Thứ tư, ngày 24/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Cảnh báo hiện tượng "nhà báo bàn giấy" ở Việt Nam


(05/07/2013 16:27:24)

Một cuộc tọa đàm với chủ đề "Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và cách ứng xử của nhà báo trẻ" đã diễn ra tại trụ sở Tạp chí Cộng sản sáng 18/6, do lãnh đạo Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan Trung ương chủ trì.

Không chỉ là một hoạt động giao lưu - nghiên cứu khoa học nhân kỷ niệm ngày truyền thống của các nhà báo Việt Nam, cuộc tọa đàm còn là cơ hội đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, động viên các nhà báo trẻ không ngừng học tập, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất của người làm báo cách mạng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ nghề báo trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ.

Các PV trẻ của TTXVN đóng góp cho cuộc tọa đàm một số ý kiến vừa có tính lý luận, vừa phản ánh thực tiễn sinh động về nghề báo; chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp của các nhà báo thông tấn trước tác động của các phương tiện truyền thông mới. Dưới đây là tham luận của nhà báo trẻ Nguyễn Việt Đức, báo điện tử VietnamPlus.

 

Công nghệ thông tin hỗ trợ nhiều cho các nhà báo

Báo chí Việt Nam đang cùng đất nước bước vào giai đoạn hội nhập sâu vào đời sống quốc tế, cùng với đó là sự xuất hiện, bùng nổ của các phương tiện truyền thông - đặc biệt là mạng thông tin điện tử. Tất cả những biến chuyển to lớn đó đã ngay lập tức tác động tới công chúng và những người làm báo Việt Nam.

Những năm đầu thế kỷ 21, dưới tác động của cuộc cách mạng tin học và xu hướng toàn cầu hóa, ở nước ta xuất hiện một đội ngũ khá đông đảo những nhà báo trẻ năng động, nhạy bén ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại phục vụ tác nghiệp. Hình ảnh các PV trẻ Việt Nam được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại như máy tính xách tay kết nối Internet, máy ảnh, máy quay, máy ghi âm kỹ thuật số chuyên nghiệp tham gia đưa tin tại những sự kiện lớn ở trong nước cũng như quốc tế, đã tạo nên hình ảnh đẹp về nền báo chí Việt Nam đang đổi mới.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực trên, chúng ta cũng cần phải tỉnh táo nhìn nhận một mặt trái của của việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại vào công tác báo chí ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là với các nhà báo trẻ. Đó là sự "non nớt" trong chuyên môn và sự nhạy bén chính trị - một yêu cầu hết sức cần thiết đối với bất cứ nhà báo nào làm việc trong môi trường báo chí. Hai hạn chế này đã tác động không nhỏ đến cách ứng xử của các nhà báo trẻ với các phương tiện truyền thông hiện đại.

Đi thực tế thu thập thông tin để bài báo đậm "hơi thở" cuộc sống

Tình trạng lạm dụng các phương tiện thông tin hiện đại cùng với sự buông lỏng quản lý, bồi dưỡng, định hướng thông tin của các ban biên tập, tòa soạn với các nhà báo trẻ, đã làm xuất hiện hiện tượng mà tôi xin được gọi là "nhà báo bàn giấy". Hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng trong một bộ phận PV trẻ.

Với một chiếc máy tính được nối mạng internet cùng với một chiếc điện thoại di động thông minh, nhiều PV cho rằng không cần phải đi đâu cho mệt. Họ thấy chỉ cần ngồi một chỗ gọi điện, xin gửi qua thư điện tử rồi "xào nấu", thậm chí chỉ cắt, dán thông cáo báo chí rồi gửi về tòa soạn. Đối với bộ phận làm tin tiếng nước ngoài, thay vì không ngừng trau dồi kiến thức dịch thuật, biên tập, họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các công cụ dịch thuật tự động trên mạng internet như Google Translate, sau đó chỉnh sửa, thậm chí có trường hợp phát nguyên xi bản dịch ngây ngô của công cụ dịch lên báo, khiến độc giả không khỏi lắc đầu ngao ngán.

