Chủ nhật, ngày 05/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Nhiều việc cần làm ngay


(17/01/2012 12:14:48)

Trước hết xin cảm ơn Nội san Thông tấn đã mở chuyên mục trao đổi về việc nâng tầm vị thế hệ thống các phân xã. Theo tôi, đây là việc làm rất cần thiết trong bối cảnh ngành ta đang có sự chuyển biến mạnh theo hướng thông tin đa phương tiện. Đây cũng là dịp để các nhà báo đang công tác tại các phân xã trong và ngoài nước trao đổi những vấn đề cần quan tâm liên quan tới hoạt động của các phân xã hiện nay.

Phóng viên Mạnh Hà (đội mũ) Trưởng phân xã Cao Bằng tác nghiệp tại bãi vàng Khau Kiểm, huyện Thạch Anh, Cao Bằng

            Ban Biên tập tin Trong nước (BTTTN), nhất là Phòng Quản lý Phân xã địa phương - đơn vị có liên quan mật thiết với các phân xã trong nước, cho rằng, để nâng tầm vị thế hệ thống các phân xã, trước hết cần giải quyết tốt một số vấn đề sau:

 

            Kiện toàn tổ chức - nhân lực

            Mặc dù định mức khoán sản phẩm thông tin đối với phóng viên (PV) phân xã trong nước đã giảm nhiều so với trước nhưng so với cách đây vài năm, PV các phân xã trong nước vẫn đang phải chịu áp lực thông tin khá lớn, bởi không chỉ làm tin cho Ban BTTTN mà còn có trách nhiệm cung cấp thông tin cho nhiều đơn vị trong ngành, nhất là Kênh Truyền hình Thông tấn, chưa kể nhiều nhiệm vụ khác. Vì vậy, để đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác thông tin trên địa bàn thường trú, việc kiện toàn tổ chức và nhân lực cho các phân xã là nhu cầu cấp bách hiện nay.

            Qua theo dõi biến động về nhân lực của khối phân xã trong nước, tính đến thời điểm tháng 11/ 2011, 63 phân xã trong nước có tổng cộng 156 PV; trong đó 29 phân xã phía Bắc có 65 PV (5 phân xã: Hưng Yên, Sơn La, Lai Châu, Bắc Ninh, Lạng Sơn hiện chỉ có 1 PV/PX); 11 phân xã ở miền Trung - Tây Nguyên có 28 PV và 23 phân xã miền Nam có 63 PV. Nếu tính cả số PV do hai Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh và tại TP. Đà Nẵng tuyển dụng để tăng cường cho các phân xã thuộc khu vực B1, B2 trong thời gian vừa qua và kể cả gần 20 phóng viên mới trúng tuyển, chuẩn bị "tung" đi các phân xã phía Bắc vào đầu năm 2012, mỗi phân xã trong nước cũng chỉ có từ 2-3 PV (riêng Phân xã Hà Nội có 8 PV, Phân xã TP. Hồ Chí Minh có 9 PV).

            Khi mà khối lượng công việc tăng, yêu cầu chất lượng thông tin cũng ngày một cao hơn, việc mỗi đơn vị chỉ có từ 2-3 PV như hiện nay không còn phù hợp đối với nhiều phân xã, nhất là những phân xã ở địa bàn quan trọn.
             Để tháo gỡ khó khăn này và phục vụ hiệu quả công tác thông tin, việc tăng cường nhân lực cần ưu tiên trước hết cho những phân xã hiện chỉ có một PV; đồng thời tăng cường thêm PV cho một số phân xã ở những địa bàn trọng điểm mang tính khu vực. Ví dụ, ở khu vực phía Bắc, các Phân xã Nghệ An, Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Lạng Sơn có thể xây dựng thành những phân xã khu vực với biên chế từ 4-5 PV/đơn vị (trong đó một PV chuyên làm truyền hình). Ngoài đảm bảo thông tin trên địa bàn thường trú, các phân xã này còn đảm nhận việc tác nghiệp truyền hình cho các phân xã lân cận khi có yêu cầu phối hợp thông tin từ Tổng xã và từ các phân xã trong khu vực. Để đáp ứng yêu cầu công việc, tất nhiên việc đầu tư cho các phân xã trọng điểm cũng cần phải tương ứng. Cụ thể, những phân xã này cần được trang bị ô tô và trang thiết bị chuyên dụng hiện đại (máy quay, máy ảnh, máy tính xách tay).

