Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

TTXGP đưa tin sớm nhất trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành


(04/11/2019 09:32:59)

Bí thư Khu ủy V Võ Chí Công thăm Phòng kỹ thuật TTXGP Trung Trung Bộ tại căn cứ

Ngày 7/5/1965, quân Mỹ đổ bộ vào cảng Kỳ Hà, huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Trong một thời gian ngắn, Mỹ đưa 5 tiểu đoàn của Sư đoàn 1 gồm: Công binh, pháo 105 ly và 155 ly, xe bọc thép M113, M118, 5 phi đoàn bay trực thăng, 1 phi đoàn bay phản lực tiêm kích. Chúng tiến hành khủng bố, đuổi dân đi nơi khác để lấy đất xây dựng căn cứ Chu Lai.

Quân ngụy lúc này gượng dậy, tổ chức phản công, mức độ ác liệt của chiến tranh tăng lên đã làm tâm lý “ngại Mỹ” xuất hiện. Ở một số nơi, có hiện tượng du kích không dám đánh Mỹ, một bộ phận quần chúng thiếu tin tưởng vào khả năng đấu tranh chính trị với quân Mỹ, vì ngôn ngữ bất đồng. Đặc biệt là phụ nữ rất ngại đấu tranh với lính Mỹ vì chúng hay bắn giết bừa bãi, hãm hiếp trắng trợn, dã man. Vấn đề quan trọng hàng đầu của của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng lúc bấy giờ là làm cho mọi người có tinh thần dám đánh Mỹ rồi biết cách đánh Mỹ, kiên trì phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”, giải tỏa kịp thời những băn khoăn lo lắng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Trung ương Cục miền Nam và Khu ủy V đã phát động cao trào “Toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Bộ tư lệnh Quân khu 5 triệu tập hội nghị quân chính, hội nghị du kích chiến tranh và phát động phong trào “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”…
Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định chọn Núi Thành làm điểm đột phá đầu tiên, giao nhiệm vụ này cho Đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam nghiên cứu các phương án tổ chức trận đánh.
 
Thu, phát tin, ảnh tại căn cứ của TTXGP

Đúng 18 giờ ngày 25/5/1965, Đại đội 2 và 12 chiến sỹ đặc công (được tăng cường) thuộc Đại đội Đặc công 16 xuất kích. Vào 0 giờ 30 phút ngày 26/5/1965, các hướng đồng loạt khai hỏa, dùng lựu pháo, thủ pháo đánh chiếm công sự vòng ngoài sau đó phát triển vào trong, tấn công phủ đầu quân Mỹ. Do chủ động tấn công, chỉ gần 30 phút chiến đấu, quân ta đã chiếm lĩnh cả hai ngọn đồi 49 và 50, tiêu diệt gần hết đại đội địch (gần 180 tên) thuộc Sư đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng quân Mỹ xâm lược” được cắm trên đỉnh đồi báo tin vui chiến thắng.

Trong cuốn hồi ký dày 392 trang với nhan đề “Nơi ấy tôi đã sống” (NXB Chính trị quốc gia, tháng 5/2003), đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Chỉ huy trưởng trận Núi Thành đã dành 17 trang kể tường tận về trận đầu thắng Mỹ lẫy lừng ấy, trong đó hai trang 111 và 112 có đoạn khá lý thú nói về việc thực hiện nghiệp vụ của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN):

“…Sau trận đánh, tôi điện về Khu báo cáo tình hình. Vừa đến cơ quan Quân khu đóng ở Nước Trắng, Trà My, anh Hai Mạnh (đồng chí Chu Huy Mân) hồi đó là Tư lệnh Quân khu 5 cho gọi chúng tôi gặp ngay. Anh Hai ân cần mời chúng tôi uống trà rồi nói: Các ông giỏi lắm. Chúc mừng các ông. Nhưng mình lại nhận được điện khen của anh Thanh (Đại tướng Nguyễn Chí Thanh) trước khi nhận được báo cáo của các ông điện về Quân khu. Chúng tôi chuyện trò sôi nổi về trận đánh, về cái sự kỳ lạ Trung ương Cục lại nhanh chóng nhận được tin trận đánh Núi Thành trước cả Quân khu. Sau này mới biết, vì có một đồng chí phóng viên Thông tấn xã đi theo trận đánh đã điện vào Trung ương Cục bài tường thuật trận đánh. Anh em kể lại, lúc đó đồng chí Nguyễn Chí Thanh đang ngồi trên võng mắc trong rừng cao su Lộc Ninh, khi đọc xong bài tường thuật vừa nhận, đã nhảy xuống khỏi võng, thảo điện khen Quân khu 5. Trong lúc đó, báo cáo của chúng tôi về Quân khu bằng đài 15W thì chưa dịch xong mật mã”.

Đồng chí Võ Thế Ái, nguyên quyền Trưởng ban biên tập tin Trong nước, người đầu tiên phụ trách Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) Trung Trung Bộ cho biết, khi đồng chí Hoàng Minh Thắng đến gặp để tặng cuốn sách, đồng chí tỏ ý tiếc nuối vì đã không nhớ chính xác họ tên người phóng viên để đưa vào cuốn hồi ký. Đồng chí Võ Thế Ái cảm ơn và nói: “Cánh phóng viên Thông tấn xã chúng tôi có mấy khi nêu tên đâu. Anh có nhã ý nhắc tới hoạt động của Thông tấn xã vào một thời điểm lịch sử như vậy là quý lắm rồi”.

Với chiến công vang dội của trận đánh Núi Thành, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sỹ thi đua miền Nam năm 1968 do Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ Tư lệnh quân giải phóng Miền tổ chức, quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng được tặng lá cờ thêu 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”, mở đầu thời kỳ mới của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Các phóng viên TTXGP tại căn cứ Trà Nô của Khu V, năm 1974

Thật tự hào, TTXVN có một thế hệ những người làm báo từng lăn lộn trận mạc trong chiến tranh chống Mỹ, sau ngày giải phóng lại tiếp tục cầm bút phản ánh thực tiễn của cuộc sống, từ thời kỳ đầu gian khó cho đến những thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng hôm nay.

Ngô Anh Văn (Giám đốc Cơ quan TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên)
Nội san Thông tấn số 10/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tiếp Đại sứ Armenia tại Việt Nam (01/11/2019 15:01:12)

Báo ảnh Việt Nam 65 năm giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới (01/11/2019 14:38:41)

4 cán bộ TTXVN nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đối ngoại Đảng” (01/11/2019 10:12:24)

Press Green Beauty 2019: Những "bóng hồng" Thông tấn tại cuộc thi sắc đẹp vì môi trường (01/11/2019 09:00:11)

Thực hiện Nghị quyết 02 của Đảng ủy về công tác thanh niên: Trang bị kỹ năng tuyên truyền về Biển Đông cho phóng viên, biên tập viên trẻ (31/10/2019 15:35:47)

Từ quý I/2020 tổ chức đại hội thi đua cấp cơ sở  (31/10/2019 15:24:45)

Đảng ủy TTXVN triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019 (31/10/2019 15:23:58)

Báo Thể thao và Văn hóa vô địch giải bóng đá cúp Tứ hùng 2019 (31/10/2019 15:23:18)

Tin thi đua khen thưởng (31/10/2019 15:17:29)

Khai mạc triển lãm ảnh “Việt Nam - Nhìn từ biển” (24/10/2019 15:31:06)