Thứ hai, ngày 29/04/2024

Tin tức trong ngành

Thế hệ phóng viên “em út”


(03/11/2020 14:21:04)

Đầu năm 1973, gần 150 phóng viên, biên tập viên trẻ của khóa GP10 – Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) lên đường vào Nam tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), là lớp phóng viên “em út” đi vào chiến trường khi chiến tranh đã gần kề mốc kết thúc. Giờ đây, các học viên GP10 năm xưa đều đã ở lứa tuổi “thất thập”. Hơn ai hết, họ mong chờ giây phút được đón nhận danh hiệu Anh hùng cao quý, được đặt tay lên tấm bằng ghi nhận những chiến công lịch sử trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà họ đã góp một phần công sức tuổi trẻ.

Nhà báo Vương Nghĩa Đàn trong những ngày ở căn cứ Tây Ninh

Mùa xuân 1975, không khí nhộn nhịp ngày Tết cổ truyền tràn ngập trong căn cứ của TTXGP tại khu rừng già Lò Gò - Xa Mát (tỉnh Tây Ninh), sát biên giới Campuchia. Đó là cái tết thứ hai chúng tôi đón tại căn cứ, không xa các vùng chiến sự là bao. Mọi khâu chuẩn bị được triển khai nhanh chóng từ gói bánh chưng, bánh tét, mổ lợn, làm gà đến cuốn nem, nấu chè đỗ xanh, làm kẹo lạc đường thốt nốt... Nguyên liệu làm món ăn hầu hết đều là cây nhà lá vườn. Những giò phong lan muôn vẻ, những cành mai vàng mà các chàng trai hái tận rừng sâu, đem về cắm khắp căn cứ, giúp chúng tôi phần nào nguôi nỗi nhớ cành đào ngày tết ở Hà Nội.   
 
Cánh rừng già vốn yên tĩnh bỗng như trẻ lại trong khung cảnh nhộn nhịp, đầy ắp những tiếng nói cười. Một chút xao xuyến nhớ nhà chợt đến lúc giao thừa, rồi tan ra, hòa vào niềm vui chung trong tình đồng đội, cùng nhau thưởng thức một bữa tiệc thật ngon của ngày đầu năm mới. Ai cũng biết, sau cái tết này, nhiều người trong chúng tôi sẽ rời chiến khu, lên đường tới các đơn vị quân giải phóng tại các chiến trường để thực hiện nhiệm vụ của một nhà báo - chiến sỹ.
 
Vượt Trường Sơn huyền thoại
 
Thấm thoắt đã 47 năm kể từ ngày chúng tôi kết thúc khóa đào tạo phóng viên mang tên GP10 (khóa phóng viên đặc biệt cho TTXGP), cùng các kỹ thuật viên và điện báo viên rời Hà Nội, xẻ dọc Trường Sơn theo đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường miền Nam. Nhiệm vụ của chúng tôi là tăng cường cho TTXGP trên khắp các mặt trận từ Quảng Trị, qua miền Trung, Tây Nguyên, tới miền Đông và Tây Nam Bộ, trong giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam ký kết ngày 27/1/1973, phía Mỹ phải dừng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và rút quân khỏi Việt Nam, song chiến sự ở miền Nam vẫn rất ác liệt. Ba tháng ròng hành quân trên đường Trường Sơn là thử thách đầu tiên đối với những phóng viên trẻ, nhất là phái nữ chúng tôi, nơi có cả hy sinh và thương tật trên đường, nhưng không ai chùn bước.

