Thứ tư, ngày 24/04/2024

Tin tức trong ngành

Tokyo "mùa" COVID-19


(31/03/2020 10:46:45)

Tháng 3/2011, trận động đất có cường độ lên tới 9 độ đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của gần 16.000 người và gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Hai tuần sau thảm họa, hoa anh đào vẫn nở rộ ở Tokyo. Các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú luôn ra đường với chiếc khẩu trang vì sợ nhiễm phóng xạ. Chín năm sau, kịch bản tương tự lại tái diễn nhưng chỉ khác rằng, giờ đây, khẩu trang được dùng để phòng ngừa dịch COVID-19.

Phóng viên Đào Thanh Tùng, CQTT TTXVN tại Tokyo (Nhật Bản), dẫn hiện trường tại Tokyo, thasng3/2020

Ngày 16/1, Nhật Bản phát hiện trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Kể từ đó, cuộc sống của người dân Tokyo bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều người phải từ bỏ thói quen đi nhậu sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhiều gia đình không còn đi chơi công viên vào cuối tuần. Các hàng quán đều vắng khách, nhiều con phố trước đây rất tấp nập, giờ trở nên vắng tanh. Một bầu không khí lo lắng và cảnh giác đang bao trùm lên người dân ở thành phố này.

Không phải SARS-CoV-2, điều nhiều người lo lắng nhất hiện nay là sự khan hiếm hàng hóa thiết yếu phục vụ cho việc phòng dịch. Đó là điều chưa từng xảy ra ở Tokyo, ngay cả sau trận động đất ngày 11/3/2011. Lần này, các mặt hàng mà người dân Tokyo tích trữ là khẩu trang, cồn diệt khuẩn, giấy vệ sinh và nước rửa tay. Hiện nguồn cung giấy vệ sinh và nước rửa tay đã ổn định trở lại nhưng các cửa hàng đều quy định hạn mức bán cho mỗi người.

Riêng khẩu trang và cồn diệt khuẩn vẫn khan hiếm bất chấp nỗ lực của Chính phủ nhằm tăng nguồn cung và bình ổn thị trường. Kể từ cuối tháng 2/2020 đến nay, hầu hết các cửa hàng ở Tokyo đều không còn bày bán hai mặt hàng thiết yếu này. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân Tokyo.

Tuy nhiên, chúng tôi đã có sự chuẩn bị tốt để đối phó với thách thức mới. Vài ngày trước khi người dân Tokyo đổ xô đi mua khẩu trang, giấy vệ sinh, nước rửa tay và lương thực, chúng tôi đã nhắc nhau đi mua tích trữ các mặt hàng này. Bên cạnh đó, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi đã thực hiện triệt để các biện pháp phòng, tránh như đeo khẩu trang khi đi ra đường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn diệt khuẩn, hạn chế đến nơi đông người, sử dụng ô tô của cơ quan thay vì các phương tiện công cộng khi đi tác nghiệp…

Chúng tôi hiểu rằng, nguy cơ lây nhiễm ở Tokyo vẫn rất cao, đặc biệt là nếu Nhật Bản quyết định tổ chức Olympic theo đúng kế hoạch vào cuối tháng 7 tới. Chúng tôi luôn duy trì cảnh giác cao độ trước dịch bệnh trong lúc nỗ lực hết sức để phản ánh một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời các diễn biến mới nhất của dịch bệnh ở Nhật Bản cũng như tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước này.
 
Phóng viên Sơn Bách và Phan Hải Tùng Lâm, báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) phỏng vấn sinh viên ở ký túc xá Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội

Lại một mùa hoa anh đào nữa sắp qua đi, những cánh hoa rực rỡ rồi sẽ lụi tàn. Cùng với người dân ở xứ Phù Tang, chúng tôi đều hy vọng nỗi lo dịch bệnh sẽ tan biến theo những cánh hoa anh đào mong manh đó.

Đào Thanh Tùng - Trưởng CQTT tại Tokyo (Nhật Bản)
Nội san Thông tấn số 3/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ứng dụng AI để thông tin nhanh (31/03/2020 10:45:31)

Chuyến tác nghiệp nhớ đời (31/03/2020 10:44:11)

Đại hội Chi hội nhà báo Cơ quan khu vực miền Trung-Tây Nguyên (31/03/2020 10:35:55)

Gắn hoạt động Đoàn với chuyên môn, nghiệp vụ (31/03/2020 10:33:49)

Phát động phong trào thi đua năm 2020 (31/03/2020 09:26:45)

Giải âm nhạc Cống hiến 2020: Xác nhận chủ nhân của 9 hạng mục  (25/03/2020 17:56:28)

Vũ điệu “Ghen Cô Vy” của thanh niên Thông tấn (20/03/2020 14:33:13)

Cập nhật nhanh và chính xác thông tin về COVID-19 trong nước và thế giới (13/03/2020 16:16:01)

Đại hội Đảng bộ cơ sở Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn nhiệm kỳ 2020-2025 (12/03/2020 17:59:01)

Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc (09/03/2020 16:59:38)