Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

Mùa xuân về trên trang báo


(26/01/2022 11:34:23)

Đến hẹn lại lên, không khí Xuân trên khắp mọi miền đất nước đã ùa về trên những trang báo Tết Nhâm Dần 2022 của Thông tấn xã Việt Nam. Vượt qua một năm đầy sóng gió vì COVID-19, những tín hiệu vui từ năm mới đã củng cố thêm niềm tin vào tương lai. Cùng điểm qua những trang báo Tết vui tươi, rộn rã sắc màu của các đơn vị thông tin Thông tấn.

Nhóm phóng viên Trung tâm Truyền hình Thông tấn thực hiện một cảnh quay trong chương trình truyền hình Tết Nhâm Dần "Sải cánh vươn cao"

Sải cánh vươn cao
 
Phát sóng vào đêm Ba mươi và sáng mùng Một Tết Nhâm Dần 2022, chương trình truyền hình Sải cánh vươn cao của Trung tâm Truyền hình Thông tấn - TTXVN có thời lượng 90 phút, là bản tin thời sự đặc biệt điểm lại dấu ấn của năm đã qua và chào năm mới với những chủ đề chọn lọc.
 
Lấy cảm hứng từ những chuyến bay giải cứu, tăng cường phòng chống dịch, nối cầu hàng không, bay thẳng liên lục địa... trong một năm đầy khó khăn, thử thách, Sải cánh vươn cao mở đầu với cuộc  gặp gỡ, trò chuyện trên chuyến bay từ Bắc vào Nam của MC Thùy Ngân và hai nhân vật khách mời: nhà báo Trần Mai Hưởng và nhà báo Giản Thanh Sơn. Chương trình còn có sự tham gia của phóng viên Cơ quan thường trú (CQTT) thường trú tại năm châu lục, các tiết mục ca nhạc của NSND Quốc Hưng, nhạc sỹ Kiên Ninh, Trần Hùng…
 
Hơn 20 phóng sự chân dung, luận đề, tổng hợp được đan xen lồng ghép để cùng minh họa cho những trải nghiệm của ba nhà báo từ Bắc vào Nam, phác họa lại bức tranh đa diện của năm Tân Sửu vừa qua, khoảng thời gian cả hệ thống chính trị và người dân kiên cường chống dịch, để không một ai bị bỏ lại phía sau. Vượt lên muôn vàn gian khó, tâm hồn, ý chí Việt Nam ngời sáng tinh thần chung sức đồng lòng, nhân hậu, lạc quan, vươn lên mạnh mẽ, để đưa đất nước vượt qua khó khăn, sải cánh vươn cao. 
 
Việc thực hiện ghi hình không dễ dàng với ê kíp của chương trình trong bối cảnh nhiều địa phương có những quy định khác nhau về giãn cách chống dịch. Hàng chục biên tập viên, phóng viên, quay phim, kỹ thuật của Truyền hình Thông tấn đã vượt qua khoảng cách xa xôi về địa lý, vừa tuân thủ điều kiện phòng dịch cho bản thân, khách mời, vừa lăn xả, đeo bám hiện trường để có được những cảnh quay sinh động, ấn tượng. Có những cảnh được tính toán, lên lịch ghi hình trước cả tháng, với không ít điều chỉnh kịch bản nhưng vẫn không thể thực hiện được do khách mời không thể tham gia. Có những trường đoạn phải đợi sát chiều Ba mươi Tết mới có thể hoàn thiện để chứa đựng trọn vẹn âm hưởng Tết đến, Xuân về.
 
Mang dáng dấp của talk show chính luận kết hợp với trình diễn nghệ thuật, Sải cánh vươn cao mang đến sự khác biệt, bởi không gian chính của chương trình không diễn ra trong trường quay như thường lệ, mà được ghi hình tại hiện trường với nhiều bối cảnh sống động: phòng chờ cảng hàng không, trên máy bay, taxi công nghệ, xe buýt hai tầng, quán cà phê, trung tâm hành chính, siêu thị...
 
