Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tin tức trong ngành

Viết tiếp những trang sử vàng


(03/11/2020 14:24:10)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên TTXVN

Năm 1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã tạm thời chia Việt Nam thành hai miền do hai chính thể quản lý để chờ tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, chính quyền Ngô Đình Diệm, với sự giúp đỡ và chỉ đạo của Mỹ ra sức phá hoại hiệp định, từ chối hiệp thương với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa về việc tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất Việt Nam.
 
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình miền Nam và từ những yêu cầu tất yếu của cách mạng trong tình hình mới, năm 1960, cách mạng miền Nam chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang.
 
Để phục vụ cho cuộc đấu tranh này, sau một thời gian ngắn chuẩn bị lực lượng và phương tiện, ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (Tây Ninh), qua chiếc máy phát sóng 15 wat, Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã phát đi bản tin đầu tiên của mình, đánh dấu sự ra đời và thực hiện sứ mệnh vẻ vang, duy trì mạch thông tin thông suốt, kịp thời, giúp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế theo dõi và hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân miền Nam, vì hòa bình thống nhất nước nhà.
 
Hoạt động với chức năng và nhiệm vụ đó, TTXGP luôn đi tiên phong trong công tác thông tin, tuyên truyền, trở thành cơ quan chủ lực trong khối thông tấn báo chí cách mạng ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và giai đoạn đầu thống nhất đất nước. Với vai trò là cơ quan phát ngôn chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và sau là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, TTXGP đã thông tin “đúng sự thật, đúng sự lãnh đạo của Đảng”, trở thành vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào những chiến công chói lọi của dân tộc cho tới ngày toàn thắng, thống nhất đất nước.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, TTXGP không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thông tin mà còn kiên cường bám trận địa, phối hợp với bộ đội địa phương, quân chủ lực, bẻ gẫy nhiều trận càn lớn của địch. Trong ảnh: phóng viên TTXGP trong trận chống càn Junction City (1967)

Có thể nói, không một nơi nào ở miền Nam không có tổ chức của TTXGP. Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù, TTXGP phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần: khi ở chiến khu Tây Ninh (năm 1960), lúc dời sang Mã Đà (địa phận Đồng Nai) thuộc Chiến khu Đ (đầu năm 1961), sau đó quay lại Tây Ninh (cuối năm 1961), có lúc ở giáp biên giới Campuchia và thậm chí còn ở tạm trên đất Campuchia khi Mỹ mở rộng chiến tranh Đông Dương (năm 1971) và chuyển về lại Tây Ninh sau khi ký Hiệp định Paris (năm 1973)... Các phân xã của TTXGP trên toàn miền Nam cũng liên tục thay đổi trụ sở do bị Mỹ-ngụy tấn công tận nơi làm việc. Có những phân xã nhiều lần bị xóa sổ (toàn bộ phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên hy sinh) nên phải thành lập mới và chuyển nơi trú đóng, như phân xã Long An (ba lần), phân xã Rạch Giá-Kiên Giang (năm lần). Ở Khu V, TTXGP Trung Trung Bộ cũng phải dời địa điểm nhiều lần theo Ban tuyên huấn Khu ủy V.
 
Gặp rất nhiều khó khăn về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật, nhưng TTXGP đã trụ vững và trưởng thành, không ngừng phát triển cả về tổ chức và lực lượng trên khắp miền Nam, duy trì “mạch máu” thông tin, khẳng định vai trò cơ quan ngôn luận chính thống, thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào, phản ánh uy thế ngày càng lớn mạnh của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Kết quả của sự xông pha nơi chiến trường miền Nam của hàng trăm phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên TTXGP là tin, ảnh luôn nóng hổi tính thời sự, cung cấp kịp thời không chỉ cho các cơ quan báo chí trong nước, cơ quan thông tấn nước ngoài, mà còn giúp Trung ương Cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.
 
