Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Báo Tết - mệt mà vui


(17/01/2012 12:53:59)

Dân làm báo viết có một thói quen là tính thời gian bằng các số báo đặc biệt. Hằng năm, cứ vào những dịp lễ tết, các tòa soạn lại ra báo đặc biệt. Và cứ làm mấy số đặc biệt (1/5, 21/6, 2/9 ...) rồi đến báo Tết là cánh nhà báo biết một năm sắp qua. Thời điểm này chính là "mùa báo Tết", nhiều đơn vị thông tin trong ngành đang "căng mình" cho ấn phẩm hoành tráng nhất trong năm.

            Thể thao & Văn hóa: Lo báo Xuân từ mùa thu

            Sau số báo Xuân "tái xuất" đầu tiên vào tết Tân Mão 2011 (gọi là tái xuất vì trước đó, Thể thao&Văn hóa nghỉ, không tham gia làng báo tết cả chục năm), bán  rất chạy vì được nhiều bạn đọc hâm mộ, năm nay Thể thao&Văn hóa khởi động việc làm báo tết Nhâm Thìn 2012 khá sớm. Tổng biên tập Trương Lê Kim Hoa "bật mí" với PV Nội san là tòa soạn "rậm rạp" việc làm báo Tết từ cuối quý 3/2011, đến tháng 10 thì đã rốt ráo khởi động cả nội dung lẫn quảng cáo; nghĩa là vào lúc người Hà Nội còn đang yên hưởng tiết thu đẹp thì Thể thao &Văn hóa đã làm báo Xuân. Năm nay, nhóm làm báo tuần (do Trợ lý TBT Phạm Thị Thu Thủy, phụ trách phòng TT&VH Cuối tuần, chủ trì) lãnh trách nhiệm thực hiện số đặc biệt này.

            Khởi động sớm nên có thời gian làm báo kỹ lưỡng, trau chuốt, ấn phẩm của Thể thao&Văn hóa xứng với cái tên rất gợi là "Giai phẩm xuân 2012". Đấy là nói về hình thức, còn yếu tố nội dung? Với những cây bút "có số có má" của "nhà" như Trương Anh Ngọc, Phạm Thị Thu Thủy, Hữu Trịnh... và dàn cộng tác viên tên tuổi (Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quân, Phan Huyền Thư...), số báo này xứng là "hàng Việt Nam chất lượng cao". Bạn đọc sẽ tìm thấy ở đây những bài báo sâu sắc mà vẫn dí dỏm, hấp dẫn, bàn về thể thao, văn hóa (cả trong nước lẫn quốc tế) năm cũ Con Mèo 2011 và những nhận định cho tương lai 2012 - năm Con Rồng. Đặc biệt, trước thềm năm Rồng - con giáp duy nhất thuộc dạng "phi thực tế" - Thể thao & Văn hóa tổ chức một chuyên đề đầy đặn (đến hơn hai chục trang) về sự tưởng tượng. Trong phạm vi bài báo này, khó mà miêu tả để bạn đọc tưởng tượng được về sức hấp dẫn của chuyên đề độc đáo "Sự tưởng tượng" của Thể thao & Văn hóa. Muốn biết cụ thể thế nào, chỉ có cách... đọc "tận nơi tận chốn".

 

            Tin tức: Hối hả" chạy" báo Xuân

            Cũng như mọi năm, cận tết là tòa soạn lại hối hả cho 2 số báo đặc biệt mà người Tin Tức quen gọi tắt là "Tết dương" và  "Tết âm". Năm 2011 kinh tế khó khăn nên công tác quảng cáo (không riêng của Tin Tức) cũng "gập ghềnh". Nhưng theo Tổng biên tập Lê Duy Truyền, dù vậy, tòa soạn vẫn cố gắng để duy trì mức doanh thu từ quảng cáo bằng báo tết năm ngoái. Tất nhiên, để đạt mục tiêu đó, anh em trong tòa soạn phải nỗ lực gấp rưỡi, gấp đôi.

            Số Tết dương lịch của Tin Tức là báo gộp 2 số hàng ngày, ra ngày 30/12/2011. Khác với Thể thao&Văn hóa, Tin Tức - có vai trò kênh thông tin của Chính phủ nên đậm màu sắc chính luận, ba mươi hai trang "Tết dương" đầy ắp những nội dung thời sự về chính trị, kinh tế, xã hội: 10 sự kiện nổi bật trong nước, 10 sự kiện nổi bật quốc tế trong năm 2011, bài phỏng vấn Chủ tịch nước về tình hình năm 2011 và những định hướng phát triển 2012, rồi tái cơ cấu để nền kinh tế phát triển bền vững, lo nhà cho người nghèo đón tết, công tác dân tộc... Tuy vậy, báo vẫn "tươi" với những bài về "Người kéo cờ dưới chân núi Rồng - cột cờ Lũng Cú" , "Lễ hội Xuân của người Raglai ở Lâm Đồng" hoặc "Những nét đáng chú ý của làng giải trí thế giới năm 2011", "Phong tục đón năm mới nơi nơi"...

