Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức trong ngành

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đón đầu cơn “sóng thần” công nghệ


(06/10/2020 10:36:56)

Sau khi đọc xong cả ba cuốn “Những sáng tạo báo chí: Báo cáo toàn cầu” mà Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã xuất bản thường niên từ năm 2018, thư ký tòa soạn của một tờ báo điện tử đã thốt lên: “Hoá ra gần như tất cả những gì mà ‘Tây’ giới thiệu trong cuốn sách này đều đã được triển khai tại Việt Nam”. Và đương nhiên, các đơn vị thuộc TTXVN cũng đi tiên phong trong cuộc chuyển đổi số mang tính tất yếu này.

Video 3600 giới thiệu Phòng truyền thống TTXVN của báo điện tử VietnamPlus tạo hứng thú với độc giả

Bằng chứng rõ nhất là những giải thưởng quốc tế mà TTXVN giành được trong thời gian qua, đều từ những tổ chức uy tín như OANA (Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương) hay WAN-IFRA (Hiệp hội các nhật báo và Nhà xuất bản tin tức thế giới) cho những sản phẩm như Chatbot hay dự án chống tin giả.
 
Trên thực tế, “TTXVN đã có sự chuẩn bị tốt để đón đầu xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, như Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi đã phát biểu trong dịp kỷ niệm 75 năm thành lập ngành. “Với đầy đủ nền tảng kỹ thuật và con người, TTXVN đã từng bước phát triển theo mô hình đa phương tiện, trên cơ sở đa nền tảng nhằm phát huy thế mạnh của các loại hình báo chí, qua đó đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của công chúng”.
 
Tại diễn đàn “Chuyển đổi số và các mô hình kiếm tiền cho báo chí” do Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức tại Quảng Ninh, tháng 8/2020, phần thuyết trình của Phó tổng giám đốc Lê Quốc Minh đã nhận được sự quan tâm rất lớn bởi những dẫn chứng thuyết phục về cách mà TTXVN đang thực hiện trong công cuộc “số hóa”. Giờ cứ “Tây” làm gì thì “Ta” cũng làm được, thậm chí còn có thể song hành ở một số nội dung nhất định.
 
Năm 2012, tờ New York Times đưa ra định nghĩa mới về thể loại long-form trên báo điện tử với loạt phóng sự mang tên “Snow Fall” nói về trận lở tuyết ở công viên quốc gia Tunnel Creek (Mỹ), trong đó sử dụng nhiều hiệu ứng thị giác đặc biệt. Kể từ ấy, từ “Snow Fall” đã trở thành động/tính từ trong báo chí, chỉ những bài viết tích hợp nhiều yếu tố đa phương tiện.
 
Đến năm 2017, TTXVN đã có bài viết mang đúng nghĩa “Snow Fall” như vậy khi tác phẩm “Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Định hình khuôn khổ hợp tác song phương đa dạng” đăng trên VietnamPlus đã đoạt giải A - Giải báo chí quốc gia ở thể loại báo điện tử.
 
Trong các năm tiếp theo, năm nào VietnamPlus cũng đoạt giải cao nhất ở thể loại này nhờ những phóng sự được thực hiện công phu, vừa mang tính chuyên sâu, lại được thể hiện bằng cách kể chuyện hiện đại, tích hợp cả báo chí thị giác (visual journalism) lẫn báo chí dữ liệu (data journalism). Các bài “Mega Story” này khi đem so với các tác phẩm thắng giải Asia Digital Media Awards của WAN-IFRA thì chẳng hề thua kém, nếu có thua thì chỉ là ở yếu tố “tính quốc tế” trong đề tài.
 
Cùng năm 2017, TTXVN đã khai trương trang infographics.vn, dẫn đầu xu thế báo chí dữ liệu ở Việt Nam. Đến nay, các đồ hoạ của TTXVN không chỉ đa dạng về nội dung lẫn hình thức, mà còn có tính tương tác. Đặc biệt, trong đợt thông tin về đại dịch COVID-19, loại hình báo chí này lại càng phát huy hiệu quả. Trang dữ liệu về đại dịch được cập nhật theo dạng real-time của Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn đạt lượng truy cập rất cao, được nhiều cơ quan báo chí sử dụng lại. Nhiều đồ họa tương tác của Trung tâm Thông tin tư liệu và Đồ họa đẹp và hiện đại, không khác gì sản phẩm được đăng trên các báo hàng đầu thế giới.
 
