Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Ảnh báo chí biết "kể chuyện"


(10/09/2013 10:32:44)

Ảnh báo chí không phải để "trang trí" mà mang thông tin cho câu chuyện, bổ sung yếu tố thị giác vào bài viết. Bức ảnh báo chí tốt là bức ảnh kể lại một câu chuyện mà không cần nhiều chữ nghĩa, ngoài chú thích ảnh.

Những bức ảnh này thấm đẫm nỗi thống khổ vì chiến tranh, "kể chuyện" một cách vô cùng sinh động

Nhiều năm trước, ở Thụy Điển, phóng viên viết có vị trí cao hơn phóng viên ảnh và thường yêu cầu phóng viên ảnh chụp theo ý họ. Giá trị của hình ảnh khi ấy vẫn chưa được công nhận và việc chụp ảnh không được coi là một công việc đặc biệt. Thậm chí, phóng viên ảnh đôi khi chỉ là phụ tá kiêm tài xế cho phóng viên viết.

Trong báo chí hiện đại, giá trị của ảnh đã được nhìn nhận khác, bởi giờ đây những người làm báo đã hiểu tầm quan trọng của ảnh đối với bài viết. Ảnh báo chí có thể khiến cho bạn đọc cảm thấy hứng thú. Vị thế của phóng viên ảnh đã được cải thiện, tuy thế, vẫn cần phải được nâng cao hơn nữa. Nhiều tòa soạn hiện có xu hướng yêu cầu phóng viên đi làm tin, viết bài phải kiêm luôn chụp ảnh.
Những phóng viên ảnh không chuyên nên chú ý một số khía cạnh sau:

- Không chụp ảnh từ cự ly quá xa.

- Những bức ảnh có giao tiếp bằng ánh mắt có sức thu hút sự chú ý của độc giả. Không nên chụp kiểu ảnh chân dung "chứng minh thư".

- Hãy chụp từ nhiều góc khác nhau để người trình bày báo có thêm lựa chọn.

- Đừng đặt đối tượng vào tâm ảnh. Ảnh như vậy quá tĩnh, không có chuyển động.

- Sử dụng các khoảng cách khác nhau, phối hợp giữa chụp góc rộng và chụp cận cảnh.

- Chụp cả ảnh dọc lẫn ảnh ngang. Một nguyên tắc đơn giản là khi bạn muốn cho thấy một hình ảnh cân bằng, bình tĩnh, rộng lớn, thì sử dụng hình ảnh theo chiều ngang. Khi bạn muốn cho thấy hình ảnh kịch tính, năng động, hoặc cao, thì dùng ảnh thẳng đứng.

"Phóng viên ảnh phải làm việc với những gì đang dần dần biến mất, và khi chúng đã mất đi thì không có phép màu nào có thể mang chúng trở lại được nữa"- Phóng viên ảnh Henri Cartier Bresson (Pháp)

- Tránh chụp những bức ảnh nhiều người dàn hàng ngang đứng trước máy ảnh. Những ảnh kiểu này hiếm khi mang lại thêm thông tin cho bài báo.

Việc lên kế hoạch chụp ảnh phải được thông qua trong các cuộc họp giao ban tòa soạn hoặc họp nhóm cùng thực hiện chủ đề. Nếu không bàn kỹ trước khi chụp thì dám chắc có lúc sẽ phải tìm ảnh trong kho tư liệu vì sản phẩm phóng viên mang về không sử dụng được.

Với những người sử dụng ảnh? Khi đưa ảnh lên trang, cần chú ý:

- Tránh để ảnh xung đột nhau. Tránh đặt ảnh liền kề với hình quảng cáo hoặc sát một ảnh khác ở nửa kia của trang đôi.

- Ảnh và các yếu tố khác (hộp dữ liệu, biểu đồ, bảng thống kê, trích dẫn phát biểu...) không phải để trang trí mà phải có thông tin. Mỗi một yếu tố xuất hiện trên trang báo phải cung cấp một phần nội dung.

- Với bài viết dùng nhiều ảnh, cần chú ý trình bày ảnh ở những kích cỡ khác nhau. Chỉ nên dùng các ảnh có cùng kích cỡ khi muốn nhấn mạnh những giá trị tương đương nhau. Chẳng hạn, dùng ảnh chân dung của những người cùng trả lời một câu hỏi khảo sát...

- Các nghiên cứu theo dõi sự chuyển động của mắt cho thấy, bài viết nào có ảnh đi kèm sẽ được nhiều người đọc hơn, và bài viết dài sẽ được đọc nhiều hơn nếu có ảnh.

Đừng viết chú thích theo kiểu mô tả những gì có trong ảnh vì bạn đọc đã tự nhìn thấy trong ảnh có gì. Hãy giải thích cho hình ảnh. Phải để phông chữ của phần chú thích ảnh khác với phông chữ của bài viết để người đọc dễ nhận ra.

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2013