Thứ năm, ngày 02/05/2024

Tin tức trong ngành

Những trải nghiệm ý nghĩa


(07/02/2024 10:35:14)

Ngay ngày đầu năm mới 2024, tỉnh Ishikawa của Nhật Bản đã trải qua thảm họa động đất lớn. Nhóm phóng viên Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Tokyo, Nhật Bản đã có 6 ngày làm việc liên tục, gần như không ngủ. Trong khi thực hiện nhiệm vụ của phóng viên là cung cấp cho độc giả những thông tin nhanh, chính xác và chi tiết, có những trải nghiệm giúp các anh chị nhận ra mình đang được làm những việc ý nghĩa hơn thế.

Phóng viên CQTT TTXVN tại Tokyo (Nhật Bản) phỏng vấn 7 nữ thực tập sinh người Việt ở thị trấn Wajima, thành phố Komatsu, tỉnh Ishikawa - nơi ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất, tháng 1/2024

Đoàn kết
 
Khác biệt với nhiệm kỳ trước của tôi vào năm 2016, thời điểm xảy ra trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Kumamoto, hiện nay, người Việt Nam tại Nhật Bản đã trở thành một cộng đồng lớn. Vì vậy, tôi biết sự an toàn của người Việt và công tác bảo hộ công dân là mối quan tâm hàng đầu của độc giả trong nước lúc này.
 
Ngày 1/1, thời điểm vừa xảy ra động đất ở Ishikawa, tôi chưa thể kết nối được với các cơ quan chức năng Nhật Bản để lấy thông tin chính thức liên quan đến sự an toàn của người Việt. Nhận định người Việt ở Ishikawa chủ yếu là thực tập sinh, sau khoảng hơn một tiếng xảy ra động đất, tôi liên hệ với đại diện của Ban quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản. Với tinh thần phối hợp và chủ động, tôi liên hệ với nhiều đầu mối ở tỉnh Ishikawa để xác định thông tin về an toàn của người Việt tại những địa điểm có lao động Việt Nam.
 
Khi kết nối được với các thực tập sinh Việt Nam ở Ishikawa, điều không ngờ là tôi đã phần nào trở thành một điểm tựa cho các em trong những ngày đó. Trưa 3/1, tôi liên hệ thêm với anh Nguyễn Chí Thành Được, một người Việt kinh doanh nhà hàng Việt ở tỉnh Ishikawa và tỉnh Fukui. Khi biết tôi là đại diện của TTXVN tại Nhật Bản, anh Được cho biết, dự định ngay trong tối 3/1 sẽ đi vào các khu vực có thể tiếp cận được như Wakura Onsen hay Nanao và bày tỏ mong muốn tôi theo sát hành trình của anh ấy.
 
Đêm 3/1, tôi và anh Được duy trì liên lạc chặt chẽ với nhau, mỗi khi đến địa điểm nào hay có vấn đề gì, anh đều gọi video cho tôi. Tại ba địa điểm đến hỗ trợ trong đêm 3/1, anh đều chủ động giới thiệu tôi là đại diện của TTXVN tại Nhật Bản như một sự đảm bảo cho hành trình của anh. Các thực tập sinh Việt Nam đã chia sẻ với tôi những khó khăn và mong muốn của họ. Mỗi khi trao đổi xong với các em, tôi đều ghi lại thông tin và thông báo tình hình cho đại diện của Ban quản lý lao động. Có thể nói, tôi đã nhận được sự phối hợp rất hiệu quả từ Đại sứ quán, Ban quản lý lao động và cộng đồng người Việt tại Ishikawa, thu thập được thêm thông tin về sự an toàn của người Việt, đồng thời trở thành một trong những cầu nối của những người Việt trong vùng động đất.
 
Mặc dù dư chấn khoảng 5 hay 6 độ richte vẫn xảy ra thường xuyên tại Ishikawa, nhưng có vẻ tình hình đã bớt nguy hiểm hơn. Sáng 4/1, chúng tôi quyết định sẽ đến tỉnh Ishikawa, trực tiếp ghi lại hình ảnh về người Việt tại đó. Xem xét lịch trình và hoạt động của các nhóm cứu trợ người Việt tự phát tại Ishikawa, tôi quyết định chọn nhóm cứu trợ của anh Thành Được.
 
Nhóm phóng viên thường trú đến thành phố Komatsu, tỉnh Ishikawa vào chiều 4/1. Lúc đó dư chấn vẫn thường xuyên xảy ra. Khi bàn bạc với anh Được kế hoạch cứu trợ trong đêm 4/1, chúng tôi luôn xác định an toàn là ưu tiên hàng đầu. Hai nam phóng viên của CQTT là Phạm Tuân và Nguyễn Xuân Giao phản đối việc tôi đi sâu vào vùng tâm chấn vì cho rằng trong tình hình đường xá nguy hiểm, điện, nước không có, việc một phụ nữ như tôi di chuyển vào sâu không đảm bảo an toàn.
 
Sau khi bàn bạc, chúng tôi nhất trí hai phóng viên nam theo đoàn cứu trợ vào thị trấn Wajima, nơi ảnh hưởng nặng nhất của trận động đất. Hai phóng viên được trang bị gọn nhẹ và đầy đủ, liên tục giữ liên lạc khi đến các điểm cứu trợ, thực hiện việc ghi hình, phỏng vấn và dẫn hiện trường theo kịch bản.
 