Ai trông cũng rất “oai” trong bộ đồng phục của bộ đội giải phóng: mũ tai bèo, dép cao su, ba lô trên vai, thêm túi gạo, bi đông nước, ăng gô cơm, dao găm giắt bên thắt lưng. Hành quân tám tiếng mỗi ngày, xuyên qua rừng rậm, vượt dốc núi trơ trụi vì chất diệt cỏ của Mỹ hoặc lội qua những hố bom, những trảng cỏ rộng cháy xém... Đôi lúc lại vắt chân lên cổ chạy, nằm rạp tản nấp, mỗi khi máy bay  địch lượn trên đầu. Đối với những cô “lính sinh viên” (như cách gọi thân mến của cánh lính Trường Sơn), nỗi sợ có lẽ còn khủng khiếp hơn khi bắt gặp những con rắn vắt vẻo trên cành cây trước mặt, hay lũ rết vàng đen khổng lồ chậm chạp, thản nhiên bò trên đường đi. Đấy là chưa kể vô vàn muỗi rừng và vắt đeo bám vào chân tay, hút máu đến no kềnh.

Có những đêm mưa rào làm mọi người thức giấc và mất ngủ vì võng ướt sũng, những lúc phải hành quân đêm để vượt qua đoạn đường thường có địch phục kích, hay những lần vượt sông trên ca nô bị máy bay địch phát hiện rượt bắn... Không ít người đã bị lên cơn sốt rét, run rẩy tái xanh, phải nằm lại trạm giao liên ít ngày, đợi cắt cơn sốt lại tiếp tục lên đường. Và chúng tôi không bao giờ quên, tai nạn đổ xe trên đoạn đường biên giới với Lào làm hai phóng viên trẻ hy sinh và nhiều người khác bị thương nặng, phải cấp cứu ở quân y trạm.

Sau ba tháng vượt Trường Sơn, đoàn phóng viên GP10 về đến căn cứ của TTXGP, sát biên giới Campuchia. Các chú lãnh đạo TTXGP và các anh phóng viên kỳ cựu, trong đó nhiều người mới từ mặt trận về, đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu. Những nắm tay xiết chặt, những nụ cười thoải mái, sáng bừng trên những khuôn mặt xanh xao, hốc hác. Chúng tôi có cảm giác như “đã về đến nhà”!.

Lúc đó đang là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10), cuộc sống “phóng viên chiến trường” của chúng tôi bắt đầu với bao công việc, nào là biên tập tin, bài từ các mặt trận và các vùng giải phóng gửi về, sau đó gửi bằng telex ra VNTTX Hà Nội và Đài phát thanh Giải phóng; làm nhà bằng gỗ rừng tự khai thác, phát rẫy làm nương trồng sắn, chăn lợn, hái củi giúp các chị nuôi, dạy học cho các cháu nhỏ và thanh niên tham gia cách mạng... Ban ngày bận bịu là thế nhưng buổi tối cả khu rừng lại rộn rã tiếng cười, tiếng hát. Những buổi sinh hoạt vui vẻ ấy với chúng tôi như một liều thuốc bổ, một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Lễ kỷ niệm 13 năm Ngày thành lập TTXGP (12/10/1973) đã để lại một dấu ấn không thể quên. Đó cũng là dịp để lớp phóng viên trẻ GP10 thể hiện tài năng văn nghệ và tình yêu Tổ quốc, giúp hàng trăm khán giả trong căn cứ được “giải khát” qua những tiết mục độc đáo của các nghệ sỹ không chuyên. Giám đốc TTXGP Trần Thanh Xuân đã không nén được xúc động: Buổi văn nghệ quả là một thành công bất ngờ, đã góp phần khích lệ tình yêu Tổ quốc và nhiệt huyết cách mạng trong mỗi chúng ta.

Cứ thế, dù cách vùng chiến sự không xa, cuộc sống của chúng tôi tại căn cứ vẫn rất trẻ trung, năng động, lạc quan và luôn trong tâm thế sẵn sàng cho ngày lên đường ra mặt trận.  
 
Các phóng viên Văn Khánh, Minh Hưng, Lê Cương trên đường xuống các tỉnh Tây Nam Bộ, năm 1974

Lửa thử vàng
 
Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau luôn là giai đoạn ác liệt nhất trên chiến trường miền Nam. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, phóng viên TTXGP lên đường, tỏa đi các mặt trận, đến các vùng giải phóng để tăng cường cho phân xã địa phương. Từng nhóm ba hoặc bốn người gồm phóng viên tin, phóng viên ảnh, kỹ thuật viên, điện báo viên được thành lập. Họ bịn rịn chia tay nhau, chúc nhau may mắn, sau đó theo các nẻo đường vào rừng.

