Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Mở cửa thư viện

TTXVN với Đại thắng mùa xuân 1975


(12/05/2010 11:39:44)

Nhân kỷ niệm 35 năm Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng (30/4/1975-30/4/2010) và ôn lại những đóng góp của toàn ngành cũng như những kỷ niệm của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên TTXVN từng có mặt trong những tháng ngày hào hùng của dân tộc, Nhà xuất bản Thông tấn vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "TTXVN với Đại thắng mùa Xuân 1975".

Ngày đó, cả VNTTX và TTXGP đều dốc toàn lực cho 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân và dân cả nước. Tòa nhà 5 Lý Thường Kiệt lúc bấy giờ như một sở chỉ huy, cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên, lái xe túc trực suốt ngày đêm. Các tổ phóng viên mũi nhọn được thành lập cấp tốc. Các nhà báo với hành trang như người lính cùng cây bút và máy ảnh ngay lập tức lên đường, hành quân suốt ngày đêm theo các cánh quân ra mặt trận. Khí thế sục sôi, náo nức "ra trận giữa mùa xuân" tràn ngập khắp cơ quan. Tất cả cán bộ của VNTTX từ lãnh đạo đến nhân viên, từ biên tập, biên dịch, nghe đài (phôni), phóng viên, kỹ thuật viên đến lái xe,... ai cung háo hức muốn góp sức mình cho chiến dịch có một không hai này.

Nhà báo Trần Mai Hưởng vừa từ đất lửa Vĩnh Linh ra, đang theo học ở trường đại học, anh trai đã có tên trong danh sách phóng viên đi chiến trường vẫn tìm bằng được lãnh đạo để xin đi. Vừa đi công tác cơ sở về, nhà báo Đinh Quang Thành, Ngọc Quả, Văn Bảo lên ngay phòng Tổ chức cán bộ nhận quân trang lên đường ra trận, không kịp về tạm biệt vợ con. Nhà báo cao tuổi nhất tổ phóng viên mũi nhọn Lâm Hồng Long biết vào chiến trường gian khổ nên đã mang theo sâm đi đường để tăng cường sức khoẻ theo kịp đoàn quân.

Ở chiến khu Trung Trung bộ, không khí náo nhiệt lạ thường. Các nhà báo cùng các điện báo viên đang đi làm nhiệm vụ ở các địa phương được triệu về để lập tức theo các cánh quân ra mặt trận. Nhà báo Phước Huề, Anh Tôn đi theo cánh quân tiến về giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Nhà báo Xuân Quyết, Hồng Phấn tham gia giải phóng Kon Tum, Plây-cu. Nhà báo Đỗ Công Trinh, Hà Mùi kỹ thuật viên Đào Duy Can, tiến vào Đà Nẵng, nhà báo Dương Đức Quảng, Hữu Quả, Thanh Tụng, điện báo viên Nguyễn Đăng Lâm theo cánh quân giải phóng Quảng Ngãi, Bình Định...

Ở đại bản doanh của TTXGP giữa rừng Tây Ninh, dưới sự chỉ đạo của Tổng biên tập Đào Tùng, Phó Tổng biên tập kiêm Giám đốc TTXGP Trần Thanh Xuân, các phóng viên tin, ảnh được phiên chế thành từng nhóm, được phát một tờ bảnt đồ thành phố Sài Gòn, rồi ba lô, tăng võng, máy ảnh, giấy bút,... toả đi theo các cánh quân từ mọi hướng tiến về giải phóng Sài Gòn. Nhà báo Bùi Thanh Liêm, Nông Quang Khanh theo cánh quân Tây Nam vượt Đồng Tháp Mười, vượt sông Vàm Cỏ. Nhà báo Vũ Xuân Hoạt, Nguyễn Đăng Chiến, Lê Doãn Tặng theo đặc khu uỷ Sài Gòn - Gia Định.... Và còn rất nhiều, rất nhiều nhà báo, nhân viên, kỹ thuật viên xuất phát từ Tổng xã, từ các căn cứ của TTXGP, Trị Thiên, khu Trung Trung bộ và Trung ương Cục tỏa đi theo các cánh quân mà khó có thể kể hết.

