Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chuýằ‡n nghỏằ cỏằĐa nỏằ¯ nhà bÃĂo Thông tỏºƠn


(15/04/2011 09:59:45)

Giữa những ngày tháng Ba ngập tràn nắng ấm và hoa tươi, tại Hội trường 11 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) diễn ra buổi tọa đàm đầy ý nghĩa "Chuyện nghề của nữ nhà báo Thông tấn" do Liên Chi hội nhà báo phối hợp với Ban nữ công - Công đoàn TTXVN tổ chức nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Những tà áo dài mềm mại, những gương mặt lấp lánh ánh cười, những cái bắt tay nồng hậu, những lời chúc mừng tốt đẹp của lãnh đạo cơ quan, đơn vị ... làm cho không khí buổi toạ đàm thêm phần ấm cúng. NSTT xin trích đăng các ý kiến tại buổi tọa đàm này.

            Các nhà báo nữ góp sức tạo nên sức mạnh của ngành

            Trong làng thông tin, báo chí, ngôi nhà TTXVN của chúng ta khá là bề thế. Và trong ngôi nhà rộng lớn đó, có rất nhiều thành viên là phái đẹp. Theo con số thống kê mới đây của Ban Tổ chức - Cán bộ, tính đến thời điểm cuối năm 2010, TTXVN có trên 1000 PV, BTV, trong đó nữ nhà báo chiếm tỷ lệ gần 50%. Có những đơn vị, ban biên tập, tòa soạn, trung tâm thông tin, số PV, BTV nữ chiếm tỷ lệ áp đảo như: Ban BT tin Thế giới, Đối ngoại, Trong nước, Trung tâm Dữ kiện-Tư liệu, Trung tâm Truyền hình thông tấn...

            Trong những trang vàng truyền thống của TTXVN, có nhiều cái tên con gái, mà mỗi chị là cả một câu chuyện về sự cống hiến, đức hy sinh cho ngành Thông tấn và cho Tổ quốc. Năm 1973, hưởng ứng lời kêu gọi của tiền tuyến, hơn 100 nhà báo và kỹ thuật viên khóa GP10 của VNTTX đã lên đường tăng cường cho TTXGP. Trong đoàn quân ra mặt trận, có nhiều nữ phóng viên tuổi đời còn rất trẻ. Hầu hết các chị là những nữ sinh viên vừa rời giảng đường đại học, đầu quân vào VNTTX.

            Chiến tranh luôn là đau thương và mất mát, người ra đi mà không hẹn ngày về. Trong cuộc chiến đó, toàn ngành Thông tấn có gần 260 nhà báo liệt sĩ, trong số đó có 11 nữ nhà báo. Các nữ liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh, Phạm Thị Đệ, Nguyễn Thị Mai... mãi mãi là những cái tên được khắc ghi vào lịch sử của TTXVN.

            Nối tiếp lớp người đi trước, các nhà báo nữ hôm nay đang chung tay góp sức tạo nên sức mạnh thông tin của hãng thông tấn quốc gia. Có thể nói, đây là thời kỳ mà các nhà báo nữ được trọng dụng và được Lãnh đạo ngành tín nhiệm giao cho các trọng trách lớn lao, đứng đầu nhiều đơn vị thông tin quan trọng của ngành. Hiện tại có 17 chị đang giữ các vị trí cấp trưởng và cấp phó các Ban biên tập, tòa soạn, trung tâm thông tin và nhà xuất bản. Các chị đã từng bước khẳng định được năng lực, uy tín của mình, đảm trách tốt nhiệm vụ quản lý các đơn vị, không thua kém các đấng mày râu. Còn trong đội quân trực tiếp tác nghiệp ở tất cả các loại hình thông tin thông tấn, từ Trong nước, Thế giới, Đối ngoại, ảnh báo chí, Báo ảnh, thông tin điện tử, thông tin truyền hình cho tới các phân xã trong nước, nước ngoài... đều có sự hiện diện của các nữ nhà báo. Cường độ làm việc và khả năng tác nghiệp của chị em rất đáng nể phục. Nhiều chị đã vượt biển tới Trường Sa, lặn lội trên các nẻo đường biên giới, lăn vào các sự kiện để sáng tạo ra những tác phẩm báo chí có giá trị và sức lan toả sâu rộng.

