Thứ năm, ngày 02/05/2024

Tin tức trong ngành

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Thông tin của TTXVN luôn hướng tới mục tiêu độc lập, tự do, hòa bình và phát triển của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân


(06/10/2020 11:16:45)

Bảy mươi nhăm năm về trước, ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập cùng danh sách Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua bản tin tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Đây là sự kiện chính thức đánh dấu sự ra đời của cơ quan thông tấn của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Các thế hệ làm báo của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) vô cùng tự hào bởi trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người duyệt bản tin đầu tiên mà còn là người đã đặt tên VNTTX - TTXVN ngày nay.

Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi

Trong suốt lịch sử hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, những người làm báo TTXVN luôn nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thậm chí hy sinh xương máu để truyền đi dòng thông tin liên tục, thể hiện quan điểm của Đảng, chính sách của Chính phủ và nguyện vọng của nhân dân tới hệ thống báo chí và công chúng trong và ngoài nước. Có thể khẳng định rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thông tin của TTXVN luôn hướng tới mục tiêu: Độc lập, tự do, hòa bình và phát triển của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.
 
VNTTX và hai cuộc kháng chiến
 
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng ta xác định thông tin và tuyên truyền là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng. VNTTX nỗ lực vừa chiến đấu, vừa xây dựng và phát triển, thực hiện tốt vai trò của một binh chủng thông tin chủ lực, xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá.
 
Phóng viên VNTTX cùng đồng nghiệp ghi lại hình ảnh bộ đội về tiếp quản Thủ đô, tháng 10/1954

Từ đài phát sóng vô tuyến điện Bạch Mai, ngày 19/12/1946, VNTTX đã phát đi toàn quốc và thế giới tin thực dân Pháp bội ước, gây lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong chín năm kháng chiến, các đội quân của VNTTX vừa di chuyển để thoát khỏi vòng vây của địch vừa viết tin, phát tin, cung cấp cho các cơ quan báo chí, vừa làm nhiệm vụ báo cáo tình hình với Trung ương và Bác Hồ.
 
Những ngày ở chiến khu Việt Bắc, khi được phân công đi công tác địa phương vào vùng địch hậu, đi chiến dịch, vào nơi bom rơi đạn nổ, kể cả vùng địch tạm chiếm, ai cũng sẵn sàng lên đường, đồng lòng thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Phóng viên, kỹ thuật viên đi các chiến dịch sát cánh cùng dân công, bộ đội. Có điện báo viên đeo máy suốt 18 giờ liền để dò sóng, bắt nguồn tin; có nhân viên liên lạc, vượt lũ lớn, băng rừng sâu để đưa tin kịp thời.
 
Mạng lưới phóng viên của VNTTX đã dần hình thành từ Việt Bắc tới Liên khu V, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Lực lượng tuy không nhiều, còn thiếu kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ, đối mặt với hy sinh, gian khổ nhưng đã bền bỉ làm việc, không bỏ sót một thông tin quan trọng nào.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam và cũng là sự kiện đánh dấu một sự thay đổi về chất trong việc truyền phát tin của VNTTX với những máy thu, phát tin lưu động được trang bị cho các tổ phóng viên có mặt trên chiến trường. Thông tin về sự kiện tướng Pháp De Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống được VNTTX phát đi trong ngày 7, 8 và 9/5/1954 đã gây chấn động dư luận trong nước và thế giới.
 
Sau năm 1954, miền Bắc được giải phóng, đất nước tạm thời bị chia cắt, VNTTX lại bước vào giai đoạn phát triển mới: vừa thông tin về công tác xây dựng miền Bắc XHCN, vừa thông tin về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ở hậu phương lớn miền Bắc, từ năm 1964, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả nước, phóng viên VNTTX đêm ngày bám sát công xưởng, ruộng đồng, có mặt bên các trận địa phòng không và trên mọi ngả đường ra chiến trường.
 
Ở tiền tuyến miền Nam, TTXGP được thành lập năm 1960 và đã nhận được sự chi viện liên tục từ năm 1959-1975 với hơn 450 lượt cán bộ, phóng viên của VNTTX cho chiến trường miền Nam. Nhiều lãnh đạo VNTTX như Tổng biên tập Đào Tùng và Phó tổng biên tập Trần Thanh Xuân đã dẫn đầu các đoàn chi viện cho chiến trường miền Nam.
 
Tổ Nhiếp ảnh Sài Gòn - Gia Định của TTXGP dưới địa đạo Củ Chi, tháng 2/1966

Những nhà báo chiến sỹ ngành Thông tấn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang ở hầu hết các chiến trường, chiến đấu cả bằng ngòi bút, máy ảnh, trái tim và cây súng để liên tục phát đi những dòng tin, bức ảnh “nóng hổi” từ các chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên, khu V, Nam Bộ, Lào, Campuchia, tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 và nhiều chiến dịch khác.
 
Sự phối hợp chặt chẽ giữa VNTTX và TTXGP trong việc đưa tin chiến thắng hằng ngày đã vạch trần âm mưu, tội ác và sự ngoan cố của địch, góp phần cổ vũ mạnh mẽ nhân dân cả nước, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trong ngày 30/4/1975, VNTTX vinh dự, tự hào phát đi những dòng tin, bức ảnh lịch sử về thắng lợi vĩ đại của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, non sông về một mối, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất và xây dựng CNXH trên cả nước.
 
