Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tăng cường hiệu quả của hệ thống cơ quan thường trú ngoài nước


(03/12/2013 09:56:47)

Hệ thống cơ quan thường trú ngoài nước đã và đang trở thành một ưu thế gần như tuyệt đối của TTXVN. Do vậy, hiệu quả hoạt động của những cơ quan này là vấn đề quan trọng đối với ngành.

Củng cố và phát triển cơ quan thường trú ngoài nước

Từ lâu, hệ thống cơ quan thường trú (CQTT) ngoài nước với 29 đơn vị ở 27 quốc gia và vùng lãnh thổ của TTXVN đã được đánh giá là hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, hiện các cơ quan báo chí lớn (như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân Dân...) cũng đang đẩy mạnh việc mở rộng và phát triển hệ thống cơ quan thường trú của họ ở nước ngoài. Với xu hướng này, đến một ngày nào đó, số lượng văn phòng đại diện thường trú nước ngoài của các cơ quan báo chí này sẽ tăng dần, đặt ra những thách thức đối với hệ thống CQTT ngoài nước của TTXVN.

Phóng viên Tiến Trung đang tác nghiệp

Củng cố và thay đổi cách thức hoạt động của các CQTT ngoài nước là một vấn đề cấp bách. Từ lâu, một số phóng viên đi công tác thường trú ở nước ngoài thường "quen" với việc dịch lại báo chí địa phương, ít khi tự phân tích, tổng hợp hay tự viết. Trong tình hình mới, cách làm này đã lỗi thời, cần thay đổi để đa dạng hóa và tăng cường tính tự chủ trong công tác thông tin của các CQTT ngoài nước, chủ động tăng cường sự hiện diện của phóng viên TTXVN tại địa bàn. Đơn giản nhất chúng ta cũng có thể dựa trên nguồn báo chí địa phương, để rồi từ đó tổng hợp, phân tích và đưa ra những đánh giá của mình, hoặc dựa vào đó để viết tin, bài thể hiện sự hiện diện của phóng viên tại địa bàn. Làm được như vậy, hình ảnh và uy tín của TTXVN chắc chắn sẽ tăng lên và tránh được tình trạng phóng viên trở thành biên dịch (thậm chí chỉ là "thợ dịch").

Một vấn đề khác: Có không ít phóng viên ở CQTT ngoài nước phàn nàn rằng địa bàn của họ ít tin, "nghèo" tin. Đúng là có nơi sôi động, có nơi tĩnh lặng hơn. Nhưng thực tế, với một lượng ấn phẩm khổng lồ là các bản tin, các tờ báo giấy, báo điện tử, một loạt tạp chí (có khi có cả tạp chí bằng tiếng Việt) của nước sở tại, "đất diễn" cho các phóng viên là không hề thiếu, với đủ mọi lĩnh vực đa dạng từ kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao, du lịch, khoa học công nghệ, giải trí... Cho nên, nói là có địa bàn "nghèo" tin, theo tôi, không thật đúng.

 

Tăng cường liên kết qua mạng

Trong ngành chúng ta, cách thức liên lạc truyền thống giữa Tổng xã và hệ thống CQTT ngoài nước lâu nay vẫn là trao đổi qua điện thoại và email. Điện thoại cho liên lạc trực tiếp nhưng không kinh tế vì cước phí đắt đỏ. Còn biện pháp email thì kinh tế nhưng không trực tiếp và thường mất thời gian.

Với sự phát triển của Internet, chúng ta có thể có thể cải tiến phương thức liên lạc để tiện lợi, nhanh chóng hơn. Hiện nay chúng ta có thể liên lạc trực tiếp rất dễ dàng khi trao đổi trực tiếp bằng các công cụ chat (trò chuyện) như: Facebook, Yahoo Messenger, Skype... Mỗi CQTT ngoài nước chỉ cần thiết lập một account của một trong các công cụ chat này và luôn luôn online trên máy tính hoặc trên điện thoại di động của Trưởng đại diện. Tại Tổng xã, các đơn vị liên quan công tác thông tin của CQTT ngoài nước, đặc biệt là các phòng trực tiếp sản xuất thông tin đều có ít nhất một máy tính có thể truy cập Internet. Các đơn vị này cũng thiết lập một account ở công cụ chat tương tự. Như vậy, chúng ta đã có một hệ thống thông tin liên lạc trực tiếp vừa đơn giản, kinh tế, lại vừa hiệu quả. Bất kỳ lúc nào Tổng xã cần liên hệ chỉ đạo và trao đổi thông tin với CQTT ngoài nước đều có thể liên lạc ngay lập tức và trực tiếp. Việc này sẽ tăng cường liên kết giữa tổng xã và hệ thống CQTT ngoài nước, giúp nâng cao hiệu quả công tác thông tin.

 

Xây dựng kho tư liệu hình ảnh

Sự ra đời của Kênh truyền hình Vnews là một bước phát triển mới của TTXVN. Hiện nay, nguồn hình ảnh cho mảng thông tin quốc tế của Vnews chủ yếu do Reuters cung cấp; một phần do phóng viên tại các CQTT ngoài nước đi ghi hình và gửi về. Một nguồn hình ảnh khác là do các biên tập viên tự tìm kiếm và khai thác trên mạng. Tuy nhiên, cách làm này dễ vấp phải vấn đề bản quyền hình ảnh. Chính vì vậy, việc tận dụng nguồn lực ở các CQTT ngoài nước là rất quan trọng, vừa an toàn lại vừa tiết kiệm kinh phí.

Theo tôi, một biện pháp đơn giản là thiết lập một kho tư liệu hình ảnh do các phóng viên TTXVN ở ngoài nước gửi về. Để làm điều này, Tổng xã chỉ cần chỉ đạo các CQTT ngoài nước chủ động ghi lại những hình ảnh về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội, du lịch, thể thao... và gửi những hình ảnh đó về để ngành xây dựng kho hình ảnh phục vụ công tác thông tin quốc tế. Dần dần, chúng ta sẽ có được một nguồn hình ảnh "Made in Vietnam News Agency". Tuy nhiên, "có thực mới vực được đạo". Để khuyến khích sự chủ động của các phóng viên trong việc xây dựng kho tư liệu hình ảnh, Tổng xã cần chấm định mức cho những hình ảnh mà các phóng viên gửi về cho kho tư liệu giống như việc chấm định mức cho các tin, bài của phóng viên.

Xây dựng được kho tư liệu hình ảnh, TTXVN có thể chủ động về nguồn hình tư liệu thông tin quốc tế, tận dụng hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống CQTT ngoài nước, qua đó nâng cao vị thế và uy tín ngành thông tấn.

Đặng Tiến Trung - Phóng viên TTXVN tại Hồng Kông
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những trải nghiệm không thể nào quên! (02/12/2013 11:18:35)

“Bội thu” triển lãm ảnh  (02/12/2013 11:05:40)

VietnamPlus: Đào tạo là lẽ sống (02/12/2013 10:58:15)

Học ở quanh ta (02/12/2013 10:51:25)

Tương lai của phóng sự chiến tranh... (05/11/2013 15:19:06)

Truýằn thông xÃÊ hỏằ™i và cÃĂch ỏằâng xỏằư cỏằĐa nhà bÃĂo trỏºằ (05/11/2013 15:14:08)

Lòng tin, sự chân thành: Nền tảng của sự hợp tác và thịnh vượng  (05/11/2013 11:11:40)

"CÃỠ say ngháỪẮ máỪỈi tráỪầ váỪống áỪỲ ẢỔáỪỀa phẳồẳắng" (05/11/2013 11:04:41)

Văn hĩ.... họp (05/11/2013 10:50:54)

Ban Thư ký Biên tập: Nỗ lực để có chiến công kính dâng Người (05/11/2013 09:50:13)