Với ba phần: Dấu ấn, Sải cánh và Vươn cao, người xem sẽ gặp lại những nhân vật truyền cảm hứng của năm 2021; được “bật mí” về những thành công trong hoạt động xã hội, kinh doanh; nghe tâm sự về những thời khắc sinh tử; chứng kiến những câu chuyện nhân văn, góc nhìn tham chiếu từ các quốc gia trên thế giới... Ẩn hiện đan xen giữa những phóng sự tổng hợp sự kiện chính trị quan trọng, chân dung nhân vật, mô hình kinh tế, giải pháp công nghệ... là những phóng sự văn hóa, tiết mục văn nghệ hợp “khẩu vị” khán giả trong một “thực đơn” của chương trình Tết cổ truyền.
 
Sải cánh vươn cao được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của các chương trình Tết: Bản giao hưởng xanh (2020), Vượt bão, Cung đàn xuân  (2021)... của Truyền hình Thông tấn, mở hàng cho những chương trình thời sự và chuyên đề, với những nỗ lực không ngừng đổi mới chất lượng nội dung và hình thức thể hiện trong năm 2022.
 
Bìa báo Tết Tuần Tin tức số Xuân Nhâm Dần 2022

Số Xuân đặc biệt cho một năm đặc biệt
 
Đã thành truyền thống của một tờ báo chính luận của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Tuần Tin tức số Xuân Nhâm Dần 2022 với 80 trang nội dung, giành vị trí trang trọng nhất để đăng bài phỏng vấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bài phỏng vấn nêu bật những kết quả và định hướng tiếp theo trong năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.
 
Tiếp theo là những bài phỏng vấn, ý kiến của các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, địa phương về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm mới 2022, thể hiện vị trí, vai trò của các CQTT tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, bạn đọc có thể hình dung bức tranh tổng thể của đất nước khi bước vào mùa xuân mới.
 
Báo Tết Nhâm Dần 2022 cũng không thể thiếu phong tục đón Tết của đồng bào các dân tộc trên khắp các vùng miền của Tổ quốc và cả trên thế giới; những câu chuyện thú vị xung quanh linh vật hổ; tình cảm của kiều bào khi đón Tết nơi đất khách quê người; cảm xúc của người nước ngoài đón Tết cổ truyền ở Việt Nam…
 
Đặc biệt, Tuần Tin tức số Xuân còn có những dư âm lắng đọng từ cuộc chiến chống dịch COVID-19, sự sẻ chia, đoàn kết, đùm bọc của nhân dân ta trong những lúc khó khăn; những nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân, góp phần mang lại cái Tết bình yên, sum vầy cho mọi nhà của lực lượng tuyến đầu chống dịch.
 
Để hoàn thành số báo Tết này, tòa soạn đã thực hiện hiệu quả phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết 128/NQ-CP. Bởi thế, ngay cả trong cao điểm làm báo Tết, tòa soạn có một ca F0 nhưng quy trình làm báo vẫn không ngừng nghỉ, an toàn tuyệt đối khi không có ca nhiễm thứ phát, để số báo đến tay bạn đọc đúng thời gian, đảm bảo chất lượng.
 
Bìa báo Tết Thể Thao và Văn hóa

Khơi nguồn cảm hứng tiếng Việt
 
Năm ngoái, Thể thao và Văn hóa - TTXVN chọn chủ đề báo Xuân là Nghệ thuật kiên cường, một thông điệp mạnh mẽ, đánh thức những dòng chảy ngầm trong sáng tác nghệ thuật, khi các nghệ sỹ cùng với cả xã hội phải đương đầu với một nghịch cảnh dường như chưa từng thấy trong đời mỗi người, đó là giữ khoảng cách, phong tỏa để chống lại sự lây lan của đại dịch.
 
Nhưng nghịch cảnh ấy đến năm nay dần dần trở thành… bình thường, hay nói chính xác hơn là “trạng thái bình thường mới”. Trong một năm mà đời sống văn hóa nghệ thuật nhiều lúc hầu như bị đóng băng; đời sống online, từ học hành đến giải trí đang cạn dần hứng khởi, người ta bỗng thấy nổi lên một hiện tượng độc đáo - “Vua Tiếng Việt” (chương trình do VTV3 thực hiện). Những tưởng đó chỉ là một trong vô vàn những gameshow truyền hình “vô thưởng vô phạt”, nhưng rất nhanh chóng, đã khơi dậy được nguồn cảm hứng của cả xã hội đối với tiếng Việt thân yêu.
 