Để có ngày chiến thắng, hòa bình cho đất nước, gần 260 nhà báo, kỹ thuật viên của ngành đã ngã xuống trong tư thế của người chiến sỹ, nhiều người để lại một phần thân thể ở chiến trường và không ít người mang trong mình bệnh tật do phơi nhiễm chất độc hoá học. Nhà báo Trần Kim Xuyến, người phụ trách đầu tiên của VNTTX đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào tháng 3/1947 tại Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội), trở thành liệt sỹ đầu tiên của ngành và cũng là liệt sỹ đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
 
TTXVN và sự nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế của đất nước
 
Sau khi đất nước thống nhất, tháng 5/1976, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư, VNTTX và TTXGP hợp nhất thành VNTTX. Một năm sau, tháng 5/1977, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc đổi tên VNTTX thành TTXVN.
 
Vào những năm 80 và 90 của thế kỷ 20, TTXVN với vai trò “ngân hàng tin” của hệ thống báo chí, đã nhanh chóng đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin trong tình hình mới. TTXVN là một trong những cơ quan báo chí đầu tiên triển khai thành công quá trình tin học hóa hệ thống truyền phát và xử lý thông tin. Từ chỗ chỉ phát tin, ảnh cho các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải lại, TTXVN đã khai thác có hiệu quả tài nguyên thông tin, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm và phương thức cung cấp thông tin - bước đầu tiên trên tiến trình hình thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện. Một loạt tuần báo và nhật báo tiếng Việt và tiếng nước ngoài của TTXVN đã lần lượt ra đời và được đông đảo công chúng đón nhận như: Thể thao và Văn hoá, Tuần tin tức, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam.
 
Phóng viên TTXVN có mặt mọi lúc, mọi nơi để đưa tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Sang thế kỷ 21, TTXVN tiếp tục đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện. Đổi mới phương thức tác nghiệp, tiếp cận các vấn đề của thời cuộc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tác nghiệp, đa dạng hóa các nền tảng truyền dẫn phát sóng, mở rộng hợp tác quốc tế được xác định là những mục tiêu phát triển bao trùm của TTXVN trong thời kỳ này.
 
Sự xuất hiện của báo điện tử VietnamPlus, kênh truyền hình Thông tấn - VNews, các sản phẩm thông tin đồ hoạ, 12 bản tin/ảnh song ngữ phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm thông tin tích hợp tin ảnh hay các sản phẩm thông tin báo chí dữ liệu (megastory) được đăng phát trên các kênh truyền thống, các trang web, thiết bị viễn thông thông minh hay các nền tảng xã hội thời gian qua đã giúp thông tin của TTXVN tiếp cận kịp thời với hệ thống báo chí, công chúng trong và ngoài nước trong kỷ nguyên số.
 
Với vai trò định hướng của đơn vị báo chí chủ lực, TTXVN đã tiếp tục phản ánh một cách kịp thời, chuẩn xác và sinh động tình hình trong nước và quốc tế, thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, những thành tựu của công cuộc đổi mới, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội.
 
Các đơn vị thông tin đối ngoại của TTXVN không ngừng đổi mới cả về nội dung, cách thể hiện để lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam - một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia.
 
Thế hệ Thông tấn hôm nay tự hào về quá khứ hào hùng của lớp cha anh đi trước, đã tiếp tục ghi dấu ấn trong cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, các sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các sự kiện lớn mà Việt Nam có vai trò dẫn dắt như: Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch AIPA 2020, thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội và nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng khác.
 
Trong những tháng vừa qua, vượt lên trên những khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) gây ra, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, TTXVN đã triển khai tuyến thông tin chống dịch COVID-19 trên quy mô toàn ngành với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thông tin và hệ thống 93 cơ quan thường trú trong và ngoài nước. Có thể khẳng định đây là một chiến dịch thông tin được thực hiện một cách chuyên nghiệp, tận tâm và có trách nhiệm của những người làm báo TTXVN.
 
Sự dấn thân của những người làm báo Thông tấn, sự gắn bó mật thiết với nhân dân và địa bàn, tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình tác nghiệp, kiên định với những giá trị cốt lõi của báo chí đã giúp TTXVN tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng cao, nhiều giải thưởng cao tại Giải báo chí quốc gia, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, các giải báo chí trong nước và một số giải thưởng quốc tế. Và ngay trong tuần này, chúng ta đón nhận tin vui khi dự án chống tin giả của TTXVN đã giành chiến thắng trong khuôn khổ giải thưởng truyền thông số châu Á 2020 của Hiệp hội báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới.
 
Ghi nhận những đóng góp to lớn của TTXVN, Đảng và Nhà nước đã trao tặng TTXVN nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân... Và mới đây, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho TTXGP - cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những danh hiệu và phần thưởng cao quý đó là niềm tự hào và cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, người lao động TTXVN hôm nay phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành trong thời kỳ hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Chúng tôi luôn ý thức rằng sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, niềm tin yêu của công chúng và đồng nghiệp đối với dòng thông tin chính thống của TTXVN mãi là phần thưởng quý giá mà chúng tôi phải luôn nỗ lực phấn đấu để đạt được trong mọi thời kỳ và hoàn cảnh.
 

 

(Phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc, tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống TTXVN)
Nội san Thông tấn số 9/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Điểm tựa cho sự phát triển (06/10/2020 11:13:35)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Làm tin những ngày đầu của công cuộc đổi mới (06/10/2020 10:41:13)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đón đầu cơn “sóng thần” công nghệ (06/10/2020 10:36:56)

Ba mươi năm Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn (06/10/2020 10:26:13)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đường về Thông tấn  (06/10/2020 10:24:24)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Từ tư duy tĩnh “chuyên tích lũy” đến tư duy động trong xử lý thông tin (06/10/2020 10:20:44)

Tác nghiệp an toàn tại điểm nóng thiên tai (06/10/2020 10:18:51)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: CQKV phía Nam tổ chức về nguồn (06/10/2020 10:17:17)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đổi mới tư duy và sáng tạo cho báo in (06/10/2020 08:35:01)

Có tin không làm là không chịu được (06/10/2020 08:12:35)