Thứ tư, ngày 24/04/2024

Tin tức trong ngành

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Điểm tựa cho sự phát triển


(06/10/2020 11:13:35)

Từ một hãng thông tấn nhà nước độc quyền, thống nhất các nguồn tin, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trở thành một cơ quan báo chí như mọi cơ quan báo chí khác. Chúng ta chỉ có thể tác động đến các cơ quan báo chí bằng nội dung và chất lượng thông tin, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ kỹ thuật. Nhưng làm sao có chất lượng hiệu quả, chủ động trong định hướng thông tin và định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh này là điều mà Ban lãnh đạo TTXVN luôn trăn trở. Nội san Thông tấn trích giới thiệu bài viết của nhà báo Đỗ Phượng (1930-2017), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN đăng trên báo Nhân Dân tháng 9/1995, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ngành.

Phóng viên TTXGP tác nghiệp tại Củ Chi

1. Mấy chục năm trước, một đồng nghiệp nước ngoài nói “những người làm báo Việt Nam có một hạnh phúc lớn. Đó là Chủ tịch Hồ Chi Minh và các nhà lãnh đạo Việt Nam đều là những nhà báo hiểu biết và quan tâm sâu sắc đến nghề báo và người làm báo”.
 
Những người làm TTXVN cảm nhận bằng máu thịt của mình niềm hạnh phúc này. Hơn ai hết, Bác Hồ và các thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến thông tin, biết cách khai thác, thu thập các nguồn thông tin và chỉ hoạch định chính sách, quyết sách khi đã thẩm định chuẩn xác mọi thông tin.
 
Vì vậy, rất dễ hiểu khi chỉ định Trầm Kim Xuyến, một đảng viên trung kiên, một thanh niên trí thức được giao thực hiện việc tiếp quản đài thu tin của chính quyền đô hộ tại đường Pierre Pasquicr (nay là 6 Điện Biên Phủ). Ngay từ 23/8/1945, các bản thu từ các hãng thông tấn và các đài phát thanh nước ngoài đã được sử  dụng để phục vụ Thường vụ Trung ương và khai thác cho các cơ quan báo chí tuyên truyền. Nhưng phải hơn 20 ngày sau, những chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi này mới lắp đặt được máy phát sóng đủ công suất tuyền tín hiệu chữ, bản tin đầu tiên mang ký hiệu VNTTX, VNA, AVI cho các đài nhận tin trong và nước ngoài.
 
 Bởi phẩm chất chính trị của bản tin phát sóng đầu tiên đó, bởi không có thông tin nào có giá trị lịch sử bằng Tuyên ngôn Độc lập (dẫu phát chậm 13 ngày), người ta hoàn toàn có lý khi lấy ngày 15/9/1945 thay vì ngày 23/8/1945 làm Ngày truyền thống của TTXVN.
 
Kể từ những ngày trứng nước đó, cả khi ở chiến khu Việt Bắc hay ở giữa Hà Nội trong chiến tranh ác liệt, trong những năm sau này, Bác Hồ đã đến tận nơi làm việc của TTXVN chỉ dạy cách viết tin, chụp ảnh, tự tay sửa từng từ, từng câu, sửa các bản dịch và cách phiên âm tiếng nước ngoài. Ở TTXVN, người ta thường kể lại hai mẩu chuyện, một vui, một buồn. Người thường trực già của TTXVN nay không còn nữa, có mội buổi sớm mới 5 giờ đã có chuông điện thoại hỏi tin. Với giọng ngái ngủ, bác thường trực quát trong đường dây điện thoại: “Anh ở đâu mà gọi điện thoại sớm thế?”. Tiếng miền Trung nhẹ nhàng ở đầu dây nói: “Tôi ở Phủ Chủ tịch đây. Tôi là Hồ Chí Minh”. Mẩu chuyện thứ hai thực sự không vui, khi đó là những tháng cuối cùng của Bác Hồ, lãnh đạo TTXVN nhận chỉ thị không được báo tin trực tiếp cho Bác, sợ Bác mệt. Một buổi sáng, cũng giọng miền Trung đó nhưng tiếng nói khó khăn hơn: “Tại sao TTXVN không còn báo cáo tin cho tôi, các chú nghe Bác hay nghe bảo vệ”. Chỉ mấy lời đó thôi, ống nghe ở đầu dây kia đặt xuống một cách không hài lòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan hệ với cơ quan thông tấn của mình như thế đó. Nhưng không phải chỉ Bác Hồ, các đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước, trong đêm khuya dưới bom đạn vẫn đến tận nơi kiểm tra, hướng dẫn chỉ đạo công tác, sửa tin, chọn ảnh.
 
