Thứ tư, ngày 01/05/2024

Tin tức trong ngành

Thông tấn xã “lưu động”


(03/11/2020 14:19:32)

Do những điều kiện khó khăn, gian khổ và sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) ở miền Nam đã phải di dời tới 9 lần. Nhiều lần, căn cứ bị Mỹ-ngụy tràn tới, trên trời máy bay ném bom, phóng rốc két; dưới đất pháo hạng nặng, xe bọc thép chà đi xát lại. Phóng viên TTXGP vì thế cũng dần “quen với cuộc đời lưu động”. Nội san Thông tấn xin trân trọng giới thiệu bài viết của nguyên Phó tổng giám đốc Nguyễn Đức Giáp (1934-2014), phóng viên chiến trường của TTXGP, về những tháng ngày di chuyển căn cứ gian nan và đầy nguy hiểm đó.

Phóng viên TTXGP trên đường hành quân

Như những khách thương hồ bẩm sinh của vùng sông nước Nam Bộ, TTXGP từ ngày ra đời đã phải “lưu lạc” nay đây mai đó. Dù những thông tin chính thức vẫn khẳng định rằng ba phần tư đất đai của miền Nam là vùng giải phóng, trụ sở của TTXGP không còn nằm trong lòng chiến khu Dương Minh Châu mà cứ lùi dần về phía biên giới Campuchia. Có lẽ, nơi TTXGP dừng chân lâu nhất là ở một vùng được mệnh danh một cách kỳ cục - “Cây Dầu Trời Đánh”. Cho đến khi Mỹ mở trận càn lớn Junction City thì TTXGP đã kịp thời chuyển vào “vùng biên giới không phân định”.

Cách cái lán nằm ở ngoài cùng của cơ quan là phum Tà Thiết, một cái phum Campuchia nhỏ nhoi và nghèo khổ mà mọi người quen gọi là “Phum Cháy” vì phum này từng bị máy bay Mỹ bắn phá tan hoang do tưởng là một cơ quan của Việt Cộng. Sau đó, Hoàng thân Norodom Sihanouk, lúc bấy giờ là Quốc trưởng Campuchia, lên tiếng phản đối với dư luận quốc tế. Bởi vậy, chính quyền Ngô Đình Diệm đã phải bồi thường để xây dựng lại nhà cửa phum này. Trong trận càn Junction City, xe bọc thép của Mỹ đi theo một đường thẳng sát với đường ranh của khu “biên giới không phân định”, cách không xa nhà ở của chị em nữ cơ quan. Đoàn xe bọc thép cắt rừng đi và phát hiện ra “phòng bá âm” của Đài phát thanh Giải phóng.

Do đã chuẩn bị trước, ngay chiều hôm đó, cơ quan chuyển sang đóng ở bên kia bờ sông Stưng Ca-đo (theo tên gọi trên bản đồ quân sự của quân đội Sài Gòn). Tuy nhiên, chỉ sau chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, TTXGP mới thực sự “lưu động” sang lãnh thổ Campuchia. Lúc bấy giờ, một con đường đất với 6 chiếc cầu đá được coi là biên giới giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Để chuẩn bị cho việc di chuyển, phía Việt Nam đã làm công tác ngoại giao với trưởng đồn biên phòng Campuchia tên là Lola. Những cuộc chiêu đãi, thương lượng thường là những bữa tiệc rượu suông với xoài xanh chấm muối. Đương nhiên là bao giờ cũng có phong bì dày cộp tiền Riel (tiền Campuchia). Viên trưởng đồn Lola lại mê như điếu đổ một cô gái Việt Nam làm chị nuôi của TTXGP.

