Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Tin tức trong ngành

15 năm làn sóng điện không bao giờ tắt


(04/11/2019 09:41:56)

Nhân kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), Nội san Thông tấn xin trích đăng bài viết của nhà báo Đỗ Văn Ba (1924 - 2009), nguyên Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Phụ trách TTXGP về những khó khăn trong buổi đầu thành lập và những nỗ lực, hy sinh của phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên để duy trì làn sóng điện TTXGP trong suốt 15 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử.

Điện báo viên TTXGP thực hiện thu phát tin tại căn cứ

1. Một buổi tối tháng 8/1960, anh Tân Đức gọi tôi đến bàn việc quan trọng. Tôi đoán ngay là có vấn đề cấp bách, vì trong căn cứ lúc bấy giờ việc bảo mật cơ quan là điều hệ trọng số một. Nếu không có việc cấp thiết thì không được làm việc đêm tránh để ánh đèn làm lộ căn cứ.

Dưới ngọn đèn lờ mờ làm bằng chai cồn bạc hà, anh Tân Đức thông báo với tôi lời của anh Trần Bạch Đằng: Lệnh của Thường vụ Xứ ủy là tình hình cách mạng chuyển sang bước ngoặt, cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam có bước phát triển mới. Do đó, cần thành lập bộ phận Thông tấn xã. Anh Tân Đức còn nói thêm, Ban Tuyên huấn phân công anh phụ trách phần biên tập, còn phần kỹ thuật gồm bộ phận điện báo và phương tiện thu phát tin giao cho tôi và phải hoàn thành trong vài tháng tới.

Tôi vốn không phải là người sợ khó, nhưng lần này, nghe anh Tân Đức giao nhiệm vụ, mồ hôi toát ra ướt áo dù lúc ấy là 8 giờ tối, trời lành lạnh. Thấy tôi băn khoăn lo lắng, anh Tân Đức vừa động viên vừa nghiêm nghị bảo: Đảng ta xưa nay khi có đường lối, chủ trương đúng, có quyết tâm cao thì không việc gì không giải quyết được. Vả lại, chúng ta không phải những người sợ khó và thiếu quyết tâm.

Sau khi làm việc với anh Tân Đức, tôi về chòi trằn trọc suy nghĩ, không sao chợp mắt được. Sau Hiệp định Geneve, lý do tôi không đi tập kết mà ở lại miền Nam theo cấp ủy phổ biến là để chuẩn bị cho việc thành lập Thông tấn xã sau này. Vậy là nhiệm vụ của tôi đã rõ. Thế nhưng để hoàn thành nhiệm vụ, mà lại phải hoàn thành gấp, sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề khó khăn phải suy nghĩ. Chẳng hạn, làm sao có được khoảng 30 điện báo viên; có thể đào tạo, nhưng lấy đâu ra người. Rồi làm sao có được một số phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật cần thiết ban đầu khi cơ quan nằm giữa rừng già…

Nhưng đúng như lời các anh nói, có chủ trương đúng, có quyết tâm cao, không việc gì không làm được. Nhóm thanh niên đầu tiên ở Củ Chi lên căn cứ và hàng loạt chiến lợi phẩm kỹ thuật thu được của địch lần lượt được đưa về chỗ chúng tôi. Các đồng chí: Đoàn Văn Thiều, Phùng Văn Dựng, Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Pha, Trần Văn Khuê được cơ quan bố trí về công tác với chúng tôi. Anh em chịu khó, nhiệt tình nhưng trình độ văn hóa nói chung chưa hết cấp I. Chúng tôi phải vừa dạy thêm văn hóa vừa bồi dưỡng chuyên môn cho các anh.

Không có manip thật để học phát tín hiệu morse, chúng tôi dùng cây rừng đẽo gọt làm manip giả; không có lò xo thép, anh em dùng dây thun cao su thay thế chức năng đàn hồi của lò xo. Sau 6 tháng, anh em trở thành những điện báo viên thành thạo công việc, sau này đều là các trưởng đài điện báo cốt cán của TTXGP.

Cấp ủy điều về một bộ máy thu phát 15W. Trên đường từ Khu 8 về R, anh em du kích đã vùi nó vài lần xuống bùn nước để đối phó với máy bay địch bắn phá, càn quét. Khi đến với chúng tôi, bộ máy đã lấm lem bùn. Chúng tôi phải lau sạch từng chi tiết nhỏ của máy, phơi trong bóng râm cả tuần trước khi đưa chạy thử. Kiểm tra máy nhưng không có đồng hồ đo điện, phải dùng tay người rờ vào máy xem bộ phận nào có điện, bộ phận nào không. Khi thử đến bộ phận có điện thế 450 vôn mọi người đều ngán, tuy cường độ dòng điện thấp nhưng điện thế cao, dù không nguy hiểm tính mạng, nhưng sẽ bị giật choáng người.
 
Bản tin đầu tiên của TTXGP

2. Ngày 12/10/1960 là ngày bản tin đầu tiên của TTXGP được phát đi toàn quốc và thế giới trên làn sóng điện 31m dưới hô hiệu LPA (Liberation Press Agency), trở thành ngày chính thức thành lập TTXGP.

Đúng 19 giờ, như đã hẹn với Việt Nam thông tấn xã (VNTTX) tại Hà Nội, bản tin đầu tiên sau gần 7 năm vắng bóng không liên lạc với Hà Nội sắp được phát. Tôi ngồi vào máy thu phát lòng đầy lo âu, hồi hộp. Đồng chí Đặng Văn Sông hai chân đạp đều máy phát điện ragono, mắt nhìn vào khoảng xa đăm chiêu, lo lắng...