(Trích phát biểu của đ/c Ngô Thị Hồng Thanh, P.Chủ tịch Thường trực LCH Nhà báo TTXVN)

 

Tổng Giám đốc Trần Mai Hưởng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ TTXVN:

      
Các thế hệ nữ nhà báo TTXVN đã đóng góp rất nhiều công sức và cả xương máu cho sự phát triển của ngành. Truyền thống rất đáng tự hào ấy được tiếp nối từ ngày đầu thành lập TTXVN cho tới nay. Trong hai cuộc kháng chiến, TTXVN có gần 260 nhà báo hy sinh trên các chiến trường, trong đó có 11 nữ nhà báo. Bản thân tôi khi vào nghề cũng từng được một nữ nhà báo dẫn dắt - chị Trần Thị Hằng, người con gái Hà Nội viết báo và biết chơi đàn piano. Hiện nay, cơ quan chúng ta có hơn 1000 nhà báo và nửa số đó là nữ. Tại tất cả các loại hình thông tin thông tấn ở trong nước cũng như nước ngoài đều có sự hiện diện của các nữ nhà báo. Để có được những tác phẩm báo chí chất lượng cao, những bài viết hay, bức ảnh đẹp, khuôn hình sinh động trên truyền hình, các chị phải lo toan và bỏ nhiều công sức hơn so với các đồng nghiệp nam giới. Chúng ta đang phấn đấu làm tốt nhiệm vụ của một hãng thông tấn nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng TTXVN trở thành tập đoàn truyền thông quốc gia. Tôi tin rằng cùng với năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ CNV toàn ngành, các nữ nhà báo chúng ta cũng sẽ góp phần làm được điều đó, đưa sự nghiệp thông tấn phát triển ngày càng lớn mạnh.

 

            Chị Trương Lê Kim Hoa, Phó TBT thường trực báo Thể thao&Văn hoá:

            Cách đây 5-6 năm trở về trước, bộ máy của toà soạn rất gọn nhẹ, nhân sự chỉ khoảng 25-30 người, báo ra 2-3 số/tuần. Hàng tháng, chúng tôi đều tổ chức các cuộc đi chơi, dã ngoại, ăn uống, ca hát... Còn hiện nay, cùng với báo hàng ngày, chúng tôi có báo tuần, báo điện tử, tạp chí TTVH và Đàn ông. Từ năm 2010, TT&VH còn tham gia đảm nhận phần tin tức thời sự, chuyên đề cả 2 mang thể thao và văn hoá cho kênh truyền hình Thông tấn. Bên cạnh đó, công tác kinh doanh, phát hành cũng quan trọng không kém so với công tác thông tin. Để làm tốt công việc, tôi phải đối mặt với không ít khó khăn, ngay cả ở "hậu phương" của mình. Công việc bộn bề, trong tôi luôn thường trực ý nghĩ là có lỗi với chồng, với con. Ông xã tôi đã không ít lần nhắc khéo "Mẹ bây giờ chỉ có cơ quan là nhất!". Quả thực, tôi rất muốn dành thời gian để nấu bữa cơm cho chồng, cho con mình. Con gái tôi luôn bảo "miễn là mẹ nấu, còn món gì con cũng thấy ngon".Â… Kinh nghiệm bản thân cho thấy, làm cán bộ quản lý, lại là nữ, ngoài năng lực trình độ của bản thân, điều quan trọng và chung nhất của chị em chúng ta là cần phải có thái độ làm việc, làm nghề nghiêm túc, đến nơi đến chốn, mới có kết quả tốt.

 

            Chị Hoàng Minh Nga, Trưởng phòng tin Tham khảo (Ban biên tập tin Thế giới):

            Do đặc thù công việc, nhân sự phòng tin Tham khảo thường xuyên biến động. Trong phòng luôn thường trực một số đồng chí chuẩn bị đi thường trú phân xã ngoài nước. Số còn lại không biến động thì tới 90% là nữ và chỉ duy nhất có một nam. Làm phóng viên, biên tập viên Ban biên tập tin Thế giới, với các chị em, chuyện trực tin đêm hôm đã trở thành bình thường. Chúng tôi làm việc theo 3 ca, đồng hồ sinh học thay đổi liên tục, ít nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Tuy nhiên vì yêu nghề, chúng tôi vẫn động viên nhau vượt qua để được làm công việc mình yêu thích. Nếu có dịp đến cơ quan vào khoảng 10 giờ-10 giờ 30 tối, các bạn sẽ được chứng kiến hình ảnh các ông chồng ngồi xếp hàng, ôm mũ bảo hiểm, chờ đón vợ. Chúng tôi vẫn truyền nhau câu chuyện vui về một cặp vợ chồng đồng nghiệp. Tối hôm đó là ngày kỷ niệm của anh chị. Anh chồng đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng để đón vợ về. Khi gọi điện thoại lên phòng, vừa thấy tiếng vợ, chỉ kịp nghe "bà ấy chết rồi" và dập ngay máy. Anh chồng tá hoả tìm mọi cách liên lạc mà không được. Lúc đó, ca trực của chị vợ vừa nhận tin bà cựu Thủ tướng Pakistan B.Bhutto bị ám sát, mọi người ngay lập tức tập trung để làm cho nhanh. Thế là dự định về một buổi tối lãng mạn của anh chị không thực hiện được, thay vào đó là một bữa liên hoan nhỏ ngay tại phòng. Sau đó, khi được biết, tin về sự kiện này được TTXVN phát sớm nhất, trước cả Tân Hoa xã, ai nấy đều vui và cảm thấy tự hào vì vừa "ghi điểm" cho cơ quan mình.

