Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tin tức trong ngành

Trải lòng của phóng viên xa xứ nhiễm COVID-19


(08/02/2021 16:28:16)

Còn nhớ Tết năm ngoái, khi dịch bệnh mới xuất hiện, tôi làm tin đếm từng ca nhiễm mới ở Ấn Độ. Nhưng Tết năm nay, tôi đã có cả một câu chuyện dài để kể cho gia đình và người thân, bạn bè, đồng nghiệp về những trải nghiệm đáng nhớ trong nhiệm kỳ của mình, về cảm giác của một phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xa xứ nhiễm COVID-19, vẫn vững bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để giữ cho dòng thông tin không ngừng chảy.


Ấn Độ - với tất cả những tuyên bố của giới lãnh đạo nước này như một cường quốc đang trỗi dậy và tiếng nói ngày càng có sức nặng trên trường quốc tế, thực ra vẫn là một đất nước đang phát triển ở trình độ thấp; dân số nghèo (hơn 360 triệu người tính theo chỉ số nghèo đa chiều), dân trí thấp (tỷ lệ biết chữ trung bình cả nước chỉ khoảng 74%), người dân không có thói quen chấp hành pháp luật, tâm lý chủ quan, coi nhẹ dịch bệnh phổ biến trong chính quyền và xã hội, cơ sở hạ tầng y tế yếu kém, thiếu hụt các nguồn lực… Đó thực sự là một mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng virus SARS-CoV-2.

Phóng viên CQTT TTXVN tại New Delhi Huy Lê tại bệnh viện AIIMS trong ngày Ấn Độ triển khai chương trình tiêm phòng COVID-19 trên toàn quốc, tháng 1/2021

Thấm thía “miễn dịch cộng đồng”
 
Ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, khi Thủ tướng Modi kêu gọi người dân phải “học cách sống chung với virus”, tôi hết sức ngạc nhiên, tự hỏi tại sao một người đứng đầu đất nước lại đưa ra tuyên bố kiểu thỏa hiệp như vậy.
 
Thế rồi đến cuối tháng 5/2020, giữa lúc cao điểm của lệnh phong tỏa toàn quốc và số ca nhiễm tại nước này không ngừng gia tăng (khoảng 8-10 nghìn ca/ngày), Chính phủ Ấn Độ lại tổ chức hàng nghìn chuyến tàu Shramik đặc biệt để đưa nhiều triệu lao động di cư mắc kẹt tại các đô thị trở về quê nhà. Giới chuyên gia đánh giá, đây là giải pháp có nguy cơ cao, làm phát tán virus SARS-CoV-2 trên diện rộng, khi những người di cư mang trên mình mầm bệnh và tỏa đi khắp mọi miền của đất nước, đưa virus tới tận những vùng nông thôn hẻo lánh với cơ sở hạ tầng y tế nghèo nàn.
 
Khi ấy, tôi chợt nghĩ đến một thuật ngữ mà người ta vẫn thường nhắc đến - “miễn dịch cộng đồng”. Liệu có khi nào mình sẽ gia nhập cái “cộng đồng” đó không nhỉ? Đất nước hơn một tỷ ba dân cơ mà. Tôi hoài nghi cái viễn cảnh xa vời đó.
 
Những tháng sau đó, Ấn Độ lần lượt leo thang trên bảng xếp hạng COVID-19 để trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, nhưng lại lập kỷ lục ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất thế giới, khoảng 80-90 nghìn người nhiễm/ngày, vào tháng 9/2020. Không chỉ dừng ở đó, các cuộc khảo sát huyết thanh cho thấy, tỷ lệ virus lưu hành trong xã hội Ấn Độ rất lớn, số người nhiễm trên thực tế cao gấp hàng chục lần con số công bố chính thức. Gần đây, tốc độ lây nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ giảm đáng kể, chỉ khoảng 20.000 ca/ngày. Nhưng đó chẳng phải tín hiệu lạc quan gì, bởi một lần nữa, cụm từ “miễn dịch cộng đồng” lại xuất hiện. Theo các chuyên gia, khi đã có quá nhiều người nhiễm virus, chuỗi lây lan tự nhiên sẽ bị phá vỡ. Vấn đề là, COVID-19 nhan nhản trong xã hội như vậy, biết đường nào mà tránh.
 
