Thứ hai, ngày 29/04/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây


(09/10/2013 10:22:21)

Nhiều năm thường trú ở nước ngoài - điều bình thường với nhiều nhà báo thông tấn. Nhưng thường trú ở những phân xã nằm ở hai bán cầu khác nhau, giai đoạn này tác nghiệp "bên Tây" tuyết trắng, thời gian khác lại mải miết "bên Đông" nắng bỏng, thì là chuyện hiếm. Nữ nhà báo Minh Lý là trường hợp hiếm ấy. Chị chia sẻ với bạn đọc Nội san Thông tấn về chuyện nghề nơi Đông, phía Tây:

 

Phóng viên Minh Lý và Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid tại cuộc gặp gỡ báo chí ở New Delhi

Vất vả trời Tây

Cách đây đúng 10 năm, tôi được lãnh đạo cơ quan bổ nhiệm làm Trưởng phân xã Luân Đôn. Nhận quyết định chưa đầy hai tháng, Tổng giám đốc Lê Quốc Trung đã giục tôi và PV Trần Ngọc Quang (nay là Phó trưởng Ban biên tập tin Đối ngoại) lên đường bởi các thủ tục để mở phân xã (PX) phải hoàn tất trong năm 2003. Thế là chúng tôi lên đường khi Tết Nguyên đán đã liền kề.

Ngay những ngày đầu ở Vương quốc Anh, chúng tôi đã gặp trận bão tuyết mà người dân địa phương nói là 20 năm mới có. Đứng trên ban công khách sạn nhìn xuống đường trắng xóa tuyết mà lòng buồn vời vợi. Và bài viết "Tuyết trắng nơi xứ sương mù" ra đời, ghi dấu lần đầu tiên PV TTXVN có mặt tại Vương quốc Anh.

Vạn sự khởi đầu nan. Chúng tôi đã trải qua những ngày cực kỳ vất vả, từ nỗi khổ tìm thuê nhà, chuyển nhà, dò dẫm làm quen đường sá, thiết lập các mối quan hệ công tác, quan hệ cộng đồng đến lo việc học hành cho con cái. PX Luân Đôn đi vào hoạt động từ ngày 15/1/2003 (ngày PX phát bài đầu tiên về Tổng xã), song đến tháng 9 năm đó mới chính thức khai trương. Tôi còn nhớ, tại lễ khai trương được tổ chức rất long trọng tại trụ sở Đại sứ quán ta ở Luân Đôn, Đại sứ Trịnh Đức Dụ đã đánh giá rất cao hoạt động của các PV Phân xã Luân Đôn. Anh chị em chúng tôi vui biết bao khi những dòng tin, hình ảnh của mình được VTV4 phát sóng và nghe nhận định từ cộng đồng Việt kiều: "Kể từ khi có Thông tấn xã ở đây, chúng tôi mới biết được hoạt động của bà con mình và cảm thấy yêu đất nước hơn". Chính những dòng tin, hình ảnh của các PV TTXVN đã khích lệ bà con tham gia các phong trào từ thiện, uống nước nhớ nguồn và hướng về Tổ quốc.

 Thời gian công tác tại Anh, tôi nhớ nhất vụ đánh bom khủng bố kinh hoàng xảy ra đồng thời trên xe buýt và ba ga tàu điện ngầm ở Luân Đôn vào ngày 7/7/2005. Thời điểm đó, anh Nguyễn Hữu Trung về phép, tôi và PV Trần Ngọc Quang thay nhau trực hầu như suốt ngày đêm. Bên cạnh tin nhanh, tin phổ biến, tin tham khảo, bài cho báo Tin Tức, các báo ngoài như Sài Gòn Giải Phóng, báo Tiền Phong, đài Truyền hình Việt Nam cũng đặt tôi viết bài và phỏng vấn trực tiếp. Chùm tin bài về sự kiện này đã đoạt giải C Giải báo chí toàn quốc.

Bạn bè, đồng nghiệp đánh giá nhiệm kỳ của tôi tại Anh "thành công" và tôi cũng có cảm nhận như vậy. Thành công của tôi cũng như các PV Phân xã Luân Đôn thời đó là đã xây dựng được một thương hiệu "PV TTXVN" mà các cơ quan đại diện cũng như cộng đồng người Việt tại Anh mến phục. Thành công là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao phó, duy trì được một tập thể đoàn kết, hết lòng vì công việc. Và một thành công nữa là con các PV phân xã đều chịu thương chịu khó, chăm học, chăm làm và thành đạt.

 

Tác nghiệp tại một nước phương Tây và một nước phương Đông có gì khác nhau và làm thế nào để làm việc tốt? Tôi xin chia sẻ với các đồng nghiệp trẻ rằng, tác nghiệp tại một nước phát triển, mọi chuyện thuận lợi hơn, từ giao thông đi lại, công nghệ thông tin, thủ tục hành chính đến điều kiện ăn ở sinh hoạt. Tại Anh, đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng rẻ và thuận tiện hơn nhiều so với ô tô riêng. Thời tôi thường trú ở Anh, visa được cấp luôn cả nhiệm kỳ ba năm. Khi sang địa bàn, lên vụ báo chí trình thư của Tổng giám đốc là họ làm thẻ báo chí cho một năm và sau đó chỉ điền bản mẫu kê khai gia hạn mỗi năm một lần, không cần có thêm giấy tờ gì nữa.

