Thứ bảy, ngày 21/09/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Nhà ăn 79 Lý Thường Kiệt Giá cả bình dân vệ sinh đẳng cấp "4 sao"


(09/10/2007 08:57:19)

Ấn tượng đầu tiên: ngăn nắp. Từng dãy bàn, ghế kê tăm tắp thẳng hàng. Sàn nhà sạch bóng. Vách kính trong veo lùa ánh sáng chan hòa khắp nơi. Không khí mát mẻ. Còn đồ ăn ra sao nhỉ? Chà, điều này quan trọng đây!

           Tôi tiến vào bếp. Vật nào chỗ nấy. Bếp ga, nồi niêu xong chảo không vết dầu mỡ. Giá bát, khay, bồn rửa... đều bằng thép inox. Các chai dầu ăn, nước mắm, xì dầu... xếp ngay ngắn trên kệ cao. Hành tỏi, xả gừng trong từng rổ dưới gầm bàn, không một dấu hiệu của ẩm mốc. Bát đĩa khô ráo, trắng bóng,  xếp ngay ngắn trên giá kê sát tường.

            Mươi thanh niên nam nữ mặc blu trắng, tạp dề xanh, má đỏ hây hây. Người nấu cơm, kẻ xào thức ăn : rau muống, rau cải, đậu đũa, tôm rim, thịt gà kho, thịt bò kho, thịt lợn rang cháy cạnh... Xong xuôi, thức ăn được bày ra đĩa và sắp lên khay. Mỗi khay là một suất ăn gồm âu cơm, bát canh, đĩa rau luộc hoặc xào, một đĩa thức ăn mặn, chiếc bát ăn cơm nhỏ cùng đủ bộ giấy ăn, đũa, thìa. Bên ngoài ô cửa thông với phòng ăn: nước mắm đựng trong âu lớn, ớt hiểm bằm nhỏ, đôi khi có thêm hũ dưa, cà muối - những món này nguời ăn tự lấy theo nhu cầu.

            Qui trình chế biến ở "Bếp 79" là "đường một chiều", từ thô đến tinh. Không có chuyện rau cỏ chưa rửa hay thịt sống để cạnh thức ăn đã nấu chín. Trong giờ nấu nướng mà sàn bếp cũng không hề có vệt nước nào. Thích thật!

Trước nhà ăn tầng 8 là tấm bảng ghi thực đơn ngày và cho cả tuần. Bồn rửa tay ngoại cỡ, xà phòng nước xanh ngọc, khăn lau tay to bản mắc ngay ngắn. Chỉ thiếu mỗi máy sấy tay là y chang như cung cách một nhà hàng 3-4 sao.

 

            Giá hợp lý: 10.000 đồng/suất

            Kim đồng hồ nhích dần đến 11 giờ. Từng toán người túa ra từ thang máy vào tầng 8. Từ 11 giờ 30 phút đến 12 giờ là lúc nhà ăn náo nhiệt nhất. Mọi người xúm vào cửa lấy thức ăn. "Tôi lấy thịt kho, rau muống", "Cho chị đậu nhồi, canh cải"... Có anh khéo miệng xin được miếng cháy to đùng, vàng rộm. Ở nhà thì làm gì có thứ "của lạ" này nữa.

            "Anh ăn ngon miệng chứ?", tôi hỏi anh Việt Tú, Ban tin kinh tế, thay cho câu chào. "Ăn được. Trông qua thì suất cơm có vẻ ít nhưng thực ra tôi chưa bao giờ ăn hết cả". Tôi được biết, thức ăn có định lượng, nhưng cơm thì có thể yêu cầu tùy ý. Ăn nhiều lấy nhiều, ăn ít lấy ít. "Tôi là người trung thành nhất với nhà ăn từ ngày khai trương đến giờ." Chị Ngân, Ban Tin trong nước vừa nói vừa gắp món bắp cải luộc. "Lúc đầu tôi ăn ngon miệng lắm nhưng bởi vì ngày nào cũng ăn ở đây nên có lúc cũng thấy bình thường. Bây giờ thì tôi quen rồi". Chị Ngân muốn nói món ăn của bếp ăn Thông tấn phù hợp với  khẩu vị của chị hay chị đã tự điều chỉnh để trở thành một khách hàng "phù hợp" với bếp ăn này?

            Đại đa số anh chị em làm việc ở Tổng xã nhiệt liệt hoan nghênh sự ra đời của "Bếp ăn 79", cho giá 10.000 đồng/suất là hợp lý trong tình hình hiện nay. Đặc biệt mọi người đều đánh giá cao sự sạch sẽ và tinh thần phục vụ chu đáo của nhân viên nhà ăn. Tuy nhiên, cách bán vé ăn ngày không thuận tiện lắm. Ai muốn ăn trưa hôm sau phải mua vé từ chiều hôm trước. Nhiều khi mải làm việc quên không đi mua vé ăn là đành phải chạy ra ăn ngoài. "Giá có cách nào cải tiến chế độ mua vé ăn thì hay quá", rất nhiều "khách hàng" đã góp ý thẳng thắn khi tôi phỏng vấn về việc này .

            Nói KHÔNG với thực phẩm không rõ nguồn gốc

            "Có được nhà ăn ở 79 Lý Thường Kiệt là một quyết tâm của Ban lãnh đạo cơ quan và sự cố gắng vượt bậc của Văn phòng đấy", chị Trần Diễm Châu, phó Phòng hành chính quản trị bắt đầu câu chuyện. Nhìn vóc dáng mạnh khỏe tươi tắn của chị, tôi thầm nghĩ: "Văn phòng thật khéo chọn người vào vị trí "Mama tổng quản" cho cái dạ dày của Tổng xã".

