Thứ hai, ngày 01/07/2024

Tin trong ngành

Sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt


(02/08/2023 15:46:23)

Vụ sạt lở đất kinh hoàng ở phường 10, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), ngày 29/6, là vụ việc nghiêm trọng trên địa bàn, khiến 2 người chết, 5 người bị thương, 2 căn nhà kiên cố và một lán trại bị đất đá chôn vùi, nhiều căn nhà cao tầng khác bị xô nghiêng, vỡ tường, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Trưởng Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Lâm Đồng Chu Quốc Hùng đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, thu thập thông tin và hoàn thành loạt tin, bài, ảnh, phóng sự truyền hình về vụ việc.


1. Khoảng 5 giờ sáng 29/6, tôi thức dậy, mở điện thoại xem tin tức theo thói quen. Tôi bỗng giật mình chồm dậy bởi một hình ảnh kinh hoàng được ai đó đưa lên mạng xã hội với chú thích: “Tại Đà Lạt (Lâm Đồng) một ngôi nhà cao tầng bị đất đá đè nát”. Trong ảnh, một ngôi nhà bị cả núi đất vùi lấp hoàn toàn, xung quanh 3 - 4 ngôi nhà nhiều tầng bị đè xuống nghiêng ngả, vùi lấp một phần.

Trận mưa đêm qua rất lớn nên tôi phán đoán sự việc trên hoàn toàn có thể xảy ra. Tôi gọi điện đến cơ quan chức năng để kiểm chứng thông tin. Định gọi cho phóng viên Nguyễn Dũng để phối hợp, thì tôi nhớ ra đã cử Dũng đi công tác ở huyện phía Nam của Lâm Đồng từ hai ngày trước. Tôi vơ vội máy quay, máy ảnh, máy tính… rồi “phi” xe máy đến hiện trường theo định vị trên Google Map.
 

Phóng viên CQTT tại Lâm Đồng Chu Quốc Hùng phỏng vấn lãnh đạo phường 10 về vụ sạt lở tại TP. Đà Lạt, ngày 29/6

Khi tới gần vị trí xảy ra vụ sạt lở, tôi buộc phải dừng lại bởi lối vào đã bị căng dây. Hai đồng chí dân phòng nhẹ nhàng nhưng kiên quyết đề nghị tôi xin phép lãnh đạo mới được vào hiện trường. Theo tay một anh chỉ, tôi “tóm” được đồng chí Chủ tịch UBND phường 10 là người khá thân quen. Gặp tôi, anh than thở: “Vụ này chết em rồi anh ạ! Mà anh gọi cho lãnh đạo thành phố, đồng ý em mới dám cho vô, chứ lệnh là không cho bất cứ phóng viên nào vô đâu”. Tôi gọi đến đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố, giở “chiêu bài” quen thuộc: “Mạng xã hội tràn ngập thông tin thất thiệt rồi mà chưa có báo chính thống nào đăng. Thành phố không cho phóng viên vào hiện trường, sẽ không có thông tin chính thống, định hướng dư luận được đâu anh”. Một hồi sau thấy anh gọi lại, nói cho gặp anh em bảo vệ để hướng dẫn vị trí được phép tác nghiệp. Vậy là tôi đã vào được hiện trường. 

2. Trời lúc này đã sáng và tạnh mưa, vừa hay anh L.V, phóng viên báo Thanh Niên tới, vậy là tôi đã có đồng nghiệp để cùng tác nghiệp. Lạ là chỉ có hai phóng viên già nhất trong đội báo chí thường trú có mặt ở hiện trường lúc này. Trên đường đi, gặp anh T, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn. Vốn quen biết anh L.V nên anh này đã cho chúng tôi vài thông tin nhanh: Sạt lở xảy ra lúc khoảng hơn 2 giờ sáng, một nhà và một lán công nhân bị vùi lấp, đã cứu được 5 người trong ngôi nhà đổ nghiêng và đưa đi bệnh viện. Chúng tôi đang tìm hai người lớn tuổi ở trong lán công nhân… Đi vài bước, anh T. còn quay lại nhắc: “Không được đưa tôi vào bài đâu đấy…”. Về cơ bản, chúng tôi đã có được thông tin ban đầu.

Sau đó, chúng tôi hối hả lội bùn và leo lên những tảng bê tông vốn là dầm nóc của ngôi nhà hai tầng, giờ đã bị đè nát. Cảnh tượng trước mắt thật kinh hoàng: một ngôi nhà hai tầng và một lán trại bị đẩy đổ, nát vụn và vùi lấp, chỉ còn phần mái nhô lên khỏi mặt đất; những ngôi nhà 3 - 4 tầng bị cả núi bùn đất đẩy ra khỏi vị trí, nghiêng ngả như sắp đổ. Đất đá từ taluy cao hơn 30m đã đổ sập xuống, phá vỡ tường tầng một của những ngôi nhà này, bùn đất lấp kín đồ đạc. Đội cứu hộ đang hối hả dùng máy xúc đào bới, tìm vị trí hai người bị chôn vùi. 

