Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Mở cửa thư viện

"70 năm đền ơn đáp nghĩa"


(02/08/2017 15:04:45)


Cuốn sách “70 năm đền ơn đáp nghĩa” do TTXVN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp biên soạn được phát hành đúng dịp Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đang tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017)

Sách dày 250 trang, tập hợp các bài viết, tư liệu và hình ảnh về lịch sử ra đời của Ngày thương binh, liệt sỹ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những chính sách ưu đãi về vật chất cũng như tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công… Cùng với đó là tấm gương tiêu biểu của những thương binh, thân nhân liệt sỹ, người có công, như: Họa sỹ, thương binh hạng 1/4 Lê Duy Ứng, nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm… không chỉ nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, trở thành gương sáng trong nhiều lĩnh vực, mà còn có nhiều đóng góp cho xã hội.

Vào mỗi dịp 27/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi thư và trực tiếp thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình người có công. Bác nhiều lần gửi tiền tiết kiệm, kỷ vật tặng những người lính đã từng đi qua chiến tranh, trở về với thương tích đầy mình, động viên họ với tình cảm chân thành, ấm áp như người thân trong gia đình. Trong di chúc để lại trước lúc đi xa, Người không quên dành những lời dặn dò ân cần: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã và hợp tác xã nông nghiệp), phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”…

Với tư tưởng và tinh thần ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã chọn phần mở đầu cuốn sách là hình ảnh Người trong bộ quần áo kaki cũ đứng nghiêm trang cúi đầu trước đài Tổ quốc ghi công tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Bức ảnh chụp năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc, Chính phủ chuyển từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Mùa đông năm đó, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. Đó thực sự là một hình ảnh ấn tượng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, tinh thần hiếu nghĩa, bác ái của Người, cũng như của toàn Đảng, toàn dân ta đối với những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. 

Theo Nội san thông tấn số 7/2017