Một thực tế là thay vì đi cơ sở thu thập thông tin, trau dồi kiến thức phục vụ cho công việc thì họ lại dành phần lớn thời gian để tán gẫu trên các mạng xã hội như facebook, yahoo chat và xem các trang web bán hàng.

Rồi để đối phó với định mức tin, bài, họ không ngại ngần lên các mạng xã hội, "nghe ngóng" các tin đồn, ngó sang các báo bạn xem có thông tin gì "hot" để "tạo nguồn cảm hứng".

Và cảm hứng đó nhanh chóng được chuyển thành các bài báo "thùng rỗng kêu to" - tít giật rất kêu, nhưng nội dung thì chả ăn nhập gì với tít, chạy theo thị hiếu tầm thường, xâm phạm đời tư cá nhân, trái với văn hóa dân tộc....

Đặc biệt, đáng sợ và đáng lo ngại hơn là sự xuất hiện các bản tin, bài báo viết không đúng sự thật, bịa đặt, gây hoang mang trong xã hội. Với bộ phận làm tin tiếng nước ngoài, không ít BTV thiếu sự nhạy cảm chính trị, "vô tư" dịch và phát lại các tin bài đưa thông tin không chính xác về đất nước...

Thụ động trong thu thập thông tin, thiếu hụt kiến thức nền, lập trường tư tưởng chính trị không vững vàng, xa rời thực tế, các "nhà báo bàn giấy" trở thành "miếng mồi ngon" cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để viết bài phản biện thiếu tính xây dựng đối với một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn "nhà báo bàn giấy" đang từng ngày làm xấu đi bức tranh toàn cảnh báo chí Việt Nam.

Các nhà báo chân chính và bạn đọc mong chờ Nhà nước có những chế tài mạnh mẽ để ngăn chặn, xóa bỏ vấn nạn trên; với các nhà quản lý, báo chí cần có những biện pháp siết chặt công tác tổ chức hoạt động tòa soạn, định hướng lại tôn chỉ, định hướng thông tin, không thể chỉ vì gánh nặng kinh tế, sức ép cạnh tranh thông tin mà buông lỏng khâu kiểm duyệt, hiệu đính, xuất bản. Cần thiết thực hiện luân chuyển thường xuyên phóng viên, biên tập viên, đưa họ đến với thực tế đời sống để tác nghiệp và đặc biệt là quan tâm chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, cách ứng xử đúng đắn với các phương tiện truyền thông hiện đại.

Các nhà báo chân chính và bạn đọc cũng mong chờ những nhà báo trẻ đã "trót" trở thành "nhà báo bàn giấy" tự biết sửa mình, để có thái độ đúng đắn với nghề báo - một nghề cao quý, có sức tác động xã hội lớn lao, phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt", thậm chí đổ cả máu để có được những dòng tin, hình ảnh chân thực về muôn mặt đời sống xã hội.

Nguyễn Việt Đức
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đào tạo kỹ năng MC và kỹ năng đọc dưới hình của Chi hội Nhà báo Trung tâm Truyền hình thông tấn (05/07/2013 16:19:23)

Hoạt động nghiệp vụ của Chi hội Nhà báo Ban biên tập tin Thế giới (05/07/2013 16:10:29)

Chi hội Ban biên tập Ảnh: Giúp các hội viên hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp (05/07/2013 16:07:47)

Nhìn lại Giải báo chí TTXVN 2012: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn  (05/07/2013 16:02:28)

Báo Thể thao&Văn hóa: Lại cống hiến một mùa giải âm nhạc thành công (06/06/2013 16:20:21)

Nói chuyện chuyên đề thông tin thị trường bất động sản Việt Nam và Thế giới (06/06/2013 16:12:01)

"GiÃắn ẢỔiáỪẬp" trong tÃỨi quáỨận (06/06/2013 15:16:18)

Độc giả với báo Tin Tức (06/06/2013 14:58:32)

Đằng sau mỗi con chữ... (06/06/2013 14:48:04)

Danh sách các tác phẩm được tặng giải thưởng giải báo chí TTXVN năm 2012 (06/06/2013 14:07:06)