Còn nhớ giữa những ngày B52 rải thảm ở Hà Nội, một đồng chí lãnh đạo TTXVN được cử đi phụ trách đơn vị dự bị II cách xa Hà Nội. Đồng chí Lê Duẩn tưởng lầm TTXVN đi sơ tán lập tức ra chỉ thị: TTXVN không được rời Hà Nội, không được một giây ngừng hoạt động. Bộ Chính trị còn ở Hà Nội thì TTXVN không được rời Hà Nội.
 
Một đôi điều trong hàng chục, hàng trăm câu chuyện tương tự đủ nói lên sự gắn bó của TTXVN với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Cũng có thể khẳng định đó là yếu tố quyết định để TTXVN từ 4-5 cán bộ không hiểu nghề nghiệp với vài thiết bị thô sơ đã trở thành một hãng Thông tấn lớn mạnh như hôm nay.
 
Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đến thăm VNTTX, ngày 14/2/1967

2. Gắn bó với sự lãnh đạo của Đảng cũng có nghĩa là gắn bó với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong 30 năm chiến tranh, TTXVN và những phóng viên của mình không vắng mặt ở bất cứ chiến trường nào, trong bất cứ cuộc chiến đấu nào, quân sự, chính trị và ngoại giao, chấp nhận hy sinh để có đủ nguồn tin, ảnh.
 
Gần 260 liệt sỹ của TTXVN trong hai cuộc chiến tranh, là tổn thất to lớn nhưng cũng là niềm tự hào, là truyền thống dũng cảm kiên cường của những chiến sỹ xung kích trên mặt trận báo chí và tư tưởng. Dẫn đầu danh sách các liệt sỹ chính là người lãnh đạo đầu tiên của TTXVN Trần Kim Xuyến. Ông cũng là nhà báo đầu tiên hy sinh trong chiến tranh giải phóng dân tộc.
 
Có ai đó nghĩ rằng: tin chiến trường, tin chiến tranh của TTXVN chủ yếu khai thác từ nguồn tin phương Tây. Vâng, điều đó đúng nhưng chỉ đúng một phần nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Đúng là phóng viên của TTXVN không thể ghi được hình ảnh Nguyễn Văn Trỗi trên pháp trường và cả tấm ảnh nụ cười Võ Thị Thắng. Sẽ là dại dột nếu TTXVN không biết khai thác triệt để các nguồn tin và tư liệu của các nhà báo nước ngoài cho công tác thông tin hằng ngày về chiến tranh. Nhưng cũng xin hiểu cho rằng, những năm sau năm 1954 giữa Sài Gòn, TTXVN vẫn thu tin cung cấp cho lãnh đạo. Từ những vụ tàn sát ở nhà tù Phú Lợi, các cuộc đấu tranh và nổi dậy ở khắp miền Nam cho đến những trang tin về Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý... đều do phóng viên chiến trường gửi về. Hai phóng viên TTXVN đã ngã xuống cùng với chị Sứ (tức liệt sỹ Phan Thị Ràng) trong truyện Hòn Đất của Anh Đức, song người ta vẫn giữ lại được tư liệu để điện những thông tin về người con gái và vùng đất kiên cường đó ra Hà Nội.
 
Có câu chuyện không vui khá phổ biến trên báo chí nước ta trong dịp kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng miền Nam. Người ta đã đăng lại những bản tin, những bài viết, những tấm hình của các nhà báo nước ngoài hoặc ngộ nhận là các nhà báo nước ngoài “phát đi từ Sài Gòn” ngày 30/4/1975. Người ta quên rằng tuy còn một số ít nhà báo nước ngoài có mặt ở Sài Gòn nhưng kể từ 11 giờ ngày 30/4/1975, Sài Gòn đã cắt mọi liên hệ với bên ngoài. Duy nhất ngày 1/5/1975 một phóng viên của báo Tấm Gương (Cộng hòa liên bang Đức) đã nhờ phân xã TTXVN tại sân bay Tân Sơn Nhất phát về Hà Nội một bản tin để chuyển về nước qua địa chỉ thông tấn xã ADN (Cộng hòa dân chủ Đức).
 
Tấm hình xe tăng vào Dinh Độc Lập của phóng viên Trần Mai Hưởng bị chú thích lầm trên các báo là ảnh của nước ngoài. Thực ra, ba tấm ảnh vào Dinh Độc Lập công bố hồi đó là của Trần Mai Hưởng, Văn Bảo và Ngọc Đản - phóng viên của TTXVN - được truyền ra Hà Nội bằng telephoto và bằng một chuyến xe trực tiếp chạy thẳng từ Dinh Độc Lập ra Huế để chuyển ra Hà Nội bằng máy bay.
 
