Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): Phóng viên TTXGP và những kỷ niệm không quên


(09/10/2020 14:43:55)

Năm 1959, nhà báo Võ Thế Ái được cử vào Khu V để xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho sự ra đời của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) Trung Trung Bộ. Ông trở thành phóng viên đầu tiên của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) từ Hà Nội vào chiến trường. Nhân kỷ niệm 60 năm TTXGP, xin trích giới thiệu bài viết của nhà báo Võ Thế Ái, cán bộ đầu tiên phụ trách TTXGP Trung Trung Bộ, nguyên Trưởng phân xã Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Quyền trưởng ban biên tập tin Trong nước, về những năm tháng chiến tranh ác liệt của TTXGP Trung Trung Bộ.

Phóng viên Võ Thế Ái (người mặc áo trắng) cùng một số phóng viên TTXGP Trung Trung Bộ, năm 1967

Phóng viên Thông tấn xã với trận đầu thắng Mỹ

Đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, khi còn ở quân đội là Chỉ huy trưởng trận Núi Thành ngày 26/5/1965, tiêu diệt gọn một đại đội thuộc Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ.

Trong cuốn hồi ký “Nơi ấy tôi đã sống” (NXB Chính trị quốc gia, tháng 5/2003), đồng chí đã dành 17 trang kể tường tận về trận đầu thắng Mỹ lẫy lừng ấy, trong đó có đoạn khá lý thú nói về việc thực hiện nghiệp vụ của phóng viên Thông tấn xã:

“... Sau trận đánh tôi được điện về khu báo cáo tình hình. Vừa đến cơ quan Quân khu đóng ở Nước Trắng, Trà My, anh Hai Mạnh (đồng chí Chu Huy Mân) hồi đó là Tư lệnh Quân khu V cho gọi chúng tôi gặp ngay. Anh Hai ân cần mời chúng tôi uống trà rồi vui vui nói:

- Các ông giỏi lắm. Chúc mừng các ông. Nhưng mình lại nhận được điện khen của anh Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) trước khi nhận được báo cáo của các ông điện về Quân khu.

Chúng tôi chuyện trò sôi nổi về trận đánh, về cái sự kỳ lạ Trung ương Cục lại nhanh chóng nhận được tin trận đánh Núi Thành trước cả Quân khu. Sau này mới biết vì có một đồng chí phóng viên Thông tấn xã đi theo trận đánh đã điện vào Trung ương Cục bài tường thuật trận đánh. Anh em kể lại, lúc đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang ngồi trên võng cá nhân mắc trong rừng cao su Lộc Ninh, khi đọc xong bài tường thuật vừa nhận đã nhảy xuống khỏi võng, thảo điện khen ra Quân khu V. Trong lúc đó, báo cáo của chúng tôi về Quân khu bằng đài 15W thì chưa dịch xong mật mã”.

Đến gặp người cựu phóng viên Thông tấn xã năm xưa nay đã nghỉ hưu và đang sống tại Hà Nội để tặng cuốn sách, đồng chí Hoàng Minh Thắng tỏ ý tiếc đã không nhớ chính xác họ tên người phóng viên để đưa vào sách. Đồng chí phóng viên cảm ơn và nói: “Cánh phóng viên Thông tấn xã chúng tôi có mấy khi nêu tên đâu. Anh có nhã ý nhắc tới hoạt động của Thông tấn xã vào một thời điểm lịch sử như vậy là đã quý lắm rồi”.
 
Phóng viên Võ Thế Ái tại căn cứ

Hưởng gió đồng bằng

Với phong trào quần chúng rầm rộ nổi dậy phá “ấp chiến lược” và các cuộc tiến công địch dồn dập suốt năm 1964, kết thúc bằng chiến thắng lớn An Lão (Bình Định) vào cuối năm đó, một vùng trung du và đồng bằng rộng lớn ở Trung Trung Bộ đã được giải phóng, tạo thuận lợi cho các cơ quan khu V rời rừng núi, chuyển tới những vùng áp sát địch hơn.

