Thứ tư, ngày 24/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Định dạng nào cho ảnh kỹ thuật số?


(09/10/2013 14:38:51)

Những người chụp ảnh kỹ thuật số (trong đó có cả những PV ảnh), vẫn hay băn khoăn không biết nên chụp ảnh với định dạng nào để vừa nhanh chóng, tiện lợi, vừa có được những bức ảnh tốt. Góc ảnh xin giới thiệu một số kiến thức cơ bản trong lĩnh vực này.

Một số định dạng ảnh thường dùng

- Định dạng JPEG (Joint Picture Experts Group) là những tệp ảnh được nén (file nén) với nhiều mức độ khác nhau, ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả, đặc biệt đối với các loại máy ảnh kỹ thuật số (KTS) compact (máy ảnh gọn nhẹ, hay được gọi là máy du lịch). Vì được nén lại, nên các file ảnh này thường nhỏ, từ một vài trăm KB đến một vài MB. Việc sao chép, nhận, gửi thường nhanh chóng và dễ dàng. 

Định dạng JPEG (có đuôi là.jpg) có không gian màu trong RGB (đỏ, lục, lam) với giới hạn 8bit/kênh, có thể mở được với hầu hết các phần mềm xem và xử lý ảnh. Với chế độ nén trung bình, các tệp ảnh này cho những bức ảnh chất lượng khá tốt. JPEG cũng được ứng dụng nhiều trong chụp và in ảnh dịch vụ, ảnh trên mạng, gửi ảnh qua thư điện tử, ảnh trên các trang web... Tất cả các máy ảnh KTS chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp đều có thể chụp được với định dạng này. Thậm chí, nhiều máy ảnh đơn giản chỉ có định dạng này thôi.
Trong lĩnh vực đồ họa, JPEG không thích hợp lắm, vì các file ảnh bị nén, những đường kẻ thẳng, đặc biệt là những đường viền bị nhòa, bị loạn màu, làm giảm chất lượng bản vẽ.

Về bản chất, mỗi lần nén JPEG sẽ dẫn đến sự hao hụt thông tin của bức ảnh. Nếu bức ảnh được xử lý nhiều lần, nghĩa là bị nén nhiều lần, chất lượng ảnh sẽ giảm đáng kể sau mỗi lần lưu lại (save). Khi chụp ở định dạng JPEG, người ta có thể đặt ở nhiều mức độ nén khác nhau. Độ nén cao bao nhiêu, file ảnh nhỏ bấy nhiêu (càng ít tốn chỗ nhưng chất lượng càng giảm), và chỉ in ra được những bức ảnh nhỏ. Ngược lại, độ nén càng thấp, file ảnh càng lớn, in ra được ảnh to hơn. Mức độ nén trên máy chụp thường được biểu thị một cách tương đối, "superfine"- có nghĩa là rất mịn, nén ít nhất, rồi đến "fine"- tốt, mức trung bình là "normal" hoặc "standard"....

- Định dạng TIFF (Tagged Image File Format) được sử dụng trên nhiều máy ảnh KTS, đặc biệt là các loại bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp. Định dạng TIFF (có đuôi là.tif) cho ta nhiều thông tin về ảnh hơn JPEG, có kích cỡ lớn nhất trong các định dạng được sử dụng trên máy KTS. Hiện nay, người ta chỉ ứng dụng định dạng TIFF không nén. TIFF có thể biểu thị được độ sâu màu lớn hơn JPEG, nó hỗ trợ đến 48 bit màu, nghĩa là mỗi kênh màu 16 bit (trong môi trường RGB). Vì thế, TIFF có thể tái hiện đến 251 triệu giá trị màu sắc. Bạn có thể chỉnh sửa ảnh trên định dạng TIFF, với độ sâu màu thông thường là 8 bit, vì nếu chuyển sang JPEG để in, nó cũng sẽ chỉ là 8 bit mà thôi. Tuy nhiên nếu in được với file TIFF 16 bit, sẽ cho ảnh chất lượng cao hơn.

Vì file TIFF không nén nên trong quá trình chỉnh sửa ảnh, mỗi lần nhớ (save) định dạng này, lượng thông tin hầu như không thay đổi, chất lượng ảnh không bị suy giảm; nhưng "trọng lượng" tin học của nó quá cao, chiếm nhiều chỗ trên thẻ nhớ, trên ổ cứng và sao chép chậm, mở chậm, việc tải lên mạng gần như là không thể, nhất là với file ảnh lớn. 

Ngay cả khi chụp với định dạng JPEG rồi, bạn cũng nên chuyển sang TIFF để chỉnh sửa, nhất là khi cần chỉnh sửa nhiều lần. Định dạng TIFF cho phép lưu ảnh với nhiều lớp khác nhau. Nhưng lưu ý, nếu có quá nhiều lớp, file ảnh quá lớn, bạn sẽ gặp khó khăn khi mở file này ở chính phần mềm đó hoặc ngay cả phần mềm khác.

