Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Trách nhiệm người cầm bút


(04/06/2018 08:51:47)

Chùm bài “Hà Nội bùng phát sốt xuất huyết” của tác giả Nguyễn Phương Liên (báo Tin tức) vừa vinh dự được trao giải A, Giải báo chí TTXVN năm 2017. Nội san Thông tấn giới thiệu những chia sẻ của tác giả về quá trình tác nghiệp thực hiện chùm bài nói trên.

PV Nguyễn Phương Liên (thứ hai bên trái) cùng các đồng nghiệp tại tòa soạn báo Tin tức


1. Thông thường, các tháng 10 - 11 hằng năm là cao điểm về sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội, nhưng ngay từ đầu năm 2017, dịch đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp và đến tháng 5 đã ghi nhận một người tử vong do SXH và số ca mắc lên đến hơn 800. Lo ngại dịch bệnh lây lan, tôi đã liên hệ với đại diện ngành y tế Hà Nội để tìm hiểu về thực trạng và các giải pháp để ngăn chặn dịch. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được là: Đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch xuống tới xã, phường và yêu cầu chính quyền vào cuộc...
 
Đến tháng 8/2017, Hà Nội ghi nhận tới 7 ca tử vong (theo thông báo chính thức của ngành y tế), số mắc mới từ 2.500 - 2.900 ca/tuần. Khi đó, dường như ở đâu và bất kỳ thời điểm nào cũng thấy người dân lo lắng, chia sẻ về việc người thân bị SXH, hỏi nhau cách xét nghiệm, cách tự phun hóa chất diệt muỗi...
 
Nhưng phải vào các bệnh viện, tận mắt chứng kiến cảnh 2 đến 3 người/giường bệnh, còn người thân mệt mỏi dựa lưng vào tường trông ngóng, hy vọng... mới cảm nhận được phần nào những hệ lụy khủng khiếp của dịch SXH.
 
Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ: Từ cuối tháng 7/2017, lần lượt con trai, chồng, cháu, em bị mắc SXH. Chị đã báo với tổ dân phố, đề nghị được phun hóa chất khu vực nhà mình, nhưng tổ trưởng dân phố cho biết, quy định nhà có ba người mắc bệnh và phải nằm viện mới được phun thuốc. Biết là cấp cơ sở sai, vì chỉ một bệnh nhân cũng đã được coi là ổ dịch và cần phun thuốc triệt để, nhưng chị vẫn đành phải chịu.
 
Từ những câu chuyện thực tế và những lần tiếp xúc với các bệnh nhân, câu hỏi nguyên nhân thực sự khiến dịch SXH lây lan do đâu, làm thế nào để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, cứ thôi thúc tôi tìm hiểu làm rõ, với hy vọng góp thêm tiếng nói để ngăn chặn dịch SXH chưa có dấu hiệu lắng xuống.
 
2. Ban đầu, tôi cũng có đôi chút đắn đo khi triển khai loạt bài theo hướng phóng sự điều tra, bởi như vậy đồng nghĩa với việc phải xâm nhập thực tế để phát hiện những vấn đề bất cập, phải gặp nhiều chuyên gia và sẽ phải “va chạm” với đại diện của cơ quan chức năng để “truy” nguyên nhân những tồn tại và các giải pháp khắc phục... Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định chọn thể loại này, vì như vậy sẽ có “đất” làm rõ vấn đề nóng đang ảnh hưởng đến đời sống của người dân Thủ đô.
 
Quả nhiên sau đó, trong quá trình thực hiện, không ít lần, tôi nhận được lời từ chối cung cấp thông tin bức xúc về công tác phun hóa chất, diệt bọ gậy... (dù trước đó người dân đồng ý hẹn gặp); hoặc một số người cung cấp thông tin rồi lại xin rút, đề nghị không đăng bài vì sợ phiền hà có thể xảy ra ở nơi cư trú. Thậm chí, ngay sau khi bài đầu tiên của loạt bài với tựa đề “Xì tiền” mới được phun hóa chất triệt để” được đăng tải sáng 24/8, đại diện phường Láng Thượng, quận Đống Đa - nơi ra văn bản sai quy định về phòng chống dịch SXH - còn tìm cách tác động, yêu cầu báo Tin tức gỡ bài, ngừng đăng các bài tiếp theo. Họ giải thích, việc ban hành hướng dẫn phun hóa chất với nội dung “hộ gia đình (nhà riêng) chỉ phun ở tầng 1 và hướng vòi phun lên tầng 2; chung cư cũ phun từ tầng 5 trở xuống; chung cư mới xây dựng phun từ tầng 3 trở xuống...” là lỗi đánh máy. Tại cuộc họp triển khai phun hóa chất, họ đã phát hiện lỗi này, chỉ là chưa kịp thu hồi văn bản, chứ công tác phun hóa chất diệt muỗi vẫn đúng quy trình.
 
