Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Làm tin những ngày đầu của công cuộc đổi mới


(06/10/2020 10:41:13)

Những năm 80 của thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước chuyển mình bước vào thời kỳ đổi mới. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có mặt ở những địa phương mang động thái “xé rào”, những đơn vị sản xuất đang chuyển đổi cơ chế hay những cánh đồng “khoán chui”, “khoán hộ” để có những bức ảnh, bài viết thời sự, sát với thực tiễn. Nội san Thông tấn xin giới thiệu bài viết của nhà báo Vũ Kim Hải, nguyên Trưởng ban biên tập tin Trong nước - TTXVN, về “làn gió đổi mới” truyền cảm hứng và niềm tin cho những phóng viên Thông tấn trong “những năm tháng sống tích cực và giàu ý nghĩa” này.

Phóng viên Vũ Kim Hải (thứ nhất bên trái) phỏng vấn Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong cuộc bầu cử HĐND các cấp, tháng 5/1977

Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, phóng viên tin Trong nước chúng tôi đã được nghe nhiều về cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc, “cha đẻ của khoán hộ” trong nông nghiệp, với quan điểm “Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”. Và ông bị phê phán khá quyết liệt. Ông phải làm kiểm điểm, tự nhận “có sai lầm nghiêm trọng trong khoán hộ”... Nghe chuyện ấy, một phóng viên mới hơn chục tuổi nghề như tôi cảm thấy băn khoăn, chẳng khác trước đó ít năm, khi còn thường trú tại Hải Phòng, chuyền tay nhau tập thơ Cửa mở của ông Việt Phương, Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi đã được nhắc nhở: “Đó là tập thơ có vấn đề...”.

Không băn khoăn sao được, khi về nông thôn làm việc, tôi được truyền khẩu đến thuộc lòng những câu vè: “Mỗi người làm việc bằng hai. Để cho cán bộ mua đài, mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba. Để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân...”. Thực trạng cả nước thiếu đói, nguyên vật liệu cho sản xuất khan hiếm, nhà nước huy động nhiều dự án kinh tế lớn nhưng không phát huy tác dụng, lạm phát tăng mức phi mã, đặc biệt sau hai cuộc tổng điều chỉnh giá - lương - tiền... Cán bộ, đảng viên và quần chúng hoang mang, xã hội chia hai luồng tư tưởng: xé rào để khắc phục khủng hoảng hoặc kiên định, triệt để áp dụng cơ chế cũ.

Tiếp cận tư tưởng đổi mới, lớp phóng viên trẻ chúng tôi thật phấn chấn, hào hứng nhưng phải lặng lẽ, kín đáo. Vì xung quanh còn không ít người, có cả cán bộ cao cấp, sợ mất kinh tế tập thể, mất chủ nghĩa xã hội... Đúng là đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông...

Trong quá trình tiếp cận và nhập cuộc, phóng viên tin Trong nước có nhiều thuận lợi, trước hết là nhờ truyền thống và uy tín của TTXVN. Mặc dù chưa có thẻ nhà báo, chỉ với tấm Giấy giới thiệu có chữ ký của lãnh đạo và dấu son của TTXVN, chúng tôi đã vào được các cơ quan vốn kín cổng, cao tường như: Văn phòng, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Viện Kiểm sát tối cao, Tòa án nhân tối cao, Bộ Công an... Sau nữa là, phóng viên tin Trong nước được đào tạo bài bản và được bố trí, phân công bám sát các nguồn thông tin từ trung ương tới địa phương, đủ điều kiện khai thác và trao đổi với nhau, tạo tầm nhìn chung đúng đắn và sâu rộng.

Nhờ những thuận lợi trên cộng với nỗ lực của bản thân, phóng viên tin Trong nước đã sớm nhập cuộc thông tin đổi mới. Từ các phân xã địa phương, các phòng biên tập, những động thái mang tính “bung ra”, “xé rào”, “khoán chui”, “khoán hộ”... được báo cáo nhanh về Ban lãnh đạo cơ quan. Không ít trường hợp, các anh Đình Khuyến, Trưởng phân xã TP. Hồ Chí Minh; Thế Giáp, Trưởng phân xã Hải Phòng; Nguyễn Khẩn, Trưởng phân xã Vĩnh Phú... đã được mời về Tổng xã để trực tiếp báo cáo tình hình với Tổng giám đốc Đào Tùng, Phó tổng giám đốc Đỗ Phượng... Làm việc tại Tiểu ban Nội chính, Ban biên tập tin Trong  nước, tôi được giao tuyến tin Xây dựng Đảng, có điều kiện tiếp cận thông tin từ Văn phòng Trung ương và  các ban của  Đảng. Cho đến nay, tôi vẫn nhớ và biết ơn các anh Bùi Thanh, Thư ký đồng chí Vũ Oanh, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương; Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương; Hà Nghiệp, Thư ký Tổng bí thư Trường Chinh... đã ủng hộ, giúp đỡ tôi trong cập nhật thông tin của tiến trình đổi mới.