Hơn một phần ba thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh những nhà báo - chiến sĩ tham gia trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm xưa không bao giờ phai mờ trong tâm trí những người trong cuộc. Hình ảnh cả tổ phóng viên mũi nhọn bằng mọi cách, không quản ngày đêm, đi bộ, ngồi trên xe bò, xe Hon đa mượn của dân,... sử dụng mọi phương tiện để tiến vào Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn; hình ảnh cuộc tấn công như vũ bão của quân giải phóng trên khắp các mặt trận; cảnh vứt bỏ quân trang, quân dụng và tháo chạy vội vã của lính ngụy Sài Gòn; đặc biệt là sự kiện chính phủ ngụy quyền Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện vào lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975; hình ảnh nhân dân các thành phố lớn Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ hân hoan đón chào quân giải phóng dưới bầu trời rợp đỏ cờ hoa; hình ảnh người chiến sĩ cắm lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Và không thể quên giây phút nghẹn ngào khi nhắc đến những chiến sĩ giải phóng đã anh dũng hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn ngay trước giờ phút chiến thắng...   

 

472 trang sách với 44 bài viết và 54 bức ảnh mới chỉ phản ánh được phần nào những gian khổ, hy sinh, những thành tích đáng tự hào của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật toàn ngành Thông tấn trong cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

 

Phát huy truyền thống, TTXVN không một phút giây nào ngừng trong việc cung cấp thông tin mặc dù trong điều kiện chiến tranh, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, các anh, các chị đã nỗ lực vượt mọi khó khăn để có được dòng tin, bức ảnh quý giá ghi lại những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc. Máy phát điện hỏng, các nhà báo phải cùng kỹ thuật viên thay nhau quay máy phát để phát được tin về Tổng xã. Tìm mọi cách để chuyển phim, tài liệu ra Hà Nội, phóng viên Hoàng Thiểm điều một người lính nguỵ lái xe theo đường bộ ra Huế rồi lên máy bay từ Huế ra Hà Nội. Anh Hai Son bất chấp gian nan, nguy hiểm đi ô tô thâu đêm suốt sáng về căn cứ Trung ương Cục, để sáng 1-5-1975 tin ảnh về Sài Gòn giải phóng tràn ngập các báo thủ đô và được phát đi toàn thế giới. Nhà báo Lê Minh Trường ở mặt trận Cần Thơ đã bán cả chiếc nhẫn cưới thiêng liêng để có tiền mua phim tác nghiệp.

 

Tin, ảnh về chiến thẳng của quân và dân ta do phóng viên VNTTX thực hiện, tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Thật ấm áp cảm xúc của một thời hào hùng, trên đường ra trận, nhà báo Lâm Hồng Long gặp lại người mẹ thân yêu mỏi mòn chờ đợi anh hơn 20 năm tại thành phố Phan Thiết vừa giải phóng; nhà báo Bùi Thanh Liêm gặp được người cha sau gần 30 năm xa cách trên đường phố Sài Gòn; lái xe Ngô Văn Bình gặp cha; nhà báo Lê Cương gặp lại em trai trong đoàn quân đang tiến về giải phóng Cần Thơ...

Năm tháng trôi qua, những nam nữ thanh niên trẻ trung vừa rời ghế trường đại học, tràn đầy nhiệt huyết tuổi 20 thời đó bây giờ tóc đã hoa râm, đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời, thậm chí nhiều người không còn nữa, không thể có mặt trong ngày hội ngộ. Vì thế, những người biên tập sách đã cố gắng sưu tầm lại bài viết của họ trong những số Nội san Thông tấn.

Cuốn sách là sự tri ân và cũng như một lời nhắc nhở các thế hệ luôn luôn nhớ đến một giai đoạn oanh liệt, anh dũng, hào hùng rất đáng tự hào của TTXVN.

 

Nguyễn Thu Hương
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

500 câu Hỏi - Đáp lịch sử - văn hoá Việt Nam (09/02/2010 16:07:20)

Những năm tháng ở Campuchia (10/07/2009 09:27:25)

Một trong những cuốn tự truyện hay: Từ chiến trường khốc liệt (02/06/2009 08:53:48)

Lâm Tấn Tài & sách ảnh "Đường Hồ Chí Minh" (11/05/2009 14:40:34)

Sách ảnh Nguyễn Văn Linh Tổng Bí thư thời đầu đổi mới (08/04/2009 09:47:49)

“Tướng Nguyễn Sơn” - Cuốn sách ảnh đầu tiên về vị lưỡng quốc tướng quân (03/12/2008 14:40:06)

Thư viện TTXVN:
Nguồn tư liệu nghiệp vụ, lịch sử và văn hóa phong phú
 (05/11/2008 09:08:28)

“Chủ tịch Tôn Đức Thắng”
Sách mới của Nhà xuất bản Thông tấn
 (07/10/2008 09:23:15)

Sách mới  (29/08/2008 09:31:10)

Bạn đọc giao lưu với tác giả "ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO" (07/07/2008 09:46:39)