Những sản phẩm ấy đều là thành quả của lao động tập thể, thể hiện rõ tính ưu việt của mô hình tòa soạn hội tụ mà các chuyên gia báo chí quốc tế luôn khuyến nghị khi xây dựng và vận hành các cơ quan báo chí hiện đại. Trong mô hình đó, các lập trình viên, kỹ thuật viên cũng được coi là những nhà báo, cho thấy sự thay đổi quan trọng về quan niệm báo chí. Bởi thế hệ nhà báo trong kỷ nguyên kỹ thuật số không chỉ có ngòi bút hay chiếc máy ảnh như truyền thống, mà còn tác nghiệp bằng bàn phím, con chuột để viết code với ngôn ngữ lập trình hiện đại.
 
Trong những lần đón sinh viên thực tập hằng năm, có thể dễ dàng nhận thấy các bạn trẻ ngày càng được trang bị thêm nhiều kỹ năng “mềm” hơn so với thế hệ trước. Nhiều bạn đã sử dụng thành thạo các phần mềm phổ thông như: Illustrator, Photoshop, Premiere… để làm đồ họa, video, thậm chí là cả dạng đồ họa tương tác hết sức cầu kỳ.
 
Dịp kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước vừa qua, sản phẩm videographic đăng trên VietnamPlus với chủ đề các dấu mốc quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã đạt tới cả ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội Facebook và YouTube. Ngay cả một số đài truyền hình địa phương cũng liên hệ xin lại sản phẩm này để phát sóng. Điều đáng nói, sản phẩm trên do chính các bạn sinh viên thực tập tại tòa soạn VietnamPlus thực hiện, phần hỗ trợ của tòa soạn chỉ là chuẩn bị tư liệu cho chính xác.
 
Ngoài việc các cơ sở đào tạo đã cập nhật những giáo trình mới theo hướng nghiêng về thực hành nhiều hơn thì bản thân các bạn trẻ cũng tự học hỏi và trang bị cho mình những “vũ khí” tối cần thiết, trong bối cảnh môi trường cạnh tranh việc làm ngày càng gay gắt hơn. Bởi vậy, lớp phóng viên, biên tập viên cũ nếu không tự đào luyện, chỉ trông cậy vào yếu tố kinh nghiệm sẽ đứng trước nguy cơ bị đào thải.
 
Nếu không tự trang bị nhiều kỹ năng "mềm", các phóng viên, biên tập viên sẽ đứng trước nguy cơ bị đào thải trong môi trường cạnh tranh thông tin đang ngày càng khốc liệt hiện nay

Điều đó cho thấy, để tự tin bước vào, hay thậm chí là dẫn đầu xu thế trong công cuộc chuyển đổi số như Chính phủ đang phát động, chúng ta không chỉ cần đầu tư vào phần cứng hay phần mềm, mà còn phải đầu tư mạnh vào yếu tố con người. Đấy cũng là lý do mà trong ấn bản 2020-2021 của cuốn Những sáng tạo trong báo chí: Báo cáo toàn cầu mà TTXVN mua bản quyền phát hành, Chủ tịch và CEO của FIPP James Hewes nhấn mạnh: “Mảng đổi mới mà bạn cần làm tốt chính là con người.”
 
Do vậy, một khi chúng ta chuẩn bị thật tốt về yếu tố con người cũng như công tác đào tạo, việc đón đầu những xu hướng mới của báo chí thế giới không phải là chuyện xa vời. Hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều đơn vị trong TTXVN triển khai, như podcast, speech-to-text, loa thông minh ra lệnh bằng giọng nói, phân tích dữ liệu người dùng…
 
Điều cần làm là tập hợp bó đũa ấy để tạo ra sức mạnh tổng hợp, để TTXVN tiếp tục khẳng định là hãng thông tấn mạnh trong khu vực./.
 

Hoàng Nhật - Phó tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus
Nội san Thông tấn số 9/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ba mươi năm Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn (06/10/2020 10:26:13)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đường về Thông tấn  (06/10/2020 10:24:24)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Từ tư duy tĩnh “chuyên tích lũy” đến tư duy động trong xử lý thông tin (06/10/2020 10:20:44)

Tác nghiệp an toàn tại điểm nóng thiên tai (06/10/2020 10:18:51)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: CQKV phía Nam tổ chức về nguồn (06/10/2020 10:17:17)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đổi mới tư duy và sáng tạo cho báo in (06/10/2020 08:35:01)

Có tin không làm là không chịu được (06/10/2020 08:12:35)

Trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 năm 2020 (29/09/2020 17:56:48)

Đẩy mạnh phối hợp truyền thông giữa tỉnh Phú Thọ và TTXVN (23/09/2020 09:08:03)

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Phó tổng giám đốc TTXVN (21/09/2020 10:50:05)