Phối hợp…
 
Rạng sáng 5/1, đoàn cứu trợ xuất phát. Tôi ngồi trước máy tính, sẵn sàng nhận hình ảnh, thông tin từ hai phóng viên đang đi sâu vào vùng tâm chấn. Mỗi một lần Komatsu rung lên vì dư chấn, tôi lại thấp thỏm cầu mong cho những dư chấn nhanh kết thúc để tất cả đều an toàn.
 
Cũng như hành trình cứu trợ đêm 3/1, tại mỗi địa điểm cứu trợ, các phóng viên và anh Được đều gọi điện, trao đổi với tôi. Ở bất cứ địa điểm nào, câu chuyện chúng tôi nghe được đều là sự chia sẻ, đùm bọc trong khó khăn. Thiếu nhất là nước sạch. Từ những hình ảnh và thông tin phóng viên gửi về, chúng tôi quyết định thực hiện phóng sự Hành trình tiếp tế nước sạch cho người Việt ở vùng động đất.
 
Vào thời điểm đó, nhóm cứu trợ quyết định tiến sâu vào thị trấn Wajima để tìm 7 nữ thực tập sinh bị mất liên lạc kể từ khi động đất. Càng đi vào gần khu vực tâm chấn thì dư chấn xảy ra càng nhiều và mạnh hơn. Nỗi lo của tôi cũng tăng theo. Nhóm cứu trợ đã tìm đủ mọi cách để vào đến nhà cộng đồng của thị trấn, được phán đoán có thể là nơi 7 nữ thực tập sinh đang lánh nạn cùng với người dân địa phương.
 
Nhóm cứu trợ mừng rỡ khi thấy cả 7 nữ thực tập sinh được người dân địa phương che chở và an toàn. Phóng viên liền kết nối điện thoại cho tôi nói chuyện với các em. Khi biết tôi là Trưởng đại diện của TTXVN tại Nhật Bản, các em liền kể lại cho tôi nghe những giây phút hoảng sợ khi lần đầu tiên chứng kiến động đất và mong được đưa ra khỏi khu vực vẫn đang tiếp tục rung lắc. Nghe được những lo lắng và sự vui mừng nghẹn ngào của các em, tôi trấn an và hứa sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để hỗ trợ. Sau khi nhận được thông tin về việc tìm được thêm 7 lao động nữ ở thị trấn Wajima, Ban quản lý lao động đã liên hệ nghiệp đoàn, sắp xếp để đón các em đến khu lánh nạn ở thành phố Kanazawa. Phóng sự về hành trình tìm kiếm 7 nữ thực tập sinh ở Wajima đã được chúng tôi hoàn thành ngay trong đêm 5/1 với nhiều cảm xúc. Đến 3 giờ sáng 6/1, nhóm cứu trợ đã trở về Komatsu. Nhìn thấy nhóm cứu trợ và các phóng viên trở về an toàn, tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
 
Phóng viên CQTT TTXVN tại Tokyo (Nhật Bản) phỏng vấn lao động Việt Nam bị ảnh hưởng sau trận động đất ở thành phố Nanao, tỉnh Ishikawa, tháng 1/2024

Điều ý nghĩa
 
Với 2 ngày 1 đêm đi cùng nhóm cứu trợ, nhóm phóng viên thường trú đã ghi được những hình ảnh chân thực về sự khó khăn cũng như tinh thần tương trợ của những người sống trong vùng động đất. Sự đoàn kết và khả năng làm việc nhóm chính là yếu tố để chúng tôi phát huy được hiệu quả thế mạnh của từng người, phối hợp ăn ý, hoàn thành nhiệm vụ trong chuyến công tác đến vùng động đất. 
 
Đối với tôi, nhờ công việc phóng viên thường trú, tôi có nhiều trải nghiệm ý nghĩa, giúp tôi trưởng thành hơn, đồng thời càng trân trọng hơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống./.

Nguyễn Tuyến - Trưởng CQTT tại Tokyo (Nhật Bản)
Nội san Thông tấn Xuân 2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Báo Việt Nam News: Những bước chuyển đổi phù hợp (07/02/2024 09:48:35)

Ban biên tập tin Trong nước: Cung cấp nguồn tin dồi dào, tin cậy (07/02/2024 09:43:13)

Tổng giám đốc tiếp Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam (07/02/2024 09:41:11)

Văn phòng TTXVN: Một năm nhiều nỗ lực (06/02/2024 14:32:44)

Công ty TNHH MTV ITAXA: Mùa xuân ấm áp (06/02/2024 14:31:03)

Giải Nhất cuộc thi Ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc - Happy Vietnam 2023”: Hạnh phúc được làm nghề (06/02/2024 11:44:51)

Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII: Hiểu đúng, viết đúng và trúng vấn đề (06/02/2024 11:41:32)

Thăm và chúc Tết Giáp Thìn 2024 (02/02/2024 10:19:21)

Giải Búa liềm vàng năm 2023: TTXVN được trao 5 giải thưởng (01/02/2024 23:23:28)

Hội chợ Xuân 2024 gắn kết nghĩa tình đoàn viên TTXVN (26/01/2024 15:13:50)