Tôi đã nhiễm COVID-19!
 
Đầu tháng 10/2020, kịch bản mà tôi lường trước cuối cùng cũng đã đến. Cảm giác khi nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 thật lẫn lộn. Bình tĩnh lúc ban đầu có, hoang mang trong diễn biến tâm lý cũng có, nhưng mệt mỏi mới là thứ ngự trị cơ thể trong phần lớn thời gian. Biểu hiện rõ rệt nhất đối với tôi có lẽ là mất khứu giác, ê ẩm mình mẩy và váng đầu, đặc biệt là khi nhìn vào màn hình máy tính hay điện thoại.
 
Trước đó ít ngày, vào cuối tuần, tôi và một số anh em trong sứ quán rủ nhau chơi thể thao ngoài trời. Cứ nghĩ do lâu ngày không chơi, lại phơi nắng cả buổi mà không mũ nón gì thì mệt mỏi là lẽ đương nhiên. Nhưng có sự khác biệt rõ rệt trong trạng thái ê ẩm đó. Tôi cũng hay chơi một số môn thể thao nhưng thường chơi xong chỉ mỏi khoảng 2-3 ngày và đến ngày thứ tư thì khỏe và sảng khoái hơn rất nhiều. Nhưng lần này không như vậy!
 
Không những cơ thể vẫn uể oải mà đầu óc cũng không được tỉnh táo, lúc nào cũng mông lung như người đi làm đêm về, đặc biệt, trí nhớ ngắn hạn bị suy giảm rõ rệt. Tôi rất hiểu cảm giác này, vì trước khi sang công tác nhiệm kỳ tại Ấn Độ, trong 10 năm liền, mỗi tuần tôi đều trực 2-3 ca đêm. Mỗi khi hết ca đêm về là người vật vờ cả ngày cho dù có ngủ bù cả chiều hôm đó. Lần này, cảm giác đó lại xuất hiện mà tôi đâu có thức đêm. Trong khoảng 2-3 đêm trước khi biết mình nhiễm bệnh, nằm trên giường, tôi thấy cổ họng khô rát, dậy uống ngụm nước cũng không thể vơi đi cảm giác đó. Tôi chợt nghĩ đến COVID-19, hay mình dính virus rồi. Và rồi cái gì đến cũng đã đến. Tôi đã nhiễm COVID-19!
 
Trong thời gian dưỡng bệnh, theo quy định của nước sở tại, tôi  phải tự cách ly tại nhà 17 ngày sau đó sẽ được ra ngoài mà không cần phải xét nghiệm lại, cũng chẳng có người nào tới điều tra truy dấu tiếp xúc. Hay thật! Nếu như ở Việt Nam, chắc chắn tôi và gia đình sẽ bị “bốc” đi cách ly tập trung ngay lập tức, còn toàn bộ tòa nhà và khu vực xung quanh sẽ bị phong tỏa. Một chiến dịch truy vết quy mô lớn để xác định các F2, hay thậm chí là F3 sẽ được khởi động. Nghe có vẻ lạ nhưng cách làm của Ấn Độ đã phơi bày đầy đủ hiện trạng dịch bệnh tại xứ sở thần thoại và sử thi này. Ở Việt Nam, nếu những người nhiễm COVID-19 trong cộng đồng là “của hiếm”, giống như những “ngôi sao” thu hút sự quan tâm, săn đón của dư luận và xã hội, thì ở đây, tôi chỉ như hạt cát trên sa mạc, ngọn cỏ trong rừng cây hay một trong muôn vàn con sóng xô bờ giữa đại dương bao la mà thôi.
 