Và thế là sau tết Ất Tỵ (1965), sau khi thịt sạch heo gà, anh chị em Phân xã TTXGP cùng Ban Tuyên huấn Khu thực hiện “hạ sơn” với tâm trạng phấn chấn, chắc mẩm phen này đi luôn về Đà Nẵng. Chúng tôi tới đóng ở xã Kỳ Yên, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cũng như nhiều vùng khác, nơi đây vừa trải qua một cơn bão dữ dội cuối năm trước, nên Ban và Phân xã phải vừa đảm bảo công tác chuyên môn vừa khẩn trương giúp dân sửa sang nhà cửa, hầm hào, trồng khoai phòng giáp hạt...

Trong xã có nhiều tín đồ Phật giáo, riêng thôn Danh Sơn có nhà thờ Thiên Chúa giáo. Lâu lắm mới được nghe tiếng gõ mõ tụng kinh và tiếng chuông ngân vang trong gió chiều, chúng tôi thấy lòng ấm áp. Tôi và cậu Vinh, một thanh niên Quảng Ngãi đang học nghề phóng viên, ở và làm việc tại nhà một vị đại diện Phật giáo. Chắc cảm kích vì cách giao tiếp cởi mở chân thật của chúng tôi, nói đúng hơn chúng tôi cũng có tuyên truyền rỉ rả đôi chút, nên về sau ông ta thú nhận thỉnh thoảng vẫn đi Đà Nẵng xin chỉ thị của Giáo hội về “đối sách” với Mặt trận dân tộc giải phóng và với cán bộ Mặt trận đang ở ngay trong nhà ông.

Cách Kỳ Yên chỉ vài cây số, phía Bắc là đồn Phước Lâm, phía khác là mấy đồn ngụy, nhưng tin tưởng ở lực lượng du kích vây đồn, chúng tôi vẫn ăn ngon, ngủ yên. Nửa tháng sau, tuy nơi đóng cơ quan mới bị dội một trận pháo cấp tập, Ban và Phân xã chỉ xê dịch qua các thôn của Kỳ Yên, ít lâu sau mới di chuyển sang xã khác.

Trận đầu tiên đánh Mỹ, quân ta diệt gọn một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ ở Núi Thành, Phân xã đưa ngay bài tường thuật ra Hà Nội và vào Trung ương Cục miền Nam. Tuy nhiên, với sự kiện quân viễn chinh Mỹ kéo vào Đà Nẵng từ 8/3/1965 và tiếp đó tới đóng ở Chu Lai cùng nhiều căn cứ khác, quân dân ta lại đứng trước thử thách khốc liệt, phải đương đầu với kẻ địch có phương tiện chiến tranh nhiều và hiện đại gấp trăm lần quân ngụy Sài Gòn và cả quân viễn chinh Pháp trước đây.

Sinh hoạt hằng ngày của cơ quan đóng trong nhà dân trở nên rất căng thẳng. Các loại “tàu rà” của Mỹ lượn lờ trên bầu trời suốt ngày, hễ thấy khả nghi là phát tín hiệu cho đại bác dội đến xối xả hoặc máy bay xô đến oanh kích. Bọn thám báo lùng sục liều lĩnh hơn, trực thăng đưa lính đổ bộ xuống mục tiêu hung hăng như cướp đường cướp chợ.
 
Thu, phát tin, ảnh tại căn cứ của TTXGP

Trong các bộ phận của Ban Tuyên huấn, dễ gặp nguy hiểm nhất là bộ phận điện đài. Đài nhỏ, chỉ 15W dùng điện ragono quay tay nhưng là điện đài minh ngữ, rất dễ bị phát hiện. Ấy vậy mà, bình thản chấp nhận chơi trò “ú tim” với địch (đồng thời cố gắng giữ bí mật hoặc thẳng thừng tranh chấp với một số cơ quan bạn sợ vạ lây), Trưởng đài Hồng Sinh và các điện báo viên vẫn tự bảo vệ được, hằng ngày cử người liên lạc với Ban và Phân xã để nhận tin phát và trao tin tham khảo thu được từ Hà Nội.