Ấn Độ không được như vậy. Thủ tục hành chính rất rườm rà. Visa mỗi năm làm lại một lần và lần nào cũng phải đầy đủ mọi giấy tờ. Có visa rồi mới được làm thẻ báo chí, nhưng thẻ này lại phụ thuộc vào visa, vậy nên có lần làm được thẻ báo chí thì chỉ còn hai tháng nữa hết hạn visa. Tại Ấn Độ, phương tiện giao thông công cộng không thuận lợi. Sự cố tin hình đang truyền dở thì mất điện, mất mạng internet, phải truyền lại từ đầu là rất thường. Mùa hè không có nước, phải mua nước từ téc đục ngầu về sử dụng- cũng là chuyện thường. Đi dự hội thảo nghe diễn giả nói bằng tiếng Anh mà băn khoăn không hiểu họ nói tiếng gì. Khi đi chợ, muốn giao tiếp với tầng lớp bình dân phải dùng ngôn ngữ cơ thể nhiều hơn lời nói.

Theo tôi, đã đến lúc cơ quan phải tuyển chọn hoặc đào tạo PV biết tiếng Hindi để cử sang Ấn Độ tác nghiệp. Có thế PV mới tự tin và thiết lập quan hệ tốt với đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí nước sở tại.

Bận rộn phương Đông

Tháng 3/2012, tôi lại được cơ quan cử làm Trưởng PX New Delhi (Ấn Độ), nơi tôi đã có thời gian học tập và công tác nhiệm kỳ. Trở lại địa bàn quen thuộc, ai cũng bảo tôi là "hổ về rừng", bản thân tôi cũng nghĩ, chắc mình sẽ có thời gian nhàn nhã hơn. Song thực tế không như vậy. "Tái ngộ" sau 12 năm, đất nước Ấn Độ mà tôi yêu mến chẳng thay đổi gì nhiều, ngoài tuyến tàu điện ngầm hiện đại ở thủ đô New Delhi.

 Quan hệ Việt Nam- Ấn Độ đã được nâng lên tầm "đối tác chiến lược" từ năm 2007, vậy nên các đoàn công tác trong nước sang rất nhiều. Theo thống kê của Đại sứ quán, trong năm 2012, có 84 đoàn Việt Nam sang thăm và làm việc tại Ấn Độ. Năm nay, Đại sứ quán thông báo, số đoàn sang thăm và công tác còn nhiều hơn. Nhiều đoàn, đương nhiên nhiều hoạt động, mà PX chỉ có hai PV, lại thêm "món" tin truyền hình nên rất mệt. Một lần vào đưa tin và chụp ảnh cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid, tôi đã bị ngã một cú như trời giáng khi phải vác máy chạy, vì PV chỉ được cho có hai phút tác nghiệp.

Nhiều hôm chúng tôi vác máy quay, máy ảnh lên đường, tác nghiệp từ 8 giờ sáng đến 10 rưỡi đêm mới về đến nhà, vừa mệt, vừa đói, nhưng vẫn cặm cụi ngồi viết tin, biên tập hình để gửi về cho kịp. Mệt là vậy, nhưng khi thấy những dòng tin, những hình ảnh chuyển về được Tổng xã sử dụng lại thấy vui vui. Mới đi được nửa quãng đường của nhiệm kỳ nên chưa thể dám chắc điều gì, nhưng bản thân tôi đã và đang nỗ lực hết sức mình. Không nghĩ rằng mình làm việc để được ai khen, nhưng mỗi lần họp tổng kết toàn thể các cơ quan đại diện hay tổng kết cuối năm của Đảng bộ, khi nghe Đại sứ nói: "Chúng tôi đánh giá rất cao công tác của cơ quan Thông tấn xã tại New Delhi. Ngoài nhiệm vụ thông tin, các đồng chí đã góp phần rất lớn vào công tác truyên truyền nói chung", là tôi lại thấy tự hào vì mình là người Thông tấn.

Minh Lý -Trưởng Cơ quan thường trú TTXVN tại New Delhi - Ấn Ðộ
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)

Diễn đàn thu hút những ý kiến trí tuệ và nhiệt tâm (28/06/2012 10:53:01)

Cốt lõi vẫn là yếu tố con người (29/05/2012 14:01:30)

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng phóng viên trong nước (29/05/2012 10:56:34)

Hội nghị các Trưởng phân xã phía Bắc: Thời gian ngắn, chất lượng cao (02/05/2012 17:12:40)

Nâng cao chất lượng thông tin ảnh tai các phân xã (27/03/2012 16:01:11)

Hai ýº¿u tố nâng cao vị thế phân xã (27/03/2012 15:51:08)

Phân xã trong nước với tầm nhìn năm 2020 (28/02/2012 15:20:23)

Cần một "bản quy hoạch tổng thể" cho hệ thống Phân xã  (28/02/2012 15:09:41)

Trung tâm thông tin TTXVN ở địa phương: Tại sao không? (17/01/2012 12:20:18)