Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

"CÃỠ say ngháỪẮ máỪỈi tráỪầ váỪống áỪỲ ẢỔáỪỀa phẳồẳắng"


(05/11/2013 11:04:41)

20 năm là phóng viên, 9 năm là Trưởng Cơ quan thường trú tại Vĩnh Long, Phạm Thị Bình (ảnh nhỏ) là một trong số ít "nữ tướng" của TTXVN cắm chốt ở địa phương. Ở chị, năng động và tâm huyết với nghề báo dường như là bản tính trời sinh. Trò chuyện với phóng viên Nội san Thông tấn, chị nói một cách giản dị: Nếu không say nghề thì làm sao trụ vững ngần ấy năm ở địa bàn thường trú.

 

Nhà báo Phạm Thị Bình (thứ hai bên trái) trong chuyến học hỏi kinh nghiệm làm truyền hình của đồng nghiệp Singapore

NSTT: Xin chào nữ Trưởng xã! Với thâm niên 29 năm làm báo thì kinh nghiệm "hành nghề" của chị chắc là... vô tận rồi?

 

Nhà báo Phạm Thị Bình: Không dám nói là kinh nghiệm đâu, vì so với nhiều bậc đàn anh, đàn chị khác, mình vẫn còn rất nhiều điều phải học hỏi. Trước khi vào ngành Thông tấn, mình có 5 năm là giáo viên, chưa có nghiệp vụ làm báo nên khi vào ngành phải vừa làm, vừa tự học là chính. Mình không được qua các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản trước khi vào nghề như các bạn trẻ bây giờ. Lúc đó chỉ được Văn phòng đại diện B2 cho về Phân xã TP. Hồ Chí Minh học mấy tháng theo kiểu "cầm tay chỉ việc" với anh Đình Khuyến (Trưởng Phân xã) và các anh, chị Nhật Nam, Hà Huy Hiệp, Hoa Thị Sâm. Sau đó, được điều động về Phân xã Vĩnh Long để vừa tác nghiệp vừa tiếp tục hoàn tất đại học báo chí.

Theo mình, một phóng viên thường trú tại địa phương, ngoài kiến thức chuyên môn, ngoài việc tiếp cận với nguồn tin "chính ngạch", phóng viên còn phải chú ý xây dựng và có mối quan hệ tốt với các nguồn cung cấp thông tin (bao gồm cơ quan cung cấp chính thống và các thông tin "ngoài luồng").

 

NSTT: Chị có nhớ trong "đời làm báo", lần đầu tiên xưng danh "Tôi là phóng viên TTXVN thường trú tại..." ở bối cảnh nào?

Nhà báo Phạm Thị Bình: Lâu qua rồi nên mình không nhớ đã xưng danh là phóng viên TTXVN lần đầu tiên khi nào. Nhưng ấn tượng nhất là lần đi viết bài cho đợt kỷ niệm 30/4 vào năm 1986. Mình về xã Hòa Hiệp - một xã được phong Anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đường đi đến xã rất vất vả, nhiều ổ trâu, ổ gà, trời mưa nên vô cùng lầy lội, trong khi lại đi bằng...xe đạp. Lặn lội hơn 20km, khi đến nơi, gặp cán bộ xã, giới thiệu tôi là "Phóng viên Phân xã Vĩnh Long", họ hỏi lại một cách vô tư "xã này ở đâu". Phải giải thích, giới thiệu mãi cán bộ xã mới hiểu được phân xã là cơ quan báo chí. Nhưng họ lại hỏi tiếp: "Vậy bài chị viết đăng ở báo nào"! Cuối cùng, khi đã hiểu ra thì các cán bộ địa phương đã nhiệt tình cung cấp tư liệu, mình cũng hoàn thành được bài viết. Nhưng thú thật là buồn, tự ái và rất tủi thân.

 

NSTT: Tới giờ, trải qua mấy chục năm "lăn lộn" với nghề, hẳn chị rất thường phải "phát thanh" lại câu: "Tôi là phóng viên TTXVN thường trú tại..."? Tâm trạng giờ ra sao, chị có thể trải lòng đôi chút?

