Thứ tư, ngày 08/05/2024

Tin tức sự kiện và kỷ niệm

Bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam và Thế giới số thứ 1.000: Thông tin chuyên biệt về kinh tế trong xu hướng chuyển đổi số


(03/11/2022 08:27:52)

Bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam và Thế giới của Ban biên tập tin Kinh tế vừa cán dấu mốc số thứ 1.000 vào trung tuần tháng 10 này, kể từ ngày ra số đầu tiên 4/4/1999. Trải qua hơn hai thập kỷ hình thành và phát triển, ấn phẩm đã đến với độc giả qua nhiều lần thay đổi về diện mạo, phương thức tiếp cận để phù hợp với xu thế báo chí hiện đại và nhu cầu bạn đọc: từ phát hành hằng tuần, tới bán nguyệt san in 52 trang màu và xuất bản song song cùng bản điện tử. Nhân dịp này, xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng giám đốc Vũ Việt Trang về thông tin kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trong xu hướng chuyển đổi số.

Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cùng tập thể Ban biên tập tin Kinh tế

Ấn phẩm Kinh tế Việt Nam và Thế giới của Ban biên tập tin Kinh tế ra đời vào thời điểm đón luồng gió mới của công cuộc đổi mới. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát huy nội lực, tranh thủ nguồn ngoại lực, tạo dựng sức mạnh tổng thể của nền kinh tế quốc gia. Góp sức trên hành trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, những thông tin chuyên biệt về kinh tế của TTXVN đã trở thành kênh truyền thông hữu hiệu, truyền tải đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước để người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu, đồng thuận, thực thi; đồng thời là kênh phản biện kịp thời để chính sách xuất phát từ cuộc sống, phục vụ lợi ích của người dân.
 
Trong chặng đường đồng hành đó, ấn phẩm Kinh tế Việt Nam và Thế giới đã thực hiện nhiều chuyên đề, các tuyến tin, bài tổng hợp, chuyên sâu về kinh tế trong và ngoài nước, đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong dòng chảy thông tin chung của TTXVN. Nhiều chuyên đề như: 30 năm thu hút FDI, Vượt sóng ra biển khơi; Định hướng mới cho thu hút FDI; Đổi mới tư duy điều hành - Động lực mới cho phát triển kinh tế; Chìa khóa thúc đẩy phát triển kinh tế số; Doanh nghiệp và các FTA-Thu hẹp khó khăn, mở rộng lợi ích; Nâng cao kỷ luật tài khóa: Xóa bỏ những rủi ro tiềm ẩn; Tích tụ ruộng đất: Đi tìm phương thức ưu việt; Tương lai kỹ thuật số hậu đại dịch; Tái cơ cấu kinh tế: Biến “nguy” thành “cơ”… đã có tác dụng định hướng thông tin cho các cơ quan truyền thông; nhiều loạt bài chuyên sâu đã giành được Giải báo chí quốc gia, được các cơ quan chức năng, các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao và sử dụng làm nguồn tư liệu tham khảo trong quá trình hoạch định và xây dựng chính sách. Đặc biệt mới đây, loạt bài Phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội: Vững tin đường phía trước đã được chọn in trong cuốn sách: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
 
Trong bối cảnh truyền thông số phát triển mạnh mẽ, TTXVN đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm báo chí số, sáng tạo để thích ứng với nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng, góp phần khẳng định vị thế chủ lực trên mọi trận tuyến thông tin. TTXVN đã phát triển đầy đủ các loại hình thông tin trên nền tảng kỹ thuật hiện đại. Hệ thống xử lý thông tin của TTXVN từ chỗ tạo ra từng “modul” cho mỗi loại hình báo chí đã chuyển sang mô hình đa phương tiện, đa nền tảng, tăng cường kết nối giữa các sản phẩm thông tin. Trong hệ sinh thái số đó, thông tin kinh tế cũng như các lĩnh vực thông tin khác của TTXVN có độ phủ sóng rộng hơn, sinh động hơn, nâng cao hiệu quả truyền thông. Ban biên tập tin Kinh tế của TTXVN đã chuyển đổi sản phẩm chuyên đề Kinh tế Việt Nam và Thế giới sang loại hình tọa đàm truyền hình, phát hằng tuần trên chuyên mục Tiêu điểm Kinh tế của kênh truyền hình Thông tấn (VNews). Từ năm 2015, bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam và Thế giới cũng được đưa lên trang thông tin điện tử Bnews.vn dưới dạng tạp chí điện tử. Công chúng có thể tra cứu tùy chọn từng số bán nguyệt san, lật mở từng trang tạp chí thay vì chỉ đọc bản in như trước đây. Hiện bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam và Thế giới đang được duy trì song song dưới bản in và bản điện tử nhằm mục đích phủ sóng thông tin tới tất cả các đối tượng công chúng.
 
Phòng làm việc của Ban biên tập tin Kinh tế, tháng 10/2022

Để thực hiện tốt hơn nữa vai trò là kênh thông tin kinh tế chính thống, chuẩn xác, kịp thời, phục vụ hiệu quả quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam và Thế giới vẫn cần có nhiều hơn nữa các bài chuyên đề, chuyên sâu chất lượng cao, xây dựng thêm nhiều tuyến tin bài liên vùng; phối hợp với các CQTT ở trong nước và ngoài nước để tăng lượng thông tin tham chiếu. Hơn nữa, sản phẩm mang tính chuyên biệt này không chỉ dừng ở phản ánh hiện thực đời sống kinh tế - xã hội trong và ngoài nước mà cần vươn lên để trở thành một sản phẩm báo chí phục vụ công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách trong lĩnh vực kinh tế. Muốn như vậy, bên cạnh đội ngũ phóng viên kinh tế có trình độ, kỹ năng, Ban biên tập tin Kinh tế cũng cần tổ chức đội ngũ chuyên gia kinh tế, các nhà tư vấn cùng đồng hành với các tuyến tin bài kinh tế trọng điểm.
 
Xu hướng chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội để đổi mới, tạo không gian để sáng tạo nhưng cũng đặt ra không ít thách thức để thông tin về Kinh tế Việt Nam và Thế giới của TTXVN khẳng định được vị thế và sứ mệnh trong môi trường truyền thông công nghệ số sôi động hiện nay./.

Vũ Việt Trang - Tổng giám đốc TTXVN
Nội san Thông tấn số 10/2022

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nghị định 87/2022/NĐ-CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam (02/11/2022 16:32:32)

40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc: Nếu Việt Nam yêu cầu, cả triệu người Cuba sẽ bước lên (15/02/2019 15:17:50)

Gia đình nhỏ, gia đình lớn (29/10/2018 16:49:47)

VietnamPlus: 10 năm nỗ lực, 10 năm sáng tạo (29/10/2018 16:47:21)

Một số hình ảnh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với TTXVN (05/10/2018 18:05:35)

Đồng chí Đỗ Mười, Người chiến sĩ cách mạng, Người con của sông Hồng (05/10/2018 14:48:07)

Ấn tượng về sự dung dị, gần gũi của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười (04/10/2018 15:31:50)

Liên hoan truyền hình thông tấn lần thứ hai: Nhiều tác phẩm truyền hình ấn tượng (02/10/2018 16:34:20)

Kỷ niệm về vị Chủ tịch nước bình dị (02/10/2018 16:30:13)

Đợt thông tin về Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Khẳng định vai trò thông tin nguồn (02/10/2018 16:28:53)