Tôi lên máy, hỏi Hà Nội có nghe được tín hiệu morse không. Hà Nội trả lời nghe rất tốt. Tôi đề nghị phát một mạch không ngừng, tranh thủ giải quyết sớm đề phòng máy bay địch phát hiện. Hà Nội đồng ý và yêu cầu phát nhanh. Tôi phát tin liên tục gần hai tiếng đồng hồ. Có thể nói, có bao nhiêu khả năng chuyên môn tôi dồn hết vào phiên liên lạc đầu tiên này. Tôi vừa rời tay khỏi manip, Hà Nội báo đã nhận được đầy đủ 100% và chúc chúng tôi vui, khỏe trước khi kết thúc phiên liên lạc. Tôi sung sướng, nước mắt giàn giụa ôm chầm đồng chí Sông, người nhễ nhại mồ hôi cũng đang khóc trước sự xúc động của toàn thể anh em có mặt tại phiên phát sóng đầu tiên ấy.

Kể từ ngày đó, bản tin TTXGP được phát đều đặn hằng ngày lúc 18 giờ. Về sau, khi cùng đoàn anh em TTXGP ra thăm miền Bắc theo lời mời của VNTTX  khoảng tháng 8/1975, tôi được các anh lãnh đạo VNTTX cho biết, đêm 12/10/1960 tất cả lãnh đạo cơ quan đều có mặt ở phiên liên lạc đầu tiên ấy. Các anh rất xúc động. Một anh nói: “Chúng ta liên lạc được với anh em miền Nam ruột thịt rồi. Cách mạng miền Nam đã chuyển động mạnh rồi”.

LPA, chúng tôi gọi tắt ngắn gọn là “Giải Phóng xã” tưởng như không có chuyện gì đáng nói. Thế nhưng, một hôm liên lạc với các đồng chí điện đài Khu 9, các đồng chí phản ánh có một số cán bộ thắc mắc “tại sao chỉ Giải phóng xã, vậy huyện và tỉnh để cho địch cai trị hay sao”. Chúng tôi báo cáo lên Ban Tuyên huấn và từ đó, tuy còn nói ngắn gọn nhưng vẫn phải nêu TTXGP để khỏi nhầm lẫn.

3. TTXGP ngày một phát triển, đảm bảo thông tin thông suốt. Chúng tôi liên lạc điện đài nhận được tin của tất cả các phân xã TTXGP ở các tỉnh phía Nam. Việc liên lạc hai chiều với Hà Nội được đảm bảo 24/24 giờ hằng ngày. Được VNTTX chi viện nhiều đợt trang thiết bị và nhiều cán bộ, phóng viên, biên tập viên tin, ảnh, cán bộ kỹ thuật in, tráng, phóng ảnh và cán bộ kỹ thuật điện đài… TTXGP đã có lực lượng hùng hậu.

 Về trang thiết bị, nhiều loại máy mới tương đối hiện đại được thay thế dần các loại máy lắp ráp thô sơ. TTXGP được trang bị cả máy thu, phát ảnh (telephoto), máy teletype để liên lạc với Trung ương. Ngoài bản tin trong nước, TTXGP còn ra đều đặn bản tin thế giới và tin tham khảo. TTXGP được mọi người công nhận là một trong những đơn vị mạnh nhất của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1964, khi đến thăm TTXGP, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã xuống các hầm sâu kiên cố, nơi bố trí phương tiện làm việc của đơn vị và khen ngợi “xây dựng như thế mới đánh địch được lâu dài”.

Qua 15 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, làn sóng điện của TTXGP không bao giờ tắt. Bản tin thông báo tình hình mọi mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được phát trên sóng 31m của đài LPA không ngưng nghỉ kể cả trong đợt chiến đấu ác liệt chống cuộc hành quân Junction City năm 1967 của Mỹ hay khi chiến sự tràn sang đất Campuchia và ba lần máy bay B52 dội bom trúng căn cứ làm ba đồng chí hy sinh và nhiều đồng chí khác bị thương.

Với những thành tích trong 15 năm chống Mỹ cứu nước, TTXGP vinh dự được tặng thưởng Huân chương Thành Đồng hạng Nhì, hai Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Bằng khen của Trung ương Cục. Trung ương Cục đã tặng TTXGP 16 chữ vàng: “Cần cù dũng cảm. Tự lực cánh sinh. Khắc phục khó khăn. Hoàn thành nhiệm vụ”.

Đỗ Văn Ba
Nội san Thông tấn số 10/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960 -12/10/2019): Duy trì mạch thông tin trên chiến trường (04/11/2019 09:38:51)

TTXGP đưa tin sớm nhất trận đầu thắng Mỹ ở Núi Thành (04/11/2019 09:32:59)

Tiếp Đại sứ Armenia tại Việt Nam (01/11/2019 15:01:12)

Báo ảnh Việt Nam 65 năm giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới (01/11/2019 14:38:41)

4 cán bộ TTXVN nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đối ngoại Đảng” (01/11/2019 10:12:24)

Press Green Beauty 2019: Những "bóng hồng" Thông tấn tại cuộc thi sắc đẹp vì môi trường (01/11/2019 09:00:11)

Thực hiện Nghị quyết 02 của Đảng ủy về công tác thanh niên: Trang bị kỹ năng tuyên truyền về Biển Đông cho phóng viên, biên tập viên trẻ (31/10/2019 15:35:47)

Từ quý I/2020 tổ chức đại hội thi đua cấp cơ sở  (31/10/2019 15:24:45)

Đảng ủy TTXVN triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2019 (31/10/2019 15:23:58)

Báo Thể thao và Văn hóa vô địch giải bóng đá cúp Tứ hùng 2019 (31/10/2019 15:23:18)