Tới ở vùng Sáu Cầu chưa được bao lâu thì xảy ra cuộc đảo chính của Lon Nol lật đổ Quốc trưởng Sihanouk. Tranh thủ thời cơ, các lực lượng cách mạng Campuchia với sự giúp đỡ của Việt Nam, vận động nhân dân các vùng nông thôn nổi dậy cướp chính quyền. Các lực lượng Campuchia, từ chỗ sống ẩn náu trên đất Việt Nam, giờ trở thành chủ nhân của một vùng giải phóng rộng lớn, bao gồm hầu như toàn bộ lãnh thổ của đất nước Campuchia trước đây. Chỉ trừ các thành phố lớn là thuộc kiểm soát của quân đội Lon Nol, vùng giải phóng Campuchia cũng là hậu phương của Việt Nam. Các cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, trong đó có TTXGP, tuy vẫn đóng căn cứ trong rừng già nhưng không ít cán bộ đã có thể thoải mái cưỡi xe Honda đi công tác trên các con đường nhựa, mỗi sáng uống cà phê sữa và ăn hủ tiếu ở các thị trấn của Campuchia. Qua những lớp học cấp tốc, một số danh từ Khmer như “tà cuôn” (rau muống), thơ-năm (thuốc) hay xa-ra (rượu) đã trở nên quen thuộc. Thậm chí, người ta còn biết chào nhau câu “Xóc xà-bai”.
 
Phóng viên Nguyễn Đức Giáp (phải) và đồng nghiệp tại Cứ


Những buổi chiều rảnh rỗi, một vài người lại chạy ra bìa rừng, nhìn về phía những cánh rừng già thuộc phần đất Việt Nam để theo dõi những tốp máy bay phản lực Mỹ chao lượn bắn rốc két hoặc đôi khi, mấy chiếc B52 bay theo đội hình tam giác, ném bom rải thảm. Những ngày tháng “êm đềm” đó kéo dài chẳng được bao lâu. Ròng rã mấy tháng trời cắt cỏ tranh, chặt cây rừng, đào hầm, dựng nhà thì một buổi chiều mặt trời vừa xế bóng, toàn cơ quan được lệnh phải cấp tốc hành quân di chuyển, vì ngày mai, địch sẽ vượt biên giới tấn công vào toàn bộ các cơ quan của Trung ương Cục.

Chúng tôi đã quen cuộc đời lưu động, lại tất bật thu xếp đồ đạc lên đường. Và tất cả cũng chỉ gói ghém trong một cái bòng (bao gạo được buộc lại làm thành ba lô). Trong số đồ đạc phải vứt lại, có lẽ, tiếc nhất là mấy chiếc ghế đẩu của anh Tư Phác mọi người quen gọi anh là Tư Trời Biển. Thường ngày, mọi người ngồi trên võng để uống trà. Khéo tay, anh Tư đã cưa cả một khúc gỗ lớn thành từng tấm mỏng như cái thớt. Lấy khoan sắt khoan 3 lỗ và cắm vào 3 cành cây căm xe. Thế là đã có một chiếc ghế đẩu xinh xắn.

Cuộc hành quân kéo dài suốt đêm đó. Mọi người lặng lẽ đi qua những phum sóc yên bình nằm sâu trong lãnh thổ Campuchia. Qua những cánh đồng lúa bao la, những vạt rừng cao su bạt ngàn là thị trấn sầm uất vẫn còn leo lắt ánh đèn ở những quán ăn khuya. Đi được một quãng đường lại bắt gặp một ngôi chùa, mái cong, sơn son thếp vàng lộng lẫy nép mình dưới những rặng dừa cao vút. Khi trời hửng sáng, cả đoàn dừng lại tạm nghỉ ở một khu rừng trồng toàn gỗ tếch, những con sâu gỗ to như con tằm dâu, vừa thả tơ vừa đong đưa trong gió.

Buổi sáng, ngay tại chỗ tạm trú, đài phát sóng của TTXGP vẫn hoạt động và phát tin. Có lẽ, ở Hà Nội, các điện báo viên nhận tin sẽ không thể nào đoán được rằng những đồng nghiệp của họ ở trong chiến trường đang chạy giặc, rất khó khăn, vất vả. Ngày hôm sau, mọi người hành quân tới thẳng căn cứ mới. Đây là vùng rừng nguyên sinh chưa có dấu chân người đặt tới. Những con khỉ vẫn đùa giỡn khi thấy bóng người. Voi rừng vẫn quen lối cũ, đi qua ngay đầu võng của một vài người. Thú vị là có anh em còn bắt gặp một chú hổ đang bình thản “ngắm trăng bên bờ suối”, còn heo, nai thì nhiều vô kể. Tuy phải sống ở vùng rừng thiêng nước độc nhưng mọi người đều mừng thầm vì được sống ở một vùng giàu “chất đạm”.
 