Vùng giải phóng nằm tản mạn khắp các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, theo thế cài răng lược (còn gọi là vùng da báo), xen kẽ với vùng địch chiếm đóng. Để đến đó, thường phải mất vài tuần đi bộ, thậm chí là vài tháng, tùy theo vị trí mỗi nơi. Cuộc hành quân lần này thật sự khó khăn và nguy hiểm. Muốn đến miền Tây, phóng viên phải vượt qua những “cánh đồng chó ngáp” ngập lụt bỏ hoang, lội qua những kênh lạch chằng chịt, hay xuyên qua những bãi sú vẹt hoang dã trải dài mênh mông, nhiều đêm phải lội ngụp dưới kênh nước lần đi trong bóng tối... Người đến miền Đông phải cắt qua những cánh rừng cao su khô cằn dưới cái nắng cháy bỏng, vượt qua những miền đất giáp ranh san sát đồn bốt của địch.

Để vượt qua những đoạn đường quốc lộ do địch kiểm soát thường phải đi vào ban đêm, trải nilon trên đường để từng người đi qua không gây tiếng động và không để lại dấu vết. Nhiều khi có động phải quay lại chờ theo lệnh của lính giao liên dày dạn kinh nghiệm... Dù mệt nhưng không được phép lơ là vì máy bay do thám của địch có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, xả súng xuống bất kỳ chỗ nào, pháo địch bắn phá liên miên vào vùng chúng nghi có quân giải phóng, cái chết luôn rình rập khắp nơi.

Tại địa bàn, ngoài công tác, thông tin về tình hình địa phương, đời sống sinh hoạt và sản xuất của đồng bào, chúng tôi còn giúp đỡ nhân dân trong lao động; tham gia cuộc đấu tranh công khai chống hành động lấn chiếm, bắn pháo, ném bom của địch trên vùng giải phóng; hỗ trợ du kích địa phương chiến đấu chống càn; vận động lính Sài Gòn quay súng phản chiến. Bù lại, các “nhà báo Bắc kỳ” được nhân dân yêu thương, dành tặng những món ăn rất Nam Bộ, che chở những lúc hiểm nguy và tạo mọi điều kiện để chúng tôi làm tốt nhiệm vụ của mình.

Mỗi phóng viên đều có những kỷ niệm riêng không thể quên tại vùng công tác. Có người đêm 30 Tết theo du kích vượt rào vào vùng địch chiếm, gặp cơ sở cách mạng và ghé thăm gia đình. Bà má vừa khóc vừa lần sờ mặt các con, nhét bánh tét đầy ba lô để các con ăn tết. Lại có người sau trận pháo của địch, đêm xuống, lặn lội cùng du kích đi tìm xác đồng đội khiêng về chôn cất... Có biết bao nhiêu là chuyện, cả vui lẫn buồn.

Tin tức thu thập được, bài viết, hình ảnh sống động được nhanh chóng gửi về căn cứ qua telex hoặc qua đường giao liên. Sau đó, các tác phẩm nóng hổi này được phát trên làn sóng của Đài phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam. Nói sao hết niềm vui của chúng tôi khi nghe trên đài phát đi một bài viết của mình – những phóng viên TTXGP. Bởi qua kênh thông tin này, gia đình chúng tôi ngoài Bắc sẽ biết là con em, người thân của họ vẫn sống và chiến đấu.
 
Tiến về Sài Gòn
 
Đầu tháng 4/1975, không khí sôi động ngập tràn chiến khu. Ngoài những phóng viên được phân công chốt tại các địa phương, nhiều phóng viên GP10 lại hối hả lên đường, theo các cánh quân vào trận, với mục tiêu cuối cùng là giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi nhận lệnh của Ban giám đốc TTXGP, từng tổ tiên phong xuất kích, tới thẳng các đơn vị quân giải phóng đang đóng rải rác xung quanh Sài Gòn.

