Thứ tư, ngày 24/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Một số giải pháp nâng cao chất lượng ảnh báo chí


(10/09/2013 09:57:43)

Ảnh báo chí có vị trí hết sức quan trọng, là vũ khí tuyên truyền sắc bén bởi tính chân thật, tính thuyết phục cao, sự hấp dẫn và giá trị lịch sử. Tuy vậy trong đời sống báo chí hiện nay, ảnh báo chí chưa đạt được đúng tầm. Vừa qua, Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo VN phối hợp với Ban biên tập Ảnh TTXVN và Hội Nhà báo Nghệ An tổ chức hội thảo"Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng Ảnh báo chí". Nội san Thông tấn trích đăng tham luận của ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Ban biên tập ảnh TTXVN, tại hội thảo này.

 

Một bức ảnh tốt có giá trị bằng nghìn con chữ (ảnh đơn "Thuyền viên VN bị hải tặc Somalia bắt đã trở về", tác giả An Đăng, Ban biên tập Ảnh, Giải C Giải báo chí Quốc gia năm 2012)

Tầm quan trọng của ảnh báo chí không ai có thể phủ nhận. Giá trị của ảnh báo chí trước hết là ở tính tư liệu của nó. Các PV ảnh được coi là những người chép sử đất nước bằng ống kính. Tất cả những gì chúng ta thu vào ống kính hôm nay sẽ là lịch sử ngày mai.

Nhưng lâu nay chúng ta chưa coi trọng công tác tuyển chọn cũng như đào tạo PV ảnh. Số PV giỏi, yêu nghề, say nghề, có nhiều sáng tạo không nhiều. Những người vừa là PV giỏi, lại vừa có trình độ lý luận, khả năng biên tập ảnh lại càng thiếu. Sự hiểu biết về lý luận và thực tiễn ảnh báo chí của nhiều PV ảnh và cả một số cán bộ quản lý ở nhiều tòa soạn còn nhiều hạn chế. Điều đó dẫn đến việc tìm tòi các đề tài mang tính phát hiện, có tác động lớn đến xã hội còn ít. Cách thể hiện còn công thức, ít đổi mới, sáng tạo... Do vậy để nâng cao chất lượng ảnh báo chí thì việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng đội ngũ những người cầm máy.

Việc đào tạo PV ảnh ở các trường đại học chuyên ngành dường như chưa đáp ứng được yêu cầu của nghề báo. Hầu hết sinh viên ra trường, được nhận vào các cơ quan báo chí vẫn chưa làm nghề ngay được, bởi nền tảng kiến thức về chính trị, văn hóa, xã hội, tư duy báo chí còn hạn chế, ngay cả các kỹ năng làm báo: Cách khai thác đề tài, phương pháp xây dựng một phóng sự ảnh, cách xử lý thông tin... và kỹ thuật chụp ảnh cũng còn rất yếu. Điều này cho thấy, để nâng cao chất lương ảnh báo chí cần phải thay đổi chương trình cũng như phương thức đào tạo PV ảnh.

Trong những năm gần đây, số lượng ảnh báo chí gửi dự thi Giải báo chí quốc gia rất ít, chưa bao giờ vượt quá 100 tác phẩm. Nhiều Hội Nhà báo địa phương và ngay cả một số tòa soạn báo lớn ở Trung ương chưa bao giờ có tác phẩm dự thi. Một số tác phẩm dự giải nhưng nội dung nghèo nàn, kỹ thuật chụp non kém... Lẽ dĩ nhiên không thể qua các tác phẩm dự Giải báo chí quốc gia để đánh giá là ảnh báo chí của ta kém cỏi, bởi chúng ta vẫn có những PV tài năng, những tác phẩm có chất lượng nhưng không tham gia giải. Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm thu hút thêm tác phẩm ảnh dự thi. Tuy thế, tình hình vẫn chưa khá hơn bao nhiêu. Thiết nghĩ, nếu các Hội Nhà báo cơ sở, lãnh đạo các đơn vị báo chí quan tâm đến ảnh báo chí, tích cực động viên, yêu cầu PV ảnh tham gia giải thì vấn đề này sẽ được giải quyết. Chỉ cần mỗi tổ chức Hội gửi 10 tác phẩm thì chúng ta đã có hàng ngàn tác phẩm dự thi. Về phía Ban tổ chức giải, có lẽ cũng không nên quy định quá chặt là mỗi tác giả chỉ được quyền đứng tên trong một tác phẩm, mà có thể nhiều hơn. Ảnh dự thi nên gửi file gốc qua email để thuận lợi cho cả tác giả và giám khảo và cũng thuận lợi cho in ấn triển lãm sau này. Có thể chụp lại các tờ báo đã đăng ảnh gửi kèm theo file ảnh để làm hồ sơ dự thi.

Còn với các PV đang làm việc tại các cơ quan báo chí thì việc tiếp tục đào tạo để nâng cao tay nghề là rất cần thiết. Kinh nghiệm của TTXVN là việc thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày (giảng viên là các PV giàu kinh nghiệm, hiểu biết sâu về lý luận và thực tiễn ảnh báo chí trong ngành thông tấn, cũng có khi là PV ảnh nước ngoài), mang lại hiệu quả tốt.