Cũng xin nhắc lại rằng, để chuẩn bị cho chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, cuối năm 1972, nhà báo Trần Thanh Xuân đã dẫn đầu trên 100 phóng viên, kỹ thuật viên tăng cường cho miền Nam. Và khi chiến dịch Buôn Ma Thuột bắt đầu, nhà báo Đào Tùng cùng hơn 10 phóng viên vào tăng cường cho Tổng xã TTXGP. Và liên tục gần 20 tổ phóng viên tin, ảnh, điện báo lần lượt bổ sung cho các chiến trường từ Thừa Thiên Huế đến miền Tây Nam Bộ và hội quân ở Sài Gòn. Tràng pháo dài hàng chục mét nổ trước nhà số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, trưa 30/4/1975 chính là lúc bản tin của phóng viên từ chiến trường điện ra và được Quân ủy Trung ương xác nhận.
 
Máy phân tích đa năng Analyze MF701, sản phẩm công nghệ cao kết hợp kỹ thuật tin học tiên tiến với kỹ thuật cực phổ hiện đại do các kỹ sư của TTXVN lắp đặt

3. TTXVN đã trải qua những cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc. Những người đặt nền móng cho hãng thông tấn này đâu có ý định xây dựng hãng thông tấn cho chiến tranh. Nguyện ước của họ chính là xây dựng một hãng thông tấn thông tin vì sự nghiệp hòa bình, xây dựng Tổ quốc độc lập và tự do.
 
Đã có một thời như vậy. Đó là những năm đầu khôi phục và xây dựng một nửa đất nước sau giải phóng. Cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ XX, phóng viên TTXVN nằm ở các xí nghiệp, các công trường. Và cũng từ số 5 Lý Thường Kiệt phát đi những thông tin đầu tiên cổ vũ “Sóng Duyên Hải, Gió Đại Phong, Cờ Ba Nhất”. Tiếp đó là điển hình giáo dục Bắc Lý, y tá Trần Xuân Đậu, là những “Mèo Vạc chuyển từ thuốc phiện sang trồng cây dược liệu”…
 
Thật dễ hiểu khi đội ngũ những người làm thông tấn tiếp nhận nhanh và có phần táo bạo trong đổi mới và phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước. Ngay từ đầu năm 80, họ đã mạnh dạn đổi mới bằng đa dạng hóa thông tin, bằng thực hiện thông tin không bù lỗ, bằng ủng hộ những nhân tố mới trong nông nghiệp, công nghiệp và cả trong kinh doanh. Từ một bản tin trong nước và thế giới chung cho các đối tượng, từ một bản tin phát sóng giống nhau dịch ra nhiều ngữ, họ đã nhanh chóng chuyển thành bản tin riêng theo yêu cầu của các đối tượng khác nhau, xuất bản nhiều tờ thông tin ngày, tuần, tháng phục vụ trực tiếp tới bạn đọc. Mở nhiều kênh và loại hình thông tin đối ngoại, thực hiện các hình thức “hai ngòi bút, nhiều ngòi bút, hai ống kính, nhiều ống kính”, tạo ra những loại hình hợp tác thông tin, đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài thông qua chính các phương tiện thông tin đại chúng của họ.
 
Từ một tờ báo ảnh chung cho mọi đối tượng chuyển thành những tờ báo ảnh có nội dung và hình thức khác nhau cho các đối tượng ở từng nước, từng khu vực. Bắt đầu thực hiện việc in báo, in bản tin ở nước ngoài để đạt tới số lượng phát hành cao mà không tăng chi phí. Tiến lên một bước xuất bản báo tiếng Anh hằng ngày Việt Nam News, báo tiếng Pháp hằng ngày Le Courrier du Vietnam. Thực hiện trao đổi thông tin, mua và bán thông tin cho nước ngoài. Nhờ đó, mặc dầu những biến động của thế giới, nguồn thông tin từ nước ngoài vào Việt Nam không giảm mà lại tăng cả về lượng, nội dung và loại hình. Tin từ Việt Nam ra nước ngoài dần dần tăng lên, ít tốn kém hơn và còn thu được chút tiền dịch vụ.
 
