Thứ năm, ngày 28/03/2024

Công tác thông tin

Chuẩn hóa cách sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài


(08/08/2013 10:01:01)

Việc chuẩn hóa cách sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài trên các ấn phẩm và bản tin của TTXVN đã được các đại biểu thống nhất tại hội thảo nghiệp vụ Nghiên cứu cách viết tên riêng tiếng nước ngoài và văn phong báo chí cho TTXVN do Liên Chi hội Nhà báo TTXVN tổ chức ngày 2/7, tại Hà Nội. (ảnh)

 

Phát biểu tại hội thảo, đ/c Ngô Hà Thái, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TTXVN cho rằng: Với tư cách là ngân hàng tin ảnh phục vụ các cơ quan báo chí, trong nhiều năm qua, TTXVN luôn xác định thông tin phải dễ tiếp cận, dễ đọc, đáp ứng được yêu cầu chung của đa số công chúng. Vì thế, việc sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài chủ yếu theo cách phiên âm, có dùng dấu gạch nối để dễ đọc, dễ nhớ. Tuy nhiên, ngay cả khi đã thống nhất dùng phiên âm thì việc phiên âm ở mỗi tờ báo cũng khác nhau, kể cả trên cùng một tờ báo, cùng một trang báo hay thậm chí trong một bài báo cũng không thống nhất.

Đồng chí khẳng định: Thời gian gần đây, sự phát triển như vũ bão của truyền thông đại chúng, sự xuất hiện và phát triển đến chóng mặt của Internet và sự tăng lên đáng kể về trình độ đọc của công chúng đã buộc những người làm báo nói chung và làm báo thông tấn nói riêng phải nhìn lại cách sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài trên báo chí. Việc phiên âm tên riêng đã trở nên lỗi thời, thiếu khoa học khi đưa lên Internet, thậm chí, về hình thức bị coi là... không đẹp. Việc thiếu chính xác, chệch chuẩn, rườm rà, tốn thời gian và không thể thống nhất trong phiên âm đã đặt ra vấn đề cần phải có một cách thức mới trong việc sử dụng tên nước ngoài với tiêu chí: Đơn giản, dễ sử dụng, theo đa số, phù hợp với báo chí hiện đại.

Hội thảo đã thống nhất:

1. Dùng tên riêng theo cách thức phổ biến trên báo tiếng Anh trên thế giới như Paris, London, Berlin, Iceland, Australia....

2. Những tên riêng khác tiếng Anh thì phải sử dụng cách viết theo kiểu phổ biến trên báo tiếng Anh, ví dụ Brussels chứ không phải Bruxelles, al-Qaeda chứ không dùng al-Qaida, Gaddafi chứ không dùng Kaddafi, Raul chứ không dùng Raúl Castro Ruz.

3. Những tên riêng đã được phiên âm ra tiếng Việt và âm Hán-Việt mà người sử dụng đã quá quen thuộc thì giữ nguyên cách gọi cũ, ví dụ: Phần Lan, Ba Lan, Mátxcơva, Bắc Kinh... Những từ được giữ nguyên cách viết cũ này sẽ do Ban biên tập tin Thế giới tổng hợp, sau đó một tiểu ban rà soát, tập hợp lại và thống nhất sử dụng. Danh sách này - bao gồm cả những từ đặc biệt như La Hay (không  phải The Hague) hay Napoli (không dùng Naples) - sẽ được bổ sung, cập nhật vì có thể chưa đầy đủ trong lần tổng hợp đầu tiên.

4. Riêng tiếng Trung, với những tên riêng đã quen thuộc thì giữ nguyên âm Hán-Việt. Với tên riêng của cấp lãnh đạo từ thứ trưởng trở lên; các nhân vật giải trí, thể thao, quân đội đã quen thuộc với công chúng Việt Nam; các địa danh từ cấp huyện trở lên... thống nhất dùng phiên âm Hán-Việt. Còn lại dùng cách viết bằng chữ Latinh. Bảng phiên âm tên riêng tiếng Trung dựa theo bảng có sẵn của Ban biên tập tin Thế giới với sự đóng góp, bổ sung của các đơn vị khác (nếu có).

