Thứ năm, ngày 02/05/2024

Tin tức trong ngành

Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ TTXVN qua các thời kỳ


(05/08/2022 09:43:32)

Công tác thu thập, xử lý dữ liệu, thông tin có liên quan đến các liệt sĩ đóng vai trò quan trọng trong công tác thương binh liệt sĩ thực hiện chính sách với người có công với cách mạng. Trong bối cảnh Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và các bộ, ngành đang tích cực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc nghiên cứu, sưu tầm, thu thập, xử lý các thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ TTXVN qua các thời kỳ, có thể kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu liệt sĩ quốc gia, nhằm thực hiện tốt chế độ chính sách với người có công, phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử báo chí Thông tấn, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, càng trở nên cấp thiết. Đây là mục tiêu của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành “Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ TTXVN qua các thời kỳ” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn thực hiện.

Gia đình liệt sĩ Phạm Văn Bình tham quan khu trưng bày liệt sĩ tại Phòng truyền thống TTXVN, tháng 11/2020

Tiếp cận gia đình liệt sĩ

Diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt là lần bùng phát thứ tư khiến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, nhóm nghiên cứu đã chủ động chuyển đổi phương pháp, hình thức nghiên cứu để phù hợp với tình hình, đồng thời đề nghị các Cơ quan thường trú (CQTT) hỗ trợ, để có được thông tin chính xác và đầy đủ về các liệt sĩ từ những nguồn tin cậy nhất.

Nhóm nghiên cứu đã xác định hướng tiếp cận thông tin chủ yếu là từ các gia đình liệt sĩ: cha mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột, cháu, người thờ tự của các liệt sĩ... đều có thể cung cấp thông tin về liệt sĩ, dựa vào trí nhớ, các câu chuyện kể, đặc biệt là dựa vào những văn bản, tư liệu, hiện vật, kỷ vật, giấy tờ của liệt sĩ mà gia đình hiện đang lưu giữ.
 
Nhóm phóng viên CQTT tại Bắc Giang trò chuyện cùng ông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai bên phải), em trai liệt sĩ Nguyễn Đức Hoằng, tại phường Xương Giang, TP. Bắc Giang

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Năng Phát ngụ tại số 12, đường Tô Hiến Thành, phường Phước Mỹ, thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, sau khi cung cấp đầy đủ thông tin, đặc biệt là ảnh chân dung liệt sĩ, đã bày tỏ mong muốn được tặng lại Phòng truyền thống của ngành chiếc máy ảnh mà ông đã sử dụng trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Anh Lê Thành Vinh, cháu của liệt sĩ Lê Văn Tròn, ngụ tại ấp Long Hòa 1, xã Long Hòa, Phú Tân, An Giang, sau khi thông báo tin vui gia đình đã tìm được hài cốt liệt sĩ và đưa về an táng tại quê nhà, đã đề xuất tặng lại một số huân, huy chương và một bộ tài liệu mật về liệt sĩ cho Phòng truyền thống TTXVN, thông qua CQTT tại An Giang.

Nhiều gia đình liệt sĩ đã gửi ảnh chân dung cùng ảnh chụp các loại huân huy chương cho nhóm nghiên cứu để bổ sung vào hồ sơ của liệt sĩ. Trong quá trình tiếp cận, nhóm nghiên cứu cũng nhận được nhiều lời đề nghị mong được giúp đỡ. CQTT tại Hà Tĩnh đề xuất giúp đỡ gia đình (con gái) liệt sĩ Lê Viết Vượng ở xã Nam Phúc Thăng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình liệt sĩ Nguyễn Thanh Bình cho biết, vợ của liệt sĩ - bà Tạ Thị Hiền (sinh năm 1933), ở với con gái là chị Nguyễn Thị Thanh Yên, tại 280/17, Bùi Hữu Nghĩa, P2, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, đang ốm nặng, rất mong nhận được sự quan tâm của cơ quan. CQTT Thái Bình đề nghị hỗ trợ làm nhà cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Năng ở thôn Canh Nông, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
 
Nhóm phóng viên CQTT tại Hải Dương thăm hỏi gia đình liệt sĩ Dương Đức Thắng, tại phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn

Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ, nhân chứng ngày càng ít đi, người đại diện thờ cúng liệt sĩ cũng đã chuyển giao qua nhiều thế hệ, nên khả năng nắm thông tin về liệt sĩ không còn chặt chẽ. Ví dụ trường hợp liệt sĩ Nguyễn Ngọc Công (1943-1970), trước đây, việc thờ cúng liệt sĩ do một người em họ đảm nhiệm. Khi bà mất, việc thờ cúng được bàn giao cho người cháu trai. Cách đây vài tháng, người cháu trai mất, lại bàn giao tiếp cho người cháu dâu - chị Đinh Thị Oanh, thôn Làng, xã Thanh Lạc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Việc tìm hiểu thông tin khá vất vả vì hầu như hồ sơ đã bị thất lạc và chị Oanh cũng không nắm được nhiều thông tin.

Gia đình liệt sĩ Phạm Khắc Trung (1919-1965) không còn ai. Vợ liệt sĩ bị địch bắn chết và được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, hai con cũng là liệt sĩ. Trước đây, ông Phạm Chư, trú tại đội 10, xã Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, một người trong dòng họ chịu trách nhiệm thờ cúng cả họ, trong đó có gia đình liệt sĩ Phạm Khắc Trung. Hiện nay, việc thờ cúng gia đình liệt sĩ do người cháu gọi liệt sĩ bằng bác là bà Phạm Thị Thư, trú tại xóm Xuân Thạnh, thôn Tân Thạnh 2, xã Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định đảm nhiệm.

Ở một số trường hợp, một liệt sĩ có tới hai, thậm chí nhiều thông tin khác nhau từ nhiều nguồn cung cấp và rất khó kiểm chứng. Có liệt sĩ có tới 3 năm sinh khác nhau từ 3 nguồn: lưu hồ sơ cơ quan, đồng nghiệp cung cấp và gia đình cung cấp. Ví dụ trường hợp liệt sĩ Nguyễn Công Thành (tức Thành Râu), trong hồ sơ cơ quan lưu ngày hy sinh là 13/6/1970. Nhưng đầu tháng 10/2021, khi đến thăm và khảo sát tại gia đình thì thân nhân cung cấp thông tin là 20/3/1968. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và tính toán, nhóm nghiên cứu quyết định giữ lại ngày hy sinh của liệt sĩ theo hồ sơ cơ quan là ngày 13/6/1970, bởi đây là ngày ghi dấu ấn đau thương trong lịch sử TTXVN, khi cả Phân xã Nam Tây Nguyên bị bom vùi.
 
Nhóm phóng viên CQTT tại Hải Dương thăm hỏi gia đình liệt sĩ Dương Đức Thắng, tại phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn

Trong danh sách liệt sĩ của TTXVN có hai liệt sĩ: Nguyễn Đức Nhân và Nguyễn Huỳnh Nhân. Tuy nhiên trong danh sách liệt sĩ Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam đang quản lý chỉ có liệt sĩ Nguyễn Huỳnh Nhân. Sau khi tiến hành khảo sát và kiếm chứng thông tin từ bà Huỳnh Kim Tuyến (hay còn gọi là Thu Trúc, cũng là nhân viên của Thông tấn xã Giải phóng) - vợ của liệt sĩ, nhóm khảo sát phát hiện hai liệt sĩ là một. Liệt sĩ Nguyễn Đức Nhân còn có tên gọi khác là Nguyễn Huỳnh Nhân. Để có cứ liệu chắc chắn, nhóm nghiên cứu đã tìm lại bài viết của tác giả Thanh Bền trên Nội san Thông tấn số 10/2012 có rất nhiều nội dung liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Đức Nhân. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu quyết định nhập hai tên làm một và sử dụng tên Nguyễn Đức Nhân (theo bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương và theo đề nghị của gia đình vì là tên khai sinh).

Không ít gia đình liệt sĩ ở vùng sâu, vùng xa hoặc thân nhân liệt sĩ cao tuổi nên không có số điện thoại. Liệt sĩ Nguyễn Mượn (1943-1970) có mẹ là Nguyễn Thị Khá (sinh 1918) ở 255 Tăng Bạt Hổ, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai (đã mất). Em trai thờ cúng nhưng không có số điện thoại. Toàn bộ liên lạc của nhóm nghiên cứu với gia đình đều thông qua phóng viên Phạm Thị Hồng Điệp, CQTT tại Gia Lai…

Bên cạnh đó, đề tài còn có những hướng tiếp cận thông tin khác như: các công văn, văn bản, quyết định, danh sách, hồ sơ của Ban Tổ chức-Cán bộ, các cơ quan khu vực có liên quan đến công tác tổ chức hoạt động của cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên TTXVN trong chiến tranh và công tác thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, liệt sĩ hiện nay của ngành; thông tin hồ sơ về liệt sĩ tại các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội do các CQTT tại các địa phương liên hệ, cung cấp.
 