Nhà báo Phạm Thị Bình: Đã lâu rồi, đi công tác, đa số những nơi mình đến đều không cần phải giới thiệu, thỉnh thoảng mới phải xưng danh "Tôi là phóng viên TTXVN thường trú tại tỉnh Vĩnh Long" thôi. Hầu hết các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh, khi mình gọi điện thoại liên hệ, họ chưa gặp mặt nên chưa biết thôi chứ còn nói về TTXVN thì mọi người đều biết đến. Từ đó, họ sẵn sàng cung cấp thông tin. Bây giờ không còn ai hỏi lại "bài chị viết đăng ở đâu" nữa rồi. Đặc biệt là từ khi anh chị em phóng viên Phân xã tham gia làm truyền hình, có vất vả thêm đấy nhưng Phân xã - nay là Cơ quan thường trú TTXVN tại Vĩnh Long, đã được nâng tầm và khẳng định vị thế lên nhiều. Ở Vĩnh Long bây giờ mọi người đã quen với việc có phóng viên làm truyền hình của Cơ quan thường trú TTXVN xuất hiện cùng với PV của Truyền hình địa phương rồi. Cơ quan thường trú TTXVN đang trở thành địa chỉ tin cậy của các cơ quan, ban, ngành, địa phương và các đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí khác trong, ngoài tỉnh; nhất là khi cần có những thông tin phản hồi, thông tin định hướng...    

Mối quan hệ càng rộng, phóng viên càng có nhiều thông tin, nguồn tin và nhiều cơ hội thẩm định mức độ chính xác của thông tin. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp nhà báo bao quát được khu vực mình phụ trách, có thông tin nhanh và chính xác. Đây cũng chính là biện pháp giúp các phóng viên thường trú hạn chế đến mức thấp nhất việc để sót, lọt các thông tin thời sự quan trọng trên địa bàn. Mà một Cơ quan thường trú luôn có thông tin kịp thời, đa dạng, với nhiều cách thức thể hiện khác nhau và luôn đảm bảo tính chuẩn xác... chính là cách thức "ghi điểm" tốt nhất với địa phương. Họ tin tưởng, vị nể và cũng yêu quý mình hơn.

     

       NSTT: Nhiều người bảo PV thường trú bây giờ bận bịu, vất vả hơn trước đây nhiều, nhưng cũng "oai" hơn, vì có nhiều trang thiết bị hỗ trợ, không đơn thuần là "cuốn sổ tay và cây bút", chị thấy thế nào?

Nhà báo Phạm Thị Bình: Vâng, quả thật là với vai trò "n trong 1" như hiện nay thì PV TTXVN bây giờ rất vất vả, phải năng động, cơ động hơn rất nhiều so với trước đây. Mình xin phép được nhắc lại chuyện không vui khi sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ trước đây, nếu PV thường trú lúc đó được trang bị máy tính xách tay, máy ảnh, máy quay, 3G như bây giờ thì thông tin (tin, bài, ảnh) của TTXVN sẽ nhanh, chuẩn xác hơn rất nhiều lần. Thực tế hiện nay, PV thường trú đi công tác, tác nghiệp tại chỗ, sản xuất thông tin (tin viết, tin ảnh, tin hình) tại chỗ và gửi về tổng xã bất cứ ở đâu. Thậm chí PV vừa ngồi trên xe ô tô (đi nhờ thôi) vừa gửi file hình hoặc gửi tin, bài về cho Truyền hình thông tấn, cho các ban tin, ban ảnh để phát sớm. Cơ quan thường trú Vĩnh Long hiện có ba phóng viên, hai nữ, một nam. Trung bình mỗi tháng cũng sản xuất được khoảng 40 tin phát về Ban biên tập tin Trong nước, trên 20 tin hình và 5 - 7 chủ đề ảnh. Số lượng sản phẩm thông tin thế là đủ. Hiện chúng tôi đang phấn đấu nâng cao chất lượng thông tin.

