Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Những giai điệu xúc động nhất ở Trường Sa


(05/07/2022 15:46:21)

Những ngày cuối tháng 5/2022, tôi may mắn trở thành thành viên của Đoàn công tác số 8, có mặt trên tàu 571 đến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Đoàn công tác năm nay đặc biệt hơn bởi sự tham gia, góp mặt của hơn 40 kiều bào - đại diện cho cộng đồng 5,3 triệu người Việt trên khắp thế giới. Chúng tôi đã cùng nhau vượt hơn 1.000 hải lý với muôn trùng sóng trong 9 ngày, qua 10 điểm đảo để đến với Trường Sa bằng niềm tin yêu, lòng tự hào về vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi đầu sóng, ngọn gió ấy, ai cũng đều cảm nhận trọn vẹn tinh thần yêu nước của những người con đất Việt, chung một dòng máu, chung một Tổ quốc trong trái tim với một bản nhạc xúc động nhất…

Phóng viên Trương Thị Diệp cùng “chiến sĩ nhí” tại đảo Trường Sa, tháng 5/2022

Cùng chung một nhà
 
Những ngày này, cuộc sống trên các đảo ở Trường Sa rất khác, sôi động nhất phải nhắc đến trường Tiểu học xã Song Tử Tây. Ngày hôm ấy, anh Đinh Hùng Cường, kiều bào Nhật Bản “xung phong” làm thầy giáo, dạy các em nhỏ đánh răng hai lần/ngày để ăn kẹo không bị sâu răng... Một cậu học sinh lém lỉnh trả lời: “Một ngày con chỉ cần đánh răng một lần mà vẫn không bị sâu răng ạ. Tại vì con dùng kem đánh răng bảo vệ gấp đôi!”. Cả lớp cười ồ lên. “Thầy giáo” Cường hào hứng tặng bánh kẹo cho cả lớp. Ấn tượng với các em nhỏ lễ phép nhưng không kém phần hồn nhiên, chăm chỉ, anh tin rằng, các thế hệ nối tiếp lớn lên tại đây sẽ hiểu đảo, yêu đảo và gìn giữ đảo tốt hơn ai hết.
 
Còn trên tàu Trường Sa 571, chúng tôi thật ấn tượng với cô Nguyễn Thị Hường, kiều bào Đức - người phụ nữ tràn đầy năng lượng, vui vẻ, hòa đồng và “hay mất tích nhất phòng D8”. Bốn giờ sáng, trước giờ “toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”, trong khi mọi người đang say giấc hoặc… “say sóng”, cô Hường đã có mặt ở khu bếp nhà C cùng các chiến sĩ trẻ chuẩn bị đồ ăn sáng, ăn trưa cho mọi người. Với cô, những ngày tháng được sống, cảm nhận cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ và người dân Trường Sa là “những ngày tháng tươi đẹp và ý nghĩa nhất trong đời” bởi cô như được trở về nhà, được về với những người thân yêu, được đón nhận tình cảm ấm áp, sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, nhiệt tình của các cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.
 
 Giai điệu bịn rịn nhất
 
Đến mỗi điểm đảo, đội văn nghệ xung kích từ trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội lại biểu diễn chương trình đặc sắc với những tiết mục ca ngợi biển đảo, quê hương, đất nước và chiến sĩ Hải quân; động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo và nhà giàn.
 
Tuy nhiên, bản nhạc đẹp nhất với tôi và tất cả thành viên trên tàu là giai điệu của những bài hát của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo Trường Sa khi kết thúc chuyến hải trình. Hàng trăm người đứng dàn hàng ngang, nghiêm chỉnh vỗ tay theo nhịp bài hát: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Nối vòng tay lớn, Gần lắm Trường Sa, Khúc quân ca Trường Sa… Toàn bộ thành viên đứng trên boong tàu, vẫy tay và cùng hòa giọng hát. Mọi người trên tàu đều bồi hồi, xúc động, nhiều người đã khóc. Những giọt nước mắt của tình yêu, nỗi nhớ, xen lẫn niềm tự hào. Vỏn vẹn chưa đầy một ngày ngắn ngủi nhưng hàng trăm con người chưa từng gặp nhau lần nào lại bịn rịn, quyến luyến như đã thân, đã quen từ rất lâu.
 
Tàu nhổ neo, di chuyển xa dần đảo, người ở lại hô vang “Trường Sa yêu đất liền”, người rời đi đáp lại “đất liền yêu Trường Sa”… Tàu đi xa rồi, nhiều thành viên trên tàu vẫn còn khóc; những đôi mắt sưng mọng, đỏ hoe, cùng hướng về phía đảo dần dần chỉ còn là điểm sáng nhỏ, rồi khuất hẳn trong những con sóng. Mỗi chuyến tàu ra đảo lại mang theo những cảm xúc trọn vẹn và thiêng liêng của hai tiếng đồng bào, hai tiếng Việt Nam.
 
