Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Những cái Tết "lệch pha" ấm tình người trên đất phù tang


(08/02/2010 16:00:48)

            Những ngày gần đây, công việc bận rộn của phân xã đã khiến tôi quên dần khái niệm thời gian. Nhưng những tấm bưu thiếp chúc mừng năm mới của các bạn đồng nghiệp Nhật Bản ở Kyodo, NHK hay Nikkei và sự xuất hiện các cây thông Noel trước cửa các nhà hàng, khách sạn và khu mua sắm đã nhắc tôi nhớ rằng năm mới sắp đến. Tôi và chắc là nhiều người Việt khác làm việc ở Nhật Bản, không hào hứng lắm với việc đón những cái tết "lệch pha" ở quốc gia Đông Á này.

            Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về văn hóa với các nước khác trong khu vực như Việt Nam và Trung Quốc, và chỉ có khoảng 2% dân số theo đạo Thiên Chúa, nhưng người Nhật không đón năm mới theo Âm lịch. Theo các tài liệu mà tôi thu thập được, người Nhật dùng Dương lịch từ năm 1873 sau khi Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi được 5 năm và chủ trương Âu hóa. Tuy nhiên, khác với các nước phương Tây, dù đón Tết dương lịch nhưng người Nhật vẫn giữ hầu như nguyên vẹn các phong tục cổ truyền mà họ gọi là "Shogatsu" (Chính Nguyệt) và ngày đầu năm cũng gọi là Nguyên đán (Gantan). Bên cạnh đó, trên các thiệp chúc mừng năm mới, người ta vẫn thấy xuất hiện 12 chi với chữ Hán và hình ảnh 12 con giáp mà không đề cập gì đến 10 can. Sự khác biệt này có lẽ nằm ở chỗ mặc dù là một nước công nghiệp phát triển và chịu ảnh hưởng nhiều của thế giới phương Tây nhưng ở Nhật Bản, đạo Shinto và đạo Phật là các tôn giáo chính. Theo Cục văn hóa Nhật Bản, đến cuối năm 2005, số người theo đạo Shinto ở đất nước Mặt trời mọc là khoảng 107,2 triệu và số người theo đạo Phật là khoảng 91,3 triệu, trong đó có người theo cả đạo Shinto lẫn đạo Phật.

            Cũng giống như Việt Nam, thời điểm trước đêm Giao thừa là dịp để các gia đình ở Xứ sở hoa anh đào đoàn tụ và thưởng thức các món ăn truyền thống. Do vậy, trong dịp năm mới, thủ đô Tôkyô mất đi bầu không khí nhộn nhịp và khẩn trương thường nhật. Vào đêm Giao thừa và ngày 1/1, người Nhật thường đi tới các đền hoặc chùa để cầu nguyện. Những di tích lớn ở thủ đô Tôkyô như đền Meiji ở gần khu Harajuku, hay chùa Sensoji ở quận Asakusa, đông nghịt người nối đuôi nhau dài vài kilômét chờ đến lượt vào lễ.

            Khi mới sang đây, do chưa quen với khí hậu lạnh ở Nhật Bản, vào đêm Giao thừa, tôi chỉ ở nhà, vừa xem chương trình truyền hình trực tiếp của Đài truyền hình NHK, vừa "chat" với gia đình ở nhà để chờ đến 12 giờ đêm và lắng nghe những tiếng chuông "Joya" (Trừ Dạ) từ các ngôi chùa vọng tới. Tết năm nay, tôi tự nhủ phải "nhập gia tùy tục" và tới một ngôi chùa hoặc đền nào đó để nghe tiếng chuông "Joya no kane"- tiếng chuông trừ tịch, báo hiệu một năm mới bắt đầu.

            

           Người Việt thường nói: "Cung Chúc Tân Xuân", trong khi người Nhật nói: "Cẩn Hạ Tân Niên", có nghĩa là "Kính cẩn chúc mừng năm mới". Nhân dịp Xuân mới, phân xã Tôkyô xin gửi lời chúc "Cẩn Hạ Tân Niên" tới Ban lãnh đạo và các đồng nghiệp ở TTXVN.

