Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tin tức trong ngành

Vượt Trường Sơn về miền Nam công tác


(05/09/2019 16:40:53)

Trong không khí hướng tới kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2019), ngày 10/8, tòa soạn Nội san Thông tấn nhận được thư của ông Nguyễn Xuân Mai, em ruột của nhà báo liệt sỹ Nguyễn Xuân Sanh (1931 – 1965), Trưởng phân xã Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) khu 6. Trong thư, ông Nguyễn Xuân Mai kể lại hành trình trở về khu 6 cũ để tìm hài cốt và tư liệu, hình ảnh người anh trai của mình, cùng rất nhiều cuộc gặp gỡ với đồng nghiệp, bạn bè của liệt sỹ là các cựu sinh viên trường Đại học Ngoại giao, cán bộ Ban Tuyên huấn khu 6 và các phóng viên TTXGP khu 6 năm xưa… Nội san Thông tấn xin lược trích giới thiệu những tư liệu quý của ông về nhà báo liệt sỹ Nguyễn Xuân Sanh.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sanh (đầu tiên bên trái, hàng sau) cùng đồng đội, năm 1964

1. Nhà báo Nguyễn Xuân Sanh, bút danh Trường Sinh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân giàu truyền thống cách mạng tại xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. 

Tham gia cách mạng từ rất sớm, cuối năm 1955, cơ sở bị lộ, anh Nguyễn Xuân Sanh và một số đồng chí chuyển lên chiến khu công tác, sau đó tập kết ra Bắc, về Bộ Công nghiệp và được cử đi học bổ túc văn hóa để vào học tại khoa Anh ngữ, trường Đại học Ngoại giao. Anh học rất giỏi, được nhà trường phân công làm lớp trưởng kiêm Bí thư chi bộ lớp.

Sau gần bốn năm học, trong khi chờ nhận bằng tốt nghiệp và quyết định phân công công tác, anh Nguyễn Xuân Sanh đã viết thư gửi Ban giám hiệu nhà trường tình nguyện xin về miền Nam công tác. Trong thư có đoạn viết: “Đã 8 năm rồi tôi xa quê hương miền Nam sống trên đất Bắc, được nhân dân nuôi ăn học nay đã tốt nghiệp đại học. Lúc này, ở miền Nam đau thương, bom đạn Mỹ vẫn ngày đêm dội xuống dân làng, cảnh chết chóc đau thương vẫn diễn ra. Cách mạng miền Nam đang cần những người con kiên trung khi đất nước nguy nan. Vì vậy, tôi đề nghị Ban giám hiệu nhà trường cho tôi được về miền Nam chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương, đất nước”.

Hiểu được mong muốn và nguyện vọng của chàng sinh viên trẻ, nhà trường đã quyết định giới thiệu anh và hai sinh viên nữa về Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX).

Tại trụ sở số 5 Lý thường Kiệt, Tổng giám đốc VNTTX Hoàng Tuấn  vui vẻ bắt tay từng phóng viên mới và hỏi: Các đồng chí học Đại học Ngoại giao nhưng lại được phân công về VNTTX công tác, các đồng chí có thấy trái chiều và có gì trở ngại không? Anh Nguyễn Xuân Sanh thay mặt đoàn trả lời: Thưa Tổng giám đốc, chúng tôi ý thức được rằng, đã là người chiến sĩ cách mạng, khi cách mạng cần làm việc gì, ta phải sẵn sàng làm tốt việc đó. Về nhận công tác tại VNTTX, chúng tôi hoàn toàn tự nguyện, xin đồng chí an tâm. 

Xúc động trước chia sẻ chân thành của các phóng viên mới, Tổng giám đốc dặn dò: Nhiệm vụ của VNTTX trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài, còn nhiều gian khó. Cách mạng miền Nam nói chung, các chiến trường khu vực nói riêng, cần nhiều cán bộ và phóng viên, nhưng chúng tôi chưa đào tạo kịp để đáp ứng nhu cầu. Nay có thêm các đồng chí rất tâm huyết với nghề, được bổ sung về công tác với VNTTX, chúng tôi rất vui mừng được tiếp nhận.

