Thứ hai, ngày 01/07/2024

Tin trong ngành

Tự hào danh hiệu GP10


(04/04/2023 16:46:34)

Mỗi thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đều có vị trí, vai trò và nhiệm vụ nhất định trong quá trình hình thành và phát triển gần 80 năm qua của cơ quan Thông tấn quốc gia. Khóa phóng viên khóa GP10 may mắn được đóng góp công sức vào thời khắc lịch sử của đất nước, của ngành và vinh dự là “một danh hiệu” như cố Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng từng khẳng định. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày lớp phóng viên GP10 lên đường vào Nam, chi viện cho các chiến trường, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà báo Lý Văn Tích, nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh, về danh hiệu đầy tự hào ấy.

Bữa cơm đầu tiên trên đường hành quân tại vùng biên giới Việt-Lào, tháng 3/1973

Khóa phóng viên đặc biệt
 
Trong hồi ký của cố Tổng giám đốc Đỗ Phượng có đoạn viết: “Tại địa điểm sơ tán không quá xa Hà Nội, ba lớp phóng viên, điện báo và kỹ thuật khai giảng cùng thời gian năm 1972. Lớp kỹ thuật cũng chỉ gọi là khóa 10,11. Riêng lớp phóng viên không gọi là khóa 10, mà theo kết luận của đồng chí Đào Tùng, vì đây là lớp đặc biệt được tổ chức theo chỉ thị của Ban bí thư và Thủ tướng Chính phủ chỉ đào tạo cho chiến trường nên đặt tên là GP10 (GP là gọi tắt khóa phóng viên đặc biệt cho TTXGP) - cái tên có một không hai”.
 
GP10 là khóa phóng viên có số lượng đông nhất của Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) kể từ ngày thành lập, với 149 sinh viên tốt nghiệp loại ưu tú, đủ sức khỏe, đủ tư cách và sẵn sàng gia nhập VNTTX.
 
Nếu như trước đây, hầu như các cơ quan báo chí đều tuyển sinh viên tốt nghiệp những ngành khoa học xã hội, nhất là văn học, thì với khóa GP10, do yêu cầu số lượng lớn nên VNTTX đã tuyển chọn sinh viên của nhiều ngành học khác nhau, trong đó có các ngành khoa học tự nhiên: Vật lý (25 người), Hóa học (19 người), Sinh học (19 người), Toán học (11 người), Lịch sử (23 người), Văn học (11 người), Địa lý (3 người), Ngoại ngữ (20 người) và Ngoại giao (8 người).
 
Bồi dưỡng bài bản
 
Do các phóng viên được tuyển chọn từ nhiều ngành nên việc bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí bài bản, chuyên nghiệp là rất cần thiết và quan trọng. Giảng viên là những nhà báo lão thành, các chuyên gia nghiên cứu sâu về báo chí, đã từng lăn lộn, trưởng thành trong nền báo chí cách mạng Việt Nam... Các thầy nhiệt huyết, tận tâm giảng dạy, chỉ bảo rất trách nhiệm không chỉ kiến thức báo chí cơ bản, nghiệp vụ phóng viên mà cả những bài học thực tế phong phú được rút ra từ quá trình làm nghề. Có thầy đã để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường, khi công tác ở miền Nam. Chính những tấm gương đó đã trở thành một phần động lực cho phóng viên khóa GP10 mang theo vào chiến trường.
 
Cùng với việc trang bị nghiệp vụ báo chí, phương thức phóng viên, các phóng viên TTXGP tương lai còn được bồi dưỡng đầy đủ về nhận thức chính trị, cách mạng Việt Nam và sự nghiệp giải phóng miền Nam. Báo cáo viên của lớp học là các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, của VNTTX đã cung cấp nhiều kiến thức bổ ích, sâu sắc. Các phóng viên ảnh được thực hành với máy ảnh tốt nhất thời bấy giờ. Giờ học lý thuyết trên lớp hay thực hành chụp ảnh ở thực địa, nơi sơ tán luôn sôi động, hào hứng và cuốn hút.
 
VNTTX đã dồn sức, dồn lực cho khóa đào tạo phóng viên, kỹ thuật viên cho TTXGP. Ban lãnh đạo ngành thường xuyên từ Hà Nội lên nơi sơ tán thăm hỏi, động viên. Các anh, các chị ở các đơn vị chức năng của ngành chăm lo từng bữa ăn, chỗ học, chỗ ở cho học viên khóa GP10 trong điều kiện máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội và các tỉnh miền Bắc rất ác liệt.
 
Hai lần đổ xe trên đường hành quân
 
Sau những tháng bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị và rèn luyện sức khỏe, 108 phóng viên trẻ được đưa vào 5 đoàn.
 
Rời Lương Sơn, Hòa Bình ngày 16/3/1973 để tiến vào Nam, đoàn ô tô chở các phóng viên GP10 dừng ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội để chia tay người thân. Chiều muộn cùng ngày, tất cả lên đường, xuôi về ga Vinh, Nghệ An.
 
Sáng 18/3, mỗi đoàn được bố trí lên một xe ô tô rời trạm giao liên ở TP. Vinh vào trạm giao liên Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Trên đường đi, chiếc xe ô tô chở đoàn phóng viên đi Bình Trị Thiên bị đổ khi rẽ ở ngã tư TP. Vinh khiến một số phóng viên bị thương, phải quay ra Hà Nội để chữa trị. Tai nạn đáng tiếc nhưng không cản bước hành quân của những phóng viên còn lại. Tất cả tiếp tục lên đường và vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào.
 