Khu sinh hoạt văn hóa của Ban Tuyên huấn khu V trong đó có tiểu ban TTXGP Trung Trung bộ và Đài Minh ngữ TTXGP

Chính trong những điều kiện của chiến tranh ác liệt, người ta càng thấy rõ những lợi thế của cơ quan Thông tấn xã. Chỉ cần một máy phát tín hiệu, một máy phát điện quay tay, thế là đã có thể “khai trương” hãng Thông tấn, liên lạc thường xuyên với các phân xã ở Cà Mau, Bình Long hay Phước Long, có thể đều đặn phát đi toàn thế giới các bản tin chiến sự, các tuyên bố của Trung ương mặt trận hay bình luận về các cuộc tranh cãi vô bổ của các dân biểu bù nhìn ở Sài Gòn.

Chỉ cần mấy ngày “an cư”, toàn bộ bộ máy của TTXGP đã trở lại hoạt động bình thường. Các nhóm phóng viên lại lên đường theo chân các Sư đoàn chủ lực. Trước đây, đường bộ đi đến miền Trung, miền Tây và nhất là đến Sài Gòn-Gia Định rất khó khăn, giờ dễ dàng hơn nhiều nhờ đi vòng qua đất Campuchia. Ở tỉnh Svay Rieng đã diễn ra những cuộc họp của cán bộ Việt Nam, người nào cũng che mặt như người Hồi giáo. Còn những tín đồ Hồi giáo chính cống ở vùng này thì không hề trùm khăn che mặt và mặc áo choàng kín người. Họ chính là những cán bộ hoạt động công khai ở Sài Gòn ra căn cứ để họp.
Đường mòn Hồ Chí Minh trước đây chạy đến Nam Lào thì phải đổi hướng để đi vào đất Việt Nam, len lỏi trong rừng rậm. Giờ đây, nó chạy thẳng tới Lộc Ninh qua hai tỉnh Campuchia là Stung Treng và Kratie.
 
Phóng viên GP10 ở rừng Tân Biên, Tây Ninh tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm cải thiện đời sống (1973-1975)

Các cơ quan của cách mạng miền Nam hoạt động từ đất Campuchia thì các trận càn quét, bắn phá của quân đội Mỹ-ngụy cũng hoành hành trên đất Campuchia. Hai phum Oát Thơ Mây và Cà Đôn nằm trên đường đi vào căn cứ của TTXGP thường phải “đón tiếp” xe bọc thép của quân đội Sài Gòn trong mỗi trận càn. Báo Tiền tuyến - tờ báo của quân đội Sài Gòn - từng đăng một bức ảnh chụp ban chỉ huy một tiểu đoàn biệt động ngụy đổ xuống bìa khu rừng Dambae, nơi ẩn náu của các cơ quan thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục.

Theo lộ trình của kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, bộ binh Mỹ không còn tham gia các cuộc hành quân, nhưng các trận ném bom “rải thảm” của máy bay B52 Mỹ thì không hề giảm bớt. Tôi cũng một lần suýt chết vì bom B52 nếu không nhờ một sự may mắn. Chiều chiều, tôi vẫn thường nằm trên võng để nghe ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam. Hôm đó, tôi có việc phải đi ra ngoài bìa rừng, vừa ngồi xuống thì tiếng bom hú trên đầu, lập tức tiếng bom nổ dồn dập chung quanh. Tiếng bom ở xa và ở gần nghe rất khác nhau. Đúng là bom rơi trúng khu vực cơ quan. Dứt tiếng bom, tôi đứng dậy ngay và quan sát. Theo quy luật, không bao giờ có chuyện máy bay B52 sau ném bom đúng khu vực mà máy bay trước đã ném. Tôi tìm về cái lán nhỏ của mình thì trời đất ơi! Nó đã bẹp dúm vì một quả bom nổ gần đó. Trận ném bom đó, một nhân viên đã hy sinh.

