Chủ nhật, ngày 28/07/2024

Tin trong ngành

Website “Người Thông tấn” – tại sao không?


(01/11/2012 16:30:29)

“Trẻ” là “khỏe”, là “vui”, là “năng động”... Lớp trẻ chính là tương lai của ngành chúng ta. Bắt đầu từ số này, Nội san Thông tấn mở chuyên mục “Chuyển động trẻ” với sự tham gia của chính những người trẻ trong ngôi nhà Thông tấn, chuyển tải tâm tư và giới thiệu những ý tưởng, những việc làm của họ.

 

Trước nhiều hiệu ứng tích cực từ trang mạng cộng đồng Facebook Group Thanh niên TTXVN thời gian qua, không ít bạn trẻ trong cơ quan đã có ý tưởng: Lập website Người Thông tấn, làm cầu nối cho hơn 2.000 con người hiểu biết về nhau và hiểu hơn về hoạt động của ngành.

 

            Sức hút từ một trang Facebook

Đến nay, rất nhiều bạn trẻ trong ngành đã biết đến Group Thanh niên TTXVN. Qua đây, một phóng viên đang "biệt phái" ở tận La Habana hay Luân Đôn cũng có thể được cập nhật những diễn biến mới nhất của Giải bóng đá mini do Đoàn Thanh niên và Công đoàn TTXVN phối hợp tổ chức chào mừng ngày thành lập cơ quan. Họ cũng được dõi theo "thăng trầm" của các thí sinh tham dự Cuộc thi ảnh "Thu tỏa nắng" nhân Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10. Một hiệu quả nhỡn tiền: Các đoàn viên ở nhiều đơn vị đã link được với nhau để cùng tham gia một hoạt động nhân ái trong đợt Tết Trung thu...

 

Khẳng định sức hấp dẫn của trang FB Group TTXVN, một phóng viên trẻ ở Cơ quan đại diện TTXVN tại Đà Nẵng (B1) tâm sự: "Cơ quan mình có hơn 2.000 người. Để gặp và biết (dù chỉ vài thông tin cơ bản) về đồng nghiệp thật khó khăn. Vì thế mình đã đăng ký gia nhập Group Thanh niên TTXVN. Đây là cơ hội duy nhất để mình biết phần nào về những đồng nghiệp của mình đang công tác ở nhiều nơi".

Tuy nhiên, bạn ở B1 cũng cho rằng, tính năng xã hội của FB cũng còn những hạn chế nhất định. Đơn cử, các vấn đề mà một nhóm thành viên đang quan tâm có thể bị chìm và trôi đi chỉ sau vài post. Vì thế, rất khó theo dõi thông tin. Bên cạnh đó, nội dung Group Thanh niên TTXVN cũng hạn chế, chưa thể hiện đầy đủ và toát lên được nét sinh động trong các mặt hoạt động của ngành, đặc biệt là đời sống người trẻ Thông tấn.

 

Hơn cả một "nhịp cầu nối những bờ vui"

Đặt giả thiết sẽ có một website riêng về người thông tấn, nhiều bạn cho rằng đây sẽ là một cách mới để gắn kết những người trong một nhà. Một nữ PV ở Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh (B2) khẳng định "Một website Người Thông tấn là cần thiết để tất cả mọi người làm việc trong ngành, dù ở nơi nào, cũng có thể cập nhật mọi thông tin về hoạt động, gắn kết với nhau hơn trong công việc, cuộc sống. Việc làm quen, kết bạn trở nên dễ dàng. Điều này giúp tạo sự gắn kết, trước hết về mặt tình cảm. Sau nữa, mọi người có thể hỗ trợ nhau cả về công việc lẫn những lĩnh vực khác trong cuộc sống". Một PV phân xã cũng thổ lộ: "Ngoài việc giao lưu, trò chuyện và biết được đồng nghiệp của mình ở các nơi thì mình cũng cần một nơi để trao đổi về nghiệp vụ, công việc hàng ngày".

 

FB Group TTXVN thu hút giới trẻ Thông tấn

Còn theo bạn PV ở B1 đã nói trên, nếu có website, điều không thể thiếu là các hoạt động nội chính và phong trào của ngành: Các hoạt động của Tổng xã (như kí kết hợp tác với các hãng thông tấn ngoài nước, hợp đồng thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương...), hoạt động của Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Liên Chi hội nhà báo... Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi đăng tin về các cuộc thi do ngành phát động.

Người trẻ Thông tấn đang chiếm phần không nhỏ trong cơ quan. Vì thế, một điểm nhấn của website sẽ là hình ảnh và tiếng nói của người trẻ. Một chuyên mục Thanh niên cần phải tô đậm "ô cửa" nhỏ: Thanh niên hiến kế, tán gẫu, blog. Trên website cũng cần có diễn đàn trao đổi nghiệp vụ. Có thể chia thành các góc nhỏ, như góc nghiệp vụ ảnh, tin, bài thông tấn, tin, phóng sự truyền hình... Tại từng mục, Ban Quản trị web có thể mời 1-2 người quản trị từng góc để giải đáp thắc mắc của PV về nghiệp vụ, cho lời khuyên của biên tập đối với PV. Trong chuyên mục nghiệp vụ này có thể bố trí thêm mục "Cầu nối" để PV các đơn vị ở Tổng xã có thể liên hệ trao đổi, phối hợp với PV ở các phân xã trong và ngoài nước thực hiện một đề tài nào đó. Phóng viên ở Tổng xã phát hiện vấn đề thông qua các cuộc họp (hoặc cách nào đó) có thể post lên diễn đàn và hỏi các PV địa phương về vấn đề đó. Từ đó, các bên có thể phối hợp thực hiện một, hoặc một loạt, sản phẩm thông tin.

Các bạn trẻ cũng có ý tưởng là Web sẽ  phối hợp chặt chẽ với Nội san Thông tấn để đưa một số nội dung của Nội san lên mạng, và ngược lại, Nội san Thông tấn có thể sử dụng một số bài trong web.

Kỳ vọng về website Thông tấn rất nhiều. Nhưng một kỹ sư tin học làm việc ở bộ phận Quản trị mạng trong cơ quan phân tích: Xây dựng web không khó nhưng  quản trị thì không đơn giản. Nếu xây dễ thì hack hay phá cũng dễ. Đó là chưa kể ngày nào cũng phải cập nhật nội dung, phải có người kiểm duyệt nội dung chứ không thể tùy tiện như việc đăng tin lên trang FB lâu nay. Tất cả đòi hỏi phải có nhân lực làm việc này một cách chuyên nghiệp.

 

Lê Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trò chuyện với Chánh Văn phòng TTXVN Nguyễn Thế Quỳnh: Việc nhỏ tỉ mỉ, việc lớn thành công (01/11/2012 15:41:47)

Hoa xương rồng trên cát (01/11/2012 15:24:14)

Chuyện “một nửa” cơ quan: Làm dâu trăm họ (01/11/2012 15:18:53)

TTXVN kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam (01/11/2012 15:11:31)

Tin thi đua khen thưởng (01/10/2012 14:57:49)

Báo Thể thao & Văn hóa trao giải thưởng: Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2012 (01/10/2012 14:54:31)

Tăng cường tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (01/10/2012 14:47:29)

Hoạt động kỷ niệm 67 năm ngày thành lập TTXVN (01/10/2012 14:45:18)

Tiếp cận bạn đọc bằng nhiều cách (01/10/2012 14:09:21)

Hấp dẫn "TTXVN league" 2012 (01/10/2012 13:38:29)