Thứ năm, ngày 25/04/2024

Chân dung nhà báo

Bùi Đình Túy, một nhà báo trung kiên


(05/09/2014 14:30:28)

Trong Phòng Truyền thống TTXVN có một hiện vật đặc biệt- một chiếc máy ảnh Leica bọc da nâu, tuy cũ kỹ nhưng vẫn còn khá tốt. Chủ nhân của chiếc máy ảnh này là người mà cách đây gần 30 năm, tên ông đã được đặt cho một con đường ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là nhà báo liệt sĩ Bùi Đình Túy (tức Đinh Thúy, ảnh), nguyên Phó giám đốc TTXGP

Bằng chiếc máy ảnh này nhà báo Bùi Đình Túy đã sáng tác những tác phẩm sống mãi với thời gian

Một đời cống hiến cho cách mạng

Bùi Đình Túy là một người con của mảnh đất "cát trắng" Quảng Bình. Sinh năm 1914, ông dấn thân đi làm cách mạng khi mới 22 tuổi. Sau đó, ông được cử vào Nam, là một trong những người tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn năm 1945. Trong ký ức ông Bùi Đình Toái, con trai ông, giờ đây vẫn còn ghi dấu ngày chia xa năm ấy. Ông Toái kể với PV Nội san Thông tấn: Năm tôi ba tuổi, cha tôi đã lên đường, xa nhà đi làm cách mạng. Tôi cứ khóc, đi theo cha. Ông xuống xe đạp, cho tôi một quả trứng luộc, dỗ tôi nín rồi lại đạp xe đi...

Khi thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Nam bộ, Bùi Đình Túy tham gia kháng chiến ở Sài Gòn, phụ trách công tác nhiếp ảnh của Sở Thông tin Sài Gòn, làm phóng viên báo Cảm tử của Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Bút danh Đinh Thúy của ông ra đời trong thời gian này.

Năm 1954, ông có mặt trên chuyến tàu cuối cùng ra Bắc tập kết. Lúc mới ra Hà Nội, ông làm việc ở Phân xã Nhiếp ảnh trung ương (Bộ Văn hóa). Đến 1956, Phân xã Nhiếp ảnh trung ương nhập về VNTTX, tay máy Đinh Thúy gia nhập đội ngũ những người làm báo thông tấn. Năm 1957, ông được cử giữ chức Phó chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh trung ương (ông Hoàng Tư Trai giữ chức Chủ nhiệm Phân xã). Thời gian này, không chỉ làm tốt công tác phóng viên, ông còn góp phần to lớn trong việc đưa ảnh thời sự của VNTTX lên bước phát triển mới, xứng đáng là một trong những thể loại xung kích của công tác thông tin tuyên truyền.

Nhà báo Bùi Đình Túy

Như có duyên nợ với miền Nam thân yêu, năm 1965, Bùi Đình Túy lại Nam tiến. Ông được VNTTX cử vào Nam chiến đấu trên mặt trận chính trị tư tưởng, với cương vị Phó giám đốc Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, sức khỏe lại yếu, nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa là một nhà quản lý, tổ chức giỏi, vừa là một phóng viên chiến trường tài ba. Nhà báo Nguyễn Huy Hoàng, nguyên PV báo Tuần Tin Tức, đã kể về ông trong một bài viết: "Sau ba tháng vượt Trường Sơn gian khổ, anh mới tới được địa điểm công tác tại tỉnh Tây Ninh và lao ngay vào việc xây dựng đội ngũ nhiếp ảnh cho TTXGP. Một lần nữa anh lại cầm máy ảnh trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ vô vàn của chiến tranh. (...) anh lập ngay buồng tối, buồng tối trên mặt đất và dưới hầm sâu, buồng tối di động theo chiến dịch. Việc xây dựng cơ sở sản xuất ảnh ở cấp miền làm cho công tác tuyên truyền bằng ảnh nhanh hơn, chủ động hơn, đáp ứng nhu cầu phát ảnh vô tuyến ra Bắc nhanh chóng...".

Mạch cống hiến, sáng tạo của tay máy Đinh Thúy đang dồi dào thì bị chặn đứng một cách tàn bạo. Ngày 21/9/1967, trên đường trở về sau khi tác nghiệp tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 2, đoàn công tác của Bùi Đình Túy bị máy bay Mỹ tấn công. Ông trúng bom bi, hy sinh ngay tại chỗ.

"Ra đi" khi mới 53 tuổi nhưng nhà báo Bùi Đình Túy đã có hơn 30 năm cống hiến cho cách mạng. Ông đóng góp công sức cho cả hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc: Chống Pháp và chống Mỹ. Tưởng nhớ về cha, ông Bùi Đình Toái nghẹn ngào nhưng rất đỗi tự hào: Cuộc đời cha tôi là của cách mạng, của nhân dân.

Thác Bờ, một cảnh đẹp trên Sông Đà, tỉnh Hòa Bình - tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Đinh Thúy

Và một sự nghiệp nhiếp ảnh đáng tự hào

Những người từng quen biết nhà báo Bùi Đình Túy đều nói rằng, ông là con người đa tài. Những ngày chống Pháp ở Nam bộ, ông từng vẽ chân dung Hồ Chủ tịch rất đạt. Bức vẽ đó đã được phân phát rộng rãi cho các cơ sở cách mạng, như một tài liệu tuyên truyền sinh động và hữu ích. Nhưng nhiếp ảnh mới là sự nghiệp của ông, là lĩnh vực ông để lại những dấu ấn cá nhân sâu đậm.