 

 

            Không khí đón năm mới tưng bừng của người dân Nhật Bản làm tôi háo hức như một đứa trẻ mong chờ Tết đến để được mua áo mới. Tuy nhiên, càng háo hức bao nhiêu thì lại càng thấy buồn bấy nhiêu bởi vì "người-Nhật-không-ăn Tết-Âm lịch". Nếu không trùng với bất cứ ngày nghỉ hoặc ngày lễ nào, người Nhật vẫn coi những ngày Tết nguyên đán như ngày thường. Họ vẫn đến công sở làm việc và do vậy, vẫn có khả năng các sự kiện quan trọng xảy ra vào những ngày này. Vì vậy, với nhiệm vụ được giao, phân xã vẫn phải phân công nhau để theo sát các diễn biến ở Nhật Bản.

            Nỗi buồn của tôi vơi bớt đi phần nào khi vợ con sang sống cùng. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, dù bận việc nhưng tôi vẫn dành thời gian đưa gia đình tới khu Ameyoko ở Ueno - nơi có bán rất nhiều thực phẩm và gia vị có xuất xứ từ nhiều nước khác nhau nhưng giống của Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc - mua về nấu các món ăn cổ truyền của dân tộc như nem cuốn và giò. Có khoảng 400 tiệm bán thực phẩm hai bên một đoạn đường hẹp, chỉ dài khoảng 300m. Trong những ngày cuối năm có hàng trăm ngàn người tới đây mua sắm. Cứ mỗi lần tới đây, tôi thường liên tưởng đến đi chợ Xuân ở Hà Nội.

            Mâm ngũ quả thì không mất công như vậy vì chỉ cần vào siêu thị hay tới các cửa hàng tiện lợi (convience store) "khoắng" một cái là có đủ hoa quả để bày. Riêng chuyện kiếm một nải chuối cho mâm ngũ quả thì không đơn giản. Ở các siêu thị của Nhật Bản chỉ thấy chuối cắt từng quả riêng rẽ hoặc thành những xách nhỏ chừng 3-5 quả. Một đồng nghiệp trong phân xã đã có sáng kiến mua 4-5 xách rồi sau đó dùng que cắm và dây buộc tạo thành một nải chuối giống như ở quê nhà. Năm ngoái, anh còn cất công đi khắp Tôkyô kiếm được một số cành đào nhỏ rồi hì hụi ghép lại tạo thành một cành đào đủ để trang trí, mang lại không khí Xuân Việt Nam trong phân xã.

            Mặc dù phân xã TTXVN tại Tôkyô không trực thuộc Đại sứ quán nhưng cứ mỗi khi Tết Nguyên đán đến, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản lại gửi biếu mỗi gia đình ở phân xã một chiếc bánh chưng và đôi khi cả một cây giò đặt làm ở các quán ăn Việt Nam, hoặc của bà con Việt kiều ở Saitama - một tỉnh phụ cận thủ đô Tôkyô. Vui nhất là đêm 30 Tết. Toàn bộ phóng viên phân xã cùng gia đình vào Sứ quán tham gia bữa tiệc chào xuân. Sau đó mọi người rủ nhau đi chùa hoặc đền thờ gần đó.

            Đón xuân nơi đất khách quê người tại một nước vùng ôn đới, tiếp giáp hàn đới như Nhật Bản, chúng tôi không được hưởng không khí ấm áp như ở quê nhà. Ở đây, đầu tháng Giêng (Tết tây), nhiệt độ khoảng từ 3 đến 10 độ C và qua đầu tháng Hai (Tết ta) là giữa đông, nhiệt độ xấp xỉ 0 độ C. Thời tiết như vậy nên dù là ngày không có gió hay tuyết, ai cũng co ro trong những lớp áo dày. Dù rét vậy nhưng theo truyền thống Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình cùng các cán bộ, nhân viên sứ quán vẫn đến phân xã chúc Tết. Sau đó, cả phân xã và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đi tới các cơ quan đại diện khác để chúc Tết. Điểm dừng chân cuối cùng chính là ngôi nhà ấm cúng của Đại sứ quán.

 

Thanh Tùng (Trưởng phân xã Tôkyô)
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2010