Càng ngày, yêu cầu di chuyển cơ quan càng khẩn trương. Chúng tôi sống lưu động từ xã này sang xã khác, dọc vùng đồng bằng và trung du các huyện Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, tới đâu cũng được sự che chở của nhân dân. Tuy là “lính cùi chỏ” chuyên cầm bút, nhưng có mang súng dài, súng ngắn phòng thân, nên nhiều lúc mọi người lầm tưởng chúng tôi là bộ đội giải phóng có kỷ luật nghiêm, có vài cô gái lại chê: “Lính tráng chi như gà trống thiến”.

Được dịp tốt để phát triển đội ngũ, các anh ở Ban chủ trương mở một lớp đào tạo phóng viên để bổ sung cho báo Cờ Giải phóng, Giải phóng xã và các báo tỉnh. Lớp cũng phải dựa vào dân, nếu tôi nhớ không nhầm thì buổi khai giảng diễn ra ở xã Kỳ Mỹ (huyện Tam Kỳ). Gần hai chục anh em trẻ được tuyển dụng chọn từ các tỉnh hoặc từ TP. Đà Nẵng ra vùng giải phóng, khỏi phải “nhảy núi”, nhưng phải học tập trong hoàn cảnh không ổn định và luôn có bom rơi, đạn nổ. Dù vậy, qua một mùa hè nóng bỏng, khóa báo chí này vẫn đưa được vào trận những phóng viên xông xáo, yêu nghề.

Một thời gian sau, nghe đài phát thanh của Mỹ-Ngụy rêu rao “bắt được một ký giả Bắc Việt”, Ban đã tìm cách xác minh mới biết đó là học viên cũ Lê Nguyên Khôi, bị bắt khi đi công tác ở vùng sau lưng địch. Anh Khôi giữ được khí tiết cho đến ngày ra tù và trở về với nghề làm báo ở Quảng Nam quê anh.

Khoảng tháng 4/1965, một đoàn báo chí và điện ảnh Trung Quốc vào thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi được Ban phân công làm việc với đoàn đại biểu Tân Hoa xã. Hoạt động đối ngoại khá độc đáo, khiến tôi khó quên. Các cuộc đàm đạo và tham quan đều diễn ra giữa tiếng gầm rú của các loại máy bay “Thần sấm”, “Con ma”... hoặc tiếng rít của đạn pháo Mỹ-Ngụy. Ấy vậy mà không bì được với anh Trần Đống, anh len lỏi vào tận TP. Đà Nẵng và khu kho xăng Liên Chiểu ở chân đèo Hải Vân để quay nhiều thước phim quý giá theo đề nghị của đoàn điện ảnh Trung Quốc.
 
Tập thể phóng viên TTXGP Trung Trung Bộ tại căn cứ Trà Nô

Năm 1965, ngoài trận Núi Thành lịch sử, các lực lượng giải phóng Trung Trung Bộ còn nện cho Mỹ-Ngụy nhiều đòn nên thân khác, lừng lẫy nhất là Ba Gia và Vạn Tường. Đồng thời, quần chúng liên tục kéo đi đấu tranh chính trị trực diện không những với ngụy mà cả với Mỹ, chống khủng bố, chống dồn dân. Chúng tôi đã có dịp gặp các bà, các mẹ vừa đi đấu tranh trở về, trán còn lấm tấm mồ hôi, áo dài còn vắt vai... Các mẹ, các chị kể chuyện sôi nổi, sinh động và chỉ cần chúng tôi phản ánh trung thực những chuyện kể ấy là bài viết đủ hấp dẫn, chẳng phải “thêm mắm thêm muối” gì cả. Đặc biệt, các mẹ, các chị rút ra kết luận vô cùng quý báu, đó là “Đấu với Mỹ cũng không khó hơn đấu với Ngụy”.

