Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Liệt sĩ Đỗ Văn Nhân - Ông nội kính yêu của tôi


(04/08/2015 14:41:14)

Liệt sĩ Đỗ Văn Nhân cùng vợ và hai con trước khi đi chiến trường Vậy là TTXVN sắp tròn 70 tuổi - độ tuổi sâu sắc. Đó cũng chính là con số khẳng định sự lớn mạnh và phát triển của TTXVN trong dòng chảy lịch sử dân tộc nước nhà.

Liệt sĩ Đỗ Văn Nhân cùng vợ và hai con trước khi đi chiến trường

 

Vậy là TTXVN sắp tròn 70 tuổi - độ tuổi sâu sắc. Đó cũng chính là con số khẳng định sự lớn mạnh và phát triển của TTXVN trong dòng chảy lịch sử dân tộc nước nhà.

Nhân sự kiện trọng đại này, tôi xin kể một câu chuyện thay cho lời tri ân của gia đình tôi gửi đến TTXVN, nơi mà tôi đã và đang làm việc, đó là câu chuyện về liệt sĩ Đỗ Văn Nhân - ông nội tôi.

Ông qua đời khi tôi chưa sinh ra. Tôi chỉ biết về ông qua lời kể của bà và bố mẹ. Nhưng với tình cảm ruột thịt tha thiết và sự ngưỡng mộ chân thành, tôi đã có những hình dung sống động về ông nội của mình. Theo lời bà nội tôi thì ngày trẻ ông đẹp trai lắm, nước da trắng, ít nói, chơi đàn ghi ta giỏi và thích các môn thể thao. Ông tôi đam mê nghề ảnh từ nhỏ nên khi được làm việc tại VNTTX, ông rất vui và tự hào, coi đó là cơ hội để cống hiến.

Ông Đỗ Văn Nhân của tôi làm việc ở Phân xã Nhiếp ảnh, VNTTX (nay là Ban biên tập Ảnh - TTXVN). Ngày đó, có được bức ảnh khá kỳ công, phải làm bằng tay, trong buồng tối, trời nóng cũng như trời rét, đôi tay của người làm ảnh phải ngâm trong nước. Không có máy sấy, ảnh làm ra phải treo lên dây nhờ gió trời thổi khô. Nhưng ông vẫn làm việc cần mẫn, tỉ mỉ thận trọng, không để phim bị non hay già sáng, hay bị xước... Mỗi tấm ảnh in ra ông đều trao đổi, sửa sang cẩn thận.

Ngâm rửa ảnh ở Cứ

Làm công việc thầm lặng và hoạt động trong vùng chiến, ông vẫn sống chết với nghề, bảo vệ đến cùng từng thước phim, nước rửa ảnh. Ảnh hỏng thì có thể làm lại, chứ phim hỏng thì không thể cứu vãn được, nên ông thận trọng từng chút từng chút một để không xảy ra sai sót nào. Ông trân trọng những khoảnh khắc mà phóng viên phải xả thân để chụp được. Ông nâng niu những kỉ niệm, kí ức về những con người, những sự kiện ghi dấu trên bức ảnh đó nên miệt mài, say mê bên những thước phim để rửa những bức ảnh đẹp nhất, nhanh nhất gửi về TTX.

Trong quá trình công tác và cống hiến, ông từng ở trong vùng nguy hiểm, nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết thật mỏng manh. Ấy là khi cuộc chiến của đế quốc Mỹ leo thang ra miền Bắc ngày càng ác liệt, ông đã cùng đồng đội (là các phóng viên tin, phóng viên ảnh) đến tuyến lửa khu IV, vào phân xã đặc biệt Nam khu IV để trực tiếp tác nghiệp tại các mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị, kể cả ở Nam Lào. Địch đánh bom dữ dội không kể ngày đêm, ông phải làm ảnh dưới hầm, có khi phải lấy ni lông che chậu nước thuốc, đèn điện không có, không thể dùng máy phóng, phải dùng đèn dầu. Vậy mà ông vẫn cần mẫn để có những tấm ảnh về chiến công của quân và dân ta. Ông đã thổi hồn và tình yêu, đam mê của mình vào từng nước tráng ảnh nên các bức ảnh ông rửa luôn được đánh giá cao về chất lượng và nghệ thuật.