Nhóm phóng viên CQTT tại Gia Lai đến thăm và tặng quà gia đình liệt sĩ Nguyễn Mượn, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku

Ngoài ra, các tư liệu truyền thống, lịch sử về TTXVN; các bài viết đăng tải trên Nội san Thông tấn chứa đựng nhiều thông tin sinh động về cuộc sống và chiến đấu do chính các nhà báo gửi về từ chiến trường khốc liệt trước khi hy sinh, hoặc của các đồng chí, đồng nghiệp từng vào sinh ra tử với các nhà báo liệt sĩ. Tư liệu, hiện vật, kỷ vật, sổ tay, ghi chép, thông tin, danh sách về liệt sĩ hiện được lưu giữ tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn - đơn vị được giao quản lý công tác lịch sử truyền thống của ngành, được xác định là nguồn thông tin nền tảng, để từ đó, nhóm nghiên cứu chọn lọc, phát triển, tiến hành khảo sát trong toàn quốc.

Tổng hợp Cơ sở dữ liệu

Sau khi rà soát, cơ sở dữ liệu gồm 254 người, trong đó có 253 liệt sĩ và trường hợp phóng viên Đinh Hữu Dư, CQTT tại Yên Bái, hy sinh trong khi đang tác nghiệp mưa lũ, tháng 10/2017.

Căn cứ vào thời điểm hy sinh, nhóm nghiên cứu phân chia danh sách liệt sĩ thành ba phần: Phần I - danh sách liệt sĩ TTXVN thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, gồm 8 liệt sĩ, chiếm 3,2%; Phần II - danh sách liệt sĩ TTXVN thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, gồm 241 liệt sĩ, chiếm 94,8%; Phần III - danh sách liệt sĩ TTXVN thời kỳ sau năm 1975, gồm 5 liệt sĩ, chiếm 2%.

Trước khi xác thực các trường thông tin cụ thể cho cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ TTXVN, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu mô hình tra cứu thông tin liệt sĩ trên Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (thongtinlietsy.gov.vn) của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ của Việt Nam. Căn cứ theo các trường thông tin cơ bản đó, nhóm đã phân tích, rà soát và xây dựng các trường thông tin cụ thể của cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ TTXVN, đảm bảo vừa kế thừa các trường thông tin được xác định của cơ sở dữ liệu quốc gia, vừa phát triển sâu hơn, rộng hơn các trường thông tin mới, mang đặc thù công việc, cuộc sống, chiến đấu của các phóng viên, biên tập viên, điện báo viên, công nhân viên cơ quan Thông tấn quốc gia.
 
Đề tài gồm 3 chương: Cơ sở lý luận và thực tiễn về liệt sĩ, nhà báo liệt sĩ; Những đóng góp của nhà báo liệt sĩ TTXVN qua các thời kỳ; Tổng hợp dữ liệu về nhà báo liệt sĩ TTXVN và đề xuất, kiến nghị. Bên cạnh đó là phần phụ lục Luận giải về các trường thông tin trong cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ của TTXVN chi tiết, khoa học.

Theo đó, trong cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ TTXVN, thông tin về các liệt sĩ được làm rõ, chi tiết theo 25 trường thông tin gồm: Họ và tên liệt sĩ lưu hồ sơ tại TTXVN; Họ tên khai sinh, thường gọi, bút danh, mật danh, tên gọi khác…; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quê quán; Năm tham gia cách mạng; Năm tham gia ngành báo chí; Đơn vị công tác; Chức danh (phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên và chức danh khác); Ngày, tháng, năm hy sinh; Địa điểm hy sinh; Mô tả tình huống hy sinh; Mộ chí; Địa chỉ thân nhân; Số điện thoại thân nhân; Thân nhân đã được trao tặng nhà tình nghĩa hay chưa; Đã được trao tặng số tiết kiệm hay chưa, đợt nào; Sản phẩm thông tin giới thiệu về liệt sĩ  (ảnh, bài viết, video clip về liệt sĩ); Các loại huân huy chương, danh hiệu và các thành tích khác đã được trao tặng, truy tặng cho liệt sĩ; Các giải thưởng trong nước và quốc tế của liệt sĩ; Hiện vật của liệt sĩ; Dùng tên liệt sĩ để đặt tên đường phố, địa danh (đã đặt tên hoặc có thể lập hồ sơ giới thiệu để đặt tên)...