Ở đâu có trận đánh là ở đó TTXGP có mặt. Những mốc lịch sử, những chiến thắng vang dội trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đều có dấu ấn đóng góp quan trọng, hy sinh lớn lao của phóng viên TTXGP. Đúng như 16 chữ vàng mà Trung ương cục miền Nam đã khen tặng TTXGP vào năm 1968 là “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”.
 
Bên cạnh nhiệm vụ thông tin, lực lượng phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên của TTXGP còn trực tiếp cầm súng chiến đấu và trở thành những chiến sỹ thực thụ. Nhiều cán bộ, nhân viên của TTXGP đã kiên cường chiến đấu và hy sinh anh dũng. Nhiều trận đánh thắng địch vang dội có sự tham gia của người làm báo-chiến sỹ TTXGP Trung Trung Bộ (khu V) đã được ghi vào sổ vàng lịch sử, như: ngày 20/4/1968, bắn cháy máy bay trinh sát L19 tại cầu Chìm, Trà My; ngày 15/9/1968, tiêu diệt 14 lính Mỹ tại dốc Bình Minh; ngày 10/12/1968, bắn diệt 2 lính Mỹ ở đồi Dốc Nón; ngày 10/4/1969, bắn diệt 17 lính Mỹ ở Thôn 4, Trà My…
 
Tổ điện báo TTXGP điện tin từ mặt trận về căn cứ

Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hàng chục cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên TTXGP đã ngã xuống, riêng phân xã Sài Gòn-Gia Định là 12 đồng chí... Trong trận càn kéo dài 70 ngày của địch vào Bá Hòn-Hòn Đất (Kiên Giang), hai đồng chí TTXGP đã hy sinh cùng liệt sỹ Phan Thị Ràng (nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất của nhà văn Anh Đức). Trong trận càn Junction City, có đồng chí được phân công giữ căn cứ đã chiến đấu anh dũng, bắn cháy hai xe bọc thép của địch trước lúc hy sinh. Có gia đình hai cha con hoặc hai anh em ruột cùng hy sinh cho sự nghiệp thông tấn, như hai cha con phóng viên ảnh Huỳnh Bỉnh Khuôl (tức Trần Bỉnh Khuôl, Hai Nhiếp) và Huỳnh Văn Dũng; hai anh em Bùi Văn Thưởng và Bùi Văn Tấn. Nhà báo-liệt sỹ Đinh Thúy (Phó chủ nhiệm Phân xã nhiếp ảnh TTXVN, Phó giám đốc TTXGP) tên thật là Bùi Đình Túy đã được đặt cho một đường phố và một cây cầu ở TP. Hồ Chí Minh. Hài cốt của ông, cũng như của nhiều đồng nghiệp, cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy.
 
Theo số liệu chưa đầy đủ, hơn 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên đã hy sinh, tương đương 50% tổng biên chế của TTXGP vào thời điểm cuối năm 1974. TTXGP là cơ quan báo chí có số lượng nhà báo hy sinh lớn nhất trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng chục người khác đã để lại một phần xương máu của mình trên chiến trường.
 
Hơn 15 năm thành lập và phát triển trong một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, TTXGP tự hào đã có mặt từ những ngày đầu đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vẻ vang được giao phó.
 
Lịch sử cách mạng của dân tộc ta nói chung và của TTXVN nói riêng đã ghi dấu ấn và mãi mãi tự hào về một thế hệ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... luôn nêu cao tinh thần yêu nước, không quản ngại gian khổ hy sinh, sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp thông tấn nói riêng và sự nghiệp bảo vệ đất nước nói chung.
 