Đánh giá “Vua Tiếng Việt” là một trong 10 sự kiện nổi bật của văn hóa Việt Nam trong năm 2021, báo Thể thao và Văn hóa thực hiện chuyên đề “Khơi nguồn cảm hứng tiếng Việt” nhằm lan tỏa hơn nữa cơn sốt không thể là nhất thời này.
 
Và thật bất ngờ, tiếng Việt không hề khô cứng và nhàm chán. Tiếng Việt “ngàn đời” vẫn “cựa quậy” trong những sáng tác. Bay trong thế giới ca từ của nhạc trẻ, vốn bị cho là phù phiếm và thời thượng, chúng ta gặp một trong những câu hát đình đám nhất năm qua, góp phần hâm nóng tên tuổi Văn Mai Hương, chỉ vỏn vẹn 5 từ: “Mùi hương em nồng say”. Những bài rap đại chúng của Binz, Đen Vâu… chứa đựng những tìm tòi nhiều mặt về nghệ thuật thi ca, khẳng định tiếng Việt hoàn toàn có thể rap như các thứ tiếng khác; cũng như giúp mở rộng một phần khả năng biểu đạt, trình tấu của thơ Việt và đời sống của tiếng Việt, làm tăng sức sống, sự linh hoạt và phong phú cho tiếng Việt.
 
Với chuyên đề này, Thể thao và Văn hóa đã đi từ những đốm sáng lấp lánh trong thực tiễn tiếng Việt đến những vấn đề vĩ mô hơn, như có cần “luật hóa” cách dùng tiếng Việt hay không? Xa hơn, là những vấn đề cực kỳ hàn lâm của các nhà Từ điển học trong việc công nhận “nhập tịch” các từ mới cho tiếng Việt.
 
Bước sang “năm COVID” thứ ba, chúng ta phải thích ứng an toàn và linh hoạt với dịch bệnh. Chợt có liên tưởng rằng, tiếng Việt thân yêu của chúng ta cũng luôn có sự thích ứng, linh hoạt và cả sự kiên cường nữa trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, cho tới cả thời đại 4.0 ngày nay.
 
Bìa báo Tết Le Courrier du Vietnam

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa
 
Với sự đóng góp tích cực của toàn bộ thành viên tòa soạn trong suốt một tháng rưỡi, báo Tết Nhâm Dần Le Courrier du Vietnam  - TTXVN gồm 92 trang màu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thắm đượm tình yêu quê hương đất nước, đong đầy tình cảm hướng về cuội nguồn của bà con Việt kiều... đã ra mắt độc giả ngày 10/1.
 
Trang bìa Báo, được lấy ý tưởng từ tranh Hổ Hàng Trống, nêu bật chủ đề của năm Nhâm Dần 2022 với bản sắc dân tộc đậm nét. Là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, do đó, Báo đã dành trang đầu tiên cho bài phỏng vấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nêu rõ quyết tâm của cả nước “đưa Nghị quyết thành hiện thực sinh động”. Cùng với đó là bài chia sẻ về trường phái “ngoại giao cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức.
 
Báo cũng có bài viết về nữ GS. TS. Nguyễn Đài Trang, học giả Canada gốc Việt đã dành hơn 1/4 thế kỷ để sưu tầm, khảo cứu và viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm lòng đáng trân trọng của người con xa quê dành cho vị cha già dân tộc. Các trang xã hội đều đề cập đến chính sách “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch COVID-19, đồng thời ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sỹ áo trắng” nơi tuyến đầu chống dịch. Thời khắc đón chào năm mới cũng là dịp nhìn lại những gì đã qua để hướng tới một năm mới tốt đẹp với nhiều kỳ vọng thông qua bài Xuất nhập khẩu kỷ lục, điểm sáng của kinh tế Việt Nam.
 
Là báo đối ngoại nên Le Courrier du Vietnam rất chú trọng khai thác chủ đề, giúp độc giả hiểu rõ hơn về đất nước và con người Việt Nam. Chuyên đề 5 bài tập trung khai thác “sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam” đặt ra yêu cầu và giải pháp để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, nghệ nhân, sản phẩm văn hóa… chính là các nguồn lực tạo nên sức mạnh mềm văn hóa quốc gia. Trong tháng cuối năm, nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân dịp này, CQTT Paris đã gửi về hai bài viết về Xòe Thái và ngoại giao văn hóa của Việt Nam, góp phần làm cho tờ báo Tết của Le Courrier du Vietnam thêm phần sinh động và hấp dẫn.
 