Dữ liệu nhà báo liệt sĩ TTXVN còn được phân chia theo địa phương, thuận tiện cho công tác tra cứu. Theo đó, tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước có: 21 tỉnh, thành không có thông tin về liệt sĩ TTXVN, chiếm 33,3%; 42 tỉnh, thành có liệt sĩ TTXVN, chiếm 66,7%. Trong đó: 36 tỉnh, thành có dưới 10 liệt sĩ; 6 tỉnh, thành có trên 10 liệt sĩ.

Tài liệu tham khảo hữu ích

Từ kết quả nghiên cứu khoa học và cập nhật về các nhà báo liệt sĩ TTXVN, đề tài đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể về công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ còn thất lạc; xây dựng Quỹ tên đường phố; tổ chức sáng tác các tác phẩm báo chí về đề tài liệt sĩ TTXVN; xuất bản sách, sản xuất bộ phim tài liệu về liệt sĩ Thông tấn; hỗ trợ gia đình liệt sĩ khó khăn; phát động hiến tặng kỷ vật cho Phòng truyền thống TTXVN...

Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, đội ngũ những người làm báo của TTXVN không chỉ ghi lại các sự kiện, mà còn trực tiếp tham gia và góp phần làm nên những sự kiện lịch sử ấy. Lớp lớp phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã lên đường ra trận và nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường để những dòng tin, bài viết, bức ảnh, thước phim được gửi về từ chiến trường khốc liệt luôn liền mạch. Những thông tin mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường đã góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Việc nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ của TTXVN góp phần đánh giá tổng quan, đa chiều về vai trò, vị trí, những đóng góp của cơ quan thông tấn quốc gia qua các cuộc kháng chiến của dân tộc cũng như quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Qua đó, làm nổi bật những giá trị nhân văn sâu sắc, những cống hiến và sự hy sinh anh dũng của đội ngũ những người làm báo Thông tấn trong dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam.
 
Tổng giám đốc Vũ Việt Trang chúc mừng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn với đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ của TTXVN qua các thời kỳ”, năm 2021

Bên cạnh đó, đề tài góp phần khẳng định vai trò to lớn của báo chí cách mạng Việt Nam trong lịch sử dân tộc. Báo chí là một mặt trận, nhà báo là chiến sĩ trên mặt trận đó, không chỉ xung kích trên mặt trận tư tưởng, mà trên các chiến trường, các lĩnh vực của đời sống, luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dấn thân nơi tuyến đầu gian khổ hy sinh.

Từ trước tới nay, chưa có công trình nghiên cứu nào liên quan đến liệt sĩ Thông tấn. Đề tài “Xây dựng cơ sở dữ liệu nhà báo liệt sĩ của TTXVN qua các thời kỳ” là những tài liệu tham khảo hữu ích cả về lý luận và thực tiễn cho công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác nghiên cứu lịch sử báo chí, truyền thông, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ./.

Nội san Thông tấn số 7/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ: Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi! (02/08/2022 16:13:51)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Điện báo viên kiên trung (02/08/2022 16:06:30)

Đảng ủy Thông tấn xã việt Nam: Triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm (02/08/2022 16:02:42)

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo và cuộc phỏng vấn dành riêng cho TTXVN (02/08/2022 15:59:32)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa (27/07/2022 15:37:01)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Nhiều hoạt động ý nghĩa tại chiến khu Tây Ninh (26/07/2022 16:49:22)

75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ: Truy điệu và an táng hài cốt nhà báo liệt sĩ TTXVN Đỗ Văn Đạt (25/07/2022 17:14:49)

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/20222): Đoàn thanh niên B1 thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ (22/07/2022 09:12:09)

Tuổi trẻ B2 hướng về biển đảo quê hương (22/07/2022 09:10:42)

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/20222): Thăm gia đình liệt sĩ TTXVN (21/07/2022 16:06:59)