Từ buổi tiếp xúc ban đầu đơn sơ nhưng đầy ấn tượng đẹp đẽ ấy, anh Nguyễn Xuân Sanh và các bạn đã coi VNTTX là gia đình thứ hai của mình.

2. Tháng 8/1964, sau hai tháng học nghiệp vụ thông tấn, anh Nguyễn Xuân Sanh được phân công về phân xã TTXGP khu 6. Từ trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, đoàn đi B gồm phóng viên VNTTX và cán bộ một số bộ, ban, ngành, đã tạm biệt bạn bè, đồng nghiệp lên đường ra mặt trận. Anh Nguyễn Xuân Sanh được giao làm trưởng đoàn, có trách nhiệm đưa đoàn đến đích và liên lạc với hai đầu mỗi ngày.

Xe xuất phát từ Hà Nội đến miền tây Quảng Bình vượt qua biên giới Việt - Lào vào đường Tây Trường Sơn, lần lượt đi qua nhiều binh trạm và dừng lại nghỉ ngơi một ngày ở trạm thứ mười thuộc tỉnh Savanakhet (Lào), trước khi đặt chân lên đất miền Nam. Ngày đi đêm nghỉ, đoàn vượt qua các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, cuối cùng về tới căn cứ Ban Tuyên huấn khu 6 giữa rừng Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng trong vòng tay yêu thương của đồng chí, đồng nghiệp.

Tại hội trường Cơ quan Tuyên huấn khu 6, lãnh đạo Ban Tuyên huấn hỏi thăm sức khỏe từng người. Trưởng đoàn Nguyễn Xuân Sanh lấy từ ba lô một gói kẹo Hải Châu, gói trà Hồng Đào và bao thuốc lá Điện Biên “chút quà nhỏ của nhân dân miền Bắc do Tổng giám đốc VNTTX gửi tặng Ban Tuyên huấn khu 6”.

Đồng chí Hữu Phước, Phó trưởng ban Tuyên huấn, bày tỏ: Chúng tôi rất vui mừng được tiếp nhận các đồng chí là những người được học tập bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với miền Nam, cùng chung sức chung lòng với chúng tôi để hoàn thành nhiệm vụ của khu 6 mà Tổ quốc giao. Mong các đồng chí giữ gìn bí mật tuyệt đối trên mọi hành động, mọi lĩnh vực công tác. Phải giữ gìn sức khỏe để chiến đấu, công tác lâu dài. Phải giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết hợp đồng chiến đấu và công tác giữa các đơn vị; đoàn kết quân dân; đoàn kết trong vận động binh lính địch. Phải có tinh thần, ý chí chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ở chiến trường có nhiều nhiệm vụ đột xuất, bất ngờ xảy ra, ta có lúc phải hy sinh cả xương máu để hoàn thành.

Sau những lời dặn dò của lãnh đạo Ban Tuyên huấn, anh em chia tay nhau, mỗi người đi về một bộ phận công tác. Lúc này, TTXGP khu 6 sinh hoạt ghép với Ban Tuyên huấn khu 6, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy khu 6.

3. Mới vào công tác ở khu 6, chưa quen với địa hình rừng núi và phong tục tập quán, ngôn ngữ của các dân tộc, chưa quen với quy luật hoạt động của địch và cách sinh hoạt của chiến sĩ ta ở chiến trường, những phóng viên mới như anh Sanh có quá nhiều việc để bắt đầu.