Sẵn sàng đón Tết cùng dịch bệnh
 
Virus đã áp đảo tất cả các “hệ thống phòng thủ” của Ấn Độ để len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội. Hành động mau lẹ của chính quyền là Thủ tướng Modi thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc chỉ sau 4 tiếng ban bố, tái hiện cảnh đường phố vắng lặng như ngày tận thế vốn chỉ xuất hiện trên màn ảnh. Đâu đó chỉ còn lấp ló bóng hình của cảnh sát và những con bò lang thang. Nhưng vẫn không thể kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh.
 
Giờ đây, virus đã có mặt ở khắp mọi nơi, đến nỗi người ta dường như đã quá quen thuộc và quên đi sự hiện diện của thứ quái ác đang hoành hành khắp năm châu. COVID-19 tại Ấn Độ đã không còn là chủ đề ưu tiên trong mỗi câu chuyện nữa. Chỉ còn những chiếc khẩu trang đeo chiếu lệ như chứng tích của một cơn bạo bệnh đã tàn phá dữ dội một thể trạng kinh tế vốn mong manh.  
 
Phải mất nhiều ngày để khứu giác của tôi khôi phục hoàn toàn và khứu giác phục hồi đến đâu tôi cảm thấy mình khỏe ra đến đó. Nhưng COVID-19 gây ra những tác động lâu dài hơn các loại cúm thông thường. Nhiều tuần sau khi khỏi bệnh, tôi có uống bia, chỉ một cốc với nhiều đá, vậy mà vẫn cảm thấy nặng đầu, người vật vờ như hồi bị bệnh. COVID-19 ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe bệnh nhân, vì nó tác động trực tiếp đến tim, phổi và não, điều mà Tổ chức Y tế thế giới và các nghiên cứu khác đã chỉ ra.
 
Nếu nói chống COVID-19 là cuộc chiến của nhân loại, thì với phóng viên thường trú ngoài nước như chúng tôi, có lẽ là cuộc chiến của những phóng viên chiến trường nơi tiền tuyến. Ở đó, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những rủi ro, cho bản thân và cho cả gia đình, như một phần tất yếu của cái nghiệp đang theo đuổi, bằng ngọn lửa đam mê.
 
Một khu chợ tấp nập giữa cao điểm dịch COVID-19 ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ), tháng 10/2020

Còn nhớ Tết năm ngoái, khi dịch bệnh mới xuất hiện, tôi làm tin đếm từng ca nhiễm mới ở Ấn Độ. Nhưng Tết năm nay, tôi đã có cả một câu chuyện dài để kể cho gia đình và người thân, bạn bè, đồng nghiệp về những trải nghiệm đáng nhớ trong nhiệm kỳ của mình, về cảm giác của một phóng viên xa xứ nhiễm COVID-19, vẫn vững bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để giữ cho dòng thông tin không ngừng chảy.

Huy Lê - Trưởng CQTT tại New Delhi (Ấn Độ)
Nội san Thông tấn số Xuân 2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thư chúc Tết Tân Sửu 2021 của Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi (08/02/2021 16:25:04)

Học online thời COVID-19 (08/02/2021 16:08:27)

Chúc mừng đồng chí Lê Quốc Minh trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (08/02/2021 16:07:55)

Đại hội XIII của Đảng: Khẳng định vị thế tin nguồn (08/02/2021 15:54:38)

Đại hội XIII của Đảng: Xây dựng kế hoạch chi tiết và khoa học (08/02/2021 15:53:32)

Đại hội XIII của Đảng: Thông tin đầy đủ, khách quan tới bạn bè quốc tế (08/02/2021 15:52:37)

Đại hội XIII của Đảng: Góp phần vào thành công chung (08/02/2021 15:49:52)

Đại hội XIII của Đảng: Vào cuộc tích cực (08/02/2021 15:40:56)

Đại hội XIII của Đảng: Đảm bảo đường truyền thông suốt (08/02/2021 15:39:17)

Đại hội XIII của Đảng: Ra mắt sách “Việt Nam-35 năm đổi mới 1986-2021” (08/02/2021 15:37:51)