Đến năm 1967, cuộc chiến diễn ra ác liệt trên tuyến lửa Nam khu IV, ông tôi bị thương. Nhưng ngay khi vết thương chưa lành hẳn, tháng 4/1968, ông đã cùng đồng đội vào chiến trường Trung Trung bộ - con đường huyền thoại Trường Sơn cực kỳ gian khổ. Hành trang của ông chỉ có chiếc ba lô giản dị, đựng gạo, lương khô, súng đạn... và máy ảnh, thuốc rửa ảnh, phim, giấy, máy phóng- những thứ ông nâng niu, gìn giữ hơn cả tính mạng. Đói khổ, sốt rét lại mang trong mình vết thương chưa lành hẳn nhưng ông vẫn giữ tâm hồn của một người chiến sĩ lạc quan, yêu đời, ca hát giữa núi rừng bao la.

Tháng 12/1968, vết thương cũ tái phát, lại thêm bệnh sốt rét hoành hành, bòn rút sức lực của ông. Ấy vậy mà hơi khỏe một chút, ông lại tìm về đơn vị. Dù người còn gầy xanh, ông vẫn cố đeo mấy chiếc hộp giấy ảnh, hàng ki lô thuốc ảnh và những đồ cần thiết của người làm ảnh. Phải chăng chỉ có công việc mới làm ông quên đi cái đau đớn của vết thương và mệt mỏi của bệnh tật? Phải chăng chính sự tin tưởng mà đồng đội gửi gắm đã giúp ông luôn nỗ lực vươn lên, vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ? Phải chăng, ông đã dự đoán được tình trạng sức khỏe của mình nên cố gắng làm việc đến hơi thở cuối cùng để thỏa mãn niềm đam mê?

Đúng 10 giờ ngày 8/3/1969, bên đồng đội, nhân viên TTXGP, Đỗ Văn Nhân - ông nội của tôi, trút hơi thở cuối cùng. Ông hy sinh ở tuổi 35. Và 24 năm sau, đúng vào ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1993) hài cốt của ông được gia đình, bạn bè, đồng đội cơ quan đưa từ rừng Phú Yên về nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội.

Nhớ về ông nội, người chiến sĩ dũng cảm, nghị lực, kiên cường, chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ để đóng góp công sức vào sự nghiệp Thông tấn, cho đất nước, tôi vô cùng tự hào và xúc động. Bao năm tháng trôi qua, hình ảnh đẹp đẽ của ông vẫn sống mãi trong trái tim tôi, trong ký ức của biết bao đồng đội, người thân. Và tôi tin rằng, bằng những nỗ lực, cống hiến đến quên mình, liệt sĩ Đỗ Văn Nhân, người ông kính mến của tôi, đã ghi dấu ấn đẹp đẽ trong lịch sử TTXVN. 

Liệt sĩ Đỗ Văn Nhân sinh ngày 28/1/1934 tại xã Nguyên Lý, Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông tham gia cách mạng năm 1959; bắt đầu hoạt động báo chí từ năm 1966, là nhân viên ảnh TTXGP khu 5. Ông bị sốt rét ác tính và hy sinh ngày 8/3/1969 tại tỉnh Phú Yên.

Đỗ Khánh Ly - Ban biên tập tin Đối ngoại
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tri ân các liệt sĩ, thương binh thông tấn (04/08/2015 14:17:50)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 6/2015) (07/07/2015 15:34:20)

Tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí quốc gia 2014: Chớp được khoảnh khắc cao trào (07/07/2015 11:01:36)

Chuẩn bị cho một sự kiện “chưa có tiền lệ”  (07/07/2015 10:57:51)

Thắp lên ngọn lửa nghề (07/07/2015 10:53:32)

Tôi được chứng kiến lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam (07/07/2015 10:48:36)

Nhiều hoạt động thể thao và văn nghệ hướng tới kỷ niệm "sinh nhật" TTXVN (07/07/2015 10:28:00)

Rà soát các công việc hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành (07/07/2015 10:24:22)

Đại hội đại biểu liên Chi hội Nhà báo TTXVN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015 -2020: Đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. (07/07/2015 10:09:01)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 4/2015) (09/06/2015 10:13:12)