Thứ năm, ngày 18/04/2024

Thông tấn xã trong tôi

Bắt đầu từ số này, Nội san Thông tấn lần lượt đăng tải các bài viết tham gia cuộc thi viết "Thông tấn xã trong tôi" của ngành


(04/12/2014 09:39:34)

Gặp nhân vật trong bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt"

Tác phẩm "Mẹ con ngày gặp mặt" của tác giả Lâm Hồng Long

 

 

Nói đến phóng viên ảnh thông tấn, không thể không nhắc đến Lâm Hồng Long, người đã sáng tác những tác phẩm có ảnh hưởng xã hội lớn lao, giá trị "vượt thời gian". Bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" ông chụp ngày 4/5/1975 tại thành phố Vũng Tàu, ghi lại khoảnh khắc trùng phùng của một cựu tù Côn Đảo với người mẹ bao năm xa cách, là một trong số đó. PV Nội san Thông tấn vừa có cuộc gặp gỡ đáng nhớ với nhân vật trong bức ảnh này.

Nổi tiếng nhờ ảnh

Chúng tôi đến gặp ông Lê Văn Thức, nhân vật trong bức "Mẹ con ngày gặp mặt" vào một buổi sáng giữa tháng 11, nắng nhẹ trải trên "xứ dừa" Bến Tre. Ông thân tình đón chúng tôi như đã quen nhau lâu lắm rồi, ân cần nói rằng: Chú đợi từng ngày, mong được trò chuyện với các cháu bên TTX.

 Trong căn nhà nhỏ, giản dị và ấm cúng, bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" được ông Thức để ở vị trí trang trọng trong tủ kính ở phòng khách, ngay dưới bàn thờ của người mẹ mà ông hằng yêu quý. Người phụ nữ Nam bộ gầy gò, khắc khổ ấy, đã khóc đến hết nước mắt khi đứa con trai duy nhất bị kết án tử hình vì tội "làm gián điệp cho Việt Cộng". Thế nhưng, với một niềm tin mãnh liệt vào sự sống của con. trong những năm tháng Lê Văn Thức bị lưu đày ra Côn Đảo, bà vẫn tìm mọi cách để thăm dò, hỏi han tình hình. Và khi nghe tin Đài phát thanh Giải phóng báo tin có đoàn tù binh từ Côn Đảo trở về, bà đã lặn lội từ Bến Tre ra Vũng Tàu để tìm con.

 

Ông Lê Văn Thức cùng cán bộ TTXVN ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt

Lê Văn Thức là một trong 36 tử tù, cùng với số tù nhân nữ, tù nhân bị tàn tật, được lên chuyến tàu đầu tiên vào đất liền sau khi đất nước được giải phóng. Ông nhớ lại: "Khoảng 6 giờ chiều ngày 3/5 chúng tôi xuống tàu, đến sáng sớm hôm sau thì tới đất liền. Anh em chúng tôi được đưa về Trung tâm huấn huyện cảnh sát Rạch Dừa, chờ liên lạc với gia đình.

Khoảng 9-10 giờ sáng ngày 4/5, có người gọi tôi ra gặp thân nhân. Vừa bước ra, tôi sững người, đôi mắt như nhòa đi khi nhìn thấy người đàn bà khắc khổ mặc bộ bà ba màu đen đang dáo dác kiếm tìm. Mẹ! Khi đó tôi chỉ biết lao đến, ôm chầm lấy bà. Sau bao năm cách biệt, tưởng không còn cơ hội gặp lại. Mẹ con mừng quá chỉ ôm nhau khóc".

Về bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt", ông Thức kể: "Thật tình lúc ấy, tôi có thấy người chụp hình nhưng không để ý lắm. Anh ấy cũng chụp cho nhiều người khác, chứ không riêng gì mẹ con tôi.

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bức ảnh này là trên một góc nhỏ của báo Nhân Dân, vào thời điểm nhiều năm sau đó. Đến khi tác giả Lâm Hồng Long gửi ảnh dự thi và đoạt giải quốc tế tại Madrid, Tây Ban Nha thì báo chí mới giới thiệu nhiều hơn về bức ảnh, tôi mới biết anh ấy là phóng viên của TTXVN".