Các tục lệ văn hóa truyền thống dịp Tết cổ truyền, những điểm sáng của văn hóa Việt Nam trong năm 2021, nhiều bài về chủ đề hổ trong năm Nhâm Dần đã tạo điểm nhấn thư giãn, nhẹ nhàng, phù hợp với tâm lý độc giả trong ngày nghỉ Tết.
 
Với nội dung đa dạng, phong phú, cách trình bày sáng tạo, báo Tết Le Courrier du Vietnam mang đến cho bạn bè Pháp ngữ một món ăn tinh thần thú vị trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
 
Bìa báo Tết Việt Nam News

Tôn vinh sự kiên cường vượt qua đại dịch
 
Sau ba tháng kể từ khi Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Việt Nam đã có những bước đi quyết đoán để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh trên cơ sở thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, tăng tỷ lệ phủ vaccine, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam cũng nỗ lực cùng cả nước khắc phục khó khăn, ổn định nền kinh tế và có những phát triển phù hợp với trạng thái “bình thường mới”. Chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt hơn rất nhiều so với khi bắt đầu đại dịch. Những xu hướng tích cực như chuyển đổi số, kinh tế xanh, sạch… thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
 
Đó là những nội dung được đề cập trong Số báo đặc biệt Tết Nhâm Dần của báo Việt Nam News của TTXVN
 
Chiếm một nửa số Tết, chuyên đề 16 trang The new normal leap tập trung nhìn lại những chuyển đổi trong những tháng vừa qua, với tinh thần kiên cường, năng động, sáng tạo của doanh nghiệp và cộng đồng và hướng phát triển trong những năm tiếp theo dù vẫn sẽ còn nhiều trở ngại khó lường.
 
Chuyên đề tập trung vào phản ánh những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, dần chuyển sang giai đoạn bình thường mới; những cơ hội trong giai đoạn chuyển mình của thế giới, đất nước và cộng đồng; doanh nghiệp và những xu hướng tích cực thời kỳ hậu COVID; những nỗ lực thực hiện trách nhiệm xã hội, những đóng góp hữu ích cho cộng đồng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; các hoạt động, sáng kiến hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch ổn định cuộc sống…
 
Chúng ta kỳ vọng, khởi đầu bình thường mới sẽ chuyển thành những bước nhảy về chất, với vô vàn thay đổi và chuyển biến trong kinh tế, xã hội, đời sống, giúp các doanh nghiệp vượt qua thách thức để thích nghi, ổn định và phát triển mạnh mẽ, bền vững trong giai đoạn mới.
 
Với 32 trang báo và 4 trang bìa in màu trên giấy couches, báo Việt Nam News số đặc biệt Tết Nhâm Dần phát hành cuối tháng 1/2022 còn có nhiều bài, ảnh và mục đặc sắc khác, hứa hẹn sẽ là một ấn phẩm đẹp về hình thức và hấp dẫn, mới mẻ về nội dung./.

Nội san Thông tấn số Xuân 2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Niềm vui nhân đôi (26/01/2022 11:32:06)

Những người Sáu mươi - Sáu mốt (26/01/2022 11:25:45)

AFF Cup... thời COVID (26/01/2022 11:19:07)

Kỷ niệm 70 năm thành lập Phân xã Bắc Kinh, Trung Quốc (1952-2022) : Những năm tháng khó quên (26/01/2022 10:13:16)

Thông báo tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2021  (26/01/2022 09:59:16)

Thăm và chúc Tết Nhâm Dần 2022 (25/01/2022 10:57:54)

Bồi đắp lý tưởng, bản lĩnh, năng lực cho đội ngũ nhà báo trẻ (25/01/2022 09:54:00)

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng: TTXVN được trao 4 giải thưởng Giải Búa liềm vàng năm 2021  (22/01/2022 00:07:18)

TTXVN mở chuyên mục “Văn hóa soi đường” (18/01/2022 18:27:33)

Hai đơn vị của TTXVN nhận Bằng khen của Bộ Tài chính (17/01/2022 17:01:09)