Thứ năm, ngày 07/11/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Thông tin cơn bão số 3: Trĩu lòng sau mưa lũ


(02/10/2024 08:57:21)

Tôi còn nhớ như in ngày mới chân ướt chân ráo vào thực tập tại Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Lào Cai (năm 2005), sản phẩm báo chí đầu tiên tôi tham gia tác nghiệp trực tiếp tại hiện trường là tin vụ sạt lở khiến 4 người trong một gia đình tử vong tại xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng. Nhiều năm sau, trở lại thường trú ở Lào Cai, hầu như năm nào tôi cũng phải làm tin thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất đá tại địa phương. Là phóng viên cũng là người con của Lào Cai, nhưng chưa bao giờ tôi phải chứng kiến người dân Lào Cai đi từ bàng hoàng này đến đau thương rụng rời khác như đợt thiên tai do cơn bão số 3 này.


Tin dữ chưa nguôi
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, Lào Cai liên tục có mưa lớn từ đầu tháng 9/2024. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, Trưởng CQTT Phạm Hồng Ninh đã lưu ý anh em bám sát tình hình thiên tai để thông tin kịp thời.
 

Phóng viên CQTT TTXVN tại Lào Cai Lục Hương Thu trên đường vào vùng lũ thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, ngày 14/9

Chiều tối 8/9, tin dữ đầu tiên là vụ sạt lở đất đá kinh hoàng tại Mường Hoa, Sapa khiến 16 người thương vong. Tối hôm đó, sau khi đưa tin ban đầu bằng cả ba loại hình: văn bản, truyền hình và ảnh, tôi cùng phóng viên Truyền hình Thông tấn Nguyễn Thành Long thống nhất chuẩn bị để 5 giờ sáng hôm sau bắt đầu di chuyển đến hiện trường vụ sạt lở.
 
Sáng sớm 9/9, tôi nhận được tin báo từ UBND thị xã Sapa là quốc lộ 4D nối TP. Lào Cai đi Sapa bị sạt lở nhiều điểm và bị cấm đường, tương tự tuyến đường đến Mường Hoa cũng vậy.
 
Chưa kịp thất vọng vì không thể tác nghiệp theo lịch trình dự kiến, tôi lại nhận được tin nước sông Hồng chảy qua TP. Lào Cai đang lên rất cao, có thể vượt mức báo động 3. Tôi và đồng nghiệp lập tức chuyển hướng di chuyển ra bờ sông. Lúc ấy, trời vẫn còn chưa sáng rõ, song có thể nhận thấy lũ trên sông đang dâng cao đến mức kỷ lục.
 
6 giờ 30 phút, tôi lên máy, trực tiếp dẫn hiện trường và cùng đồng nghiệp chuyển thông tin, hình ảnh về Tổng xã. Ngay sau đó, tôi liền nhận được điện thoại từ các anh chị đồng nghiệp của Truyền hình Thông tấn nhắc nhở cẩn trọng khi tác nghiệp trong mùa lũ, dẫn hiện trường không nên đứng gần nơi nước chảy xiết và lũ dữ như vậy. Lúc ấy ngẫm lại, tôi mới thực sự thấy sợ!
 
Tin chẳng lành ập đến
 
9 giờ, nỗi ám ảnh về lũ cuốn trôi, sạt núi ở Mường Hoa, thị xã Sapa chưa hết thì tin sạt núi vùi lấp nhiều ngôi nhà của người dân ở A Lù, huyện Bát Xát dội về. Sau khi đưa tin ban đầu, tôi và Thành Long lên xe đi Bát Xát. Tuy nhiên, chuyến đi này cũng thất bại vì chúng tôi chỉ có thể tiếp cận đến xã Quang Kim, lúc ấy đang mênh mông nước. Các xã còn lại đều bị cô lập do sạt lở đất đá. Được biết, sáng hôm ấy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường cùng đoàn công tác lên A Lù để chỉ đạo, kiểm tra và động viên nhân dân cũng phải quay về vì giao thông chưa thông suốt.
 
Bản tin cảnh báo mưa lũ nguy hiểm hiển thị màu đỏ sẫm gần như đã phủ kín bản đồ tỉnh Lào Cai, cũng là lúc tỉnh Lào Cai ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Chiều 9/9, khi tôi quay về thành phố thì nhận được tin nước lũ sắp tràn vào nhà. Tôi nhanh chóng về nhà cùng người thân di chuyển đồ đạc lên tầng trên. Người dân TP. Lào Cai cũng như gia đình tôi lúc ấy không kịp trở tay khi nước sông Hồng dâng cao chưa từng thấy trong lịch sử hàng trăm năm. Nhiều tuyến phố, nhà cửa bị nhấn chìm trong mênh mông phù sa, bùn rác.
 
Trắng đêm dõi theo mực nước vượt đỉnh lũ lịch sử trên sông Hồng và sông Chảy, bộn bề câu chuyện tiếp cận hiện trường, tìm kiếm, cứu hộ, xả lũ, nước dâng, mưa lớn… cứ thế bọc trong trăm mối tơ vò. Tin dữ nơi này chưa nguôi thì tin chẳng lành nơi khác lại ập đến, thắt nghẹn tim gan!
 
Phóng viên Ban biên tập Ảnh Hoàng Trung Hiếu tác nghiệp tại hiện trường trận lũ quét kinh hoàng - thôn Làng Nủ, ngày 17/9 

Khóc nghẹn Làng Nủ
 
Người dân thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên vừa trải qua một đêm mưa mịt mùng chạy lũ, sáng ra, tiếng khóc nghẹn lòng mang tên Làng Nủ bỗng cất lên sau tiếng nổ vang trời. Cả bản làng người Tày dưới chân núi Voi ở đất Bảo Yên bị xóa sổ bởi trận lũ quét khi họ đang say giấc. Tang thương chất chồng, số người mất tích không chỉ vài ba mà danh sách lên tới cả trăm người.
 
Sáng 11/9, Trưởng CQTT Phạm Hồng Ninh và phóng viên Thành Long di chuyển vào Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Tôi được phân công ở lại trực cơ quan để bao quát tình hình thiên tai toàn tỉnh. Lòng tôi trĩu nặng khi số người thương vong tại các địa phương tăng dần theo từng giờ; tài sản hoa màu của người dân, các công trình hạ tầng thiệt hại nặng nề, ước tính hàng nghìn tỷ đồng… Không dừng lại ở đó, thông tin từ Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bảo Yên có sạt lở đất, vùi lấp người và tài sản, lũ cuốn trôi, giao thông chia cắt, nhiều vùng dân cư bị cô lập cứ liên tiếp chuyển về.
 
Ngày 14/9, khi mưa đã ngớt, nắng ấm dần lên, tôi cùng các đồng nghiệp đến Làng Nủ để tiếp tục thông tin về tình hình tìm kiếm nạn nhân và công cuộc tái thiết, ổn định đời sống nhân dân sau lũ. Dọc đường đi, dù giao thông đã được thông suốt nhưng vẫn còn hàng trăm điểm sạt lở lớn nhỏ được cắm biển cảnh báo nguy hiểm. Phóng viên thường trú ở miền núi như chúng tôi khi di chuyển qua những cung đường núi luôn thường trực nỗi lo sạt lở bất ngờ. Mỗi lần đi qua điểm sạt đều hình thành thói quen phải cẩn thận ngước lên nhìn hiện trạng, nếu thấy ổn mới tiếp tục đi qua.
 
Đến Làng Nủ lúc này, các lực lượng vẫn chạy đua với thời gian, nỗ lực tìm kiếm giữa tan hoang, đổ nát. Dưới lớp bùn dầy, các lực lượng chức năng vẫn miệt mài dò từng mét đất, bới từng gốc cây, ở bất cứ vị trí nào có thể. Những chuyến xe chở áo quan được tập kết về đây trong tiếng khóc tang thương. Rất nhiều đoàn thiện nguyện, các tổ chức, cá nhân đến từ mọi miền Tổ quốc đã có mặt động viên, hỗ trợ kịp thời. Nhà nước cũng đã khẩn trương lên phương án tổ chức tái định cư cho người dân sau lũ.
 
Tin rằng, Làng Nủ, Kho Vàng hay Nậm Tông (Bắc Hà) và nhiều địa bàn khác, với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể, tổ chức, cá nhân, rồi sẽ được hồi sinh và nhanh chóng tái thiết.
 
Điều hy vọng nhất
 
Mọi người hỏi tôi về nỗi vất vả khi tác nghiệp, tôi đều bảo mình không vất vả gì cả. Từ tận đáy lòng, tôi thấy nỗi vất vả của mình chẳng thấm tháp gì so với các lực lượng khác, những người ròng rã hàng chục ngày qua tại hiện trường, đào bới đất cát, nhặt từng mảnh thi thể trao trả cho người thân; những người kéo từng cuộn cáp viễn thông, nối đường điện để thông suốt liên lạc, rồi vội vàng ăn, vội vàng ngả lưng, vội vàng ngủ tại bất cứ đâu để lấy sức.
 
Trong đợt bão lũ này, CQTT tại Lào Cai đã thực hiện khoảng 120 tin, ảnh cùng 25 tin, phóng sự truyền hình xoay quanh tình hình thiên tai, công tác khắc phục hậu quả và nỗ lực ổn định đời sống nhân dân vùng lũ. Dưới mỗi bản tin thiệt hại về thiên tai của Lào Cai, thường có những dòng bình luận đại loại như: “Rất sợ khi đọc được những tin kiểu này”, “không thể cầm được nước mắt”, “đồng bào chúng ta khổ quá” hay “cứ thiên tai liên miên vậy thì bao giờ miền núi mới tiến kịp miền xuôi”… Người đọc còn như vậy, những phóng viên như tôi và các đồng nghiệp trực tiếp tác nghiệp, trực tiếp cân nhắc từng số liệu, câu chữ để làm ra sản phẩm báo chí tâm trạng cũng u ám không kém.
 
Quay phim Trung tâm Truyền hình Thông tấn Hà Văn Quỳnh ghi lại cảnh tan hoang tại thôn Làng Nủ sau cơn lũ dữ

Tuy nhiên tôi cũng biết rằng, khi tác nghiệp trong những trận mưa lũ, sạt lở, việc có đầy đủ các thông tin, hình ảnh sẽ mang đến cho độc giả cái nhìn thực tế sự vụ. Chính từ sự lan tỏa đó, nhiều hoàn cảnh mất mát, hy sinh trong thiên tai, bão lũ đã được chia sẻ, hỗ trợ; những gia đình chịu nhiều thiệt hại có cơ hội khắc phục hậu quả, trở lại ổn định cuộc sống.
 
Từ giây phút đầu tiên tác nghiệp trong vụ sạt lở đất ở Bản Phiệt cách đây gần 20 năm đến Làng Nủ bây giờ, trong cuộc đời làm báo của mình, điều tôi hy vọng nhất là không còn phải đưa tin về những sự việc thương tâm và ám ảnh như vậy nữa./.

Lục Hương Thu - CQTT TTXVN tại Lào Cai
Nội san Thông tấn số 9/2024