5. Việc phiên âm tên riêng chỉ áp dụng cho các bản tin phổ biến của các đơn vị cung cấp nguồn tin phục vụ các cơ quan báo chí. Các đơn vị thông tin, xuất bản phẩm, truyền hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử khác thống nhất sử dụng tên riêng theo cách phổ biến trên các báo tiếng Anh hoặc những quy định riêng trong mục (2), (3) và (4).

6. Trong mỗi tin, bài của các bản tin theo quy định ở mục (5), từ phiên âm sẽ chỉ xuất hiện một lần theo cách sau: Đưa vào trong ngoặc đơn, đặt bên cạnh từ theo cách viết tiếng Anh trong lần xuất hiện đầu tiên, trừ tít của tin vẫn dùng cách viết của tiếng Anh.

7. Thống nhất chuẩn phiên âm theo âm tiết, có gạch nối giữa các âm tiết. Ban biên tập tin Thế giới chịu trách nhiệm thường xuyên cập nhật cách phiên âm của những tên riêng mới xuất hiện để toàn ngành sử dụng. Trước mắt, Ban biên tập tin Thế giới sẽ cung cấp danh sách phiên âm thành viên nội các và các địa danh quan trọng của những quốc gia lớn hoặc thường xuyên có quan hệ với Việt Nam, phối hợp cùng 30 phân xã ở nước ngoài.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày 5 tham luận cùng nhiều ý kiến đề cập đến những khó khăn khi gặp phải trong quá trình phiên âm tên riêng nước ngoài cùng các giải pháp khắc phục những bất cập, đi đến thống nhất trong sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài.

Hội thảo đã thống nhất một số nguyên tắc dùng tên riêng tiếng nước ngoài và phiên âm. Liên Chi hội Nhà báo đề xuất với lãnh đạo cơ quan chỉ đạo một đơn vị kỹ thuật trong ngành thiết kế phần mềm tiện lợi cho người sử dụng lẫn người nhập dữ liệu và quản lý với mục tiêu đưa toàn bộ thông tin lên website để dễ dàng tra cứu. Trung tâm Thông tin - Tư liệu sẽ chịu trách nhiệm quản lý hệ thống dữ liệu này.

Dự kiến, từ ngày 1/8, đề án sử dụng tên riêng tiếng nước ngoài sau khi được Ban lãnh đạo cơ quan phê duyệt sẽ chính thức dùng rộng rãi trên toàn bộ các ấn phẩm của TTXVN.

Sau hội thảo này, Liên Chi hội Nhà báo sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo nghiệp vụ để bàn về các vấn đề khác như: Chính tả và viết tắt, cách chấm câu, văn phong đặc trưng của TTXVN, cách viết tên riêng tiếng dân tộc... để làm căn cứ trình lãnh đạo cơ quan cho ý kiến.

Ban Biên tập tin Thế giới:

Mặc dù đã có một số nguyên tắc chung, song mỗi biên tập viên vẫn phiên âm một kiểu, ngay trong cơ quan cũng mỗi ban một kiểu. Chẳng hạn: Tếchdát với Tếchdớt (Texas),  Maxachuxét với Mexơchuxít (Massachuset), Đemxi với Đemxây (Demsey),... Việc phiên âm không có gạch nối gây khó khăn cho biên tập viên khi đánh máy do liên quan đến vấn đề dấu. Với những chữ có nhiều dấu, BTV phải đánh cách từ, sau đó lại đẩy lùi từ lại với nhau, rất mất thời gian. Hơn nữa, việc không có gạch nối rất dễ khiến người khác đọc nhầm, không phân biệt được từ nào phải đọc nối với từ nào, đặc biệt là với những từ có quá nhiều nguyên âm. Chẳng hạn: Đê-la-oe có thể đọc thành Đê-lao-e.

