Thứ bảy, ngày 22/06/2024

Giải báo chí

Thử thách với loại hình báo chí mới


(04/06/2024 09:59:36)

Xu hướng báo chí đa nền tảng, đa phương tiện đang phát triển mạnh mẽ và báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Số lượng và chất lượng sản phẩm báo chí đa phương tiện của tòa soạn ngày càng tăng và được đông đảo công chúng ghi nhận. Trong đó, talkshow "Cấp bách xử lý nạn bạo lực học đường" của phóng viên Lê Vân đã vinh dự được Hội đồng Giải báo chí TTXVN năm 2023 trao giải B ở hạng mục điện tử.

Phóng viên Lê Vân (thứ hai từ trái sang) tác nghiệp tại chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 8 diễn ra tại Lào Cai, tháng 4/2024

Chọn talkshow cho vấn đề nóng
 
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, vấn đề bạo lực học đường đã làm nóng nghị trường Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành. Nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn nạn bạo lực học đường cũng như những giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm giảm thiểu tình trạng này. Bạo lực học đường là vấn đề không mới nhưng giải pháp căn cơ luôn là câu hỏi riết gióng mà đại biểu, cử tri đặt ra với các đơn vị làm chính sách.
 
Điều đáng nói, khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vừa kết thúc, liên tiếp những vụ bạo lực học đường xảy ra và ngày càng gia tăng về tính chất. Những vụ việc không chỉ dừng ở bạo lực giữa học sinh với học sinh, mà còn giữa giáo viên với học sinh. Đỉnh điểm là sự việc gây chấn động dư luận khi xuất hiện những thước phim học sinh đuổi giáo viên trong lớp học và ném dép vào cô giáo ở Tuyên Quang.
 
Luôn sát sao trong công tác chỉ đạo các vấn đề nóng, Ban biên tập báo Tin tức đã nêu vấn đề này ngay trong cuộc họp giao ban đầu tuần, đồng thời khuyến khích phóng viên triển khai talkshow.
 
Talkshow Cấp bách xử lý nạn bạo lực học đường diễn ra đúng tâm điểm khi dư luận đang băn khoăn về bạo lực học đường và giải pháp ngăn chặn. Tác phẩm đưa ra cái nhìn khách quan để ngành giáo dục, các bên liên quan có trách nhiệm giải quyết. Cụ thể, khi giáo viên phản ánh những thực trạng trong trường học và mong muốn từ cơ sở thì phía Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ những phối hợp với địa phương trong xử lý các vụ việc cụ thể. Đồng thời, đẩy nhanh những chính sách trong đào tạo giáo viên, bổ sung những khuyết thiếu trong tham vấn tâm lý học đường…
 
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh công tác giám sát, kiểm tra của Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; nêu rõ những giải pháp, tác động về luật trong thời gian tới, cụ thể là Luật Nhà giáo sẽ được đưa vào chương trình luật năm 2024. Điều này tạo cơ hội cho nhà giáo được tự khẳng định, có môi trường công tác lành mạnh, an toàn để phát huy vai trò và trách nhiệm của nhà trường…
 
Đây cũng là talkshow đầu tiên và sớm nhất về vấn đề này, tập hợp ý kiến có sức nặng từ nhiều phía. Ngay sau talkshow của báo Tin tức, một loạt cơ quan báo chí như: VTV, VTC hay báo điện tử cũng tổ chức tọa đàm về vấn đề này.
 
Tác động rõ nhất sau tuyến thông tin này là sự vào cuộc mạnh mẽ của địa phương, các cấp, ngành trong việc giải quyết vấn nạn bạo lực học đường. Lời cam kết của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn được hiện thực hóa trong các hoạt động trải nghiệm ở các nhà trường, bổ sung sự thiếu hụt nhân sự tư vấn tâm lý học đường…
 
Niềm vui khi vượt khó
 
Talkshow là một loại hình báo chí khó, nhất là khi các phóng viên, biên tập viên đều không phải là người từng làm truyền hình. Và tôi - một phóng viên báo viết, khi thực hiện talkshow đã vừa làm MC vừa làm chủ chương trình, đảm bảo được sự linh hoạt, nhịp nhàng cũng như chất lượng nội dung.
 
Hiểu được điều đó, Ban biên tập báo Tin tức đã xây dựng một quy trình khá chặt chẽ, từ kịch bản chi tiết, chuẩn bị các tình huống phát sinh đến việc yêu cầu phóng viên phải là chuyên gia hiểu biết về vấn đề. Chính nhờ sự khắt khe, nghiêm cẩn ấy, chúng tôi đã có những sản phẩm chất lượng và đầy tính cạnh tranh.
 
Trong quá trình thực hiện talkshow, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu mời khách, bởi khách mời nhận lời tham gia đầy đủ trước giờ lên sóng chỉ vài tiếng. Rất may mắn, talkshow đã có sự tham gia của các vị khách rất chất lượng, đại diện đầy đủ các chủ thể. Đó là bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; đại diện Bộ GD&ĐT và giáo viên của một trường điểm ở Hà Nội.
 
Phóng viên Lê Vân và các khách mời tại talkshow “Cấp bách xử lý nạn bạo lực học đường”, tháng 12/2023

Sau khi đóng máy chương trình, tác phẩm được tập trung hoàn thiện trong thời gian nhanh nhất có thể để vừa đáp ứng được thông tin thời sự, vừa kịp thời đưa ra những nhận định đa chiều.
 
Talkshow là chương trình đưa tôi đi qua rất nhiều cảm xúc: lo lắng, hồi hộp, sẵn sàng cho công việc, thất vọng khi khách mời báo hủy vào phút chót… cho đến niềm vui khi sản phẩm lên trang và đón nhận sự khích lệ của đồng nghiệp cũng như độc giả.
 
Cứ thế, từng bước, mỗi phóng viên báo Tin tức đều vượt qua chính mình, lần lượt tham gia sản xuất báo chí đa phương tiện, thêm một bước tiến về nghề trong thời đại công nghệ 4.0.
Nghề báo đã cho chúng tôi “máu liều”, sự dấn thân và tâm lý tiếp nhận phê bình, không ngại bị chê. Chính từ những điều chưa hoàn thiện đó, chúng tôi dần điều chỉnh để có thể đáp ứng yêu cầu thông tin và góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị./.

Lê Vân - Báo Tin tức
Nội san Thông tấn số 5/2024