Thứ hai, ngày 29/07/2024

Tin trong ngành

Một thời không thể quên


(08/05/2015 15:33:43)

Trong không khí vui mừng cùng cả nước hướng đến kỷ niệm 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, hai nhà báo Hà Huy Hiệp và Hoàng Đình Chiến xúc động ôn lại một thời trai trẻ, đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi vinh dự, tự hào.

Tác giả chụp tại cứ trước khi tiếp quản Sài Gòn

 

Tiếp quản Việt tấn xã

Sáng 28/4/1975, đoàn cán bộ H3 (mật danh của Đoàn cán bộ TTXGP tiếp quản Sài Gòn do Giám đốc TTXGP Trần Thanh Xuân dẫn đầu) gồm 47 người, đi bằng nhiều phương tiện (xe Honda 90, xe com-măng-ca của Liên Xô, Trung Quốc và cả Zin "Khơ"), rời căn cứ ở Lò Gò, Tây Ninh, tiến về Sài Gòn. Vừa hành tiến, vừa nghe ngóng tình hình. Đến trưa 30/4, khi đoàn tới Tràng Bảng thì nghe tin chiến thắng. trong khoảng từ 14 giờ đến 16 giờ chiều, lần lượt các xe của đoàn H3 đã tề tựu, tiếp quản trụ sở Việt tấn ở số nhà 116 đường Hồng Thập Tự (nay là 118-120 Nguyễn Thị Minh Khai,"đại bản doanh của" Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam). Trong đoàn tiếp quản này, có các kỹ thuật viên Trương Can Đảm, Dụng, Chung...; các điện báo viên morse Lê Trường Kỳ, Hùng, còn tôi là điện báo viên telerype (truyền chữ tự động).

Cách đó hai năm, tôi đã vinh dự được là một trong ba điện báo viên teletype đầu tiên (hai người nữa là anh Vũ Anh Tuấn và chị Ngọc Bích) được VNTTX cử đi B, tăng cường cho TTXGP. Cùng với thiết bị teletype, telephoto (của CHDC Đức viện trợ), chúng tôi đã khai thác và sử dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất trên thế giới lúc bấy giờ để giữ mối liên hệ thông tin thông suốt giữa TTXGP và VNTTX tại Hà Nội. Đến thời điểm lịch sử ấy, Sài Gòn và miền Nam hàn toàn giải phóng, ngày 30/4/1975, tôi lại vinh dự là người điện báo viên teletype đầu tiên vào tiếp quản Việt tấn xã.

Tiếp quản phòng Kỹ thuật của Việt tấn xã, tôi thấy lạ khi ở đây không có một nhân viên nào biết gõ teletype, dù họ có một dàn máy telex của Tây Đức và Mỹ. Hỏi ra mới biết, Việt tấn xã dường như không có máy phát teletype. Họ chỉ nhận tin của các hãng thông tấn nước ngoài qua máy teletype bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi đưa về các biên tập viên, biên dịch viên, dịch ra tiếng Việt, đánh máy chữ, in ronéo, gửi cho các địa chỉ không bằng đường phát sóng.

Những ngày đầu tiếp quản, ta cũng chưa kịp lắp đặt máy phát, nhiệm vụ của tôi là cầm các bản tin viết tay hay đánh máy sang Bưu điện Sài Gòn và Trung tâm viễn thông Sài Gòn, nhờ máy phát của họ phát ra Tổng xã Hà Nội. Tại đây, các viên chức lưu dung của chính quyền cũ thấy tôi "múa" trên bàn phím telex, cứ "mắt tròn, mắt dẹt", xì xầm chỉ trỏ. Chắc họ ngạc nhiên vì thấy "tay Việt cộng" ở rừng ra, gầy gò, da tái mét vì sốt rét nhưng lại sử dụng thành thạo phương tiện hiện đại, đọc mã trên băng 5 đơn vị nhanh như gió, nhanh hơn cả họ.

Chỉ một thời gian ngắn sau, khi "đạo quân" kỹ thuật đã từ trong rừng kéo ra, rồi từ Hà Nội kéo vào Sài Gòn, mang theo đầy đủ các thiết bị máy thu, máy phát, phòng Kỹ thuật TTXGP tại Sài Gòn đã trực tiếp truyền thông tin nối liền Sài Gòn và Thủ đô Hà Nội, tích cực góp phần vào sự nghiệp thông tin tuyên truyền của ngành.

Tổng Biên tập Đào Tùng (người đứng giữa) cùng các phóng viên VNTTX tại Lò Gò, chuẩn bị tiến vào Sài Gòn (4/1975)

Dạo ấy, tôi có một kỷ niệm nhớ đời. Ấy là trong một buổi chiều, tôi mặc thường phục, đi tìm người quen ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, vô tình đi lạc vào một doanh trại quân đội đang đóng dã chiến tại đây. Trong lúc đang lớ ngớ tìm người hỏi đường, bất ngờ một người lính "phe ta" xồ ra chặn đường, quát hỏi. Chưa kịp phân bua, anh ta kéo mạnh tôi vào trong trạm gác trình báo với chỉ huy. May là trong túi tôi vẫn còn giữ tờ "chứng minh thư" của Ban Quân quản Sài Gòn cấp, do ông Cao Đăng Chiếm ký. Viên chỉ huy này cầm giấy tờ của tôi đi vào bên trong. Một lát sau, anh bước ra, đứng trước mặt tôi, giơ tay chào và nói: Báo cáo đồng chí điệp báo viên (!), anh em chúng tôi sơ suất. Qua xem xét kỹ giấy tờ, chúng tôi đã biết đồng chí là ai, xin gửi lại giấy và xin lỗi đồng chí.

Chả hiểu "mô tê ất giáp" gì, tôi vội chào lại rồi lên chiếc xe Suzuki cà tàng vọt về cơ quan. Khi xem lại tờ giấy "chứng minh thư", tôi bật cười. Trời ạ, trên đó, mục chức danh đánh máy là "điện báo viên", nhưng do bị nhòe mực một chút ở chữ "n" nên anh ấy nhầm là "điệp báo viên".

Sau này, khi đã trở thành phóng viên của TTXVN, được sống và làm việc tại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm trong những năm tháng không thể nào quên tại thành phố thân thương này, nhưng kỷ niệm về những ngày đầu giải phóng- tiếp quản, chuyện một lần được phong là "điệp báo viên" vẫn mãi không phai nhòa.

Theo Nội san Thông tấn, số 4/2015

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Câu chuyện về bức ảnh chiếc xe tăng 846 (08/05/2015 15:27:26)

Nhìn lại một quá khứ hào hùng (08/05/2015 14:46:09)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 3/2015) (03/04/2015 16:09:06)

Đào tạo báo chí trong lĩnh vực kinh tế (03/04/2015 15:14:11)

Công ty In - Thương mại TTXVN: Bước tiến mới cùng chứng chỉ ISO (03/04/2015 10:08:52)

Tự hào là "dân Thông tấn" (03/04/2015 09:34:16)

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện sách 70 năm Thông tấn xã Việt Nam (02/04/2015 15:44:11)

Năm sản phẩm thông tin mới - bước tiến mới của TTXVN (02/04/2015 15:38:58)

Phụ nữ thông tấn vượt khó làm nghề (02/04/2015 15:25:20)

Chuyến đi từ thiện đầy ý nghĩa (02/04/2015 15:20:09)