 

            Chị An Chinh, phóng viên Trung tâm Truyền hình Thông tấn:
            Đã có 10 năm làm nghề, nhưng khi chuyển từ báo viết sang truyền hình, tôi vẫn không khỏi bỡ ngỡ và phải học hỏi rất nhiều. Tuy nhiên, làm phóng viên truyền hình, tôi có cơ hội tham gia trực tiếp vào những sự kiện "nóng" như đón người lao động Việt Nam từ Libi trở về nước. Để có những khuôn hình, chúng tôi đã phải chầu chực nhiều giờ tại sân bay Nội Bài. Nhưng cũng thật bất ngờ và xúc động khi chứng kiến hình ảnh những người đầu tiên vừa bước xuống sân bay đã hô vang "Việt Nam muôn năm! Việt Nam - Hồ Chí Minh!", rồi chạy vòng quanh, hò reo. Trong niềm vui sướng của những lao động Việt Nam từ vùng chiến sự trở về nước an toàn ấy, tôi cảm nhận được giá trị của hoà bình. Trước Tết nguyên đán, tôi còn vinh dự là nữ phóng viên truyền hình thông tấn đầu tiên có mặt tại Trường Sa. Ra đến đảo Chìm, tôi thực sự xúc động khi Đảo trưởng bắt tay và nói "Mười năm nay mới có một phụ nữ ra đảo". Tôi cũng không thể quên câu chuyện về những người chiến sĩ Trường Sa chiến đấu bảo vệ đảo, lời nói cuối cùng trước lúc hy sinh là "vĩnh biệt đất liền". Lúc trở về Hà Nội, tôi luôn muốn được làm những việc gì đó có ích, có ý nghĩa đóng góp cho quê hương và chỉ sợ mình không làm được điều đó.
 
Chị Phạm Mỵ, Chủ tịch CLB Nhà báo nữ - Hội Nhà báo Việt Nam:
       TTXVN là một trường học lớn. Những kiến thức tôi tích lũy được trong quá trình làm báo ở TTXVN đã giúp tôi thành công ngay tại Tòa soạn của mình ("hiện chị là TBT báo Tài Nguyên và Môi trường". P.V). Dù chuyển công tác đã lâu, mỗi lần có cơ hội trở về cơ quan, lúc nào tôi cũng tự hào là người của TTXVN. Điều chắc chắn là ai đã vào TTXVN không thể không tự hào về truyền thống của những người làm báo thông tấn, trong đó có đội ngũ nữ nhà báo. Trước đây, nhiều chị đã ra mặt trận, không ít chị đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Có những chị cả đời sống với nghề báo, khi về nghỉ hưu, cuộc sống vẫn còn vất vả, nhưng vẫn yêu nghề. Nghề báo đem đến cho chúng ta không ít nhọc nhằn, vất vả, nhưng cũng cho ta sự hiểu biết, cơ hội tiếp xúc với nhiều người, để thêm yêu cuộc đời. Trong những nhọc nhằn của nghề báo, đội ngũ các nữ nhà báo thông tấn đã vượt qua khó khăn, vững vàng trong thử thách, góp phần làm nên truyền thống của TTXVN anh hùng.