Phóng viên ảnh Phong Vân (bút danh Chính Vân) của TTXGP khai thác thông tin về du kích xã An Phú, huyện Củ Chi bắn hạ máy bay Mỹ, tháng 4/1975

Với những đóng góp, hy sinh to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, gần 200 tập thể và cá nhân của TTXGP đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Gần đây nhất, ngày 1/9/2020, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định số 1521/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của TTXGP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
 
Ngày 30/4/1975 là thời khắc lịch sử của dân tộc khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước được thống nhất, Bắc-Nam sum họp một nhà. Ngày 24/5/1976 là thời khắc lịch sử của ngành thông tấn cách mạng - VNTTX và TTXGP chính thức hợp nhất, sau đó đổi tên gọi là TTXVN ngày 12/5/1977, hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
Với 75 năm đồng hành cùng đất nước, tiếp bước truyền thống thông tấn trong kháng chiến, TTXVN tiếp tục đạt được những kết quả to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
 
Hiện nay, TTXVN có mạng lưới Cơ quan thường trú (CQTT) rộng khắp 63 tỉnh, thành phố cả nước và 30 CQTT ngoài nước tại các địa bàn trọng điểm ở khắp 5 châu lục trên thế giới, với khoảng 2.300 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
 
Để mở rộng nguồn thông tin, TTXVN đã tăng cường trao đổi, hợp tác với các hãng thông tấn, tổ chức báo chí, đối tác ở trong và ngoài nước. TTXVN hiện là Ủy viên Ban chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương, là thành viên tích cực của Tổ chức các hãng thông tấn thế giới. TTXVN hiện có quan hệ hợp tác và trao đổi thông tin với trên 40 hãng thông tấn và tổ chức báo chí lớn trên thế giới...
 
TTXVN đã trở thành cơ quan thông tấn đa phương tiện, với hệ thống trang thiết bị tác nghiệp hiện đại, phát triển đầy đủ các loại hình thông tin: tin/bài thông tấn, ảnh, truyền hình, đồ họa, phát thanh. Thông tin của TTXVN không chỉ cung cấp cho các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đăng tải lại, mà còn cung cấp trực tiếp đến công chúng, độc giả trong và ngoài nước thông qua gần 70 sản phẩm thông tin thuộc nhiều loại hình báo chí, được thể hiện với 10 ngữ nước ngoài, 12 ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam. Ngoài cổng thông tin điện tử TTXVN, kênh truyền hình và nhiều tờ báo của TTXVN đã trở nên quen thuộc với công chúng trong và ngoài nước, như: báo Tin tức, báo điện tử VietnamPlus, báo Thể thao và Văn hóa, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, báo Việt Nam News, báo Le Courrier du Vietnam, Báo ảnh Việt Nam...
 
Các đại biểu tại lễ kỷ niệm

Sự trưởng thành, lớn mạnh hiện nay của TTXVN - hãng thông tấn quốc gia đa phương tiện hiện đại hàng đầu khu vực và có uy tín cao trong làng báo quốc tế là thành quả của biết bao công lao, trí tuệ, mồ hôi, xương máu của lớp lớp thế hệ những người làm báo thông tấn, trong đó có sự đóng góp đặc biệt nổi bật của những người từng đứng trong đội ngũ TTXGP.
 
Phần thưởng cao quý hôm nay - danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân là niềm tự hào và cũng là lời nhắc nhở đối với mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TTXVN phải nỗ lực hơn nữa để viết tiếp những trang sử vẻ vang của ngành thông tấn trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế.
 

(Trích phát biểu của đồng chí Nguyễn Đức Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc, tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập TTXGP và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân)
Nội san Thông tấn số 10/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thế hệ phóng viên “em út” (03/11/2020 14:21:04)

Thông tấn xã “lưu động” (03/11/2020 14:19:32)

Đảng ủy TTXVN triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm (03/11/2020 08:42:26)

Tập huấn "Bình đẳng giới - Yêu thương và chia sẻ” (03/11/2020 08:34:32)

Bồi dưỡng chức danh phóng viên, biên tập viên hạng II (03/11/2020 08:31:46)

Xúc động khoảnh khắc phóng viên TTXVN tại Trà Leng (31/10/2020 23:04:53)

Tọa đàm “Báo chí Thông tấn trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam” (29/10/2020 09:57:44)

600 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung (23/10/2020 16:50:30)

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): TTXVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (11/10/2020 18:50:45)

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): Tiếp nối truyền thống vẻ vang của TTXGP (09/10/2020 16:19:43)