Đến năm 1992, ông Lê Quang Vinh -cũng là cựu tù Côn Đảo- tổ chức đoàn đi thăm miền Bắc. Nhiều phóng viên biết nhân vật trong bức ảnh chính là Lê Văn Thức, họ phỏng vấn và viết nhiểu về ông. Đài truyền hình TPHCM (HTV) đã làm bộ phim tài liệu "chân dung người tử tù" của tác giả Nguyễn Hoàng.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng phóng viên VNTTX Lâm Hồng Long thuốc lá thơm 

Lận đận ngoài đời  

Trở lại câu chuyện tháng 4/1968, Thiếu úy Lê Văn Thức bị đưa ra tòa án binh lưu động của Bộ Tư lệnh vùng 4 chiến thuật và lãnh án tử hình vì tội hoạt động nội tuyến cho cộng sản, đến tháng 11/1968 bị đày ra Côn Đảo, giam trong khu dành riêng cho tử tù. Bảy năm trong ngục tù với bao trận đòn tra tấn và những ngày bị bỏ đói nhưng người chiến sĩ này có sức chịu đựng kỳ lạ. Đến bây giờ, dù đã 73 tuổi, nhưng ông vẫn có vóc dáng rắn chắc, nước da hồng hào, bước đi nhanh nhẹn. Ông nói, một thời gian dài, tử tù Côn Đảo khó có khả năng sống sót vì bị đánh đập, bỏ đói; ai sống được thì cũng tàn phế. Nhưng về sau, do áp lực quốc tế nên tình hình đỡ tệ hơn.

Thoát chết trở về quê nhà, ông lại gặp khó khăn trong công việc, vì phải đợi địa phương điều tra lí lịch, do tính chất công việc hoạt động "ngầm" của ông nên việc này diễn ra khá lâu. Ông Thức phải gửi đơn lên Tỉnh ủy Bến Tre và trải qua nhiều gian nan mới nhận được quyết định phục hồi sinh hoạt đảng.

Năm 1977, ông  được bố trí công tác ở Phòng Công thương nghiệp huyện Châu Thành. Sau đó, ông được bố trí nhiều công việc tại địa phương và đến năm 1991 thì xin nghỉ hưu. Công việc lận đận, nhưng có điều may mắn là trong những lúc khó khăn, người vợ- bà Lâm Thị Hồng Anh, luôn ở bên ông. Và rồi thời gian trôi đi, mọi khó khăn ông cũng đã vượt qua. Con người từng mang án tử ấy hiện đang sống giản dị ở ấp 5, xã Tân Thạch huyện Châu Thành (Bến Tre). Hàng ngày, ông bà vẫn chở nhau đi trồng rau, nuôi cá, sống an nhàn, đạm bạc. Hai đứa con, một trai, một gái, đã có gia đình và công việc ổn định, lâu lâu lại về thăm ông bà.

 

Nhà báo Lâm Hồng Long sinh năm 1926 tại xã Phước Lộc, thị trấn La Gi, huyện Hàm Tân, Bình Thuận; mất ngày 21/3/1997, thọ 72 tuổi.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và trở thành phóng viên ảnh thời sự của VNTTX. Năm 1975, ông tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, có mặt tại các mặt trận Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa và Sài Gòn.
Với bức "Mẹ con ngày gặp mặt", ông được trao bằng Tuyên dương danh dự (Mencin Honor) tại Đại hội lần thứ 21 Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) tại Tây Ban Nha năm 1991.
Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (1996) với hai bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt ""Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn". Ngoài ra, ông Lâm Hồng Long còn nhận được nhiều thưởng danh giá khác của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.

"Tôi luôn mong muốn được gặp tác giả Lâm Hồng Long, nhưng mãi cho đến năm 1994 anh Long cùng đoàn làm phim của đài truyền hình về Bến Tre tìm gặp, tôi mới thỏa nguyện".

Con người có bản lĩnh của một nhà tình báo bỗng trở nên mềm yếu khi nghĩ về nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long: "Năm 1996, tôi lên thăm anh Lâm Hồng Long ở bệnh viện Thống Nhất. Bức ảnh của mẹ con tôi, anh Long vẫn treo ở cửa sổ phòng bệnh. Gặp tôi, anh ấy chỉ vào bức ảnh và cố gắng nói thều thào: ‘Đây là bức có ý nghĩa nhất, có giá nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi’. Ba ngày sau thì tôi được tin anh ấy mất!".

"Lâu lắm rồi mới có người của TTX gọi điện tới, có lẽ từ ngày anh Lâm Hồng Long mất". Nói với chúng tôi, đôi mắt ông Thức rưng rưng. Đối với ông, nhờ cơ duyên đặc biệt với nhà báo Lâm Hồng Long mà TTXVN trở nên gần gũi lạ kỳ, cho dù ông chưa một lần đặt chân đến cơ quan thông tấn. Ông bảo, bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" là báu vật ông sẽ mang theo suốt cuộc đời.

Theo Nội san Thông tấn, số 11/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG: