Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Tương lai của phóng sự chiến tranh...


(05/11/2013 15:19:06)

Những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực công nghệ, các dòng điện thoại di động mới liên tục ra đời và việc chia sẻ thông tin trên các trang mạng xã hội theo thời gian đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về thể loại phóng sự chiến tranh.

PV Chris Torchia của hãng AP (thứ hai bên trái) ghi chép khi đi cùng với các lính Mỹ thuộc Tiểu đoàn 4, Trung đoàn bộ binh 23, Lữ đoàn 5, Sư đoàn bộ binh 2 trong một chuyến tuần tra hôm 15/2/2013 ở khu vực Badula Qulp, phía Tây Lashkar Gah, tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan

Lời cáo chung của một thể loại báo chí?

Thông qua việc kết hợp tính năng tiện sử dụng, kết nối xã hội và viết nhật ký cá nhân, Twitter đã tác động đến cách truyền tải thông tin về các cuộc chiến và tình trạng bạo lực chính trị tại một số địa điểm trên thế giới trong một vài năm qua một cách nhanh hơn (và có lẽ còn sâu sắc hơn) so với những ứng dụng trước đây trên mạng Internet.

Những thông điệp mà Sohaib Athar, một nhân viên tư vấn công nghệ thông tin Pakistan, tung lên mạng năm 2011 đã có tác động đáng kinh ngạc. Hôm 2/5/2011, anh đưa tin một máy bay trực thăng đang bay lượn trên bầu trời thành phố Abbottabad, Pakistan một cách bất thường. Athar chắc không biết rằng anh đang tường thuật trận đột kích của Mỹ vào sào huyệt ẩn náu của Osama bin Laden. Chỉ trong vài giờ, các thành viên khác của Twitter đã chia sẻ cho nhau những tin tức cập nhật của Athar. Các phóng viên chộp được thông tin này và chỉ trong một ngày Athar trở thành người nổi tiếng.

 Nhiều ý kiến cho rằng, những thông tin mà anh đưa lên Twitter trong suốt thời gian diễn ra sự kiện cũng như sau khi kết thúc chiến dịch đã chứng tỏ rằng anh là một "nhà báo công dân". Tuy nhiên, về Sohaib Athar và những thành viên của các trang mạng xã hội khác, cũng có những ý kiến ngược lại.

Dẫu còn hai luồng ý kiến trái chiều, song hành động này đã chỉ ra những thách thức đối với giới làm phóng sự chiến tranh mà các nhà báo chuyên nghiệp cũng như các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm.

Nhiều người có thể nấu một bữa ăn ngon nhưng chưa phải là một đầu bếp. Tương tự, những người dùng công nghệ liên lạc hiện đại để chia sẻ các câu chuyện của họ đều chưa thể gọi là phóng viên thực sự. Bên cạnh đó, khi thông tin được thực hiện bởi những "nhà báo công dân", nguy cơ sai sự thực luôn tiềm ẩn.

Năm 2008, khi suy ngẫm về phóng sự chiến tranh, cựu phóng viên chiến trường của đài BBC, ông Martin Bell đã đề cập đến "sự cáo chung của nghề phóng sự chiến tranh". Theo quan điểm của Bell, việc bị hạn chế tiếp cận các khu vực xung đột, việc các phóng viên chỉ giới hạn hoạt động ở các Vùng Xanh (vùng an toàn) và tình trạng bị "kiểm soát chặt chẽ" đã khiến nghề phóng sự chiến tranh không thể tồn tại được. Vì vậy, ngoài việc đối mặt với những thách thức mà lĩnh vực truyền thông mới đặt ra, các phóng viên chiến trường muốn khẳng định được nghề đang phải cố gắng từ bỏ những thói quen làm báo tồn tại bấy lâu nay.

Đưa tin về các cuộc chiến tranh và xung đột luôn là việc làm nguy hiểm; và càng ngày càng nguy hiểm hơn. Theo Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), 16 phóng viên đã phải bỏ mạng khi đang tác nghiệp trên chiến trường trong năm 2012. Martin Bell coi những nguy cơ an ninh ngày càng tăng mà các phóng viên chiến trường phải đối mặt là điều quan ngại chính. Ông cũng cho rằng phóng viên chiến trường giờ đây thường "ở trong khu vực chứ không ở hiện trường" bởi vì họ phải rút vào các Vùng Xanh. Theo ông, các phóng viên có thể đi cùng những người lính để có những thước phim, bài viết, hình ảnh chân thực về cuộc chiến. Ông cũng chỉ trích truyền hình vì xu hướng sử dụng những người "biểu diễn" trước máy quay thay cho các phóng viên thực hiện những đoạn ghi hình về chiến sự. Theo ông, truyền hình "hiểu sai về chiến tranh", giống như việc họ tự áp đặt kiểm duyệt cho mình khi phát đi "những hình ảnh về tình trạng bạo lực trong thế giới thực". "Đó là sự cáo chung của nghề phóng sự chiến tranh", Bell kết luận.