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
           
 
 
 
Chị Kiều Trinh, phóng viên báo Tin Tức:

            Là phóng viên theo dõi mảng tin văn hoá xã hội, điều làm tôi lo nhất là sợ bị kiện, bởi tai nạn nghề nghiệp không thể lường trước được. Vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội có một hội thảo tên gọi rất hay, nhưng khi chúng tôi đến dự thì tài liệu báo cáo không được như tưởng tượng. Sau đó, khi có một nhà báo đứng lên dõng dạc hỏi Ban tổ chức về Hoàng thành Đại La, cả hội báo chí chúng tôi đều "chết đứng" vì lần đầu tiên được nghe về khái niệm này, trong khi từ trước đến nay ai cũng biết chỉ có Hoàng thành Thăng Long thôi! Tôi rút ra rằng, điều quan trọng nhất với phóng viên là phải tránh được sự "lố bịch" vì thiếu hiểu biết. Khi phỏng vấn về các vấn đề văn hoá xã hội, chúng tôi hay hỏi ý kiến của các chuyên gia mà mỗi lần phải hỏi, như là đối đầu với họ vậy. Tôi còn nhớ, lần đầu gặp GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa để hỏi về "sự cần thiết đưa trò chơi dân gian vào cuộc sống", ông đã từ chối thẳng thừng. Tôi phải rất kiên trì để ông hiểu rằng tôi như một học trò, chỉ muốn học hỏi thêm kiến thức. Chính sự chân thành của tôi đã làm ông ngày càng cởi mở hơn...

 

            Chị Đoàn Minh Huệ, Trưởng phân xã TTXVN tại Hải Phòng:

            Cách đây 4 năm, khi từ Hải Phòng về nhận nhiệm vụ Trưởng Phân xã TTXVN tại Quảng Ninh, con gái tôi còn rất nhỏ, chồng lại công tác ở xa. Khó khăn nhiều, áp lực cũng không phải là ít. Nhiều lúc tôi tưởng như mình có thể phải bỏ cuộc. Rồi tôi tự nhủ "tất cả mọi việc đều có thể qua..." và coi đây như câu thần chú, giúp tôi mạnh mẽ hơn mỗi khi phải đối mặt với khó khăn. Hiện nay, khi đã trở về công tác tại Hải Phòng, ở gần gia đình nhỏ của mình, nhìn lại quãng thời gian vừa qua, thành công lớn nhất với tôi là tiếp tục tạo được uy tín của TTXVN tại Quảng Ninh mà các đồng nghiệp đi trước đã gây dựng. Thường trú tại Quảng Ninh, tôi còn có điều kiện hiểu thêm về di sản thế giới Vịnh Hạ Long. Những lần tiếp đón các đoàn khách trong và ngoài nước của TTXVN, các đơn vị tại Tổng xã và các Cơ quan đại diện tới tham quan di sản thiên nhiên thế giới để lại cho chúng tôi không ít kỷ niệm và cả niềm vui vì đã góp phần nhỏ bé vào công tác đối ngoại của cơ quan. Lần gần đây nhất, khi tiếp Chủ tịch Hãng thông tấn Yon-hap (Hàn Quốc), tôi rất vui khi ông cho biết, suốt buổi sáng phải nhận và xử lý hàng trăm bản fax do phóng viên các nơi gửi về rất căng thẳng, nhưng buổi chiều, ông thực sự cảm thấy thoải mái khi được tham quan Vịnh Hạ Long và đón nhận những tình cảm nồng ấm từ những người bạn Việt Nam. Thật lòng mà nói, làm phóng viên thường trú sẽ có thêm rất nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm tác nghiệp. Vậy nên ai đã là PV Thông tấn tại sao không thực hiện dù chỉ là một nhiệm kỳ PV phân xã!

 

            Chị Nguyễn Thị Thuý, Phó Trưởng phòng tin Văn hoá-Xã hội (Ban biên tập tin Trong nước):

            Gần 20 năm gắn bó, theo dõi mảng tin y tế, tôi đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu. Trách nhiệm với ngành, với Ban biên tập tin Trong nước đã giúp tôi trưởng thành, có thể đo lượng được các loại thông tin, không bị hụt hẫng trước các sự kiện mới, tạo được niềm tin với cơ sở và "chung sống" qua 5 đời Bộ trưởng Bộ Y tế. Điều này cũng giúp tôi cơ hội được tham gia hiệu quả vào các chuyên đề, dự án, đợt tuyên truyền lớn và đột xuất của Ban tin Trong nước với Bộ Y tế. Cũng vì hay theo dõi và đưa tin về các hoạt động phòng chống dịch bệnh của Việt Nam, với những thành tựu được cả thế giới công nhận (điển hình như đợt đưa tin về dịch viêm đường hô hấp cấp-SARS năm 2003), tôi còn được đồng nghiệp gọi vui là người "miễn dịch với các loại dịch bệnh". Tôi luôn xác định, với người làm báo, thông tin lúc nào cũng phải mới và cập nhật. Vì lẽ đó, khi cơ quan ra mắt kênh truyền hình mới VNews, tôi cũng muốn thử sức. Từ chỗ chỉ quen làm báo viết truyền thống, qua học hỏi và sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, đến nay tôi đã tự tin tham gia dẫn chương trình "Y tế và cuộc sống" phát đều đặn mỗi tuần trên Truyền hình Thông tấn.