 

            Sửa đổi chế dộ, chính sách đối với PV phân xã trong nước

            Mặc dù không muốn so sánh (bởi mọi sự so sánh đều là khập khiễng, mỗi đơn vị có một đặc thù riêng), nhưng quả thật nếu so với các đồng nghiệp của các báo Trung ương cùng thường trú trên địa bàn thì PV phân xã trong nước cũng có nhiều điểm thiệt thòi. Mức thu nhập bình quân của PV phân xã trong nước hiện nay chỉ dao động từ chưa đến 4 triệu tới 6 triệu đồng/người/tháng (chỉ có một số ít PV có mức thu nhập cao từ 8-10 triệu/tháng). Mức thu nhập trên đặt trong bối cảnh vật giá tăng cao như hiện nay, đời sống PV chưa thể nói là khấm khá, chưa nói đến việc có "của ăn của để" từ thu nhập chính đáng bằng nghề...

            Điều ghi nhận là, tuy phần lớn PV phân xã phải sống xa gia đình, thu nhập chưa cao, lại vẫn có chút "lăn tăn", nhưng hầu hết PV các phân xã trong nước đều có trách nhiệm với ngành, với nghề. Minh chứng là hàng tháng, lượng tin, bài của khối phân xã trong nước chiếm tới 65 - 70% lượng tin, bài phát trên bản tin Trong nước của TTXVN. Và họ vẫn thực sự là mạng lưới "tai mắt" của ngành trong công tác thông tin.

            Tuy nhiên, để cho đội ngũ PV trong nước có điều kiện sống tốt hơn, để từ đó làm việc hiệu quả, say nghề và gắn bó hơn với sự nghiệp Thông tấn, cũng cần phải có những chế độ, chính sách ưu đãi kịp thời, phù hợp hơn. Trước mắt lãnh đạo cơ quan cần xem xét, tăng khoản tiền thù lao nhuận bút và năng suất lao động cho các PX trong nước; đồng thời điều chỉnh lại hoặc bổ sung thêm cho hợp lý một số chế độ, chính sách đối với PV thường trú tại các địa phương (như chế độ về công tác phí, chế độ nghỉ dưỡng hàng năm, chế độ về thăm gia đình hàng tháng, chế độ trợ cấp ban đầu cho PV thường trú...).

            Để đảm bảo tính công bằng, khách quan, việc luân chuyển PV phải thực hiện công khai, rõ ràng. Đối với những trường hợp đã hoàn thành thời gian thường trú tại PX cần giải quyết cho anh chị em về công tác tại Tổng xã ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ (trừ những trường hợp không có nhu cầu này). Các đơn vị có PV đi thường trú có trách nhiệm tiếp nhận PV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở phân xã; đồng thời ưu tiên đưa vào diện quy hoạch cán bộ những PV đã có thời gian thường trú ở phân xã (nếu đáp ứng đủ các tiêu chí về cán bộ nguồn theo quy định). Nhiệm kỳ thường trú của PV phân xã trong nước cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn. Ví dụ: thời hạn thường trú tại phân xã đồng bằng, đô thị có thể là ba năm; phân xã khu vực có một phần miền núi là hai năm rưỡi; phân xã miền núi -  hai năm.

            Một điều quan trọng nữa là việc điều động PV (kể cả trưởng phân xã) đi nhận nhiệm vụ tại các phân xã trong nước phải được coi là trách nhiệm chung của các đơn vị thông tin và của PV trong ngành, không nên "khoán trắng" cho Ban Tổ chức Cán bộ và Ban Biên tập tin Trong nước như hiện nay. Thực tế cho thấy, một số PV ở Ban Biên tập tin Thế giới, Ban Biên tập tin Đối ngoại, báo Tin Tức..., sau một thời gian làm PV phân xã trong nước, khi được điều động đi làm PV thường trú nước ngoài hoặc đảm nhận các vị trí công tác quan trọng đã phát huy được năng lực, khẳng định được uy tín trong nghề.

            Việc quản lý và sử dụng trụ sở phân xã cũng cần có sự thay đổi để đảm bảo phát huy được hết công năng, đồng thời tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Thực tế, nhiều phân xã trong nước được đầu tư xây dựng khá khang trang, lại ở những vị trí đẹp nhưng chưa sử dụng hết công năng. Đề nghị lãnh đạo cơ quan cho phép các phân xã được cho thuê một phần diện tích trụ sở đối với những lĩnh vực phù hợp. Từ đó tăng thêm nguồn thu cho ngành và cải thiện thêm đời sống cho anh em, nhất là trong điều kiện thu nhập của PV phân xã vẫn còn khiêm tốn như hiện nay.

Mai Thế Hưng (Trưởng phòng QLPX Ðịa phương - Ban Biên tập tin Trong nước)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2011+01/2012