Chiều cùng ngày, UBND phường Láng Thượng còn gửi một biên bản họp có đầy đủ chữ ký của đại diện các tổ dân phố, công an... tiếp tục khẳng định đó chỉ là lỗi đánh máy, việc phun hóa chất đúng quy định của Bộ Y tế. Tôi rất bức xúc trước những phản ứng của phường Láng Thượng, vì thực tế, ngoài văn bản sai, nhiều hộ dân đã phản ánh, cán bộ y tế chỉ phun thuốc ở tầng 1 và dễ dàng bỏ qua nếu nhà ai đóng cửa...
 
Sau khi nghe tôi báo cáo những thông tin nêu trên, ban biên tập báo Tin tức đã tin tưởng, động viên tôi tiếp tục thu thập thêm tư liệu, chứng cứ để đăng tải các số tiếp theo của loạt bài như dự kiến.
 
Chưa hết, vì nhiều lý do trong mối quan hệ với Hà Nội, nên một số chuyên gia dịch tễ đầu ngành cũng từ chối khéo khi tôi đề nghị phỏng vấn về các giải pháp đối phó với dịch SXH. Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, đại diện Trung tâm y tế dự phòng cũng gọi điện cho tôi, tỏ ý “nặng, nhẹ”, đề nghị giảm thông tin phê phán trong những bài tiếp theo.
 
Thực sự, lúc đó tôi khá tâm tư. Đã nhiều năm theo dõi ngành y tế, với nhiều cán bộ lãnh đạo ngành y tế Thủ đô, tôi là người đã rất “quen mặt, biết tên”. Tôi cũng hiểu thời điểm đó, các cán bộ y tế rất vất vả, nhiều người bị SXH vẫn phải cố gắng đi phòng chống dịch. Nhưng rõ ràng, khi dịch SXH đã bùng phát, chỉ riêng ngành y tế Hà Nội thì không thể giải được bài toán ngăn chặn dịch. Công tác phòng chống dịch khi ấy đang tồn tại thực tế “trên nóng, dưới lạnh”, bắt buộc phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nếu không, chắc chắn dịch bệnh sẽ ngày một lan rộng.
 
Khi đã xác định rõ điều đó, tôi thấy nhẹ lòng hơn, tự nhủ cần phải nhanh chóng thu thập thêm tư liệu để sớm hoàn thành loạt bài với những thông tin đa chiều và đầy đủ nhất. Tín hiệu tích cực là sau khi loạt bài được đăng tải, nhiều PV báo bạn đã liên hệ, đề nghị được chia sẻ thông tin để viết lại đề tài này. Đặc biệt, tôi đã nhận được những phản hồi tốt từ phía độc giả, từ chính cán bộ y tế dự phòng và cả Sở Y tế Hà Nội. Đại diện ngành y tế Hà Nội đã nhiều lần gọi điện cho PV đề nghị trao đổi thông tin để tăng cường giám sát tại địa bàn xảy ra bất cập, xử lý nhân viên y tế nhận tiền mới phun hóa chất... Thông tin từ loạt bài được báo cáo lên UBND TP. Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức họp kiểm điểm, tăng cường giám sát công tác phun hóa chất, diệt bọ gậy trên địa bàn... UBND phường Láng Thượng, nơi bị phê phán, sau đó cũng đã họp, sửa sai, mời tôi chứng kiến việc phun lại hóa chất diệt muỗi trên toàn phường...
 
Những tác động xã hội có được từ loạt bài viết đã khích lệ và động viên tôi tiếp tục theo đuổi, thực hiện nhiều tin, bài về phòng chống SXH cho đến khi dịch bệnh nguy hiểm này tại Hà Nội “giảm nhiệt” vào cuối năm 2017.
 

Nếu thường xuyên phải chứng kiến cảnh người bệnh sốt xình xịch vẫn mệt mỏi chờ khám bệnh, hay phải nhìn những người mẹ thất thần, đôi mắt đỏ hoe khi các chỉ số xét nghiệm của con trẻ xấu đi... bạn cũng như tôi, thấy thôi thúc phải viết gì đó về dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, những ngày tháng 8/2017.

Phương Liên
Nội san thông tấn số 5/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nơi phụ nữ là "phái mạnh" (02/04/2018 15:16:07)

Nơi tình yêu bắt đầu (22/02/2018 16:24:37)

"Chào năm mới" trên sóng Vnews (22/02/2018 09:55:16)

Công ty TNHH MTV In và Thương mại: Năm mới niềm vui mới (13/02/2018 15:51:20)

Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam: Ngày mai bắt đầu từ hôm nay (13/02/2018 15:49:08)

Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên: Mốc son trên đường phát triển (13/02/2018 15:46:01)

Báo điện tử VietnamPlus: Bắt nhịp xu hướng báo chí mới (13/02/2018 15:43:31)

Báo Tin tức: Đột phá 2017 (13/02/2018 15:35:22)

Ban Thư ký biên tập và Quan hệ đối ngoại: Trải nghiệm khó quên (13/02/2018 15:32:49)

Trung tâm truyền hình Thông tấn: Những sắc màu tươi sáng (13/02/2018 15:22:42)