy tắc chung của việc chọn góc độ rất đơn giản: dè chừng những cái chung chung (ví dụ nền nông nghiệp Việt Nam, đây là một đề tài bao la bát ngát) và co hẹp tầm ngắm để có thể có một góc độ vừa độc đáo hơn, vừa cập nhật hơn, thích đáng hơn, đầy đủ hơn đồng thời đúng hơn, phù hợp với công chúng hơn. Nếu làm được như vậy, ta có thêm cơ may thu hút sự chú ý của độc giả.

            Sự lựa chọn một góc độ khởi đầu trong quá trình thu thập thông tin. Ngay cả khi ta bắt đầu đặt bút viết, góc độ luôn hiển hiện, dẫn dắt giúp ta xác định thông điệp chính và sàng lọc thông tin thu được. Chính sự lựa chọn ban đầu có vai trò chủ đạo, giúp việc đi tìm và thu thập thông tin đạt độ chính xác và có ý nghĩa nhất có thể.

            Khi lựa chọn góc độ xử lý thông tin, phóng viên phải đặt những câu hỏi như sau: Cái gì sẽ làm cho các độc giả của tôi quan tâm đến nhiều nhất khi họ đọc về sự kiện A, tình huống B? Qua khía cạnh nào tôi có thể có nhiều cơ may nhất để đưa ra một cái nhìn chính xác về các sự việc? Và hơn thế nữa, làm thế nào để điều này gắn mật thiết với thời sự?

            Rõ ràng ở đây, cái chủ quan của cá nhân phóng viên hay của tòa soạn can thiệp vào việc lựa chọn góc độ. Sự sáng tạo của một cá thể phóng viên hay một tập thể cũng có mặt trong sự lựa chọn này: Làm sao để tránh lối mòn, tránh những góc độ đã được khai thác vô số lần. Sự chọn lựa một góc độ xử lý là cách sử dụng tự do và đưa quan điểm của mình về sự việc, sự kiện. Đôi khi rất cần thiết lựa chọn một góc độ qua ý kiến tập thể hoặc qua tranh luận để tránh nhầm lẫn.

Theo Nội san Thông tấn, số 12/2010