Không chỉ đổi mới nội dung, TTXVN còn thay đổi cả về kỹ thuật. Đầu những năm 80, không có ngoại tệ mạnh, lại bị cấm vận, các kỹ thuật viên của TTXVN đã tự thiết kế, lắp đặt máy vi tính, làm chế bản mẫu tự tiếng Việt, truyền được lên sóng phát vệ tinh. Ngày nay, khi TTXVN đạt tới trình độ kỹ thuật đỉnh cao, người ta sẽ không quên cái máy tính trung tâm điều khiển bọc bằng tôn gò, phủ sơn nhựa chống ẩm. Với cái máy thô kệch đó, người ta đã truyền các bản tin tiếng Việt qua vệ tinh hai chiều Hà Nội-TP. Hồ Chí Minh; Hà Nội-Moskva-La Habana.
 
Sản phẩm thông tin của TTXVN đã trở thành những kênh thông tin tin cậy và nhanh nhạy để từng giờ, từng phút đưa nguồn thông tin dồi dào và phong phú của TTXVN đến với công chúng trong và ngoài nước

4. Từ một hãng thông tấn nhà nước độc quyền, thống nhất các nguồn tin, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thông tin và nhiếp ảnh. TTXVN ngày nay chỉ là một cơ quan báo chí như mọi cơ quan báo chí khác. Từ nay, TTXVN chỉ có thể tác động đến các cơ quan báo chí tuyên truyền bằng nội dung và chất lượng thông tin, kỹ năng nghề nghiệp và trình độ kỹ thuật.
 
Nhưng trình độ phát triển của sự nghiệp đổi mới lại đòi hỏi rất cao trách nhiệm hướng dẫn thông tin, hướng dẫn dư luận xã hội, đấu tranh chống thông tin nhiễu, thông tin có dụng ý xấu, thông tin thù địch. TTXVN chỉ có thể trả lời đòi hỏi mới đó bằng nỗ lực rất cao của bản thân mình, bằng bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp và thiết bị kỹ thuật mới để tạo ra nhiều thông tin mang hàm lượng thông tin cao, nhanh nhạy, hấp dẫn và phù hợp với đối tượng của các loại hình báo chí khác nhau. Yêu cầu thông tin của các nhà hoạch định chính sách khác với yêu cầu của các nhà khoa học, các nhà kinh doanh, càng khác với các tầng lớp nhân dân, đòi hỏi các loại hình và nội dung thông tin không đồng nhất.
 
Nếu trước đây, việc xử lý thông tin đối với các sự kiện quốc tế thường gặp nhiều khó khăn phức tạp thì ngày nay những sự kiện trong nước cả về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa diễn biến muôn hình vạn trạng mới khó phân tích, đánh giá và thẩm định. Mỗi sự kiện đều mang trong nó chính diện và phản diện, có khi tích cực là chủ yếu, có khi cái tiêu cực nằm trong cái vỏ tích cực và ngược lại. Muốn xử lý đúng đòi hỏi không chỉ có bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghề nghiệp mà còn cần những kiến thức rộng, chuyên sâu, sát thực tiễn, sự tỉnh táo, bình tĩnh cùng với độ nhanh nhạy, ý thức trách nhiệm và ý thức kỷ luật cao.
 
Không phải những người làm thông tấn không tự hào và vui với những thành tựu của mình song nỗi lo lắng trước trách nhiệm mới không phải nhỏ.
 
Làm sao có chất lượng hiệu quả thông tin cao. Làm sao chủ động được hiệu quả thông tin, định hướng thông tin và định hướng dư luận xã hội. Chỉ riêng những nỗ lực, tự rèn luyện, tự nâng cao của đội ngũ thông tấn không thể đủ. Cũng như những năm qua, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự hợp tác, giúp đỡ chí tình của các đồng chí, đồng nghiệp trong và ngoài nước, sự ủng hộ và tin cậy của đồng bào cả nước chính là chỗ dựa không thể thiếu để TTXVN tiến lên trong thời kỳ mới./.
 

 

Đỗ Phượng
Nội san Thông tấn số 9/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Làm tin những ngày đầu của công cuộc đổi mới (06/10/2020 10:41:13)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đón đầu cơn “sóng thần” công nghệ (06/10/2020 10:36:56)

Ba mươi năm Trung tâm Hợp tác quốc tế Thông tấn (06/10/2020 10:26:13)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đường về Thông tấn  (06/10/2020 10:24:24)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Từ tư duy tĩnh “chuyên tích lũy” đến tư duy động trong xử lý thông tin (06/10/2020 10:20:44)

Tác nghiệp an toàn tại điểm nóng thiên tai (06/10/2020 10:18:51)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: CQKV phía Nam tổ chức về nguồn (06/10/2020 10:17:17)

75 năm Thông tấn xã Việt Nam: Đổi mới tư duy và sáng tạo cho báo in (06/10/2020 08:35:01)

Có tin không làm là không chịu được (06/10/2020 08:12:35)

Trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 1 năm 2020 (29/09/2020 17:56:48)