Nghề báo vẫn được biết là nghề vất vả. Nhưng phải qua đoạn trường làm báo tết mới biết thêm, biết hết về sự nặng nhọc của nghề báo. Năm hết tết đến, trong khi nhà nhà tính chuyện nghỉ ngơi, người người lo mua sắm, thì dân báo vẫn miệt mài làm việc, thậm chí làm việc căng thẳng, khẩn trương hơn cả ngày thường, bởi vừa làm số đặc biệt vừa lo ấn phẩm (hoặc chương trình) định kỳ, mà báo tết thì không thể không trau chuốt từng câu văn, từng hình ảnh, sao cho thật hay, thật đẹp. "Vừa xay lúa, vừa ẵm em", dân báo thường phải làm thêm giờ, thêm buổi để sản xuất báo tết.

Mệt thì mệt thật nhưng khi cầm ấn phẩm xuân dày dặn, đẹp đẽ trên tay hoặc thấy tác phẩm tết của mình được khán giả truyền hình chăm chú theo dõi, ai cũng vui, cũng thích. Báo xuân, chương trình tết là "món quà tinh thần" không thể thiếu mà những người làm báo tặng độc giả khi mùa xuân ùa về cùng năm mới, làm rạng rỡ đất trời và phấn khích lòng người.   

             Còn số "tết âm", dự kiến "ra lò" trước rằm tháng Chạp một ngày, nghĩa là vào  7/1/2012, là ấn phẩm tết chủ lực của Tin Tức. Trên sáu chục trang nội dung số báo này cho thấy, Tin Tức "chuyên thì rất chuyên" mà "hồng" vẫn đậm đà. Bên cạnh những bài chính luận về "quốc kế dân sinh": Sự điều hành của Chính phủ trong năm 2011, đột phá trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, chính sách tài chính - tiền tệ, an sinh xã hội... là những trang thơ, truyện ngắn, phóng sự ảnh đậm chất trữ tình. Bạn đọc cũng sẽ được thưởng thức những bài báo về chợ hoa Tết và thú chơi hoa lan của người Hà Nội, nét đẹp phiên chợ vùng cao, hoặc thả sức "nhấm nháp" món bánh trôi tàu thơm ngọt, ấm nóng ngày đông... Và dĩ nhiên, trong số báo Tết Rồng 2012 của Tin Tức không thể thiếu những bài báo về con rồng, trong đó bài báo về năm Nhâm Thìn dưới góc nhìn Kinh Dịch hẳn sẽ được nhiều độc giả đón đọc để rồi chiêm nghiệm trong năm.

 

            Và các báo tết" không có mùi mực in"

            Đấy là sản phẩm tết của báo điện tử Vietnamplus, của Truyền hình Thông tấn... Năm nay, kỳ nghỉ tết kéo dài đến 9 ngày. Không có khái niệm "nghỉ tết" nhưng tòa soạn Vietnamplus cũng có chương trình sản xuất 80 - 100 bài để lên mạng dịp tết. Còn ở "nhà đài" Vnews, Phó Giám đốc Vũ Duy Hưng chia sẻ với Nội san rằng, Truyền hình Thông tấn vốn mạnh về thông tin thời sự hàng ngày, nên việc làm chương trình cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài dằng dặc là một bài toán vì vấn đề nhân lực và rất ít sự kiện. Để giải bài toán này, Vnews tổ chức phỏng vấn lãnh đạo một số ngành về tình hình năm 2011 và phương hướng năm 2012, làm các chương trình nhìn lại về những vấn đề nổi bật trong năm, đồng thời "tung" phóng viên đi các tỉnh làm phóng sự. Và ít nội dung thời sự thì tất nhiên mảng chuyên đề phải "bao sân". Lãnh đạo Vnews cho biết, từ tháng 11/2011, Trung tâm đã khởi động việc làm chương trình tết. Đến cuối tháng 11, gần 20 PV của Phòng Thông tin chuyên đề đã đăng ký xong đề tài. Người ít thì 3 phóng sự 6 phút, người nhiều thì 5 phóng sự, có những người phải làm các chương trình dài 15 phút hay 25 phút.

            Tết này, khán giả sẽ được xem các chương trình đậm chất văn hóa của Vnews, từ tục thắp hương của người Việt, mâm cỗ Tết truyền thống của người Hà Nội, hình tượng Rồng trong văn hóa Việt, cho đến ngày lễ trọng của đồng bào Dao Tiền ở Sơn La, rồi đất võ Bình Định, 1000 pho tượng đất ở Hưng Yên, nghệ nhân chỉnh chiêng Tây Nguyên...

Hà Nguyễn
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2011+01/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trung tâm thông tin TTXVN ở địa phương: Tại sao không? (17/01/2012 12:20:18)

Nhiều việc cần làm ngay  (17/01/2012 12:14:48)

Báo Thể thao & Văn hóa: Phát động cuộc thi Biếm họa báo chí - Cúp Rồng Tre lần III (22/12/2011 11:21:02)

Thể loại ảnh báo chí (22/12/2011 10:11:22)

Thông tin đồ họa, sơ đồ, bản đồ và bảng biểu (22/12/2011 09:59:21)

Phỏng vấn (Tiếp theo và hết) (21/12/2011 11:08:09)

Niềm vui và thách thức (21/12/2011 10:23:47)

Phân xã vẫn còn "thiếu trước, hụt sau" (21/12/2011 10:15:35)

Trăn trở của "người trong cuộc" (21/12/2011 10:11:02)

Liên Chi Hội Nhà báo TTXVN: Hướng trọng tâm vào việc hỗ trợ hội viên trong hoạt động nghiệp vụ (22/11/2011 16:13:22)