Viết sao để không “lặp”
 
Khác với lần tác nghiệp tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 8/2021, khó khăn nhất đối với tôi trong đợt này, bên cạnh việc phải di chuyển liên tục, thường xuyên tác nghiệp trên tàu, trên đảo, sức khỏe không ổn định, thời tiết nắng mưa thất thường, là việc làm sao có được những bài viết chân thực, xúc động, không trùng lặp với các phóng viên đã đến Trường Sa trước đó.
 
Tôi đã nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của phòng Chính trị-Ngoại giao và Ban biên tập tin Trong nước (Thông tấn xã Việt Nam). Ngay sau khi có thông tin, tôi đã lên đề cương chi tiết cho các bài viết, tập trung khai thác những câu chuyện, cảm xúc, tâm tư của bà con kiều bào sau hai năm chờ đợi chuyến đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tôi được gợi mở những cách khai thác, xử lý và thể hiện thông tin phù hợp với định hướng của ngành…
 
Mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng trước chuyến đi, song ở trên tàu, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Hai ngày đầu, tất cả mọi người đều “quyết tâm bám giường” để làm quen với điều kiện sinh hoạt và các đợt sóng cấp 5, cấp 6. Tuy không say sóng, nhưng sau đó là những đợt cảm cúm vì nắng gay gắt, mưa bất chợt, rối loạn tiêu hóa, những cơn đau đầu liên tiếp ập đến. Có những ngày sóng lừng, xuồng dập dềnh không lên được tàu, anh chị em cả xuồng bị nước bắn ướt hết người… tôi phải nhanh chóng thay đồ, uống thuốc và “quyết tâm không được ốm”.
 
 Là nữ phóng viên duy nhất tham gia đoàn kiều bào, tôi  xác định phải có tác phong nhanh nhẹn, khẩn trương để kịp thời gian lên xuống xuồng; quan sát, xác định vị trí thuận lợi để chụp ảnh, cân bằng thời gian phỏng vấn, đảm bảo hiệu quả cao nhất về tin, bài đã đặt ra.
 
Tuy kế hoạch rất rõ ràng nhưng một bài viết của tôi vẫn bị “vỡ kế hoạch” do có sự thay đổi trong danh sách kiều bào tham gia chuyến đi. May mắn thay, tôi được biết câu chuyện rất thú vị về một lá cờ “quay trở lại Trường Sa”, để từ đó khai thác làm chất liệu cho bài viết. Đây là lá cờ đã cùng anh Trần Đặng Đăng Khoa (tỉnh Tiền Giang) đi qua tất cả các châu lục trên thế giới. Tại đây, anh có dịp kể lại và cảm ơn tình cảm, sự giúp đỡ của nhiều kiều bào để hoàn thành niềm đam mê. Anh chia sẻ, dù đi khắp nơi trên thế giới, dám dấn thân, đương đầu với khó khăn, thử thách để chinh phục niềm đam mê của mình, song ước mơ lớn nhất của chàng trai trẻ lạc quan, tràn đầy năng lượng sống là được một lần đặt chân đến Trường Sa thân yêu. Trong đêm giao lưu văn nghệ trên boong tàu, sau những tiết mục văn nghệ sôi nổi, độc đáo, câu chuyện trong hành trình “trở về nhà” đặc biệt của lá cờ đỏ sao vàng đã khiến các thành viên bất ngờ và cảm phục.
 
Chín ngày, vượt gần 1.000 hải lý, đi qua 10 điểm đảo và một nhà giàn chắc chắn là những ngày tháng không thể quên trong cuộc đời của mỗi người. Không chỉ hòa chung cảm xúc của một người dân Việt Nam được đặt chân đến vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi còn tâm niệm, mình đang đại diện cho cơ quan thông tấn quốc gia, để từ đó nỗ lực hết mình mang đến cho độc giả những thông tin, hình ảnh chân thật nhất, cảm xúc nhất và nhân văn nhất. Nếu có cơ hội, tôi vẫn hy vọng được quay trở lại Trường Sa thêm không chỉ một mà nhiều lần nữa, để được thêm yêu và tự hào về biển đảo quê hương mình./.

Trương Thị Diệp - Phóng viên Ban biên tập tin Trong nước
Nội san Thông tấn số 6/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những người “vác mai đi đào” Podcast (04/07/2022 08:13:28)

Lan tỏa thông tin chính thống trên các kênh truyền thông số (04/07/2022 08:12:27)

Tổ chức hoạt động “Vui hè năm 2022” (01/07/2022 17:18:12)

Khen thưởng các tập thể và cá nhân chiến dịch thông tin SEA Games 31 (30/06/2022 16:25:12)

Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022): Phát triển video trên nền tảng số để thu hút công chúng (30/06/2022 16:20:14)

Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022): Tìm giải pháp đa dạng nguồn thu cho báo chí (30/06/2022 16:13:47)

Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn: Gắn kết để cùng nhau đi xa (30/06/2022 16:09:48)

Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2022): Chúc mừng ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (30/06/2022 16:04:55)

Tổng giám đốc tiếp Đại sứ Iran Ali Akbar Nazari (29/06/2022 09:50:30)

Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021: TTXVN được vinh danh 3 tác phẩm (22/06/2022 10:29:22)