Ngày 6/11/1964, Ban tuyên huấn tổ chức đoàn cán bộ xuống một số huyện của tỉnh Lâm Đồng để nắm tình hình và tổ chức tuyên truyền chống chiến tranh tâm lý, chống bắt lính của địch. Lần đầu tiên đi cơ sở, anh Sanh rất hăng hái, linh hoạt trong mọi công việc của đoàn và cơ sở. Anh đã phát hiện và báo với trưởng đoàn, lãnh đạo địa phương bắt giữ kẻ lạ mặt thâm nhập vào địa phương theo dõi hoạt động của ta. Trên đường về gặp ổ phục kích của địch, đồng loạt ba khẩu AK của các anh Sanh, Hà, Lộc cùng nhả đạn khiến quân địch khiếp sợ tháo chạy về phía thị xã Bảo Lộc. Trong chuyến công tác này, hai anh Lê Văn Hà và Nguyễn Xuân Sanh được khu 6 tặng Bằng khen với thành tích “Nhạy bén, linh hoạt trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu với quân thù”. Thời kỳ này, anh Sanh được giao phụ trách bộ phận tổng hợp của TTXGP tại khu 6.

Mặc dù khu 6 không phải chiến trường quen thuộc, địa hình mới, nghiệp vụ mới, đồng nghiệp mới, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng với bản lĩnh đã được tôi luyện trên mảnh đất miền Trung anh dũng kiên cường, anh Nguyễn Xuân Sanh đã nhanh chóng hòa nhập, làm tốt nhiệm vụ và được đề bạt làm Trưởng phân xã TTXGP khu 6. Khi cấp trên về trao quyết định bổ nhiệm, anh xúc động phát biểu: Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm đối với tôi. Bởi tôi mới chuyển ngành và được điều động bổ sung vào TTXGP khu 6, mọi việc đều mới mẻ, bỡ ngỡ, rất cần sự giúp đỡ của cấp trên, của các đồng chí, bạn bè, đồng nghiệp cùng với sự nỗ lực của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ.

Điều kiện sinh hoạt tại chiến trường vô cùng khó khăn, thiếu thốn, ở núi rừng xa dân cư, địch đánh phá ác liệt, việc tiếp tế lương thực thường bị gián đoạn, anh em phải tăng gia sản xuất, tự túc lương thực. Trong một lần rẫy sắn của cơ quan bị địch rải chất độc hóa học, nhằm hủy diệt nguồn cung cấp lương thực của ta, anh Nguyễn Xuân Sanh cùng anh em ra rẫy bẻ lá để bảo vệ cây khỏi chết, củ khỏi thối, bảo đảm nguồn lương thực lâu dài cho cơ quan. Không ngờ, máy bay địch  đến đánh phá, anh em nhanh chóng phối hợp với bộ đội cao xạ đánh trả quyết liệt. Trong trận chiến đấu ấy, anh Nguyễn Xuân Sanh đã hy sinh tại đồi Buông Phiêu, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng khi vừa tròn 34 tuổi.

Hòa bình lập lại, sau thời gian dài tìm kiếm, năm 1977, gia đình và cơ quan mới tìm được và đưa hài cốt nhà báo liệt sỹ Nguyễn Xuân Sanh về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam  - quê hương yêu dấu của anh.
 

Nguyễn Xuân Mai
Nội san Thông tấn số 8/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cảm nhận hương vị cuộc đời qua từng khoảnh khắc (05/09/2019 16:37:17)

Tình người trong "bão lửa" (05/09/2019 16:36:39)

Chuyến đi nhiều cảm xúc (05/09/2019 16:16:27)

Đường sắt Bắc Nam và những chuyến đi nặng lòng (05/09/2019 16:15:26)

Gặp mặt kỷ niệm Ngày truyền thống các ngành Văn phòng, Tổ chức, Tài chính (04/09/2019 09:45:49)

Tin thi đua - Khen thưởng (04/09/2019 09:44:42)

Tiếp Tổng Bí thư Đảng Lao động Mexico (30/08/2019 10:57:02)

Hợp tác thông tin với Tập đoàn Aju News Corporation (Hàn Quốc) (28/08/2019 16:19:06)

Trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (28/08/2019 10:52:20)

Nâng cao chất lượng thông tin Báo ảnh Dân tộc và Miền núi (28/08/2019 10:38:01)