Ngày 2/4, ngày cuối cùng của cung đường giao liên cơ giới, các xe được lệnh hành quân xuôi cao nguyên Bovolen của Lào về biên giới Lào - Campuchia. Chiếc xe ô tô không mui chở đoàn phóng viên chi viện cho các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ (đoàn A264) đi sau cùng, bị các xe đi trước phóng nhanh, tung bụi mù mịt dẫn đến khuất tầm nhìn, loạng choạng rồi hất tung tất cả 31 con người ngồi trên xe cùng hai phi xăng xuống mặt đường. Hai người hy sinh tại chỗ là Trưởng đoàn Lâm Văn Bang và nữ phóng viên tin Phạm Thị Kim Oanh. Nhiều người đã bị thương.
 
Rất may, đoàn xe chở các bác sĩ của Bộ y tế đang đi về trạm giao liên 79 đã kịp thời sơ cứu ban đầu và chở tất cả 31 người (gồm cả hai người đã hy sinh) về trạm giao liên. Khi về trạm giao liên, phóng viên tin Trần Viết Thuyên hy sinh vì vết thương quá nặng.
 
Sau tai nạn đổ xe của đoàn A264, chỉ có 8 người sau khi nghỉ dưỡng ít ngày lại tiếp tục lên đường, hành quân bộ trên đoạn đường giao liên trên đất Campuchia; 20 người phải vào điều trị tại bệnh xá của đường Trường Sơn và một số bị thương nặng phải chuyển ra Bắc điều trị và ở lại Hà Nội công tác. Tôi là một trong những người may mắn tiếp tục hành quân vào chiến trường và là một trong những phóng viên đầu tiên của lớp GP10 vào đến căn cứ TTXGP.
 
Các phóng viên khóa GP10 giao lưu với đồng bào Khmer và giải phóng quân Campuchia trên đường hành quân, tháng 4/1974

Nhập cuộc sớm, tác nghiệp ngay
 
Trong số 5 đoàn, các đoàn chi viện cho TTXGP ở Bình Trị Thiên và miền Trung đến sớm hơn. Các đoàn đi các tỉnh miền Nam đến căn cứ rải rác trong tháng 5/1973.
 
Sự chuyển biến nhanh chóng của cách mạng miền Nam sau khi ký Hiệp định Paris đòi hỏi những phóng viên mới được chi viện phải nhập cuộc nhanh hơn, khẩn trương hơn. Và sau cái Tết đầu tiên (1974), các phóng viên GP10 đã chia nhau tỏa xuống các địa bàn, đơn vị quân giải phóng để đưa tin, chụp ảnh, phản ánh không khí cách mạng của quân và dân miền Nam đang tiến như vũ bão. Các anh chị đã lăn lộn ngày đêm, vượt núi, băng rừng, lội kênh, theo các cánh quân giải phóng đánh đồn, xóa ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng trong hừng hực khí thế tiến công. Một số phóng viên bị thương đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường.
 
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều phóng viên tin, ảnh GP10 đã cùng các phóng viên đàn anh của VNTTX và TTXGP đi theo các cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh lỵ.
 
Lực lượng chủ chốt ở nhiều đơn vị
 
Sau giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, vì nhiều lý do, một số phóng viên chuyển sang công việc khác hoặc trở về quê công tác. Hầu hết phóng viên GP10 tiếp tục ở lại phục vụ sự nghiệp Thông tấn, trở thành lực lượng chủ lực, chủ chốt ở nhiều đơn vị. Nhiều người sau này là trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng, phóng viên, biên tập viên chủ lực tại các ban biên tập, tòa soạn, đơn vị đại diện, đơn vị doanh nghiệp của ngành. Dù ở vị trí công tác nào, các anh chị cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Nửa thế kỷ - thời gian đủ để nhìn lại một quãng đời và sự nghiệp của một thế hệ mà lịch sử dân tộc, lịch sử TTXVN đã trao cho sứ mệnh vinh quang. TTXVN sẽ trường tồn và phát triển bởi mỗi thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên đã, đang và sẽ đóng góp sức lực, tri thức của mình vào nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử và tất cả xứng đáng là thành viên của đơn vị Anh hùng trong chiến đấu, Anh hùng trong lao động./.

Lý Văn Tích - Nguyên Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh
Nội san Thông tấn số 3/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải A - Giải Búa liềm vàng năm 2022: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu (04/04/2023 16:42:54)

Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria: Những thông điệp nhân văn (03/04/2023 15:11:10)

Thăm và tặng quà công nhân vùng mỏ Quảng Ninh (03/04/2023 14:52:44)

Vinh danh các nghệ sĩ, cầu thủ tại Giải thưởng Cống hiến 2023 (31/03/2023 09:18:47)

Trao tặng “Tủ sách Đinh Hữu Dư” tại Tuyên Quang (29/03/2023 19:10:24)

TTXVN là Cơ quan thường trực Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX (29/03/2023 15:05:00)

Tập huấn kỹ năng làm chương trình Podcast (25/03/2023 13:03:44)

Triển khai nhiệm vụ công tác Liên chi hội năm 2023 và Giải báo chí TTXVN năm 2022 (25/03/2023 10:50:13)

Trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền về SEA Games với Thông tấn xã Campuchia (AKP) (25/03/2023 10:37:35)

Tăng cường phối hợp truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật (25/03/2023 10:36:08)