Thứ tư, ngày 24/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Nhà báo phải làm việc thay cho độc giả


(09/10/2013 10:55:20)

Đòi hỏi này nghe như quá đáng, nhưng thực ra lại là hết sức chính đáng. Bởi nếu không, độc giả- thượng đế của tờ báo, sẽ bỏ qua bài viết.

Chúng ta vẫn thường được nhắc nhở: Nhà báo phải luôn cân bằng, không thiên vị. Tuy nhiên, việc giữ khách quan không có nghĩa là nhà báo không nên suy nghĩ. Trong thực tế, các nhà báo giỏi luôn đau đáu với một câu hỏi: Công chúng cần biết cái gì?

Các nhà báo phải suy nghĩ trong khi đưa tin, tìm kiếm thông tin và phỏng vấn. Họ suy nghĩ trong khi quyết định sẽ dùng những câu trích dẫn nào, góc độ tiếp cận ra sao và cấu trúc bài viết như thế nào. Bước then chốt và cuối cùng của quá trình này là trong khi chuẩn bị bài viết hoặc lời thoại (hoặc thậm chí sau khi bài viết đã hoàn thành), thì nên lùi lại một chút và hỏi: Còn thiếu gì? Liệu còn câu hỏi nào chưa được trả lời hay không?

Khi đã cố gắng để có một cấu trúc bài viết hợp lý, từ một ý tự nhiên này dẫn tới những ý khác, chúng ta cũng có trách nhiệm với độc giả là không để "khoảng hở" trong bài viết cùa mình. Để làm được điều này, một nhà báo nên đặt mình vào vị trí của độc giả (người biết rất ít về chủ đề của bài viết), và kiểm tra lại xem liệu bài viết đã trả lời được phần lớn các câu hỏi quan trọng hay chưa.

Ví dụ, trong một bài viết về kế hoạch tiêm vắc xin cúm gia cầm trên toàn quốc, chúng ta không nên bỏ qua những chi tiết như: Có bao nhiêu gia cầm trong cả nước? Bao nhiêu hộ dân sẽ bị ảnh hưởng? Số này chiếm bao nhiêu phần trăm số hộ dân ở Việt Nam? Chi phí cho việc này hết bao nhiêu? Ai sẽ trả khoản này - chính phủ hay chính là nông dân? nếu không hoàn thành việc tiêm chủng, hình thức phạt là gì ?...

Khi sử dụng các con số thống kê, hãy đảm bảo là chúng có liên quan và có ý nghĩa trong bài viết. Phóng viên cần làm việc thay cho độc giả bằng cách phân tích các con số và giải thích một cách thật dễ hiểu. Cần nhớ rằng, độc giả không có nhiều thời gian để làm các phép toán trong khi đọc các bản tin hoặc nghe đài.

Ví dụ, nếu thị trường xuất khẩu Việt Nam tăng tới 40 tỷ đôla Mỹ vào cuối năm, thì nhà báo nên so sánh con số này với mức xuất khẩu của những năm trước. Nhưng các nhà báo lại không nên chỉ đưa ra hai số liệu mà còn phải tính được tỷ lệ phần trăm tăng hoặc giảm. Một con số thống kê không được đặt vào một tình huống cụ thể sẽ trở nên "đơn độc" và hiệu quả thấp. Nếu có con số thống kê mới về mức độ tăng (hoặc giảm), thì hãy đưa ra những thống kê trước đây là gì và đã được công bố khi nào.

Nghệ thuật của một người viết tin giỏi là biết được cái gì cần cho vào câu chuyện và cái gì nên bỏ qua. Các nhà báo thường bị áp lực về thời gian và dung lượng của bài viết, nhưng vẫn cần dành thời gian để đảm bảo không một thông tin quan trọng nào trong bài viết của mình bị bỏ sót.

(Theo cuốn "Cẩm nang MediaNet")

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sự chuyển hướng của các phóng viên điều tra (09/10/2013 10:26:33)

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)

"LáỪễa ngháỪẮ" (09/10/2013 10:02:53)

Thi ảnh tốt 6 tháng đầu năm 2013 PV Trọng Đạt đoạt gải A duy nhất (10/09/2013 16:11:58)

Ảnh báo chí biết "kể chuyện" (10/09/2013 10:32:44)

1USD, mua được một... tờ tạp chí (10/09/2013 10:10:29)

Tờ báo danh tiếng The Washington Post đổi chủ (10/09/2013 10:07:28)

Một số giải pháp nâng cao chất lượng ảnh báo chí (10/09/2013 09:57:43)

Để phóng viên thông tấn "thèm" đi miền núi (09/09/2013 15:44:12)