 

Máy bay trực thăng bay lượn trên bầu trời thành phố Abbottabad, Pakistan một cách bất thường. Hình ảnh được Sohaib Athar ghi lại. Với việc làm này, anh được nhiều người coi là "nhà báo công dân"
Báo chí công dân

Sự tham gia trực tiếp của người dân vào lĩnh vực truyền thông trên Twitter, YouTube và các công cụ truyền thông xã hội khác làm chuyển dịch cán cân từ những người hoạt động báo chí chuyên nghiệp sang các công dân bình thường, nhất là đối với những vùng có chiến sự.

Steve Myers, một chuyên gia người Mỹ về lĩnh vực báo chí, đã phân tích trường hợp của Sohaib Athar và sử dụng nó để lý giải một cách chi tiết những hành động mà ông cho là "như của một phóng viên".

Theo Myer, Sohaib Athar bắt đầu hành động như một phóng viên khi anh ta quan sát thấy điều gì đó bất thường và sau đó quyết định chia sẻ thông tin đó lên mạng. Nhưng anh ta không dừng lại ở đó. Anh cũng trả lời câu hỏi của các thành viên khác của mạng Twitter, và khi đó, anh ta đã trở thành một ‘kênh thông tin’. Trong các thông tin chia sẻ đêm hôm đó, anh ta đã sử dụng cả các nguồn tin khác. Sohaib Athar phát tán những gì mà anh ấy đã nghe được từ những người khác trong một nỗ lực nhằm tìm hiểu xem điều gì đang diễn ra và cuối cùng, anh ta phân tích những điều đó. Tất cả những hành động này giúp phân biệt anh với một nhân chứng. Anh trở thành một "nhà báo công dân".

Trong thời gian xảy ra các cuộc tiến công ở Mumbai (năm 2008), những người bị mắc kẹt đã sử dụng Twitter để tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra. Họ cũng chia sẻ thông tin và phân tích chúng một cách kỹ lưỡng. Khi đưa tin về các cuộc tiến công ở Mumbai, chương trình tin tức trực tuyến của đài BBC lần đầu tiên đã tận dụng các thông tin sẵn có trên mạng xã hội Twitter. Vài ngày sau các cuộc tiến công, BBC khuyến khích các độc giả bàn luận về vấn đề, liệu các thông tin từ Twitter có nên là một phần trong các chương trình của BBC. Các ý kiến rất khác nhau nhưng phần lớn đề cao tính công khai minh bạch. Họ nhận thấy là đủ khi được thông báo rõ rằng một thông tin nào đó được cung cấp bởi một thành viên của Twitter.

Việc sử dụng rộng rãi truyền thông xã hội và hiểu biết về lĩnh vực truyền thông đã khiến một số nhà quan sát nhận định rằng, giờ đây tất cả mọi công dân đều có thể là phóng viên. Tuy nhiên, kết luận này là vội vàng và sai lầm. Nhiều người có thể nấu một bữa ăn ngon nhưng chưa phải là một đầu bếp. Tương tự, những người dùng công nghệ liên lạc hiện đại để chia sẻ các câu chuyện của họ đều chưa thể gọi là phóng viên thực sự. Bên cạnh đó, khi thông tin được thực hiện bởi những "nhà báo công dân", nguy cơ sai sự thực luôn tiềm ẩn. Trong khi đó, việc kiểm tra tính xác thực của thông tin là một trong những yêu cầu quan trọng đối với người làm báo chuyên nghiệp. Không phải vô cớ mà phóng viên được coi là những người chuyên tìm kiếm sự thật. 

Khánh Chi (Tông hợp)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tên các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới và thủ đô thường dùng (10/10/2013 09:57:14)

Sự chuyển hướng của các phóng viên điều tra (09/10/2013 10:26:33)

Ảnh báo chí biết "kể chuyện" (10/09/2013 10:32:44)

1USD, mua được một... tờ tạp chí (10/09/2013 10:10:29)

Tờ báo danh tiếng The Washington Post đổi chủ (10/09/2013 10:07:28)

Người vạch trần thảm sát Mỹ Lai (08/07/2013 10:56:57)

"GiÃắn ẢỔiáỪẬp" trong tÃỨi quáỨận (06/06/2013 15:16:18)

Những tử địa với nhà báo (05/04/2013 14:10:25)

Giải Ảnh báo chí thế giới năm 2012: Thấm đẫm tính nhân văn (05/04/2013 12:45:26)

2012- số nhà báo "tử nghiệp" nhiêu nhất trong lịch sử (07/02/2013 12:43:27)