Giữa tháng 4/1975, rừng chiến khu dường như trở lại tĩnh lặng, chỉ còn một số ít người chủ yếu là phụ nữ. Nhiệm vụ của họ không kém phần quan trọng: bảo vệ an ninh cho khu căn cứ, trực 24/24 giờ để nhận tin, bài và ảnh từ các mặt trận, sau đó chuyển về VNTTX tại Hà Nội và Đài phát thanh Giải phóng. Đọc những dòng tin nóng hổi từ tuyến đầu gửi về, chúng tôi nắm bắt được diễn biến từng ngày trên từng mặt trận và bước tiến như vũ bão của quân đội ta, trong lòng dâng lên niềm vui vô bờ bến.  

Trên chiếc bàn làm việc được đan bằng những cây sậy là một tấm bản đồ miền Nam trải rộng. Chúng tôi dùng bút đỏ tô đậm những vùng mới được giải phóng. Phần màu đỏ ngày càng được mở rộng, hướng dần về phía Sài Gòn. Tại căn cứ, chúng tôi đã nghe tiếng đạn pháo vọng về ì ầm. Chiến sự vẫn rất căng thẳng, quyết liệt, nhất là tại các cửa ngõ Sài Gòn. Trong tâm can chúng tôi lúc đó còn ẩn chứa một điều rất thầm kín: mặt trận càng ác liệt, chúng tôi càng lo lắng cho các đồng nghiệp nơi tuyến lửa, trong đó có cả người thương yêu của mình. Trong lớp phóng viên GP10 nơi chiến trường, đã có nhiều mối tình đơm hoa kết trái.

Trưa 30/4, trên làn sóng Đài phát thanh Sài Gòn bỗng vang lên giọng nữ quen thuộc: “Đây là Đài phát thanh Giải Phóng, phát đi từ Sài Gòn”. Cảm thấy tim mình như căng nóng, hồi hộp. Chúng tôi lắng nghe Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện. Hạnh phúc như ùa về, chúng tôi ôm lấy nhau, vừa nhảy vừa reo vui giữa cánh rừng già, đúng lúc mặt trời tròn bóng. Có bạn òa khóc nức nở, làm bao người khác khóc theo: “Mẹ ơi, con sống rồi. Con sắp trở về. Con sắp gặp mẹ rồi...”.  Dù đã được tôi luyện trong lửa đạn, nhưng trong khoảnh khắc lịch sử, chúng tôi vẫn dễ xúc động và hồn nhiên như ngày nào mới rời Hà Nội.
 
Niềm vui gặp mặt của những phóng viên khóa GP10 tại lễ kỷ niệm

Ngay buổi chiều, phái đoàn đặc biệt của TTXGP do Giám đốc Trần Thanh Xuân dẫn đầu đã lên xe Jeep v thng Sài Gòn, tiếp qun Vit tấn xã (cơ quan ngôn lun ca chính quyn Sài Gòn) trong ngày đại thng ca dân tc.

Vương Nghĩa Đàn
Nội san Thông tấn số 10/2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tấn xã “lưu động” (03/11/2020 14:19:32)

Đảng ủy TTXVN triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm (03/11/2020 08:42:26)

Tập huấn "Bình đẳng giới - Yêu thương và chia sẻ” (03/11/2020 08:34:32)

Bồi dưỡng chức danh phóng viên, biên tập viên hạng II (03/11/2020 08:31:46)

Xúc động khoảnh khắc phóng viên TTXVN tại Trà Leng (31/10/2020 23:04:53)

Tọa đàm “Báo chí Thông tấn trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam” (29/10/2020 09:57:44)

600 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Trung (23/10/2020 16:50:30)

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): TTXVN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (11/10/2020 18:50:45)

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): Tiếp nối truyền thống vẻ vang của TTXGP (09/10/2020 16:19:43)

60 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2020): Phóng viên TTXGP và những kỷ niệm không quên (09/10/2020 14:43:55)