Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tìm hiểu báo chí

Sự chuyển hướng của các phóng viên điều tra


(09/10/2013 10:26:33)

Những bài điều tra bao giờ cũng thu hút được sự quan tâm của độc giả. Song báo chí phương Tây ngày càng ít những bài báo hấp dẫn như thế. Vậy những phóng viên điều tra nổi tiếng thế giới đang làm những gì?

Ở Anh, các phóng viên điều tra đang phải hoạt động trong bối cảnh: Nguồn kinh phí bị thắt chặt, sự cạnh tranh khốc liệt của nền công nghiệp PR đang phát triển mạnh mẽ và số đông công chúng ngày càng ít quan tâm đến báo chí.

Paul Lashmar, một trong những phóng viên điều tra kinh nghiệm nhất ở Anh, giảng viên báo chí tại Đại học tổng hợp Brunel, nhận định rằng, số người làm việc nghiêm túc trong lĩnh vực này (đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và thường phải tác nghiệp một mình) trên "vương quốc sương mù" đã giảm từ khoảng 150 người trong những năm 1980 xuống còn chưa đầy 90 người hiện nay. "Ngày càng khó kiếm được các nguồn kinh phí để phục vụ cho việc tác nghiệp của các phóng viên điều tra".

"Đây thực sự là thời điểm khó khăn đối với các phóng viên điều tra. Giờ đây, những phóng viên điều tra có xu hướng đi làm cộng tác viên cho các tờ báo hoặc chuyển sang làm các công việc khác, như điều tra viên hay làm việc cho các công ty phân tích rủi ro"- anh nhận định. Vậy họ đang làm gì? "Hiện nhiều phóng viên điều tra được giao hoặc thuê theo dõi các động thái của những người nổi tiếng và họ được trả một khoản tiền lớn để đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng về những người nổi tiếng như chính trị gia, người mẫu, siêu sao sân cỏ... Nhiều phóng viên điều tra hàng đầu thế giới hiện làm việc cho các tờ báo nhỏ, chỉ chăm chăm theo dõi những cái hắt hơi, sổ mũi, những mối quan hệ của những nhân vật nổi tiếng"- Lashmar cho biết.

"Theo quan niệm của công chúng hiện nay, phóng viên điều tra chỉ có nhiệm vụ phơi bày các vụ xìcăngđan tình ái của những người nổi tiếng", Rosie Waterhouse, giảng viên báo chí Đại học tổng hợp City, London và cũng là một phóng viên điều tra hàng đầu, cũng chung nhận định với Paul Lashmar. Và bà không giấu sự bất bình: "Các báo, tạp chí và đài truyền hình thực sự quan tâm đến công chúng thì phải biết phân biệt và nói rằng chúng ta muốn điều tra các vụ việc vì sự quan tâm của công chúng, chứ không phải là gây sự tò mò của công chúng".

Nhưng không phải phóng viên điều tra nào cũng đầu quân cho các báo lá cải. Theo bà Rosie Waterhouse, Đại học tổng hợp City đã thành lập Phòng Báo chí điều tra với sự tài trợ của các nhà hảo tâm. Các thông tin phòng này thu thập được đã được đăng tải trên các trang đầu của các tờ The Daily TelegraphThe Daily Mail. Hiện 25 nhà báo đang tiến hành sáu vụ điều tra. Kết quả bước đầu của một dự án phối hợp giữa Phòng Báo chí điều tra với chương trình Toàn cảnh (Panorama) của đài BBC cho thấy, có tới 38.000 công chức Anh có thu nhập trên 100.000 bảng mỗi năm.

Phòng Báo chí điều tra của trường Đại học tổng hợp City cũng đã hợp tác với kênh truyền hình quốc tế Al Jazeera và Tạp chí Y học của Anh (British Medical Journal) điều tra ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu... Iain Overton, một nhân viên của Phòng Báo chí điều tra, người từng làm việc cho kênh truyền hình Channel 4 News, cho hay: "Các phóng viên điều tra của phòng không tìm mọi cách bắt quả tang một cầu thủ bóng đá ngủ với gái mại dâm mà quan tâm đến những vấn đề liên quan đến cuộc sống, tính mạng của người dân, đòi hỏi những cuộc điều tra nghiêm túc và tốn nhiều thời gian".

Còn theo Paul Lashmar, một số tổ chức từ thiện, tổ chức phi chính phủ cũng đang thực hiện vai trò của báo chí điều tra. Ông đánh giá cao hoạt động của tổ chức từ thiện Reprieve và Chiến dịch chống buôn bán vũ khí. "Những tổ chức này thường cung cấp một phần thông tin cho các phóng viên, và hiện nay họ có xu hướng tự mình tiến hành các cuộc điều tra".

Nhìn sâu vào "nội tình" của cánh phóng viên điều tra, Dorothy Byrne, người phụ trách chương trình tin tức và các sự kiện của kênh Channel 4 cho rằng, các đồng nghiệp làm công tác điều tra của cô hiện đang phải chịu áp lực lớn từ các luật sư và các mánh khóe PR của những tổ chức lớn. "Chúng ta cần phải đối phó các công ty và tổ chức vốn sử dụng rất nhiều mánh khóe để làm suy yếu các chương trình chúng ta sản xuất trước khi chúng đến với khán giả. Một số đã thuê tới hai công ty luật để chống lại chúng ta", cô nói.

Tuy vậy, cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các yếu tố khách quan. Với thái độ cầu thị "tiên trách kỷ...", cựu phóng viên điều tra của BBC Tom Mangold, nhấn mạnh: Các phóng viên phải làm thế nào để cho ra đời những tác phẩm ngắn gọn, súc tích, có khả năng thu hút người dân. "Giờ đây, công chúng có khả năng tập trung ngắn hơn. Họ không thích những chi tiết vụn vặt của báo chí điều tra. Khi đọc một bài điều tra, tôi vẫn hay tự hỏi, liệu mình có đủ kiên nhẫn để đi hết câu chuyện cực kỳ dài này không?". 

 

Khánh Chi (Tổng hợp)

Theo Nội san Thông tấn, số 9/2013