Thấm thoắt, TTXGP đã cư ngụ trên đất Campuchia được ba năm. Biết bao buồn vui! Có những lúc, sự tồn tại của cơ quan như ngàn cân treo sợi tóc. Nhưng rồi, hiểm nguy qua đi, đời lại tươi như hoa...

Sau khi Hiệp định Paris ký kết, các cơ quan của Trung ương Cục lần lượt chuyển về Việt Nam. Lúc bấy giờ, thái độ chống Việt Nam của bè lũ Pol Pot càng bộc lộ trắng trợn. Do đó, các cơ quan của ta càng khẩn trương di chuyển. Đêm giao thừa năm Nhâm Tý (1972) và Quý Sửu (1973), sau khi đoàn đại biểu quân sự của quân giải phóng miền Nam Việt Nam đáp máy bay từ sân bay Lộc Ninh vào trại Davids, tôi quay trở lại Sơ-lông, một thị xã xinh đẹp bên bờ sông Mê Kông. Tôi đi xe Honda chầm chậm giữa phố xá vắng vẻ trong lúc có tiếng chuông chùa đâu đó vọng lại, báo hiệu năm mới đến. Ngủ đêm cuối trên đất Campuchia ở nhà của một Việt kiều, sáng hôm sau, tôi về thẳng cơ quan lúc bấy giờ đã đóng trên đất Việt Nam.
 
Tự đóng bàn ghế và đồ dùng cho các phòng làm việc của TTXGP

Hơn 30 năm sau, tôi có dịp trở lại Campuchia, nơi từng đi qua trước đây. Quang cảnh cũng không đổi thay là mấy. Vẫn cánh đồng lơ thơ những cây lúa èo uột, vẫn con đường đất đỏ lầy lội những vũng trâu đầm. Những chú bé chăn trâu, mình trần da đen nhẻm chạy trên bờ ruộng, những nhà sàn trống huếch trống hoác. Ở dăm căn nhà khang trang, xe ô tô Nhật đã thay thế cho xe máy. Ở Campuchia, xe hơi đã qua sử dụng giá rất rẻ, chỉ một vài ngàn đô là có thể tậu được một chiếc xe kha khá. Sát với biên giới Việt Nam, Campuchia đã mở một khu casino sang trọng. Tôi cố tìm mua bao thuốc lá nhãn hiệu “Ara” nhưng không có. Kỷ niệm về những năm chiến tranh cư ngụ trên đất Campuchia dường như đã biến mất trong tôi.

(Theo cuốn “Hồi ức Thông tấn xã Giải phóng”, Nhà xuất bản Thông tấn, năm 2010)

 

Nguyễn Đức Giáp - Nguyên Phó tổng giám đốc TTXVN
Nội san Thông tấn số 10/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đảng ủy TTXVN triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm (03/11/2020 08:42:26)

Tập huấn "Bình đẳng giới - Yêu thương và chia sẻ” (03/11/2020 08:34:32)

Bồi dưỡng chức danh phóng viên, biên tập viên hạng II (03/11/2020 08:31:46)

Xúc động khoảnh khắc phóng viên TTXVN tại Trà Leng (31/10/2020 23:04:53)

Tọa đàm “Báo chí Thông tấn trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam” (29/10/2020 09:57:44)

600 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung (23/10/2020 16:50:30)

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): TTXVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (11/10/2020 18:50:45)

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): Tiếp nối truyền thống vẻ vang của TTXGP (09/10/2020 16:19:43)

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): Phóng viên TTXGP và những kỷ niệm không quên (09/10/2020 14:43:55)

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020: Nhạc sỹ Phú Quang giành Giải thưởng Lớn (08/10/2020 09:22:02)