Tôi có nhiều dịp được tham gia đoàn làm việc của đồng chí Vũ Oanh, một cán bộ lãnh đạo sớm có  tư tưởng đổi mới, đến làm việc với một số địa phương và cơ sở trọng điểm. Đáng nhớ là buổi theo đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương đến khảo sát thực tế tại Thổ Tang, thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc) - một đơn vị đang chuyển đổi cơ chế khoán. Trong không khí làm việc cởi mở, đồng chí Vũ Oanh nêu nhiều suy nghĩ về khoán việc, khoán hộ trong nông nghiệp và cả trong các ngành nghề, dịch vụ khác. Tôi ghi chép khá đầy đủ, nhưng khi đoàn công tác ra về, một cán bộ địa phương chạy theo, nhắc nhỏ: “Anh Hoàng Quy dặn chị đừng đưa tin vội”. Tôi chỉ biết thưa vâng và trên xe qua trò chuyện, tôi được biết Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Quy là người ủng hộ chủ trương khoán hộ của Bí thư tiền nhiệm Kim Ngọc. Ông cũng chủ trương khoán rừng để người trồng rừng vừa có thêm thu nhập, vừa bảo vệ được tài nguyên rừng. Tôi cũng được biết, nhiệm kỳ sau đó, đồng chí Vũ Oanh được giao trách nhiệm Trưởng ban Nông nghiệp rồi Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Hoàng Quy cũng được điều về Trung ương, làm Bộ trưởng Tài chính.

Tôi đặt lịch làm việc định kỳ vào chiều thứ Sáu hằng tuần với đồng chí Quốc Chính, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương và một số lần trực tiếp gặp đồng chí Hà Nghiệp, Thư ký đồng chí Trường Chinh. Bằng thái độ khiêm tốn và chân thành, tôi được hai anh giúp nắm bắt nhanh những điểm mới trong các kỳ hội nghị trung ương.

Thường sau mỗi lần làm việc trên Văn phòng Trung ương hay Ban Tổ chức Trung ương, tôi hay trò chuyện, trao đổi thêm với anh Lê Sơn, một bậc đàn anh trong nghề. Anh Sơn tính tình vui vẻ, ít nói nhưng đọc nhiều, nhạy bén trong quan sát, viết tin, bài nhanh và dịch sách cũng giỏi. Qua trò chuyện, tôi biết anh có tìm hiểu nhiều về chính sách kinh tế mới (NEP) của Liên Xô (cũ) trong giai đoạn V.Lenin lãnh đạo (1921-1924); cập nhật thông tin về cải cách khai phóng ở Trung Quốc... Đặc biệt, anh có nhiều chuyến tháp tùng Chủ tịch Hội đồng nhà nước và sau này là Quyền Tổng bí thư rồi Tổng bí thư Trường Chinh.  
Anh em tôi được nghe kể và trao đổi suy nghĩ về các chuyến công tác của đồng chí Trường Chinh, trong đó có sự kiện đáng nhớ là cuộc họp vào mùa hè năm 1983 của ba đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Võ Chí Công, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng với đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tại Đà Lạt.

Chúng tôi rất mừng khi được biết những thay đổi trong quan điểm của đồng chí Trường Chinh, người đã từng phê phán quyết liệt việc khoán hộ của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, nhưng cũng chính là người quyết định phát động công cuộc đổi mới. Chúng tôi nhớ những cống hiến quan trọng của ông, người cộng sự đắc lực, học trò gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết ông là người khởi thảo “Đề cương Văn hóa Việt Nam”; người sớm triệu tập và chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (tháng 3/1945); tác giả của những bài báo trong cuốn “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, đề ra đường lối cụ thể, chỉ đạo cụ thể cho cuộc kháng chiến chống Pháp… Ông cũng đã từ chức Tổng bí thư vì trách nhiệm đứng đầu trong Cải cách ruộng đất.