Nhưng chiến tranh cũng mỗi ngày một ác liệt hơn. Có lần, 4 máy bay “Thần sấm” oanh tạc đúng cơ quan Ban Tuyên huấn Khu. May không có ai thiệt mạng, chỉ có nhân viên Nguyễn Tạo bị thương. Khi chúng tôi đến vực Tạo đã ra khỏi cái hầm hàm ếch đào phía dưới một lũy tre thì mới hiểu ra rằng đáng lẽ đồng chí đã không bị thương nếu không nhường chỗ cho chiếc máy chữ và giỏ tài liệu được nằm phía bên trong hầm (về sau đồng chí Tạo trở thành Bí thư huyện Lý Sơn-Quảng Ngãi, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân và tôi rất buồn khi nghe tin đồng chí không còn nữa).

Phi pháo địch hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nhiều đêm, mọi người đang ngủ bỗng giật nẩy mình vì tiếng bom nổ rồi mới nghe tiếng máy bay lướt qua bầu trời. Khi đóng cơ quan ở xã Thăng Lãnh, huyện Thăng Bình, lần đầu tiên chúng tôi nghe tiếng rùng rùng dài hàng chục phút của bom chùm do máy bay B52 rải thảm ở một vùng núi gần đó và sau đó thì nhiều lần chứng kiến bom B52 tàn phá từng vùng trung du và đồng bằng mới được phục hồi sau bão lũ. Từ nơi đóng trụ sở cơ quan ở xã Phước Cẩm, huyện Tiên Phước xuống thị trấn Cẩm Khê, chúng tôi nhìn thấy một đàn trực thăng “kỵ binh bay” của Mỹ bay như châu chấu ngang trời, rền rĩ inh tai nhức óc.

Sự gan góc cũng phải có tính toán, nếu không thì “lợi bất cập hại”. Cùng lúc quân giải phóng tiến công địch trong Thu Đông 1965, các cơ quan khu V lần lượt trở về căn cứ địa Trường Sơn. Ở nơi rừng núi thiếu thốn trăm bề, phân xã TTXGP Trung Trung Bộ lại tiếp tục cố gắng bảo đảm cho nguồn tin luôn thông suốt trên làn sóng điện, góp phần nhỏ bé vào công tác tư tưởng quyết chiến đấu lâu dài vì “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - lời Bác ở một Hội nghị Diên Hồng của thời đại mới, năm 1966./.

(Trích trong cuốn “Cho dòng tin chảy mãi”, Cơ quan TTXVN tại Đà Nẵng, tháng 9/2012)
 

Nội san Thông tấn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2020: Nhạc sỹ Phú Quang giành Giải thưởng Lớn (08/10/2020 09:22:02)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Thông tin của TTXVN luôn hướng tới mục tiêu độc lập, tự do, hòa bình và phát triển của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân (06/10/2020 11:16:45)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Điểm tựa cho sự phát triển (06/10/2020 11:13:35)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Làm tin những ngày đầu của công cuộc đổi mới (06/10/2020 10:41:13)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đón đầu cơn “sóng thần” công nghệ (06/10/2020 10:36:56)

Ba mươi năm Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn (06/10/2020 10:26:13)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đường về Thông tấn  (06/10/2020 10:24:24)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Từ tư duy tĩnh “chuyên tích lũy” đến tư duy động trong xử lý thông tin (06/10/2020 10:20:44)

Tác nghiệp an toàn tại điểm nóng thiên tai (06/10/2020 10:18:51)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: CQKV phía Nam tổ chức về nguồn (06/10/2020 10:17:17)