Để nâng cao nghiệp vụ cho PV, các cơ quan báo chí nên thường xuyên tổ chức hội thảo về nghiệp vụ, kỹ năng chụp ảnh, công tác biên tập ảnh, tổ chức các buổi đi sáng tác, giao lưu nhiếp ảnh giữa các tòa soạn báo, mời các PV ảnh có tay nghề cao đến chia sẻ kinh nghiệm cho các PV trẻ, khuyến khích PV, biên tập viên tự học, tự trau dồi nghiệp vụ tích cực, tham gia vào các cuộc thi ảnh báo chí và nghệ thuật cả trong và ngoài nước vừa để nâng cao tay nghề, tăng thêm niềm đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Nhưng dù PV ảnh có giỏi đến mấy, mà những cán bộ quản lý trực tiếp của họ, những người trực tiếp sử dụng ảnh (như các lãnh đạo, thư ký tòa soạn, họa sĩ trình bày báo...) không có quan tâm đúng mức đến vai trò của ảnh trên các trang báo, không có kiến thức về nhiếp ảnh, không biết biên tập ảnh, biết cách sử dụng ảnh sao cho có hiệu quả, thì cũng không thể nào nâng cao được chất lượng của ảnh báo chí, có khi còn làm thui chột các tài năng.

Nhiều tờ báo sử dụng ảnh rất tùy tiện, tự ý dùng photoshop xóa hay thêm các chi tiết của ảnh, làm sai sự thật của bức ảnh. Đó là điều tối kỵ trong ảnh báo chí. Bởi ảnh báo chí trước hết phải có tính chân thật, tính thời sự, tính hiện thực. Sự thật trong ảnh báo chí là sự thật tuyệt đối, nguyên hình nguyên trạng, không thể bị một ý đồ chủ quan nào chi phối. Tính chân thật của một bức ảnh đã tạo cho nó một giá trị đặc biệt. Do vậy, việc bồi dưỡng kiến thức về ảnh báo chí cho những người làm công tác quản lý ở các toà soạn báo, những người trực tiếp sử dụng ảnh cũng rất cần thiết.

Nâng cao được chất lượng của ảnh báo chí là vô cùng quan trọng, nhưng một điều cũng rất cấp thiết là tìm đầu ra cho tác phẩm. Các PV ảnh của chúng ta không ngại khó khăn gian khổ, nguy hiểm, xông pha nơi miền núi hải đảo xa xôi, có mặt nơi thiên tai, lũ lụt để đưa nhanh nhất những thông tin ảnh về sự kiện đến bạn đọc, nhưng sản phẩm của họ được sử dụng quá ít ỏi, nhiều tờ báo vẫn quan tâm đến chữ nhiều hơn ảnh. Điều đó vừa lãng phí tiền bạc của nhà nước, công sức của PV vừa không tạo nên động lực để các PV hăng say làm việc và cống hiến cho nghề nghiệp, không khuyến khích được người thực sự có tài, đồng thời làm giảm sự hấp dẫn của các ấn phẩm báo chí.  

Trong những năm gần đây TTXVN đã không ngừng tìm cách phát huy thế mạnh của ảnh báo chí, cũng chính là tìm đầu ra cho ảnh. Ngoài sử dụng ảnh trên báo in, báo điện tử, trong các cuốn sách ảnh, Kênh Truyền hình thông tấn hàng ngày còn phát chương trình Thời sự 24 giờ qua ảnh, Tổng hợp thời sự quốc tế cuối tuần qua ảnh và các chương trình ảnh chuyên đề. Bằng cách đó các sản phẩm ảnh báo chí của TTXVN đã đến được với rất nhiều người xem trong nước và trên thế giới. Các triển lãm ảnh cũng liên tục được tổ chức (do TTXVN độc lập tổ chức hoặc liên kết với các đơn vị ngoài ngành), giúp phát huy được thế mạnh và hiệu quả của ảnh báo chí.

Để nâng cao chất lượng ảnh báo chí, đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ảnh báo chí cho cả người quản lý và PV ảnh, có thể mời cả giảng viên trong và ngoài nước; biên soạn hoặc dịch các cuốn sách viết về ảnh báo chí để phục vụ cho những người cầm máy; tổ chức các cuộc thi và triển lãm ảnh chuyên đề, các cuộc hội thảo chuyên về ảnh báo chí...

Phạm Tiến Dũng
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Để phóng viên thông tấn "thèm" đi miền núi (09/09/2013 15:44:12)

Các địa phương đánh giá cao vị thế của Phân xã TTXVN  (09/09/2013 15:35:03)

Liên Chi hội Nhà báo: Hướng hoạt động Hội hỗ trợ tốt nhất công tác thông tin (08/08/2013 14:51:42)

Hướng dẫn chỉnh chế độ chụp trên máy ảnh số (08/08/2013 14:05:27)

Soi báo qua kính hiển vi (08/08/2013 10:35:26)

Hái quả ngọt từ công vun tưới lâu bền (08/08/2013 10:24:40)

Chuẩn hóa cách sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài (08/08/2013 10:01:01)

Truýằn thông hỏằ™i tỏằƠ - xu hặ°ỏằ›ng cỏằĐa bÃĂo chÃư tặ°ặĂng lai (08/08/2013 09:37:20)

Người vạch trần thảm sát Mỹ Lai (08/07/2013 10:56:57)

Cảnh báo hiện tượng "nhà báo bàn giấy" ở Việt Nam (05/07/2013 16:27:24)