 

            Chị Phạm Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Biên tập chuyên đề (Ban biên tập tin Kinh tế):

            Gần 10 năm làm phóng viên theo dõi về nông nghiệp-nông thôn ở một đất nước có tới 70% dân số làm nông nghiệp như nước ta, tôi nhận ra rằng phải đi nhiều mới viết trúng, viết hay được. Thế nên việc phải đi công tác thường xuyên cũng là bình thường. Khi phát hiện ra đề tài nào đó cần phản ánh, tôi thường hay rủ các đồng nghiệp nữ cùng đi. Nhưng có điều tôi cũng hơi lạ là các đồng nghiệp của mình, nhà nào cũng có người giúp việc hoặc ông bà đỡ đần, đều trả lời là "phải để hỏi ý kiến chồng đã". Là người phụ nữ, làm vợ, làm mẹ trong gia đình, trước mỗi chuyến công tác, tôi luôn chủ động sắp xếp gọn gàng mọi công việc nhà cho chồng, cho con, rồi lên kế hoạch làm việc cho mình. Khi ấy tôi mới có thể toàn tâm toàn ý cho bài viết. Để có được những tác phẩm báo chí đoạt giải thưởng của ngành và Quốc gia như thời gian qua, tôi luôn tâm niệm, đã làm nghề thì phải luôn luôn bám sát ngành mình được phân công theo dõi và trên hết phải có nhiệt huyết, đeo bám nghề.

 

            Anh Phạm Phú Phúc, Phó trưởng Ban biên tập tin Thế giới:           

Đơn vị chúng tôi có nhiều nữ, thỉnh thoảng cơ quan lại cử một số đồng chí đi công tác nước ngoài, vì thế các phòng nghiệp vụ luôn trong tình trạng thiếu nhân lực, do vậy các nữ biên tập viên phải trực đêm nhiều. Khoảng hai chục năm trước, thông thường mỗi ca trực có 3-4 nam và chỉ có một nữ. Khi phân công lịch trực, chúng tôi thường bố trí các anh nam giới, để xong ca trực có thể giúp đưa các chị về nhà. Còn giờ nam giới ít quá, chúng tôi không làm được việc này, nên càng thông cảm, chia sẻ với nỗi vất vả của các chị. Một điều này nữa, không phải nữ nhà báo nào vào thông tấn cũng say mê chính trị. Anh em nam giới chúng tôi cũng phải nghĩ cách làm sao cuốn hút sự say mê chính trị của các nữ đồng nghiệp, để công việc biên dịch bớt căng thẳng đi. Những gì các chị làm được ở Ban biên tập tin Thế giới là rất đáng quý, đáng nể. Anh em nam giới ở Ban hay nói vui, ước gì một năm có nhiều ngày 8/3, để anh em cùng quây quần trong phòng làm việc, cười nói, bắt tay, tặng hoa, chúc mừng, tạo không khí vui vẻ trong ngày của các chị em.

Theo Nội san Thông tấn, số 03/2011

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Liên Chi hội nhà báo bàn các chương trình công tác và khởi động Giải báo chí TTXVN 2011 (07/03/2011 15:05:29)

Phân xã Bình Phước: sau một năm tham gia Chương trình Hợp tác thông tin với địa phương (07/03/2011 11:43:29)

Các nguyên tắc cơ bản trong trình bày báo (04/03/2011 17:30:23)

Thông điệp chính của bài báo (04/03/2011 17:27:21)

Những ngày đáng nhớ (04/03/2011 17:18:06)

Trò chuyện với các nhà báo nữ (04/03/2011 17:12:28)

Cần lắm sự hiện diện hiệu quả của phóng viên TTXVN tại các địa bàn (04/03/2011 17:01:26)

Thiết kế - trình bày báo và quy trình xử lý thông tin (12/01/2011 10:36:39)

Góc độ xử lý thông tin (12/01/2011 10:31:19)

Tiếng nói người trong cuộc (12/01/2011 09:52:59)