Chị Phan Hải Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình thông tấn cho biết: CQTT Vĩnh Long là đơn vị rất tích cực về làm tin truyền hình. Hầu như các sự kiện quan trọng trên địa bàn đều được phóng viên làm tin văn bản và sau đó là làm tin hình. Phóng viên làm tin nhanh, hình ảnh quay đẹp, bố cục mạch lạc, rõ ràng. Tôi được biết là Trưởng CQTT Phạm Thị Bình còn chụp nhiều ảnh và luôn là người dẫn đầu về tin văn bản. Là một PV nữ không còn trẻ nữa, nhưng chị rất chịu khó và đa năng trong tác nghiệp, nhiều người trẻ còn khó theo kịp.

 

     NSTT: PV thời nay cùng lúc phải làm rất nhiều việc, lãnh đạo Ngành cũng ngày càng yêu cầu khắt khe hơn đối với PV thường trú, đòi hỏi họ phải là "PV đa năng", từ điều kiện thực tế của CQTT tại địa phương, chị có ý kiến như thế nào về việc này?

Nhà báo Phạm Thị Bình: Yêu cầu của ngành đối với PV thường trú cao là điều tất yếu thôi, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Tuy nhiên, để đáp ứng được, sự nỗ lực của PV là điều quan trọng, là điều hẳn nhiên phải có rồi nhưng sự quan tâm đầu tư trang bị máy móc, phương tiện cho PV của lãnh đạo ngành là yếu tố cũng quan trọng không kém. Thiết nghĩ hiện nay, ngành không cần phải trang bị máy tính để bàn, tốn kém, cồng kềnh, không cơ động. Mình nhớ trong chuyến đi tham quan học tập về truyền hình ở Singapore và Malaysia năm trước, nếu không phải PV chuyên về ảnh, chuyên về truyền hình thì PV chỉ cần một laptop, một chiếc điện thoại tốt, có các chức năng chụp ảnh, quay phim là họ đi khắp nơi và có thông tin gửi về cơ quan rất nhanh.

 

NSTT: Theo chị, một PV thường trú đáp ứng được yêu cầu của Ngành và một CQTT đúng nghĩa, góp phần nâng cao uy tín của TTXVN cần phải có các điều kiện "cần" và "đủ" như thế nào?

Nhà báo Phạm Thị Bình: Nếu nói "cần" thì PV cần nhiều thứ lắm và "đủ" thì cũng không biết bao nhiêu là đủ. Nhưng tối thiểu, theo mình, trong điều kiện hiện nay, để đủ sức cạnh tranh thông tin, PV cần phải có trình độ, có kiến thức chuyên ngành, có ngoại ngữ, có lòng yêu nghề. Nếu không yêu nghề thì không thể trở thành PV giỏi được. Còn "cần", theo mình, chỉ cần hai điều rất nhỏ và bình thường, đó là PV phải có thu nhập cao đủ trang trải cho các nhu cầu ngày càng cao của gia đình; có máy móc, phương tiện hiện đại đủ sức tác nghiệp, chủ động di chuyển nhanh trong điều kiện cạnh tranh thông tin tính từng phút như hiện nay. Nếu thu nhập không đủ sống, PV không thể toàn tâm, dốc sức cho chuyên môn được bởi chuyện "cơm áo" cũng không phải là chuyện đùa với mỗi PV.

 

 Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thân tình này! 

Đức Linh (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Văn hĩ.... họp (05/11/2013 10:50:54)

Ban Thư ký Biên tập: Nỗ lực để có chiến công kính dâng Người (05/11/2013 09:50:13)

Truyền hình thông tấn: Quên ăn, quên ngủ để thông tin về Đại tướng  (05/11/2013 09:48:01)

Ban Biên tập Ảnh: Thể hiện sự tiếc thương, tôn kính bằng hành động (05/11/2013 09:46:05)

Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp - đợt thông tin chứng tỏ vị thế Thông tấn (05/11/2013 09:41:30)

Tên các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới và thủ đô thường dùng (10/10/2013 09:57:14)

Định dạng nào cho ảnh kỹ thuật số? (09/10/2013 14:38:51)

Nhà báo phải làm việc thay cho độc giả (09/10/2013 10:55:20)

Sự chuyển hướng của các phóng viên điều tra (09/10/2013 10:26:33)

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)