Do chưa có chuẩn phiên âm với từng thứ tiếng, hơn nữa không phải biên tập viên nào cũng biết nhiều thứ tiếng, nên nhiều khi biên tập viên phiên âm lẫn lộn giữa hai thứ tiếng, có thể tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha nhưng lại phiên âm theo cách đọc của tiếng Anh. Việc phiên âm một số tên riêng cùng một thứ tiếng như tiếng Triều Tiên vẫn chưa thống nhất. Chẳng hạn: ông nội thì gọi là Kim Nhật Thành, trong khi con trai và cháu nội thì lại gọi là Kim Châng In (không phải Kim Chính Nhật) và Kim Châng Un (Kim Chính Ân),...

Báo Tin Tức

Các tin bài do BTV tự sản xuất đều phải phiên âm ra tiếng Việt, do vậy phải đối chiếu với bảng phiên âm chuẩn. Tuy nhiên, đôi khi bảng phiên âm này vẫn còn một đôi chỗ chưa phù hợp với Ban biên tập tin Thế giới dẫn đến có độ vênh với các tin, bài của Ban.

Tin bài khai thác của Ban Thế giới, tất cả tiếng nước ngoài đều được phiên âm, nhưng khi dùng ở báo Tin Tức, ngoài tên nước, tên thủ đô được giữ phiên âm còn các tên riêng khác phải mất thời gian đổi ngược trở lại.

Việc dùng phiên âm tên nước và thủ đô trên trang web của báo Tin Tức gây bất lợi cho việc tìm kiếm trực tuyến. Số kết quả cho tên tiếng Anh bao giờ cũng nhiều hơn tên phiên âm. Chưa kể người dùng rất ngại gõ chữ phiên âm trên Google, hoặc thường hay gõ sai.

Trung tâm Thông tin Tư liệu:

Trong rất nhiều tài liệu, tên riêng không giống nhau (có nguồn dùng tiếng Anh, có nguồn dùng tiếng Pháp) nên rất khó phiên âm. Ngay cả cách phiên âm được sử dụng trong các ấn phẩm của TTXVN cũng không thống nhất (khi thì có dấu gạch nối, khi thì không). Thực trạng này gây rất nhiều khó khăn trong công tác biên tập, đặc biệt là với nhóm làm tin truyền hình khi không biết phát âm thế nào cho chuẩn. 

Kho tư liệu của Trung tâm Thông tin Tư liệu hiện có nhiều danh sách nội các, tên nhân vật và địa danh lại chưa được phiên âm, hoặc rất khó phiên âm cho đúng. Trong khi đó, chưa có thông tin chi tiết đối với nhiều nhân vật, chức danh. Chính vì vậy, việc đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin cho ngành trước mắt còn có nhiều hạn chế, khó bắt kịp với xu thế phát triển của thông tin.

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Báo Thể thao&Văn hóa: Lại cống hiến một mùa giải âm nhạc thành công (06/06/2013 16:20:21)

Nói chuyện chuyên đề thông tin thị trường bất động sản Việt Nam và Thế giới (06/06/2013 16:12:01)

Danh sách các tác phẩm được tặng giải thưởng giải báo chí TTXVN năm 2012 (06/06/2013 14:07:06)

Giải A thể loại Truyền hình - Giải báo chí TTXVN 2012: Nhà giàn DK1 - những trải nghiệm khó quên (06/06/2013 11:02:35)

Giải báo chí TTXVN năm 2012: Lan tỏa & hấp dẫn (06/06/2013 10:56:22)

LCH Nhà báo được tặng cờ đơn vị xuất sắc năm 2012 (03/05/2013 11:07:06)

Những khoảnh khắc đậm tình người (02/05/2013 16:12:32)

Trước thềm Lễ trao Giải báo chí TTXVN 2102: Những chuyến đi khó quên (Ký ức La Pán Tẩn)  (02/05/2013 16:00:37)

Thông báo: Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2012 (đợt 1) và hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2012 (02/11/2012 10:41:33)

Cập nhật thông tin tài chính - ngân hàng cho các nhà báo TTXVN (02/08/2012 11:12:37)