- Định dạng RAW: RAW (nghĩa là "thô") chỉ các file chứa đầy đủ các thông tin về ảnh, chưa hề được xử lý. Từ bộ cảm biến, chúng được mã hóa khác nhau và không bao giờ thay đổi nên được đánh giá cao về tính trung thực. Định dạng RAW cho khả năng sáng tạo lớn, nên mỗi hãng có những ý tưởng riêng và cho ra đời những file RAW ở nhiều dạng khác nhau. Thậm chí, trong cùng một hãng, các đời máy sau lại có những file RAW khác đời máy trước, phải có phần mềm khác mới đọc được, mặc dù chúng có cùng một đuôi. Ví dụ: RAW của Sony có đuôi SRF, của Kodak là DCR, của Canon là CRW hoặc CR2, Minolta là MRW và Nikon là NEF. Hiện nay chưa có một chuẩn chung nào cho các định dạng này.

Mọi sự chuyển đổi từ file RAW sang các định dạng khác (JPEG hoặc TIFF) đều bị hao hụt ít nhiều về dữ liệu. File RAW chiếm ít chỗ hơn file TIFF, nhưng lớn hơn JPEG nhiều lần, nó cho chất lượng ảnh cao hơn vì có thể chuyển tải được toàn bộ thông tin về ảnh mà máy có thể thu nhận được. Có thể nói RAW là định dạng tốt nhất cho việc hiệu chỉnh ảnh sau chụp. Nhưng vì RAW chỉ là những file thô, lại không được chuẩn hóa, nên nó mang lại khá nhiều phiền toái cho người sử dụng, phải hiểu biết về RAW mới "cầm cương" được nó.

Một vài lời khuyên

- Tiện ích của việc chụp ảnh số là vô cùng lớn, nhưng cho đến nay, nhiều máy ảnh KTS vẫn chưa có được độ phân giải như phim nhựa, vì thế, khi chụp ảnh số, ta nên chụp với độ phân giải cao nhất có thể. Mặt khác, độ phân giải tối đa của một máy ảnh KTS (độ phân giải của bộ cảm biến) là một trong những yếu tố quyết định giá cả của máy, nên cần tận dụng hết. Sau này, nếu cần, có thể bỏ bớt điểm ảnh đi cho ảnh nhỏ lại, chứ không thêm điểm ảnh được.

- Nói chung nên chụp ảnh ở định dạng RAW, ngay cả khi chụp ảnh kỷ niệm, ảnh gia đình. Định dạng này, tuy chiếm nhiều chỗ hơn, nhưng hiện nay, với một thẻ nhớ bình thường 4 hoặc 8GB của Transend hoặc Sandisk, giá cả hoàn toàn có thể chấp nhận được. Mặt khác, sau mỗi lần đi chụp về ta còn có thể xóa bớt.

Định dạng RAW, tuy khó đọc, nhưng nếu bạn biết cách thì cũng không có trở ngại gì lớn. Mỗi máy ảnh số đều có phần mềm đọc và hiệu chỉnh file RAW đi kèm. Một cách khác là mở file RAW trong Photoshop. Phiên bản Photoshop sẽ mở được file RAW của các máy ảnh ra đời trước nó. Với những máy ảnh ra sau, Photoshop sẽ không đọc được file RAW của nó, mà cần phải có Camera Raw lấy từ trên mạng xuống. Phần mềm FastStone Image Viewer cũng dễ dàng đọc được các files RAW.

- Định dạng TIFF rất ít khi dùng để chụp, nhưng lại rất quan trọng trong xử lý ảnh. Nên giữ lại bản gốc, lưu trữ dưới dạng RAW, như giữ phim vậy. Và cũng cần lưu trữ thêm một fife TIFF kèm theo, khi nó chứa những ý tưởng sáng tạo. 

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhà báo phải làm việc thay cho độc giả (09/10/2013 10:55:20)

Sự chuyển hướng của các phóng viên điều tra (09/10/2013 10:26:33)

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)

"LáỪễa ngháỪẮ" (09/10/2013 10:02:53)

Thi ảnh tốt 6 tháng đầu năm 2013 PV Trọng Đạt đoạt gải A duy nhất (10/09/2013 16:11:58)

Ảnh báo chí biết "kể chuyện" (10/09/2013 10:32:44)

1USD, mua được một... tờ tạp chí (10/09/2013 10:10:29)

Tờ báo danh tiếng The Washington Post đổi chủ (10/09/2013 10:07:28)

Một số giải pháp nâng cao chất lượng ảnh báo chí (10/09/2013 09:57:43)