            "Khi được cấp trên tin cậy giao nhiệm vụ tham gia xây dựng bếp ăn cho cơ quan, tôi đã đến nhiều cửa hàng ăn uống ở Hà Nội để học kinh nghiệm. Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất là an toàn thực phẩm. Món ăn có thể chưa được ngon nhưng nhất thiết phải bảo đảm vệ sinh", chị Châu khẳng định. Các món ăn như ốc chuối đậu nấu mẻ hay rau muống luộc chấm tương rất ngon, nhưng chị bảo Chánh Văn phòng Nguyễn Thế Quỳnh không đồng ý cho dùng mẻ và tương. Lý do: khó kiểm tra được chất lượng vệ sinh các thứ phụ gia đó. Bát đĩa cũng vậy, chỉ sử dụng toàn loại men trắng tinh để dễ dàng phát hiện vết bẩn.

            "Nhà bếp" vừa làm vừa nghe ngóng ý kiến người ăn. Món nào bị chê là rút kinh nghiệm ngay. Món nào được khách ăn chọn nhiều thì phát huy. Vì thế món ăn ngày càng đa dạng. Hiện tại "Bếp 79" đã có đến 15 món ăn khác nhau thay đổi từng ngày. Người Việt Nam chúng ta quen ăn những thức ăn ướp tẩm nhiều gia vị. Nhà bếp vẫn sử dụng  gia vị cho thức ăn. Nhưng nếu dùng gia vị nhiều như các quán ăn bên ngoài thì chỉ làm khổ mũi mọi người thôi. "Nhà bếp đã được lắp những chiếc máy khử mùi mạnh nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào", chị Châu nói như phân bua khi anh chị em kêu ca rằng mùi thức ăn bay khắp các phòng làm việc...

            Quy trình chế biến thức ăn được "Bếp 79" xây dựng rất chi tiết. Anh chị em phục vụ được tuyển chọn kỹ càng, nhiều người có trình độ nấu ăn trung cấp nên tuân thủ rất tự giác và thuần thục qui trình chế biến. Buổi sáng từ 7h đến 10h30: nấu ăn. Buổi chiều dành cho rửa bát đũa, lau dọn nhà ăn. Khăn lau ngâm tẩy, phơi trên sân trời (tầng 14) cho tiệt trùng. Sáng nào Phòng HCQT cũng phân công nhau lên coi sóc bếp ăn.

            Chị Châu cho xem một danh sách các địa chỉ cung cấp thực phẩm... Thịt, cá mua từ 4h sáng. Thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá tươi lấy từ các lò gần cự ly với cơ quan nên có ưu điểm thịt đậm đà, dễ kiểm soát chất lượng và dịch bệnh. Rau xanh "cất" tại vùng trồng rau sạch Thanh Trì, các hợp tác xã Đại Lan, Vân Nội. Bếp được trang bị hai chiếc tủ lạnh Electrolux khá lớn nhưng hầu như chỉ để cá kho. "Cứ hai ngày chúng tôi mới kho cá một lần. Cá kho ăn nguội mới ngon. Và cũng để tránh ngày nào cũng tra tấn mọi người bằng mùi cá kho". Còn các thực phẩm tươi sống khác ăn ngày nào mua ngày nấy. Chị Châu giải thích thêm: "Văn phòng chưa thể bán vé cho những ai có nhu cầu ăn đột xuất, vì nếu làm dôi ra nhưng không có người đến ăn thì cơ quan không thể bù lỗ cho nhà ăn được".

            "Lúc đầu chúng tôi dự tính phục vụ khoảng 150 người ăn". "Chị căn cứ vào đâu để đưa ra con số đó?, tôi hỏi". "Năm ngoái có một dạo, cứ đến giờ ăn trưa là tôi ra ngồi ở cổng thường trực Nhà số 5, đếm số người và cả số xe máy đi ra cổng", chị Châu tủm tỉm nhớ lại phương pháp điều tra thủ công của chị về số người dự kiến sẽ ăn trưa thường xuyên ở nhà ăn mới của cơ quan. Bây giờ số thực khách trung bình là 180-200, có hôm lên đến 235 người/ngày.

            Thật dễ chịu được ngồi ăn trong phòng điều hòa mát mẻ, vừa ăn vừa ngắm phong cảnh Thủ đô từ độ cao 30 mét. Hoan hô nhà ăn Thông tấn!

Minh Cầm
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tấn xã Việt Nam triển khai cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (07/06/2007 11:18:13)

Phương Thảo hiếu thảo (07/06/2007 10:42:33)

Những bông hoa nhỏ (07/06/2007 09:15:13)

Chân dung những người lao động TTXVN (14/05/2007 15:30:18)

Khiếu Minh Đồng, "Người quản gia" tận tụy của Thể Thao & Văn Hóa (14/05/2007 15:25:28)

Một nữ chỉ huy trưởng ở Ban Biên tập tin Trong nước (18/04/2007 15:41:21)

Mong muốn giúp đỡ những bạn trẻ có nguyện vọng vào Đảng (18/04/2007 15:00:18)

“Sống hết mình và làm điều gì cũng phải hết mình” (13/12/2006 10:51:20)

Hai cán bộ của TTXVN được UBND Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" (08/11/2006 09:28:31)

“Tự mình phải khắt khe với mình thôi” (07/11/2006 15:31:33)