Sau gần 10 phút quay phim, chụp hình hiện trường, tôi bỗng nghe phía ngoài có tiếng hét: “Yêu cầu hai nhà báo ra khỏi hiện trường, khu vực này đang rất nguy hiểm!”. Chúng tôi lờ đi như không nghe thấy và tiếp tục tác nghiệp. Sau vài lần yêu cầu, lần này “tiếng hét” nội dung rõ ràng hơn: “Yêu cầu các đồng chí đưa hai nhà báo ra khỏi hiện trường!”. Không chờ đến khi bị áp giải, anh em chúng tôi vừa bì bõm quay ra, vừa tranh thủ lia thêm vài góc máy. 

Ra đến phía ngoài khu vực chăng dây, phát hiện căn nhà 4 tầng đang thi công, chưa lắp cửa, anh L.V nháy tôi lẻn vào trong rồi trèo lên sân thượng. Vậy là lại có hình ảnh toàn cảnh, thoải mái quay chụp mà không bị ai nhắc nhở. Vừa lúc này, có thêm một phóng viên của báo khác kéo tới, trèo lên nóc nhà. Mọi người vừa hối hả quay, chụp, vừa tranh thủ chia sẻ thông tin khai thác từ nhiều nguồn, tổng hợp lại để viết tin. Thấy anh L.V rút điện thoại, đọc cho bộ phận trực ở nhà viết tin, phóng viên còn lại lôi máy tính ra gõ, tôi chợt nhận ra là không có công cụ gì để làm tin tại chỗ cả, bèn hối hả chạy xuống. Tới mặt đất, phát hiện một bà cụ đứng trước cửa nhà, mắt đau đáu nhìn vào khu vực sạt lở. May quá, nhân chứng sống đây rồi, vì cụ nói đã chứng kiến sự việc từ đêm và con gái gọi điện báo cho lực lượng cứu hộ. Tôi vội vàng đặt máy quay phỏng vấn bà cụ vài câu, rồi nhanh chóng chạy về làm tin cho kịp giờ.
 
Phóng viên CQTT tại Lâm Đồng Chu Quốc Hùng ghi lại hiện trường vụ sạt lở tại TP. Đà Lạt, ngày 29/6

3. Về tới cơ quan, tôi viết tin gửi Ban biên tập tin Trong nước trước, sau đó xử lý ảnh gửi về Ban biên tập Ảnh, rồi bắt đầu dựng hình gửi về Trung tâm Truyền hình Thông tấn. Sắp dựng xong thì một biên tập viên từ Hà Nội gọi vào, yêu cầu phải có hình ảnh phóng viên dẫn hiện trường. Việc này, đúng ra là tôi không quên, nhưng thời gian gấp quá, cần đưa tin văn bản và ảnh về trước, lại tác nghiệp một mình, nên tôi không có hình quay dẫn hiện trường. Làm xong tất cả các công đoạn, tôi lại xách máy quay vào hiện trường. Lúc này, anh em phóng viên đã về cả, chỉ còn cảnh sát bảo vệ và cán bộ của phường, thành phố. Không có ai để nhờ quay, tôi đành dựng chân máy, quay màn hình về phía trước, bấm máy rồi cầm mic di chuyển để mình lọt trong khuôn hình và bắt đầu “Thưa quý vị và các bạn…”. Liếc sang bên cạnh, thấy mấy anh cảnh sát và cán bộ phường bịt miệng cười và bàn tán: “Lần đầu thấy có nhà báo tự biên tự diễn kiểu này, trông hay thật đó…”.

Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra làm rõ nguyên nhân. Còn với tôi, đó là một trong những chuyến nhớ đời, khi phải tác nghiệp độc lập và chạy đua với thời gian. Điều khá buồn là trong khi hai phóng viên “già cả” nhất làng báo chí thường trú tại Lâm Đồng đang loay hoay lội bùn, đội mưa ở hiện trường thì ở nhà, các phóng viên khác đã lên tin, bài hoành tráng, bằng cách gọi điện hỏi thông tin, chép hình ảnh trên mạng xã hội, rất nhanh, gọn mà không tốn sức. Nhiều lúc bất chợt suy nghĩ, có khi nào phương thức tác nghiệp của mình đã không còn phù hợp với sự phát triển của mạng xã hội chăng???

Chu Quốc Hùng - Trưởng CQTT tại Lâm Đồng
Nội san Thông tấn số 7/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tôi đi làm World Cup bóng đá nữ (02/08/2023 15:43:34)

Trao quyết định bổ nhiệm Ban chỉ huy quân sự TTXVN (28/07/2023 16:31:33)

Công tác thi đua đổi mới, thiết thực và lan tỏa (28/07/2023 16:28:02)

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa (27/07/2023 15:09:50)

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Dâng hương tại Bia tưởng niệm liệt sĩ TTXGP Trung Trung bộ (26/07/2023 11:34:55)

Kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023): Cựu chiến binh TTXVN về nguồn tại Nghệ An (26/07/2023 10:24:53)

TTXVN sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ chính trị (25/07/2023 20:14:28)

Thủ tướng Phạm Minh Chính: TTXVN và KPL cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực (24/07/2023 21:22:56)

Ký Biên bản ghi nhớ hợp tác mới với Thông tấn xã Pathet Lào (KPL) (24/07/2023 21:22:12)

Đại hội thành lập Chi hội hữu nghị Việt Nam - Lào TTXVN (23/07/2023 20:32:27)