Chuẩn bị cho Đại hội VI của Đảng, ông đã đi khảo sát thực tế gần 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, để đi đến kết luận “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Ông đã đi vào tiềm thức của nhân dân với hình ảnh người đặt nền móng cho công cuộc đổi mới, nhà lãnh đạo kiệt xuất trong những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Và với tình cảm quý trọng chân thành đối với đồng chí Trường Chinh, anh Lê Sơn đã viết được nhiều tin, bài hay gắn với sự nghiệp đổi mới của Đảng, trong đó có những tin tường thuật, ghi nhanh được rút nhiều tít nhỏ sinh động - một cách viết sáng tạo mà tôi muốn học tập...
 
Phóng viên ảnh Đinh Quang Thành phản ánh hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân miền Bắc

Cũng nhờ bám sát tiến trình đổi mới của đất nước, Ban biên tập tin Trong nước đã có những thông tin kịp thời về các hội nghị trung ương, các văn bản Chỉ thị, Nghị quyết mang dấu mốc quan trọng của tiến trình đổi mới như: Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (tháng 8/1979) với chủ trương và quyết tâm làm cho sản xuất “bung ra” - bước đột phá đầu tiên của quá trình đổi mới; Chỉ thị 100 của Ban Bí thư khóa IV, tháng 1/1981 về khoán sản phẩm trong nông nghiệp (còn gọi là Khoán 100); Các Quyết định 25/CP và 26/CP (1/1981) của Chính phủ, về mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh; Hội nghị Trung ương 8 khoá V (tháng 6/1985), thừa nhận sản xuất hàng hoá và những quy luật của sản xuất hàng hoá; Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (ngày 5/4/1988) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là Khoán 10)....

Chúng tôi thực hiện những tin, bài ấy với niềm háo hức khôn tả, trong đó đáng nhớ là lần làm tin Hội nghị Trung ương VI khóa V (từ 3/7 đến 10/7/1984), Tổng Bí thư Trường Chinh có bài phát biểu rất hay về vấn đề cơ chế quản lý, yêu cầu xác lập mô hình mới, cơ chế mới, đặt nền tảng lý luận cho đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội Đảng VI. Tôi đọc như nuốt từng lời và xin phép anh Hà Nghiệp được chép lại vào sổ tay bằng mực bút bi màu đỏ, cốt để dễ đọc, dễ tìm.

Để thông tin có hiệu quả về công cuộc đổi mới và hội nhập, trong những ngày đầu và cả những năm tháng sau này, tôi đã cố gắng hết mình trong việc trau dồi kiến thức về quản lý kinh tế và ngoại ngữ. Năm 1986, tôi được tham gia Đoàn cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương đi nghiên cứu, khảo sát thực tế về đổi mới đường lối đối ngoại tại Viện Khoa học xã hội (AON) trực thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô (cũ) trong ba tháng. Tôi cũng được tham gia khóa 8 tháng tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài do Bộ Nội vụ tổ chức.

Biển kiến thức chung thật mênh mông nhưng trong quá trình tham gia thông tin về công cuộc đổi mới và hội nhập, tôi đã trưởng thành rất nhiều cả về nhận thức và kinh nghiệm nghiệp vụ. Trên tất cả, công cuộc đổi mới của Đảng đã truyền cho tôi cảm hứng và niềm tin, giúp tôi có được những năm tháng sống tích cực và giàu ý nghĩa. Cảm ơn TTXVN đã tạo cho tôi điều kiện được làm việc trong tuyến tin, bài này./.

Vũ Kim Hải
Nội san Thông tấn số 9/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đón đầu cơn “sóng thần” công nghệ (06/10/2020 10:36:56)

Ba mươi năm Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn (06/10/2020 10:26:13)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đường về Thông tấn  (06/10/2020 10:24:24)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Từ tư duy tĩnh “chuyên tích lũy” đến tư duy động trong xử lý thông tin (06/10/2020 10:20:44)

Tác nghiệp an toàn tại điểm nóng thiên tai (06/10/2020 10:18:51)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: CQKV phía Nam tổ chức về nguồn (06/10/2020 10:17:17)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đổi mới tư duy và sáng tạo cho báo in (06/10/2020 08:35:01)

Có tin không làm là không chịu được (06/10/2020 08:12:35)

Trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 năm 2020 (29/09/2020 17:56:48)

Đẩy mạnh phối hợp truyền thông giữa tỉnh Phú Thọ và TTXVN (23/09/2020 09:08:03)