Thời làm PV báo Cảm tử, ông đã có những tác phẩm ảnh có giá trị lịch sử, như ảnh Quân ta đánh chiếm một xe bọc thép của Pháp trong chiến dịch Sài Gòn (năm 1950), ảnh Máy bay Pháp bị lực lượng kháng chiến bắn rơi ngay trên đường phố Sài Gòn (tháng 3 năm 1950)...

Trong những năm công tác ở miền Bắc, đứng trong đội ngũ của VNTTX, tác phẩm ảnh của Bùi Đình Túy thuộc nhiều lĩnh vực: ảnh thời sự chính trị- ngoại giao, ảnh nghệ thuật đời sống (cho đến nay, tác phẩm chụp Thác Bờ, Hòa Bình của ông vẫn là một trong những bức ảnh đẹp nhất về thắng cảnh này). Tuy trải nghiệm trong nhiều lĩnh vực, nhưng có thể nói, Bùi Đình Túy nổi tiếng nhất với những bức ảnh chụp lãnh tụ. Ông là người đầu tiên có vinh dự chụp ảnh màu về Bác Hồ. "Bác Hồ gắn huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn năm 1958", "Bác Hồ trên lễ đài Quảng trường Ba Đình ngày Quốc khánh 2- 9- 1959", là những bức ảnh nổi tiếng.

Sau khi lại "Nam tiến" năm 1965, với chiếc máy Leica của CHDC Đức, ông đã có những bức ảnh "sống mãi với thời gian": Xe thồ chuyển lương thực, vũ khí; Bữa cơm trên đường hành quân; Lớp học văn hóa ở chiến khu; Gặt lúa trong vùng giải phóng...

Nhà báo Vũ Hiền Lương (tức Trần Đương) lưu giữ mãi hình ảnh đẹp về người đàn anh Đinh Thúy: "Ấn tượng sâu sắc mà anh Đinh Thúy để lại trong lòng chúng tôi là hình ảnh một con người to lớn, hiền lành, yêu quý các bạn trẻ như chính con em mình. Anh ít nói, đặc biệt ít nói về chính bản thân mình" (trích trong cuốn "Chân dung nhà báo liệt sĩ", Hội Nhà báo Việt Nam, 1996).

Tới nay, đã 47 năm trôi qua kể từ khi nhà báo, nhà nhiếp ảnh Đinh Thúy hy sinh, có một điều vẫn làm gia đình, đồng nghiệp của ông day dứt mãi, ấy là hài cốt người chiến sĩ làm báo vẫn chưa tìm được. Vào cái ngày đau thương 21/9/ 1967 ấy, đồng đội, đồng nghiệp đã chôn cất ông (và một nhà báo khác của TTXGP cũng hy sinh trong trận bom bi này- liệt sĩ Nguyễn Đình Cước) trong một cánh rừng vùng biên giới Tây Nam. Nhưng rồi, trong điều kiện thiên nhiên hoang dã, chiến trường lại khắc nghiệt, ngôi mộ đã hoàn toàn mất dấu. TTXVN và con cháu ông đã nhiều lần tìm kiếm nhưng không có kết quả. Hiện, có hai ngôi mộ gió ở Nghĩa trang liệt sĩ TP. Hồ Chí Minh và tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch, Quảng Bình)- quê hương Bùi Đình Túy, để tưởng nhớ ông.

Nhà báo liệt sĩ Bùi Đình Túy đã vĩnh viễn hóa thân vào mảnh đất phương Nam, nhưng những đóng góp to lớn của ông với sự nghiệp báo chí cách mạng nước nhà, với TTXVN mãi mãi còn khắc ghi trong tâm trí của bạn bè, đồng nghiệp và nhân dân cả nước. Sau ngày đất nước thống nhất, ông là nhà báo cách mạng đầu tiên được vinh danh bằng cách đặt tên đường phố. Hiện một con đường và cây cầu ở phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM mang tên Bùi Đình Túy. 

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vĩnh biệt nhà báo Nguyễn Đức Giáp! (01/07/2014 10:24:34)

Vũ Tín - nhà báo của nông nghiệp, nông thôn (30/05/2014 15:51:32)

Nhà báo - chiến sĩ Đào Tùng, như tôi được biết  (10/02/2014 16:18:15)

Nhà báo Đào Tùng - Cả cuộc đời cho báo chí và sự nghiệp Thông tấn (05/11/2013 09:56:21)

Nhớ nhà báo Trần Thanh Xuân (08/07/2013 10:17:24)

Một nén hương cho người đã hy sinh (05/04/2013 11:20:06)

Người con anh dũng đất Thành đồng (03/01/2013 15:27:41)

Nguý»…n Đức Nhân - Người con anh dÅ©ng Xứ Dừa  (01/11/2012 16:41:57)

Cựu PV chiến trường TTXVN Chu Chí Thành giành Giải thưởng Nhà nước : Lột tả chiều sâu giá trị của hòa bình và chiến thắng  (29/06/2012 10:05:43)

NICK ÚT: Ảnh báo chí không chấp nhận kỹ xảo (02/05/2012 17:56:11)