Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tin tức trong ngành

Thông tin về dịch COVID-19: Nhớ “nhà” mà không dám về!


(29/04/2020 11:14:17)

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi phương thức tác nghiệp của phóng viên truyền hình và nhiều tòa soạn báo của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Với Vũ Công Định, phóng viên Trung tâm Truyền hình Thông tấn, đây là quãng thời gian đặc biệt không thể nào quên trong đời làm phóng viên, bởi đã hình thành một phong cách, phương thức tác nghiệp mới, chưa có tiền lệ, hoàn toàn khác với những gì anh và các đồng nghiệp được học, được làm trước đó.

Phóng viên Công Định dẫn hiện trường tại tâm dịch Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), tháng 4/2020

1. Là phóng viên thời sự của Trung tâm Truyền hình Thông tấn (Vnews), tôi đã tham gia tác nghiệp tại nhiều điểm nóng như: sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Việt Nam, hay những đợt thiên tai lũ lụt, sạt lở đất. Trong những sự kiện này, Vnews cùng các đơn vị thông tin trong ngành đã sớm tiếp cận và chuyển đến công chúng những thông tin mới nhất, chuẩn xác nhất. Tôi đã quen và luôn sẵn sàng với những tình huống bất ngờ. Nhưng đại dịch COVID-19 xuất hiện lần này đã vượt qua dự đoán của tất cả mọi người.

Những phóng viên như chúng tôi buộc phải làm quen và thích nghi với tình hình mới. Cả Trung tâm đã chuyển trạng thái “sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên mức cao”. Tôi cũng như nhiều người phải lo phòng dịch cho mình, cho gia đình, người thân nhưng còn một nhiệm vụ quan trọng không kém là đảm nhận trách nhiệm thông tin. Không chỉ thông tin trực tiếp tới khán giả mà còn sản xuất thông tin nguồn cho các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước. Ngay khi có thông tin đầu tiên về COVID-19, Vnews đã lên phương án tác nghiệp an toàn và thích nghi khi dịch bệnh kéo dài.

Ban giám đốc Vnews đã trang bị một số phương tiện bảo vệ cho phóng viên khi tác nghiệp như khẩu trang, nước sát khuẩn; ra quy định về tác nghiệp trong mùa dịch; sát khuẩn xe ô tô và phương tiện làm việc; chuyển các cuộc họp sang trực tuyến và giảm tiếp xúc. Nhiều nhân vật được đề nghị tự quay phỏng vấn, tự quay hình ảnh và gửi về cho phóng viên trên cơ sở thảo luận trước. Cùng với đó, chia thành các nhóm làm việc tách biệt vòng trong và vòng ngoài, không tiếp xúc giữa các nhóm để giảm rủi ro.

Tôi thuộc nhóm vòng ngoài, là những người chuyên thực hiện sản xuất thông tin bên ngoài mà không tiếp xúc và đi vào bên trong tòa nhà Vnews. Chúng tôi làm việc với tinh thần là tin, bài vẫn phong phú nhưng cách thực hiện phải an toàn và hiệu quả nhất, bởi không ai muốn xảy ra tình huống có người trong cơ quan bị nhiễm SARS-CoV-2. Vì thế, những phóng viên tác nghiệp ngoài hiện trường như chúng tôi được trang bị phương tiện bảo hộ rất đầy đủ.

2. Chuyến tác nghiệp tại ổ dịch xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã cho tôi nhiều kinh nghiệm. Đây là ổ dịch đầu tiên tại Việt Nam và cũng là nơi bị phong tỏa đầu tiên khi dịch COVID-19 xuất hiện trong nước. Việc vào vùng dịch và tiếp xúc với người dân để ghi hình, phỏng vấn cần được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tôi lên phương án tác nghiệp và tính đến những tình huống xấu nhất là không được vào, không được tiếp cận với người dân và chính quyền. Những giấy tờ cần thiết như giấy giới thiệu, Thẻ nhà báo lúc nào cũng mang theo người. Tôi cũng liên hệ các đầu mối thông tin, nguồn tin tại địa bàn để nắm những thông tin tổng thể, thông qua sự giúp đỡ của CQTT Vĩnh Phúc. Nhờ đó, mọi thứ đã diễn ra thuận lợi đúng như kịch bản.

Vào vùng dịch, chúng tôi đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ và liên tục sát khuẩn tay. Nguyên tắc đầu tiên là hạn chế tiếp xúc gần, không chạm vào đồ vật tại hiện trường. Đặc biệt, chúng tôi phải tính phương án tác nghiệp nhanh nhất, mau chóng rời khỏi hiện trường để tránh sự chú ý và tập trung đông người.
 
Phóng viên Trung tâm Truyền hình Thông tấn phỏng vấn người dân tại ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tháng 4/2020

3. Những ngày sau đó, tôi dần quen với phương thức tác nghiệp trong mùa dịch. Mỗi khi lên đường, việc đầu tiên là nhận khẩu trang, đồ bảo hộ tại nơi quy định, không quên bỏ túi lọ dung dịch sát khuẩn. Nhiều bạn bè đồng nghiệp trêu đùa rằng, Công Định rất có duyên với “Lôi” bởi sau Sơn Lôi thì Hạ Lôi cũng đã trở thành ổ dịch. Tuy nhiên, Hạ Lôi phức tạp hơn do nơi đây có khu chợ hoa Mê Linh nổi tiếng cả nước. Người dân từ khắp nơi đổ về đây buôn bán nên nguy cơ lây lan rất lớn.

Với những phóng viên “chiến trường” như chúng tôi, công tác an toàn phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, đến Hạ Lôi, chúng tôi cũng đều mặc bảo hộ như các y bác sỹ và bọc bảo vệ máy móc, thiết bị hết sức kỹ càng, chẳng khác gì một phi hành gia bay vào vũ trụ.

Việc liên hệ với người dân Hạ Lôi để có được ý kiến về các biện pháp phòng dịch khó khăn hơn rất nhiều bởi tâm lý ngại lên hình. Nhiều người dân ở đây rất chủ quan, vẫn đi làm, vẫn tập trung đông người ngay khi nơi đây trở thành ổ dịch. Để có được phỏng vấn, tôi phải thuyết phục và làm công tác tư tưởng rất nhiều, với hình thức lên hình giấu mặt. Không như ở Sơn Lôi, lần này chúng tôi không được tiếp cận vòng trong, nên phải sử dụng flycame để quay những hình ảnh sinh động về cuộc sống người dân trong vùng dịch. Tác nghiệp xong, chúng tôi lại lập tức sát khuẩn tay, phương tiện và ô tô trước khi rời khỏi hiện trường. Đó là những công việc thường xuyên để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm.

Cứ như vậy, hằng ngày, nhóm phóng viên vòng ngoài của Vnews tác nghiệp và phản ánh đầy đủ những diễn biến về dịch bệnh, đặc biệt là nhịp sống tại các vùng dịch trên cả nước. Chúng tôi cố gắng tiếp cận và có được những thông tin thời sự sinh động và chân thực nhất, chuyển nhanh về Trung tâm, đáp ứng nhu cầu thông tin của khán giả.

Ở góc độ cá nhân, sau mỗi chuyến tác nghiệp, bản thân tôi luôn ý thức rằng, bất cứ lúc nào mình cũng có thể nhiễm virus SARS-CoV-2. Do vậy, trong thời gian này, tôi hạn chế tiếp xúc với mọi người. Sau mỗi chuyến đi, tôi trở về nhà và mở máy tính cập nhật thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để chuẩn bị cho chuyến đi tiếp theo. Mọi cuộc hẹn đều bị hủy, thay vào đó là những dòng tin nhắn, cuộc gọi điện thoại hỏi thăm từ bạn bè, người thân liên tục gửi đến.

Đã lâu không đặt chân vào trong trụ sở làm việc của Truyền hình Thông tấn tại 33 Lê Thánh Tông, tôi và anh em phóng viên vòng ngoài đều chung tâm trạng, về đến “nhà”, nhớ “nhà” mà không dám vào, vì nếu không may mắc COVID-19, có thể lây sang những người xung quanh, ảnh hưởng đến khung sóng của Vnews.

Tác nghiệp trong mùa dịch COVID-19 là quãng thời gian đặc biệt không thể nào quên trong đời làm phóng viên của tôi. Nó buộc chúng tôi phải hình thành một phong cách, phương thức tác nghiệp mới, chưa có tiền lệ, hoàn toàn khác với những gì chúng tôi được học, được làm trước đó. Quan trọng hơn cả, với phóng viên thời sự như tôi, đó là sự thích nghi, để hoàn thành tốt công việc chuyên môn và cuộc sống thường nhật./.

Công Định
Nội san Thông tấn số 4/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 60 năm kết nghĩa TTXVN-Sư đoàn 304: Trong niềm vinh dự, tự hào (29/04/2020 11:02:49)

Thông tin về dịch COVID-19: Ra mắt website "Thống kê dịch COVID-19" (29/04/2020 10:46:17)

Thông tin về dịch COVID-19: Vững tin vượt qua đại dịch (29/04/2020 10:43:45)

Thông tin về dịch COVID-19: Thích nghi để hoàn thành nhiệm vụ (29/04/2020 10:41:11)

Thông tin về dịch COVID-19: Khi bộ máy “phòng bị” được kích hoạt  (29/04/2020 10:40:20)

Thông tin về dịch COVID-19: 90 ngày xông pha vào các điểm nóng (29/04/2020 10:38:17)

Tiến tới Đại hội Liên chi hội Nhà báo TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Thay đổi để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới (29/04/2020 10:28:10)

Tiến tới Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ 2020-2025: Đã có 37/45 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội (29/04/2020 10:22:56)

Thêm một cuốn sách về chủ đề biển đảo (29/04/2020 10:21:15)

Tiếp nhận vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 (24/04/2020 12:35:29)